Háo hức cho con học Kỹ năng sống
06/04/2012
Phát triển Tư duy cho trẻ
16/04/2012
Háo hức cho con học Kỹ năng sống
06/04/2012
Phát triển Tư duy cho trẻ
16/04/2012

Một trong những đức tính của người Việt là tính thương người, được đề cập đến khá nhiều trong kho tàng ca dao tục ngữ, truyện cổ tích .Đến nay, truyền thống ấy vẫn được xác tín qua các hoạt động từ thiện của mọi người, mọi tổ chức.

Tuy nhiên, cái truyền thống tốt đẹp đó đang ngày một phai lạt bởi cái quan điểm “sống chết mặc bay” hay thái độ “thờ ơ, vô cảm” đã dần trở nên cách sống của nhiều người, nhất là trong giới trẻ. Do đó bên cạnh những hành vi bạo lực và trốn trách nhiệm thì hiếp dâm cũng được xem là một trong những hệ quả của lối sống vô cảm đã ngày càng trở nên một tình trạng đáng báo động.

Tâm lý của các đối tượng này trước khi thực hiện hành vi này là như thế nào?

Tại sao lại cho rằng lối sống vô cảm lại đưa đến một trong những loại tội phạm đáng khinh bỉ này? Bởi vì thủ phạm của những tội ác như trộm, cướp, hiếp dâm và ngay cả bạo lực gia đình đã đánh mất sự đồng cảm. Chính việc các đối tượng này không còn cảm nhận được nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân đã dẫn đến những hành vi tàn nhẫn lúc hành động, đặc biệt là với những nạn nhân nhỏ tuổi. Chúng chỉ nghĩ đến cái nhu cầu của chính mình và mọi hành động chỉ nhằm đáp ứng cái nhu cầu đó.

Không những thế, hiếp dâm còn là một hành động đáp ứng một nhu cầu mà chúng đang thiếu thốn: Đó là nhu cầu quyền lực, bởi vì không có một cảm giác thỏa mãn nào hả hê hơn là khi chứng kiến sự đau đớn, van xin, giãy dụa trước một kẻ mà mình có thể làm chủ tình thế. Vì ngoài những thời điểm lúc ấy thì kẻ tội phạm không thể nào có được cái cảm giác đó trong cuộc sống thường ngày của mình, đôi khi rất tầm thường, tẻ nhạt, thậm chí là còn bị đè nén trong giòng đời.

Thế nhưng, dù nhu cầu quyền lực không được thỏa mãn là một động lực mạnh mẽ nhưng nếu không có những tác động về môi trường sống hay bối cảnh gia đình thì cũng chưa đủ sức thúc đẩy một tội ác được hình thành. Một thống kê sơ bộ ở Sơn La trong những năm gần đây cho thấy các vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2010 là 7 vụ, năm 2011 là 13 vụ đều có mẫu số chung là các thủ phạm ở nông thôn, đa số đều có hoàn cảnh sống khó khăn, ít được quan tâm đến đời sống tinh thần. Như đối với các đối tượng xâm hại là đàn ông trung niên thì tất cả đều có cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, gần như ly thân suốt nhiều năm liền. Đó được xem là những yếu tố cộng thêm mà nếu được quan tâm hay có thể giúp họ vượt qua những tổn thương về tâm lý thì có thể những tội ác về tình dục sẽ không xảy ra.

Hơn nữa, thông qua các phương tiện truyền thông và ngay cả trong đời thường, những hình ảnh “nóng bỏng” của các mối quan hệ tình cảm đã diễn ra ngày càng tự nhiên và công khai hơn, đã vô tình cung cấp những yếu tố kích thích và khi chứng kiến những cảnh này thì cái cảm giác cô đơn của những đối tượng lại càng gia tăng, qua đó những kẻ có khả năng phạm tội hiếp dâm sẽ có những cảm xúc, và có thể hắn sẽ thủ dâm, nhưng hành vi đó chỉ giúp hắn được nhẹ nhõm một lúc và sau đó lại càng thôi thúc hắn nghĩ đến hành vi phạm tội nhiều hơn. Chính sự trầm cảm và cảm giác cô đơn đã quay lại với cường độ gấp nhiều lần đã đánh gục chút lương tâm còn sót lại trong tâm hồn tội phạm, và lúc đó hắn bắt đầu tìm cách chuyển suy nghĩ thành hành động và còn có thể tự bào chữa cho các hành vi mà mình sắp tiến hành với một nạn nhân vô tình rơi vào tầm ngắm của hắn vào thời điểm đó.


Nguyên nhân dẫn đến những hành vi này? Trên thế giới có những nghiên cứu hay đúc kết nào về đối tượng này?

Tuy có những yếu tố và động lực tương tự nhau về mặt tâm lý và cảm xúc dẫn đến những hành vi phạm tội, nhưng nếu nói đến nguyên nhân thì không có một nguyên nhân nào là trọng yếu hay chủ chốt về động cơ hiếp dâm mà nó chỉ là kết quả của nhiều nhân tố khác nhau đến từ cả kẻ tội phạm và những nạn nhân. Đối với kẻ tội phạm có thể là do sự vô cảm đưa đến thái độ dễ nổi nóng, nhu cầu thể hiện quyền lực và sau đó là những ức chế không được đáp ứng về mặt tình cảm và tình dục kết hợp với một con người thiếu khả năng tự chủ đã thúc đẩy hành vi tội phạm .

Còn đối với các nạn nhân thì chính cách sống và các kiểu ăn mặc mang tính khiêu khích “ trống trên hở dưới – có cũng như không” của một bộ phận không nhỏ các thiếu nữ vừa mới chớm bước vào lứa tuổi dậy thì cũng như của một số quý bà, quý cô muốn tạo nên sự chú ý với nam giới lại là một chất xúc tác khá tốt để khơi gợi dục vọng ở những đối tượng thiếu khả năng tự chủ. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm và thiếu thận trọng trong các sinh hoạt trong gia đình,cũng vô tình tạo ra những cơ hội thuận lợi khiến cho các hành vi phạm tội dễ có điều kiện nẩy sinh, đặc biệt là với các trẻ vị thành niên.

Có một yếu tố không thể bỏ qua là tác động của những phim ảnh đồi trụy được phổ biến tràn lan trên mạng internet mà bất cứ ở đâu cũng có thể tiếp cận một cách dễ dàng, đã khiến cho các đối tượng do bản thân không có khả năng tự chủ đã bị tác động mạnh mẽ. Theo báo các tổng kết của các cơ quan chức năng cho thấy, có đến 40% tội phạm đã xem phim sex, uống rượu trước khi thực hiện hành vi phạm tội, 30% là do các mối quan hệ lỏng lẻo trong gia đình đã khiến tội phạm cũng chính là những thân trong gia đình hay có quen biết với gia đình nạn nhân và 30% là do những tác nhân khác

Điều này đã chứng minh cho thấy qua các báo cáo, nếu trước đây nạn xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu xảy ra ở các vùng dân cư thưa thớt, hẻo lánh hay các vùng ngoại thành, thì hiện nay ngày cành nhiều vụ được phát hiện ở các đô thị, thành phố lớn mà nạn nhân chủ yếu là các bé gái dưới 16 tuổi. Đáng báo động hơn nữa là tỷ lệ trẻ dưới 6 tuổi cũng khá cao, như ở Hà Tĩnh, tỷ lệ này chiếm dến 33%.

Nói một cách khái quát thì nguyên nhân của tệ nạn xâm hại tình dục là tác động của một lối sống thực dụng, sa đọa lại được dung dưỡng trong một bối cảnh mà sự phối hợp quản lý giữa gia đình và nhà trường và xã hội chưa hợp tình hợp lý cùng với khả năng nhận thức để phòng vệ của các nạn nhân chưa cao và nhất là công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ. Đó là chưa kể đến năng lực hạn chế về kỹ năng tâm lý nơi những nhân viên, cán bộ điều tra góp phần làm gia tăng mặc cảm, xấu hổ không muốn khai báo từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân. Bên cạnh đó việc xử lý chưa nghiêm với những mức án chưa đủ sức răn đe cũng khiến cho nhiều đối tượng không phải e dè khi phạm tội.  

 

Trên thế giới cũng đã có khá nhiều những nghiên cứu dưới nhiều góc độ về tình trạng xâm hại tình dục dưới nhiều góc độ mà trong quá trình tiến hóa của lịch sử, nó cũng đã có những biến chuyển về động cơ và hậu quả. Người ta thấy rằng, ngay từ thời cổ đại cũng đã có những chuyện xâm hại tình dục hay loạn luân được ghi lại qua các câu chuyện cổ tích hay trong Kinh Thánh. Và trong suốt chiều dài lịch sử thì nạn hiếp dâm thường gắn liền với các cuộc chiến giữa các bộ tộc, sắc dân hay giữa các đế chế, quốc gia mà thủ phạm thường là những đoàn quân chiến thắng, còn nạn nhân thường là vợ con của những chiến binh bại trận mà ở đây họ bị xem như một loại chiến lợi phẩm. Đặc biệt là trong hai cuộc thế chiến, nhất là trong thế chiến thứ hai khi mà chiến tranh không chỉ diễn ra ở các chiến trường, mà phủ kín cả các vùng đất từ nông thôn đến thành thị, thì tệ nạn hiếp dâm đã xẩy ra như một điều tất yếu sau khi đã chiến thắng và chiếm đoạt được một vùng đất nào đó của đối phương. Điều đó diễn ra không chỉ được xem là một sự thống trị, mà còn là một sự trả thù cho những mất mát mà đối phương đã gây ra khi họ còn là những kẻ thắng trận trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Trong một số quốc gia có tình trạng phân biệt chủng tộc, thì hiếp dâm lại được sử dụng như một vũ khí để làm nhục lẫn nhau giữa các sắc dân. Điều này cho thấy, tính đa dạng của hiếp dâm, nó không chỉ thuần túy là một nhu cầu thống trị hay đáp ứng cảm xúc mà nó có thể được xem là một góc tối của bản năng tình dục không chỉ có ở nơi con người. Cả loài vật cũng có tệ nạn này! Vấn đề chỉ còn là khả năng điều khiển hay quản lý các nhu cầu cảm xúc này ra sao. Điều đó không chỉ cho thấy khả năng giáo dục nhận thức, ý chí tự chủ của con người mà còn cho thấy khả năng tổ chức và điều hành xã hội như thế nào kiến ta có thể kiểm soát hay không kiểm soát được tệ nạn này.

Nói cách khác, hiếp dâm được xem như một phép thử cho một xã hội, một khi tệ nạn này tràn lan thì cần phải xem xét lại hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục về nhận thức và kỹ năng sống cho người dân nói chung và cho giới trẻ nói riêng cũng như hệ thống quản lý, giám sát và bảo vệ của các đơn vị hữu trách trong xã hội ấy.

 

 

 Đây có được cho là bệnh không? Họ mắc phải bệnh gì?

Đứng về phương diện tâm thần học thì ta có thể xếp những hành vi bạo lực hay hiếp dâm vì tình trạng vô cảm, thiếu lương tâm và lòng nhân ái cũng như không có khả năng tự chủ là: “ Hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality Disorder) một hội chứng biến dạng về nhân cách rất khó chữa và tồn tại trong khoảng 4% dân số. Tình trạng thiếu lương tâm hay trơ ỳ về cảm xúc còn được gọi dưới cái tên là nhân cách bệnh hay nhân cách dị tính (Psychopathy) và chia làm hai loại là: Nhân cách bệnh thiếu tình thương (Affectionless psychopathy ) và Nhân cách bệnh tự kỷ (Autistic Psychopathy). Trên thực tế, tình trạng không biết hối hận làhội chứng rối loạn nhân cách đầu tiên được công nhận trong tâm thần học, và những thuật ngữ dùng để chỉ nó trong thế kỷ vừa qua bao gồm các mức độ, từ bệnh tâm lý thấp kém (psychopathic inferiority) cho đến tình trạng điên dại về mặt luân lý (moral insanity), và đần độn về mặt luân lý (moral imbecility).

 Theo một số nhà nghiên cứu về những tên tội phạm mắc những hội chứng nêu trên cho rằng cách thực hiện tội ác lạnh lùng cũng như việc thiếu đồng cảm của chúng là do khuyết tật nơ-ron mà có. Một nguồn gốc sinh lý của bệnh tâm thần đã được phát hiện theo 2 cách khác nhau, nhưng cả hai đều chịu ảnh hưởng của các vòng mạch nơ-ron dẫn tới hệ thống rìa ( là hệ thống chi phối các cảm xúc bản năng của con người) Trong một cuộc thí nghiệm, người ta đã ghi nhận các sóng não của các đối tượng trong khi họ cố đọc những từ mà thứ tự chữ cái đã bị đảo lộn. Các từ hiện ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 1/10 giây. Phần lớn đã có phản ứng khác nhau với từ ngữ mang nội hàm xúc cảm, như “giết” so với những từ trung tính, như “ghế”. Họ tìm thấy lời giải nhanh hơn đối với những từ mang tính xúc cảm, và các sóng não của họ có dạng chuyển động đặc trưng, không thấy có ở từ trung tính. Nhưng những người mắc bệnh đa nhân cách (Multi Personality Disorder) không bao giờ có những phản ứng như vậy: các sóng não của họ không có chuyển động đặc biệt nào để phản ứng với những từ mang tính xúc cảm và cũng không phản ứng với các từ đó nhanh hơn. Tất cả những điều này cho thấy có sự cắt đứt các vòng mạch giữa vỏ não ngôn từ (nhận biết các từ) và não rìa (gắn với một xúc cảm).

Theo Robert Hare, nhà tâm lý học Canada đã thực hiện các nghiên cứu này, những kết quả cho thấy rằng bệnh nhân chỉ có sự hiểu biết hời hợt về các từ mang tính xúc cảm, và sự hời hợt này biểu hiện trong toàn bộ lĩnh vực xúc cảm. Tính trơ ì của người mắc bệnh đa nhân cách, theo Hare, một phần là do đặc điểm tâm lý khác được ông phát hiện trong các nghiên cứu trước đây, đặc điểm này cũng cho thấy có sự dị thường trong hoạt động của hạnh nhân và các vòng mạch liên kết: những người mắc bệnh đa nhân cách, lúc sắp nhận sự phóng điện, không hề tỏ ra có dấu hiệu sợ hãi nào, nhưng phản ứng ở người bình thường biết rằng mình sắp bị đau. Vì đau đớn không gây ra chút sợ hãi nào ở người mắc bệnh tâm thần, nên Hare cho rằng họ không sợ sẽ bị trừng phạt vì hành vi của mình. Và bởi vì chính họ không cảm thấy có chút sợ hãi nào, nên họ cũng chẳng cần thấy phải có sự đồng cảm nào với nỗi sợ hay đau đớn từ nạn nhân của họ.

Tuy nhiên, đứng trên một bình diện rộng hơn thì ta cũng hiểu rằng, không phải bệnh nhân đa nhân cách hay nhân cách bệnh, hoặc hội chứng rối loạn chống đối… nào cũng là tội phạm cưỡng bức tình dục, và tội phạm nào cũng là bệnh nhân để có những biện pháp giải quyết không hợp lý. Bởi vì như đã nói, tệ nạn hiếp dâm là do nhiều yếu tố cấu thành mà về phía cá nhân thì tình trạng bệnh hay sự suy yếu về nhân cách chỉ là một yếu tố. Bởi vì đã là bệnh thì ở đâu cũng có với những mức độ tương tự nhau. Nhưng tỷ lệ phạm tội trong từng quốc gia, từng khu vực dân cư là khác nhau. Có những nơi đã có những biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát khá hiệu quả tệ nạn này, và có những nơi thì buông lỏng hay tệ hơn nữa, là chỉ tỏ ra ngăn ngừa và kiểm soát bằng…văn bản chứ không phải bằng những biện pháp cụ thể được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.



Nếu có thì cách điều trị như thế nào? Hoặc họ phải làm gì để tránh thực hiện hành vi hoặc suy nghĩ dẫn đến hành động trên.

Chúng ta hiểu rằng bệnh tâm thần nói chung và các loại bệnh nhân cách nói riêng là chưa có những loại thuốc, hay những phác đồ trị liệu hiệu quả nếu không có sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành về y tế và tâm lý khác nhau. Nhưng cũng có những mức độ mà mọi biện pháp trị liệu là vô tác dụng. Tuy nhiên, đối với tội pham hiếp dâm thì người ta có thể áp dụng liệu pháp trị liệu Tâm kịch với kỹ thuật “đổi vai” trong đó, thủ phạm sẽ được nghe những câu chuyện tội ác giống như tội ác của chính họ, nhưng được kể dưới góc nhìn của nạn nhân. Để gia tăng khả năng nhận thức, người ta có thể chiếu cho thủ phạm xem các cuốn băng video trong đó nạn nhân vừa khóc vừa giải thích những gì mình cảm thấy mà họ đã phải trải qua trong cuộc xâm hại. Sau đó thủ phạm sẽ phải kể lại tội ác của chính mình bằng cách tự đặt mình vào vị trí của nạn nhân để hình dung lại những gì mà nạn nhân cảm nhận. Cuối cùng hắn sẽ phải tham gia vào một hoạt cảnh mà trong đó hắn vào vai là nạn nhân.

Nhà tâm lý Williams Pithers, người đưa ra kỹ thuật trị liệu này lý giải : Sự đảo vai và tác động vào tính đồng cảm với nạn nhân sẽ làm thay đổi thái độ cảm nhận của thủ phạm đến mức anh ta khó lòng phủ nhận nỗi đau đớn do mình gây ra, ngay cả trong ảo ảnh của anh ta, từ đó động lực đưa đến chỗ đấu tranh chống lại xung lực tình dục đồi bại của mình cũng trở nên mạnh mẽ hơn”. Kết quả cho thấy, với biện pháp trị liệu này thì tỷ lệ tái phạm ở những tội phạm sau khi mãn hạn tù đã giảm 50% so với những tên tội phạm không được trị liệu. Tuy nhiên, việc kích thích để hình thành ý thức đồng cảm ở những kẻ tội phạm tình dục cho thấy là giải pháp tốt thì với một số tội phạm bị bệnh nhân cách lại là một điều hoàn toàn khác. Ở những bệnh nhân này, hầu như họ đã mất hoàn toàn khả năng đồng cảm, họ không biết hối hận ngay cả khi phạm vào những tội ác dã man nhất. Những kẻ giết người hàng loạt thích làm cho nạn nhân đau đớn trước khi giết họ cũng được xem là những bệnh nhân cách ở mức độ nặng và hầu như không có khả năng trị liệu !

Đối với những kẻ bình thường, thì chính giáo dục nhận thức giúp họ thấy được giá trị bản thân, biết đến những giới hạn của nhu cầu cảm xúc sẽ là những yếu tố nền tảng khiến họ có thể tránh được việc vi phạm những tội ác nói chung và tội xâm hại tình dục nói riêng. Nhưng một chế độ quản lý và điều hành xã hội bằng những luật lệ công bình và nghiêm khắc đúng mức cũng là những yếu tố kiểm soát được các hành vi tội phạm. Như vậy, bao giờ thì các biện pháp phòng ngừa cũng tốt hơn là những biện pháp điều trị hay phài giải quyết bằng pháp luật.


 Nạn nhân sẽ bị tổn thương như thế nào? Có nên chữa trị tâm lý cho những nạn nhân.

Tùy theo từng mức độ và biện pháp tấn công mà thủ phạm áp đặt lên trên nạn nhân, sẽ tạo ra những tổn thương về mặt cơ thể và tâm lý khác nhau. Nhưng nhìn chung thì những tổn thương về mặt tâm lý là nặng nề hơn và khó bình phục hơn so với những tổn thương về mặt thể chất. Nạn nhân có thể bị mất khả năng tập trung, rối loạn về giấc ngủ và ăn uống. Họ trở nên bồn chồn, thường xuyên lo lắng. Họ cũng dễ bị những rối loạn trầm cảm cấp tính như :

  • Trở nên xa cách, mê muội cảm thấy xung quanh lạ lẫm, lẫn lộn hư thực.
  • Khó nhớ hết những yếu tố quan trọng.
  • Bị ám ảnh, hay suy nghĩ về vụ việc, gặp ác mộng.
  • Lảng tránh những vật dụng, vị trí hoặc cảm giác liên quan đến vụ việc.
  • Lo âu và bị kích thích thần kinh (khó ngủ, căng thẳng, v.v…)

Tình trạng này có thể kéo dài đến vài tháng sau khi biến cố xảy ra nên nó cũng giống như tình trạng rối loạn lo âu sang sang chấn, khiến họ thường xuyên căng thẳng và khó chấp nhận những điều đã xảy ra mà trí nhớ ghi nhận.

Vì thế, ngay từ khi giải cứu hay tiếp nhận các nạn nhân sau biến cố đã xảy ra, điều cần thiết là phải có cách tiếp nhận và lắng nghe những lời khai của nạn nhân một cách hiểu biết, tôn trọng và cảm thông. Sau đó, tùy theo mức độ tổn thương về thể chất và sang chấn tâm lý mà có những biện pháp điều trị về Y học và tâm lý trị liệu phù hợp.

Thái độ tiếp nhận một cách thờ ơ, máy móc, đòi hỏi nạn nhân phải kể lại một cách đầy đủ các chi tiết, thậm chí có hành vi coi thường hay săm soi những yếu tố có tính nhạy cảm của các điều tra viên sẽ là những điều kiện làm cho những tổn thương đã nặng nề lại càng trầm trọng hơn. Một điều quan trọng không kém là những thông tin do các cơ quan truyền thông khai thác. Yếu tố đưa tin một cách khách quan, trung thực và đơn giản là điều hết sức cần thiết, không nên tiểu thuyết hóa, không bi kịch hóa, không đưa vào những cảm xúc cá nhân của người viết, vì điều đó giành cho người đọc và nhất là những thông tin về tiểu sử cá nhân, hãy dành cho các cơ quan điều tra ghi nhận, vì truyền thông chỉ đưa ra những con số, những thông tin về tệ nạn hiếp dâm chứ không phải đưa ra những chi tiết về đời tư của nạn nhân và cả với thủ phạm, vì tất cả đều là con người và tất cả những gì liên quan đến nhân vị đều cần có sự tôn trọng.

Lê Khanh

Chuyên viên Tâm lý

( Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình & Trẻ em )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý