Danh mục: Tâm lý trẻ em

  • VÙNG TRỜI MƠ ƯỚC CỦA CON .

    VÙNG TRỜI MƠ ƯỚC CỦA CON .

    Trong tâm lý, ai cũng biết cảm xúc là gì ( không biết hỏi thầy Google ) , và hầu hết các biện pháp tư vấn hay trị liệu Tâm lý đều dựa vào yếu tố cảm xúc để tác động, nói cách khác là tìm cách chuyển hóa những cảm xúc xấu ( âm tính /tiêu cực) thành những cảm xúc tốt ( dương tính/tích cực..) . Trong giáo dục cũng thế, việc xây dựng cho trẻ sự tự tin, nắm bắt được nhiều kỹ năng sống và có khả năng thích nghi tốt với môi trường đó là mục tiêu của một nền Giáo dục Nhân bản, thông qua  những biện pháp tác động dựa trên các giá trị sống với các kỹ thuật hay phương pháp khác nhau.

    Cảm xúc đúng là có một vai trò quan trọng trong cuộc sống, vì thế người ta đã đề cao trí thông minh cảm xúc ( EQ ) hơn cả trí thông minh kiến thức ( IQ ).  Với những ai quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đặc biệt  đều hiểu rằng việc phát triển những giá trị  cảm xúc cho trẻ đặc biệt là điều cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, đối với một số  kỹ thuật can thiệp ( gọi là phương pháp hay chiến lược ) thì người ta lại chú ý đến các biện pháp áp dụng theo những trình tự, khuôn khổ nhất định . Với quan điểm duy lý thì họ cho rằng, Kỹ thuật là quan trọng, đã áp dụng ABA là phải “chính hiệu” ABA, đã dùng RDI thì phải được đào tạo bài bản, có bằng cấp về RDI ! Điều này về phương diện học thuật là hoàn toàn đúng. Học phải ra học chứ không nói chơi được ! Thế nhưng, về hiệu quả tác động thì lại khác, vẩn phải tạo ra những cảm xúc tích cực trong tiến trình can thiệp mới có thể đem lại hiệu quả.  Các Bác sĩ trong can thiệp lâm sàng Y học cũng phải thừa nhận, ngoài thuốc men, mổ xẻ thì cái cảm xúc hay cái tâm lý tích cực, tin tưởng vào thầy thuốc chiếm đến 50% kết quả đạt được. Thậm chí, nếu có sự tin tưởng cao thì một liều thuốc vờ ( Giả dược – Placebo ) cũng có hiệu quả giống như một liều thuốc thật !

    Vai trò tâm lý trong y học thực chứng cũng có giá trị như một phác đồ điều trị, thì tại sao những yếu tố tâm lý trong giáo dục đặc biệt lại có thể xem thường ? Bởi vì khác với các nguyên tắc và chiến lược can thiệp mà A thì phải là A và đều có thể lượng giá. Còn Tâm lý hay nói gọn hơn là cảm xúc trong việc can thiệp thì lại không cân đo, đong đếm được. Ai cũng đồng thanh hô lên : Cái tâm của người giáo viên là quan trọng – bố mẹ khi đi tìm người can thiệp cho con cũng chỉ mong tìm được người dạy có tâm. Giáo viên cũng “nghĩ rằng mình phải là người có tâm” – Nhưng thực sự kiếm được người có tâm có khi còn khó hơn tìm ra người có tầm !

    Nhà Tâm lý Carl  Rogers với quan điểm trị liệu nổi tiếng : Thân chủ trọng tâm ( Client- Centered Therapy ) từ những năm 1951 đã cho thấy việc tôn trọng từ thân chủ đến bản thân mình là điều quan trọng như thế nào, quan điểm của ông đã đem lại một cuộc cách mạng trong ngành Tâm lý trị liệu vì sụ coi trọng những giá trị nội tại. Cũng thế, với ngành Giáo dục đặc biệt , thì một trong những nguyên lý quan trọng của việc can thiệp cho trẻ đặc biệt đã được phương pháp Son Rise xem là chủ đạo, đó là chấp nhận và tôn trọng ngay cả các hành vi bất thường của trẻ và phải biết bắt nhịp được các cảm xúc của trẻ . Chỉ khi nào chúng ta có thể “đi vào” đứa trẻ thì chúng ta mới có thể giúp được nó, chúng ta không nên bắt ép hay dụ dỗ đứa trẻ phải “đi ra” với chúng ta cho dù nó không thích ! Tuy nhiên, nên nhớ Son Rise chỉ là cái cửa, hay là một trong những chìa khóa để bước vào bên trong đứa trẻ, chứ không phải là một hệ thống can thiệp hoàn chỉnh, càng  không phải là một liệu pháp thần kỳ để phải mua với giá hàng ngàn dollars cho vài buổi nói chuyện!  Ngoài ra Nếu chúng ta bước vào được bên trong đứa trẻ, mà không có các công cụ của ABA, của TEACCH, của FloorTime  hay gì gì đó  hỗ trợ cùng các hoạt động giáo dục cụ thể có định hướng… thì sẽ có lúc chúng ta lủi thủi đi ra mà không biết tại sao !

    Chính cái chuyện “ đi ra – đi vào” này đã đem đến những tranh luận ( có khi nảy lửa ) giữa các trường phái trị liệu trẻ đặc biệt. Có nhiều phương pháp lấy nguyên lý “ thoát khỏi tự kỷ” làm mục tiêu chủ đạo mà điều này lại thuyết phục được vô số các bà mẹ vốn rất giàu cảm xúc – Phải rồi, Tự kỷ là kinh khủng lắm, không thể có tương lai và bằng mọi giá phải “trị liệu” bằng những phương pháp từ khoa học đến phi khoa học  – Thế là đè thằng nhỏ ra cạo gió, là châm cứu, là uống thuốc VNK, là bắt thở Oxy cao áp, buộc phải ăn uống theo các thực phảm sinh học các kiểu rồi can thiệp liên tục từ sáng đến tối từ thứ hai cho đến chủ nhật!…, nó khóc la …nó hoảng hốt, nó bùng nổ ..nó mệt mỏi, chán chường ? Kệ xừ nó, miễn là nó hết tự kỷ là được. Khổ một cái lại không hết ! chỉ hết tiền và hết luôn..niềm tin mới bỏ xừ !

    Lòng mẹ thương con là bao la, khi thấy đứa con ngơ ngác, không biết chơi với bạn, không biết kêu lên một tiếng Mẹ ơi, lòng bà tan nát ! và vì thế thì phải vái tứ phương thôi, phải “đi ra” tìm đủ cách để chạy chữa cho con, mà bà lại quên mất chuyện cần “ đi vào” để tìm lại chính mình trong nội tâm, tìm lại chính đứa con yêu quý trong chính nó, với những cảm xúc đích thực , mà ngay từ nhỏ có khi bà đã vô tình xóa sổ qua việc không biết xây dựng quan hệ mẹ con một cách đầy đủ – gắn bó !

    Sao lạ vậy ? Tôi đã yêu thương nó hết mực, đã chiều chuộng nó đủ điều, đã tốn kém vì nó biết bao nhiêu, thậm chí là phải đi học không biết bao nhiêu giáo trình, bao nhiêu kỹ thuật với bao chuyên gia đầu ngành để giúp con tập nói… Vậy mà nó vẫn nỡ lòng không thèm ngó vào mặt tôi một cái, không thèm trả lời tôi một tiếng ! Đau !  Bà không ngờ chính tình yêu thương và sự nuông chiều sai cách đó đã tạo ra vô số cảm xúc âm tính nơi bà để bà chuyển giao gần như trọn vẹn cho đứa trẻ những điểu lo lắng căng thẳng một cách vô thức ! Bà vật vã, đau khổ, không còn nước mắt để khóc …. Bà hốt hoảng, hoang mang, lo lắng đi tìm các chuyên gia, các cô giáo có tâm để giúp con bà…. Bà mang cả một trời lo âu trong lòng mà lại mong muốn cho con mình sinh động và vui tươi ? Bà lo lắng ngay cả khi nó cười bởi vì nó cười không đúng lúc và cũng không hiểu tại sao nó cười , trong khi bà muốn nó phải biết cúi đầu xin lỗi cơ vì đang dạy nó lễ phép mà!

    Các cô giáo cũng thế, có những cô có thể “ đi vào” đứa trẻ dễ dàng, bởi chính các cô cũng là một đứa trẻ khi chơi với học sinh bằng một tâm thế “yêu thương và sòng phẳng” không “giả vờ hay lên gân” cũng không “nói vậy mà không phải vậy” !  Cô “quyến rũ” và “chinh phục” đứa trẻ bằng niềm vui trong tâm hồn của chính mình vì chơi với trẻ là một nỗi hân hoan mà cô luôn khao khát! Nhưng tiếc thay, cũng có  những Giáo viên, đã trang bị tận răng bằng những tờ giấy chứng nhận các kiểu, tốt nghiệp loại ưu về Tâm lý và Giáo dục, lại tìm mọi cách, bằng mọi kỹ thuật “cao cấp” để tác động nhằm thay đổi đứa trẻ và cho thế là đủ ! cô vẫn tự nhận mình rất có Tâm (đưa lên FB đàng hoàng)  – để có thể lôi bằng được đứa trẻ phải “đi ra”  khỏi khung trời tự kỷ của nó. Đến khi đứa trẻ nói được, đi học “hòa nhập” được là cô đã thành công mỹ mãn. Trung tâm và gia đình làm một cái lễ tốt nghiệp hoành tráng, tiễn chân em giã từ sự nghiệp chuyên biệt, để bước vào nhà trường phổ thông ! Rõ ràng là em đã “ tiến bộ” rất nhiều qua các kiểu “trị liệu”trong một thời gian dài “gian khổ” cho cả cô lần trò !  Nhưng em có leo lên được các bậc thang đánh giá, để “ trở lại” cuộc sống của một đứa trẻ bình thường hay chưa?  – Hay, vẫn còn nguyên cái vẻ ngáo ngơ , lạc lõng của một thiên thần nơi chốn trần gian đầy gian dối! Rồi đến khi em buộc miệng “nói thẳng, nói thật” những cảm xúc của mình trong một hoàn cảnh giao tiếp xã hội nào đó,  thay vì biết nói dối kiểu xã giao – thì em vẫn chỉ là một “đứa tự kỷ” đáng thương ! Em không hề có được sự “Tôn trọng” từ những người chưa biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác ( đầy ngoài đường )!

    Người ta giải ngố về Tự kỷ bằng những dấu hiệu “nhận dạng”sàng lọc – đánh giá  – Nhưng để làm gì ? Để biết đó là một “đứa tự kỷ chính hiệu ? và phải “điều trị” cho “tiệt nọc” chăng ?  – đưa vào trường chuyên biệt ?  cũng tương tự như một bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Virus Covid 19 phải cách ly xã hội hay sao?  – Nhưng trẻ Tự kỷ không chỉ phải cách ly trong 14 ngày, mà có khi cả một cuộc đời Bởi Tự kỷ đâu phải là một căn bệnh,  bị lây nhiễm bởi virus hay bị tác động bởi những sự bỏ bê của gia đình, mà nó là một phong cách, một tình trạng ở bên trong đứa trẻ , những bộc lộ ra bên ngoài chỉ là một phản ứng với những tác động không phù hợp đến với con – con có cái nhìn khác, cái hiểu khác và cả cái sở thích cũng khác biệt ! Nhưng có khi chính vì sự nhận dạng và dán nhãn đó đã khiến cho các bà mẹ kinh hoàng ! và phải tìm mọi cách chữa trị – thuốc men các kiểu vì bà và cả xã hội không chấp nhận cái bên trong của con ! Trong khi vẫn có những đứa con khác, chả có tí ti gì “Tự kỷ” nhưng khoảng cách tình cảm giữa trẻ và gia đình là …mênh mông ! Ngược lại có những trẻ Tự kỷ không ngôn ngữ, không biết xã giao , ngáo ngơ giữa dòng đời, nhưng lại thấu cảm những cảm xúc nơi mẹ mình một cách tuyệt vời và luôn là một đứa con ngoan hiền chỉ mỗi cái tội hơi… ngố ngố!

    Chúng ta hãy thấu hiểu trẻ tự kỷ không phải bằng các dấu hiệu nhận dạng, bằng các logo thần thánh , mà bằng sự tôn trọng chân thành với những cảm xúc tích cực của mình khi đến với các em, bằng sự tôn trọng ngay cả những hành vi và sự lo lắng căng thẳng của các em ! Có như thế, chúng ta mới “xâm nhập” được vào “vùng phát triển gần” của trẻ , và bằng những cảm xúc tích cực đó, chúng ta sẽ khiến trẻ  biết chơi , vui cười và hạnh phúc dù trẻ vẫn là một đứa tự kỷ – Tại sao “ khi tôi có thể chấp nhận được một người khác, thì đó là một phần thưởng lớn lao” ( Carl Rogers ) Trong khi “người khác” ở đây lại chính là một đứa trẻ đáng yêu ? tại sao lại không thể được chấp nhận ?  Chấp nhận ở đây không phải là mặc kệ nó, muốn làm gì thì làm. Trẻ vẫn cần được hướng dẫn, quan tâm và chăm sóc như mọi đứa trẻ bình thường khác – Và chúng ta đừng quá lo về cái dáng đi nghiêng ngả, vì cái thói rập khuôn, hay vì sự khó khăn trong việc tìm đủ cách để nhồi vào đầu trẻ những kiến thức xã hội, biết đọc, biết viết, biết tính toán, biết dạ thưa..để rồi còn phải hướng nghiệp các kiểu – “ đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!

    Kệ nó đi, cùng đích của cuộc đời là niềm vui mà – Hãy thôi lo lắng mà hãy  vui cùng con trẻ, chơi cùng con để làm bạn với con” làm cho trẻ  vui thì nó cũng sẽ làm cho mình vui ! Và nếu mình giúp trẻ một cách vui vẻ thì trẻ cũng sẽ trở nên thoải mái thôi ! Hãy giúp cho mẹ con trở thành “đôi bạn cùng tiến” – Không phải tiến đến ngôi trường Tiểu Học để thành một học sinh tiên tiến, mà là tiến vào một vùng trời mơ ước – nơi chỉ có những giá trị của yêu thương, của chân thành và chấp nhận để trở nên một CON NGƯỜI được là CHÍNH MÌNH!

    Lê Khanh

     

  • Phương pháp Giáo dục Tây Phương  và Giá trị trong Gia đình Việt Nam

    Phương pháp Giáo dục Tây Phương và Giá trị trong Gia đình Việt Nam

    Khi nói về tầm ảnh hưởng của môi trường sống lên tính cách nhận thức của đứa trẻ – Chợt thấy rằng hầu như bất cứ trẻ nào sinh ra đều có chung các yếu tố phát triển như nhau , có thể nhanh hay chậm tùy vào sức khỏe và năng lực trí tuệ của trẻ – Còn trong quá trình nuôi dưỡng, khi đứa trẻ tiếp nhận sự chăm sóc từ việc bú mẹ, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, trẻ  sẽ bắt đầu có những thái độ và nhận thức khác nhau để rồi có những biểu hiện cá biệt trong tiến trình giao tiếp với xã hội trong từng môi trường khác nhau  như Tây và Ta .

    Có lẽ ai cũng thấy, trẻ em VN nói chung và sau đó là thanh thiếu niên VN, đa phần đều có tính thụ động, có phần ích kỷ, ỷ lại và không kém phần thiếu tự tin, thiếu tính khám phá và sáng tạo. Hơn thế nữa, cũng là trẻ VN, nhưng một trẻ lớn lên ở miền nào, Bắc, Nam, Trung… sẽ có những điểm tốt và xấu đặc thù của miền đó.  Nhưng ngoài những yếu tố đó, phải chăng còn có những yếu tố khác mang tính cách tâm lý sâu xa hơn, phổ quát hơn, đó chính là sự “phụ thuộc” lẫn nhau giữa mẹ – con ? Rõ ràng là với trẻ nào có được sự “ tôn trọng” và chấp nhận những cá biệt của bản tính, thì đều có khả năng tự chủ để tiến đến sự tự tin và tự lập sau này khi trưởng thành .

    Còn ngược lại, sự thụ động, thiếu tự tin, thậm chí là ỷ lại hay ích kỷ của đứa trẻ Việt Nam, là xuất phát từ chính cách quan tâm, gắn bó và sự lo lắng cho đứa con của ông bà, bố mẹ ( cũng là 1 đặc thù của gia đình Việt mà ông bà hay họ hàng có một ảnh hưởng quan trọng ), luôn sợ nó đói , luôn sợ nó đau, và luôn sợ nó thiếu thốn ( từ quần áo cho đến tình cảm ) để rồi do quá gần gũi, ôm ấp, bao bọc con trong cái bầu khí của những nỗi lo đó – bà mẹ đã vô tình truyền cái “tâm lý lo lắng” đó cho đứa con, khiến chính nó cũng luôn có sự lo lắng, để không dám tự ý làm bất cứ điều gì, mà phải luôn chờ đợi người lớn làm giúp, và từ đó hình thành tính nhút nhát và ỷ lại, hay dần dần trở thành nhõng nhẽo, đòi hỏi, ích kỷ thường thấy ở đa phần trẻ VN, để khi lớn lên thì trở thành những người thiếu óc sáng kiến, thiếu tự chủ, không dám quyết định … dù đã học đủ loại khóa học kỹ năng sống ?

    Có cái gì đó mâu thuẫn trong cách dạy con chăng? Ai mà chẳng muốn con giỏi giang, tự chủ và năng động – thế nhưng đã mấy ai dám để cho một đứa trẻ tự do chạy nhảy lon ton, chẳng may vấp ngã mà vẫn ung dung đứng nhìn, khuyến khích con tự đứng lên, và để cho con có được cái kinh nghiệm vấp ngã mà không đổ thừa cho sàn nhà, cho cái ổ gà đã làm cho đứa con cưng của mình bị đau ? Đã có ai để cho con nghịch một con dao không quá sắc, nhưng vẫn có thể bị đứt tay, chảy máu để biết cẩn thận hơn cho những lần sau ? Mà lại luôn cấm con không được cầm dao, để đứa con khi không có người lớn sẽ tò mò nghịch dao gây ra những hậu quả lớn hơn nhiều.

    Ngoài ra – chính cái sự “ lo cho con” luôn nghĩ trong đầu là đứa con của mình vẫn là 1 đứa trẻ dù có khi đã trên 18 tuổi, nên luôn quyết định thay cho chúng, và luôn nuông chiều những đòi hỏi “muốn gì được nấy” của trẻ vì cho đó là “chuyện nhỏ” của một “đứa nhỏ” ! Thế rồi, khi lớn lên bước vào nhà trường, là cái tinh thần muốn gì được nấy bị thách thức ngay, và trẻ trở nên nhút nhát hơn, bị các ông vua con khác bắt nạt, hoặc trở thành các kẻ chuyên đi gây hấn, vì muốn “thống trị” như mình đã và đang “thống trị” bố mẹ tại gia đình.

    Phải chăng, vì nhận ra những điểm yếu đó của đứa con, mà đa phần bố mẹ đều nghĩ rằng do nền “giáo dục lạc hậu và áp đặt” của các nhà trường “ truyền thống” gây ra cho con mình – Để rồi háo hức đi đón tìm các phương pháp giáo dục mới – Từ Montessori đến Steiner, từ Glenn Doman đế  Reggio -Emilia  hay STEAM, đã được truyền thông thổi phồng như các phương pháp giáo dục “ thần kỳ” có thể biến một đứa trẻ thụ động, nhút nhát hay hung hăng, ích kỷ , ỷ lại … trở thành thông minh, giỏi giang, tự tin, mạnh dạn ..nhờ những kỹ thuật và quan điểm giáo dục tiến bộ như Tây ( vì của Tây mà ) .

    Thực ra, với những trường giáo dục theo đúng chuẩn của từng phương pháp , thì điều đó không khó để giúp trẻ có thể trở nên mạnh dạn, tự tin, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, biết tò mò, biết sáng tạo và phát huy năng lực vì được sự khích lệ và hướng dẫn đúng cách của các thầy cô .. Thế nhưng, chính cái tinh thần của người mẹ VN, cái bầu khí gia đình của người Việt lại vô tình làm cho những tác động tốt đẹp của nhà trường phải dừng lại trước cửa gia đình ! Bởi vì hầu như phương pháp nào cũng thế, đều có một nguyên lý tương đồng đó là lấy trẻ làm trung tâm, trẻ có quyền khám phá, có quyền quyết định, suy nghĩ, thực hiện theo cách nghĩ của mình và những nguyên lý đó hầu như đi ngược lại truyền thống gia đình VN là trẻ con phải vâng lời người lớn vô điều kiện, trẻ con phải được chăm sóc  vô điều kiện và “ toàn diện” phải học ra học, chơi ra chơi, phải rèn “nếp nhà” biết chào hỏi thưa gửi, còn người lớn thì lại có quyền không cần chào hỏi và tôn trọng đứa trẻ! Nhưng đồng thời trẻ cũng được quyền nhõng nhẽo, đòi hỏi vô điều kiện và ăn vạ cũng vô điều kiện !

    Ngay cả việc cho con đi học các phương pháp giáo dục “ tiên tiến” đó , có bố mẹ  chỉ bị thu hút bởi cách trang trí hết sức khoa học, hiện đại hay sạch sẽ, tinh tươm , với rất nhiều công cụ, giáo cụ và đồ chơi bắt mắt, hoặc các cô giáo hết sức ân cần với con và duyên dáng với ..bố  ( nên bố sẽ hăng hái đưa đón con ) chứ không cần biết nguyên lý của Montessori của Steinner là gì, dù cũng có khá nhiều tài liệu và các bài phân tích giới thiệu khá đầy đủ trên mạng. Nhưng họ chỉ đến trường xem và cân nhắc về tiện nghi và ..học phí hơn là xem xét năng lực của giáo viên và nhất là không hề nghĩ rằng sự khác biệt lớn lao giữa các nguyên lý ở các trường nói trên với những giá trị mà gia đình đang “ bao phủ” lên đứa trẻ một cách “vô thức” tại gia đình.

    Có thể nói , sự hình thành nhân cách và tính cách của đứa trẻ không chỉ xuất phát từ ..dấu vân tay mà là từ cách đối đãi, chăm sóc, giáo dục con tại gia đình – Những khả năng tự tin, sáng tạo, độc lập và biết tôn trọng người khác không đến từ các phương pháp giáo dục tiên tiến ngoài nhà trường, dù đó là tác nhân chủ yếu nhưng nếu không được duy trì và phát triển tại gia đình thì cũng chỉ là “ cưỡi ngựa xem hoa” hay “ nước đổ lá khoai” – Trẻ học kỹ năng sống không từ các khóa “ học kỳ quân đội” mà từ những hoạt động tại gia đình qua những việc hết sức đơn giản : rửa chén, quét nhà, giặt đồ , nấu ăn … Trẻ được hạnh phúc không phải vì đươc bố mẹ cho đi nghỉ hè ở Singapore mà được trở thành người hữu ích ngay chính trong gia đình của mình .

    Hiểu về tinh thần Việt, để giúp con trở thành người có trí tuệ khoa học kỹ thuật , tự lập và năng động như Tây nhưng tư duy vẫn “ thuần Việt” với những giá trị tôn sư trọng đạo – uống nước nhớ nguồn và sự gắn bó “ một giọt máu đào hơn ao nước lã” cho dù con có học Mon hay gì gì đi nữa thì bố mẹ luôn phải là mẫu mực cho con noi theo – Nói như thế không có nghĩa là bố mẹ sau những giờ đóng kịch ngoài xã hội, sắm vai thầy giáo, doanh nhân nay về gia đình cũng tiếp tục “đóng vai” là 1 ông bố, bà mẹ mẫu mực ! Mà hãy là đúng con người thực của mình ! Bởi vì chỉ có niềm tin của con vào những cái “ thật sự” của bố mẹ mới là cái giá trị đích thực mà không một phương pháp giáo dục nào có thể đem lại.

    CVTL Lê Khanh – KidsTime Bình Thạnh

  • Khả năng phát triển của trẻ em ngày nay

    Khả năng phát triển của trẻ em ngày nay

    Nói đến trẻ em là nói đến sự phát triển không ngừng của cơ thể, đặc biệt của bộ não, mà mỗi bước phát triển sinh lý ấy lại là tiền đề cho những quan hệ xã hội khác nhau, và những thay đổi tâm lý quan trọng.

    (more…)

  • Nâng cao khả năng chú ý cho trẻ

    Nâng cao khả năng chú ý cho trẻ

    Khả năng chú ý là một yếu tố để đánh giá sức học của trẻ sau này, việc thiếu chú ý không chỉ làm cho trẻ mất đi những cơ hội tiếp thu kiến thức, mà thực tế hơn là khiến trẻ sẽ cảm thấy thua sút bạn bè hay có khi nhận được những lời phê bình của giáo viên, ảnh hưởng đến học lực.

    (more…)

  • Trẻ thích gây hấn – vì sao ?

    Trẻ thích gây hấn – vì sao ?

    PN – Không ít trẻ chỉ mới ba-năm tuổi có thói quen cấu véo, cắn, tát các bạn cùng trang lứa. Có phụ huynh nhẹ nhàng nhắc nhở, số khác thì dùng biện pháp mạnh như đánh chửi, dọa nạt để con bỏ tật xấu. Nhưng không phải trẻ nào cũng thay đổi; ngược lại, một số bé càng bắt nạt bạn bè nhiều hơn.

    (more…)

  • Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em

    Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em

    Con người là một sinh vật xã hội – ngay từ khi sinh ra, con người đã có nhu cầu liên lạc, giao tiếp và ứng xử với môi trường và những người xung quanh để phát triển và tồn tại. Vì thế kỹ năng giao tiếp được xem là một trong những kiến thức nền tảng và có một ý nghĩa sống còn với con người.

    (more…)

  • Ba điều Thần Chú giúp con tự tin

    Ba điều Thần Chú giúp con tự tin

    Tự tin là tính cách vốn có của trẻ, thế nhưng việc giáo dục và ứng xử của cha mẹ trong gia đình với đứa trẻ có thể làm giảm đi hay gia tăng tính này. Dưới đây là một số nguyên tắc mà cha mẹ cần lưu ý.

    (more…)

  • Hành trình ngôn ngữ của trẻ ở những năm đầu đời

    Hành trình ngôn ngữ của trẻ ở những năm đầu đời

    Ngày nay, nhịp sống vội vã dường như vô tình làm cho một số phụ huynh cũng mệt mỏi với công việc và gia đình. Do đó sự cân bằng về thời gian dành cho gia đình và công việc là điều vô cùng quan trọng đặc biệt là đối với những gia đình có những thiên thần bắt đầu “bi bô bi ba”…những âm thanh đầu đời.

    (more…)

  • Rối loạn tâm lý ở trẻ em

    Rối loạn tâm lý ở trẻ em

    Trẻ em thường có sự phát triển và thay đổi nhanh chóng trong thời thơ ấu. Các em phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc và giao tiếp. Trẻ em khỏe mạnh phát triển khả năng ứng xử với sự thay đổi và khắc phục các khó khăn trong cuộc sống.

    (more…)