Kỹ năng tư vấn hướng nghiệp
09/11/2013
Hãy là chính mình
25/11/2013
Kỹ năng tư vấn hướng nghiệp
09/11/2013
Hãy là chính mình
25/11/2013

Trong quá trình nuôi dạy con, phụ huynh sẽ có muôn vàn vấn đề, thắc mắc xung quanh sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số vấn đề tiều biểu trong lứa tuổi từ 1 – 2 tuổi :

1.Tất cả trẻ em đều phát triển như nhau, quá trình này rất suôn sẻ và sẽ tiếp tục trong tương lai?

Trả lời: Chẳng có đứa trẻ nào phát triển giống đứa nào cả. Con bạn có thể phát triển nhanh hay chậm hơn các trẻ cùng tuổi, vượt trội ở khâu này nhưng tụt lại sau ở khâu khác. Các bác sĩ cho giới hạn là 9 tháng cho những mốc phát triển quan trọng của bé. Ví dụ: Một số trẻ biết đi khi được 10 tháng tuổi, trong khi các bé khác phải đợi đến 19 tháng tuổi. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng đều không cần lo lắng. Một số bé còn bỏ qua một số giai đoạn (không lật, không bò chẳng hạn…)và đây là yếu tố cần lưu ý nếu nó kèm theo một sự chậm phát triển khác như chậm nói. Có trường hợp còn thụt lùi tạm thời trước khi tiếp tục phát triển: Một đứa trẻ ngủ được suốt đêm có thể bắt đầu lại thức dậy nửa đêm khi cháu biết nói.

2.Nên làm gì để thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ?

Trả lời : Cho cháu nghe, sờ, ngửi… để có kinh nghiệm về mọi giác quan của cháu. Theo các nhà nghiên cứu, cho trẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến mọi giác quan của cháu như sờ, mó, nếm, ngửi, nghe và nhìn là điều tốt nhất bạn nên làm để thúc đẩy sự phát triển trí não của trẻ ngay trong giai đoạn khi trẻ được 10 tháng tuổi trở lên.

Cụ thể: Nên trò chuyện với con bạn, đọc sách cho cháu nghe, cùng chơi với cháu, để cháu sờ vào đồ vật mới, đưa cháu đến một nơi an toàn mà ở đó cháu có thể tự do tìm hiểu mọi thứ. Bạn đừng quên tỏ ra thương yêu con bằng cách ôm ấp, âu yếm và đáp lại những cử chỉ của bé. Ảnh hưởng và sự quan tâm của bạn sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và yên tâm, vì thế bé sẽ tiếp tục con đường phát triển độc lập.

3.Sự phát triển thể chất thường xảy ra ở bộ phận nào trước?

Trả lời: Từ đầu đến ngón chân. Nói chung, ban đầu trẻ em điều khiển được đầu và cổ (khoảng 2 tháng tuổi), sau đó là cánh tay và bàn tay (biết cầm nắm bắt đầu khoảng 3 tháng) rồi đến phần thân (đa số các bé ngồi vững khi được 8 tháng tuổi) và cuối cùng là điều khiển được cẳng chân và bàn chân (hầu hết trẻ đi được ở 14 đến 15 tháng tuổi)

4. Khi con bạn thất vọng vì không thể làm được điều gì, như cần một món đồ chơi hay tự ăn một mình, tốt nhất bạn nên...

Trả lời: Để cháu tự tìm cách xoay xở lấy. Mọi bước phát triển đòi hỏi phải cố gắng. Bạn cứ để cho bé cầm một nắm đầy khoai tây hay bánh kem và bỏ hết vào miệng, tất nhiên mặt bé sẽ tèm lem. Nhưng cứ để bé tự xoay sở lấy. Đây là một bước quan trọng để bé có tính tự lập. Nếu bé quá thất vọng, bạn có thể động viên bằng cách làm mẫu cho bé (như lấy muỗng múc bánh kem rồi mới đưa lên miệng). Hãy để bé cố gắng cho đến khi làm được. Điều tốt nhất bạn cần làm khi bé cảm thấy thất vọng là tuyên dương những cố gắng của bé để nó tiếp tục, cho đến khi làm được hay không còn hứng nữa và chuyển sang làm thứ khác.

5. Giác quan nào được phát triển hoàn chỉnh ở trẻ trước tiên?

Trả lời: Thính giác. Trẻ sơ sinh bắt đầu rèn luyện giác quan này từ trong bụng mẹ, đặc biệt là vào 3 tháng cuối thời kỳ mang thai, các nghiên cứu cho thấy khi đó trẻ có thể nghe nhịp tim đập của mẹ và đón nhận các âm thanh từ bên ngoài như giọng nói và tiếng nhạc. Khả năng nghe sẽ hoàn thiện vào cuối tháng đầu tiên trong cuộc đời, mặc dù chúng sẽ mất một thời gian lâu hơn để thật sự hiểu là mình đang nghe gì. Bạn nên tìm hiểu nhiều hơn về khả năng nghe và nhìn của trẻ và tìm cách phát triển chúng bằng những món đồ chơi thích hợp.

6. Trẻ em di chuyển lung tung và vùng vẫy rất nhiều bởi vì…

Trả lời: Chúng đang thăm dò mọi thứ xung quanh. Các em bé thường di chuyển lung tung bởi vì chúng đang tìm hiểu thế giới xung quanh và đặc biệt là nơi chúng đang nằm. Mọi cái đá, nắm, đập và vẫy sẽ cho chúng nhiều thông tin về môi trường xung quanh và thân thể chúng. Những gì chúng cảm thấy sẽ gửi tín hiệu trở lại não của trẻ để giải thích cho chúng hiểu và dùng các kiến thức này bổ sung cho sự phát triển sau này. Tuy nhiên, hãy lưu ý đến tính hiếu động khó kiểm soát ở những bé trên hai tuổi.

7. Cho bé ở trần truồng trong một lát là rất quan trọng bởi vì…

Trả lời: Thời gian bé ở trần truồng là thời gian bé thích thú nhất. Sau khi tắm hay thay tã, cho bé chơi trên một cái mền hay khăn tắm thật mềm sẽ tạo điều kiện cho bé duỗi người ra mà không bị hạn chế cử động bởi quần áo. Đó cũng là một phương pháp tốt thúc đẩy cảm xúc của bé. Cảm giác về những sợi dệt lan trên lưng và chân bé, sự vuốt ve ấm áp của bàn tay bạn khi bạn ôm bé. Và bất kỳ bác sĩ nào cũng sẽ khuyên bạn rằng một ít phút mỗi ngày không mặc tã cho bé là một cách tốt để ngăn chặn bệnh phát ban do tã lót gây ra (nóng và ẩm bên trong tã dẫn đến việc da bị tổn thương). Phần mông bé thoáng mát sẽ giúp da bé mau khô và thoải mái.

8. Khi nào trẻ bắt đầu học nói?

Trả lời: Ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy bé đã bắt đầu học mẫu câu, vần và âm từ rất lâu trước khi trẻ có thể phát âm một từ nào đó. Khi còn nằm trong tử cung, trẻ đã có thể nghe thấy những gì bạn nói và đã có thể tiếp thu theo cách gieo nhịp gieo vần của bạn. Thời gian đầu sau khi sinh, trẻ vẫn tiếp tục học bằng cách lắng nghe người khác nói chuyện với mình và trẻ cũng đã tự mình bập bẹ phát âm. Vì vậy, điều quan trọng là hãy cố gắng trò chuyện với bé khi cho bé ăn và không nên cho trẻ xem TV trong giờ ăn.

9. Một đứa bé 2 tuổi biết trung bình bao nhiêu từ?

Trả lời: 150 từ. Các nghiên cứu về ngôn ngữ của trẻ cho thấy hầu hết các trẻ em lên 2 biết được khoảng 150 từ khi chúng được 2 tuổi và có thể kết hợp các từ đó thành câu ngắn. Các chuyên gia tin rằng trong thời gian này, trẻ em học khoảng 10 từ hoặc hơn mỗi ngày. Và khi được 6 tuổi, hầu hết trẻ đã có khoảng 13.000 từ. Các em bé được bố mẹ dành nhiều thời giờ trò chuyện với chúng sẽ có lượng từ vựng nhiều hơn những em bé không được khuyến khích nói nhiều.

10. Ở tuổi nào bạn nên cho trẻ ăn thức ăn đặc?

Trả lời: 6 tháng. Trong khi các bậc cha mẹ thường nghĩ bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc khi chúng được 4 tháng tuổi là được thì các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em khuyên rằng, nên đợi đến khi bé được 6 tháng tuổi. Tại sao vậy? Sữa mẹ là thứ bé dễ tiêu hóa nhất, cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Nhưng bạn lưu ý là không nên kéo dài thời gian bú mẹ khi bé đã trên 1 tuổi.

11. Ở tuổi nào hầu hết trẻ em bắt đầu tập đi?

Trả lời: 14 đến 15 tháng. Hầu hết các em bé tập đi khi được 14 đến 15 tháng tuổi, nhưng phạm vi thông thường khá rộng. Một số trẻ cất bước chân đầu tiên khi được 9 tháng tuổi, trong khi các bé khác phải đến 17, 18 tháng tuổi. Các bác sĩ đều khuyên bạn không nên lo lắng nếu đến 18 tháng tuổi trẻ mới đi được.

Khi trẻ bắt đầu đi ngoài trời. Các chuyên gia nói rằng bạn đừng nên bắt trẻ mang giày cho đến khi bé đi dạo loanh quanh ngoài trời hay khi phải đi trên những bề mặt gồ ghề khác. Đi chân đất thường xuyên giúp trẻ giữ thăng bằng nhanh hơn.

12. Khi nào trẻ chơi với các trẻ em khác một cách hòa đồng lần đầu tiên trong đời?

Trả lời: Khoảng 2 tuổi. Trong vài tháng đầu đời, chúng không thật sự chơi cùng với những trẻ khác trong một phong cách hòa đồng mà cả hai bên cùng làm để cùng đạt đến một mục đích, cho đến khi chúng được 2 tuổi. Việc trẻ chơi chung không xảy ra sớm hơn vì trước đó trẻ em cần phải phát triển ngôn ngữ và một số kỹ năng giao tiếp. Trẻ em cũng cần vượt qua giai đoạn chỉ biết đến mình thôi, giai đoạn mà chúng bận rộn với việc tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh, không có khả năng quan tâm đến những điều thú vị ở những bạn khác hay khả năng tự thay đổi.

HÃY KHÍCH LỆ VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TRẺ PHÁT TRIỂN HƠN LÀ THÚC ÉP.

CvTl LÊ KHANH (ST)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý