Gia đình Việt Nam và vài vấn đề cần báo động
19/02/2014Những nghiên cứu mới nhất cho trẻ Tự Kỷ
22/02/2014Tự tin là tính cách vốn có của trẻ, thế nhưng việc giáo dục và ứng xử của cha mẹ trong gia đình với đứa trẻ có thể làm giảm đi hay gia tăng tính này. Dưới đây là một số nguyên tắc mà cha mẹ cần lưu ý.
Không kể tội con trước mặt bạn bè
Một trong những điều làm trẻ tổn thương nghiêm trọng nhất chính là việc bị bố mẹ hạ nhục trước mặt bạn bè. Điều này cũng tương tự việc chúng ta bị sếp lôi ra phê bình trong một buổi họp, nhưng mức độ tác động thì có thể nghiêm trọng hơn nhiều, bởi khi bị phê bình trước các đồng nghiệp, chúng ta có thể nhận ra sai lầm và chấp nhận, coi như một hình thức kỷ luật, mặc dù một người sếp giỏi sẽ không bao giờ làm thế. Nhưng trẻ thì không thể nào xem việc bố mẹ chửi bới hay tát tai trước mặt bạn bè là điều có thể chấp nhận.
Chúng ta sẽ cho rằng, tại sao thầy cô của trẻ có thể đánh, phạt chúng trên lớp, cũng trước mặt bạn bè còn bố mẹ thì không? Hai điều này giống nhau về hình thức nhưng lại khác nhau hoàn toàn về bản chất. Khi trẻ phạm lỗi tại lớp học, các bạn chúng đều biết, và học sinh nào khi phạm lỗi cũng đều bị kỷ luật như nhau. Dĩ nhiên, chúng ta không chấp nhận tình trạng như giáo viên đối xử bất công, có hành vi nhục mạ, hay hành hạ trẻ thái quá, xâm phạm đến nhân cách và sức khỏe của trẻ. Nhưng kể tội, mắng chửi con trước mặt bạn bè thì lại là chuyện khác. Bạn bè không biết được trẻ đã làm gì để bị như vậy, để rồi sẽ tò mò, tìm hiểu hay có thể phê phán và đặc biệt là coi thường trẻ. Điều này lại càng làm cho trẻ khó chịu hơn, và cảm thấy “mất uy tín” trước các bạn.
Tùy theo tính cách của trẻ mà sẽ có những phản ứng khác nhau. Trừ những trẻ có cá tính nóng nảy sẽ phản ứng bùng nổ ngay, phần lớn trẻ sẽ tỏ vẻ cam chịu, nhưng điều đó đôi khi còn có tác hại nghiêm trọng hơn vì đó là những đợt sóng ngầm, hủy hoại nhân cách trẻ một cách chậm chạp nhưng nặng nề. Trẻ sẽ trở nên xa cách với bố mẹ, có hình ảnh xấu về những người mà chúng xem như thần tượng. Điều nguy hiểm nhất là trẻ sẽ mất sự tự tin vào bản thân và không còn biết tôn trọng những giá trị của chính mình.
Có nhiều bậc cha mẹ cho rằng khi nói về những điều tệ hại của con trước mặt bạn bè sẽ làm cho chúng cảm thấy xấu hổ mà chừa. Đó là điều hết sức sai lầm. Xấu hổ có thể có nhưng chừa bỏ thì chưa chắc, thậm chí chúng còn tìm cách che đậy và biện minh những lỗi lầm, thiếu sót của mình một cách tinh vi hơn. Hoặc trẻ lại cho rằng “đến nước này thì chẳng còn gì để mất nữa” và coi những điều mà bố mẹ chê trách là những điều chúng sẽ thực hiện nhiều hơn.
Nên tiếp đón con bạn một cách nhiệt tình
Nếu việc chê trách, phê bình hay trừng phạt con trước mặt bạn bè gây mất tự tin và làm trẻ khó chịu chừng nào thì việc đón tiếp bạn bè của con tại gia đình một cách nhiệt tình lại làm cho trẻ vui vẻ, thoải mái và tạo cho chúng niềm tự hào chừng nấy. Nhiều người cho rằng, nếu ta đón tiếp bạn bè của con mình một cách vui vẻ, nhiệt tình sẽ khiến bọn trẻ coi thường, chúng sẽ lạm dụng để nghịch ngợm, leo trèo hay có thái độ tự nhiên như ở nhà mình. Ngược lại, điều đó sẽ khiến các em tôn trọng bạn nhiều hơn và có thái độ, ý thức hơn trong các hành vi tại nhà bạn.
Việc đón tiếp cũng không nhất thiết phải quá vồ vập hay ra vẻ lịch sự bề ngoài, vì điều này lũ trẻ sẽ nhận ra ngay, chỉ cần vui vẻ một cách tự nhiên là đủ. Chúng ta cũng nên để cho trẻ được tự nhiên bằng cách đi qua phòng khác hay làm các công việc trong gia đình bình thường chứ không nhất thiết phải ngồi đó để trò chuyện hay ngồi đọc báo, xem TV gần đấy như một cách “giám sát ngầm”.
Trong trường hợp con bạn còn nhỏ, việc tổ chức các buổi họp mặt vui hay mừng sinh nhật tại gia đình với sự hiện diện của bạn bè của bé là một điều rất hữu ích giúp bé tự tin, tuy có thể gây ra một số phiền toái cho những phụ huynh thích sự sạch sẽ, trật tự trong nhà mình. Bạn có thể nói với các bạn của con mình một cách vui vẻ là: “Nào, sau khi vui chơi, các cháu sẽ giúp bác trả về vị trí những món đồ trong phòng này chứ nhỉ?”. Sau đó chúng ta sẽ cùng bọn trẻ sắp xếp dọn dẹp lại căn phòng, chứ không phải ngồi đó chỉ tay năm ngón, bắt các em phải cất những gì chúng lôi ra để ngồi hay sử dụng.
Nếu điều kiện cho phép, chúng ta nên tổ chức việc học nhóm cho trẻ bằng cách mời một vài người bạn của trẻ đến cùng học chung với con dưới hình thức tự học hoặc với một giáo viên dạy kèm. Điều này sẽ giúp trẻ quan tâm đến việc học và nâng cao lòng tự hào của trẻ về bố mẹ mình.
Tuy không tham gia, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng nên trao đổi, hỏi han với bạn của trẻ, điều này ngoài việc tạo được mối quan hệ tốt còn giúp ta nhận ra những vấn đề mà các em đang quan tâm, có thể đó là những điều không tốt lắm, để từ đó có những uốn nắn kịp thời.
Tán dương ưu điểm, chấp nhận khiếm khuyết của con
Con người ai cũng thích được khen, nhưng thật lạ là ai cũng rất thích chê người khác. Người ta nói, nhìn thấy khuyết điểm của kẻ khác thì dễ dàng hơn rất nhiều đánh giá ưu điểm của họ. Cũng thế, nhiều bố mẹ dễ dàng nhận ra những hạn chế của con, con trai thì hậu đậu, vô tâm, lười học, hay lý sự cùn với bố mẹ, còn con gái thì điệu đàng, bỏ hàng đống tiền ra mua sắm những “hàng hiệu” mà lắm khi chỉ dùng qua vài lần rồi xếp xó…
Thế nhưng khi hỏi về những ưu điểm của trẻ thì không ít phụ huynh ngẩn ra, suy nghĩ mãi mà không biết. Cháu có thể không khéo tay, hay làm đổ vỡ đồ vì bước vào cái tuổi “bỗng dưng… mà họ lớn” chân tay phát triển nhanh khiến cho hệ thần kinh chạy theo không kịp, nên tỏ ra vụng về, lúng túng. Thế nhưng, bố mẹ sai gì con cũng lúi húi làm. Tuy con hay cãi, nhưng nếu nói đúng thì cũng biết nghe… Cô tiểu thư ở nhà tuy điệu đàng, nhưng cũng chịu khó học, biết xuống bếp phụ mẹ nấu cơm, biết chỉ bài học cho em trai. Vì thế, một nguyên tắc giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân là biết khích lệ, tán dương các ưu điểm của con và chấp nhận những hạn chế mà hầu như trẻ nào cũng có.
Chúng ta không thổi phồng, không quá “đánh bóng” những ưu điểm của trẻ, đại loại như “thằng bé nhà tôi năm nào cũng là học sinh xuất sắc, nó lại còn rất giỏi về công nghệ thông tin nữa”, mà thực chất thì trong lĩnh vực giáo dục hiện nay, các em học sinh yếu kém mới là “mặt hàng quý hiếm”, còn giỏi công nghệ thông tin thực ra thì chỉ vào mạng chat hay tải phim và game.
Ngược lại, khi chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của trẻ, gây ra cho con những mặc cảm, những so sánh mang tính thua thiệt với bạn bè, và điều này không có lợi cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Điều tệ hại hơn nữa, thay vì giúp trẻ biết cách nâng cao và phát huy những giá trị tích cực của mình với những câu góp ý đại loại như:
“Bố/mẹ biết là con đã cố gắng nhiều, đã đạt được những thành tích tốt, điều đó là hết sức đáng khen. Bố mẹ tin tưởng là tuy còn có một vài hạn chế, nhưng con sẽ có thể khắc phục được điều đó nếu con muốn”, hay:
“Con đã có nhiều cố gắng trong việc học, nếu như con cũng có được những điều đó trong việc giúp bố mẹ tại gia đình thì thật là tuyệt, phải không?”.
thì chúng ta phê phán con với những câu đại loại như:
“Bố/mẹ rất thất vọng về con, bao nhiêu đầu tư vào việc học mà vẫn để thua sút bạn bè, đã thế lại còn hậu đậu nữa, đụng đâu đổ đó, không biết sau này con xoay sở ra sao đây”, hay:
“Con tuy có cố gắng, nhưng còn rất thua nhiều đứa bạn trong lớp, trong khi những đứa đó đâu có được điều kiện như con, cứ như thế này thì chỉ có thế làm ‘trâu chậm uống nước đục’ thôi con ạ”. Cũng là một câu nói, tại sao lại không dùng những câu có giá trị tích cực?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Giám đốc Chuyên Môn
Trung tâm TVTL- ĐTKN Rồng Việt Vũng Tàu