Carl Rogers và liệu pháp Thân Chủ trọng tâm
14/08/2012
Khắc phục tình trạng nói lắp
30/08/2012
Carl Rogers và liệu pháp Thân Chủ trọng tâm
14/08/2012
Khắc phục tình trạng nói lắp
30/08/2012

Mỗi một trẻ rối nhiễu tâm lý (Chậm nói, chậm phát triển, hiếu động hay tự kỷ …) là một cá thể với những mức độ khó khăn về ngôn ngữ, nhận thức và hành vi khác nhau, cần phải có những biện pháp giáo dục phù hợp cho từng em. 

Các em không thể nào tiếp thu được các bài học theo các phương pháp giáo dục phổ thông, ngay cả với những biện pháp hay chương trình giáo dục đặc biệt (thường được áp dụng cho nhiều trẻ tại các trường chuyên biệt ) cũng cần phải có những giáo án riêng cho từng em mà ít có giáo viên nào  thực hiện nếu không có sự yếu cầu. Vì thế chính  phụ huynh cần phải có sự tham khảo với  chuyên gia để cùng nhau xây dựng một chương trình giáo dục phát triển cho con mình , sao cho phù hợp với môi trường gia đình và khả năng đáp ứng của trẻ.

Để có thể xây dựng một chương trình, chúng ta cần dựa trên các nguyên tắc:

  • Soạn bài tập dựa trên mức độ nhận thức của trẻ.
  • Dùng kinh nghiệm hằng ngày để vận dụng vào bài học
  • Các hoạt động học tập phải gắn với thực tế
  • Dùng nhiều hình thức để tăng hứng thú cho trẻ
  • Có sự phối hợp với các biện pháp khác
  • Giúp trẻ tăng nhận thức qua các hoạt động giao tiếp xã hội
  • Dựa vào các trò chơi.( Các bài tập đều thực hiện trên hình thức là trò chơi)


Mỗi một trẻ đều có mức độ nhận thức khác nhau, điều này đã được phản ảnh rõ rệt qua việc quan sát, đối chiếu với khả năng phát triển của các trẻ bình thường cùng độ tuổi và sử dụng các bảng câu hỏi, các Test đánh giá… Từ đó, chuyên gia sẽ đưa ra từng kế hoạch can thiệp khác nhau phù hợp với khả năng phát triển của trẻ cũng như các kỹ năng mà trẻ có thể thực hiện được, để người dạy là cha mẹ hay các Giáo viên đặc biệt có thể áp dụng cho trẻ.

DẠY TẠI GIA ĐÌNH

Trẻ sẽ thích thú hơn khi được học qua chính những kinh nghiệm của mình, vì thế nên bắt đầu bằng những hoạt động tại gia đình ( Học nhận biết các vật dụng, các con thú nuôi trong nhà …) , các bài tập cũng sẽ trở nên sinh động hơn khi nó được gắn liền với thực tế và được vận dụng dưới nhiều hình thức khác nhau, khi thì ở trong nhà, khi thì ngoài vưòn, khi thì dùng hình ảnh, khi thì dùng công cụ …

Chúng ta không tiến hành các biện pháp giáo dục một cách riêng biệt, mà phải có sự phối hợp với các biện pháp khác ( Giáo dục trị liệu Tâm vận Động – các phương pháp thích hợp và một chương trình giáo dục can thiệp cá nhân ) Cũng đừng ngần ngại khi đưa trẻ đến các nơi công cộng như công viên, siêu thị để trẻ có dịp tiếp xúc trực tiếp với những hoạt động và công cụ hàng ngày được sử dụng trong môi trường sống của mình.

Các phụ huynh nên nắm vững điều này, đó là tuy cùng có những rối nhiễu tương tự nhau như chậm nói, hiếu động, kém chú ý hay có tình trạng Tự kỷ… nhưng mức độ tiếp thu, khả năng đáp ứng và nhu cầu quan hệ của mỗi trẻ đều hoàn toàn khác nhau. Chúng ta có thể dực trên các nguyên tắc chung, nhưng phải xây dựng những kế hoạch can thiệp khác nhau cho từng trẻ.

Điều này tuy có vẻ khó cho một số phụ huynh không có thì giờ cũng như các kỹ năng cần thiết, nhưng không một giáo viên nào, một chuyên viên nào có thể thay thế hoàn toàn cho các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ những đứa con rối nhiễu của họ. Vì thế, việc đưa trẻ đến các trường chuyên biệt thường chỉ dành cho những trẻ không còn khả năng phát triển ( rối nhiễu nặng ) còn với các trẻ có mức độ trung bình và nhẹ thì các lớp hội nhập là thích hợp.

Nhưng không phải vì đã có thể gửi con đến học tại các lớp bình thường hay hội nhập mà phụ huynh có thể bỏ qua những biện pháp can thiệp và tác động tại gia đình. Vì những giờ sinh hoạt tại gia đình trong một chương trình can thiệp mang tính cá nhân, mới đích thực là những giờ, những buổi học giúp trẻ có những biến chuyển về mặt nhận thức, còn những buổi đến trường thì chỉ có khả năng giúp cho trẻ biết hòa nhập chút nào hay chút nấy trong việc chơi đùa với những trẻ cùng độ tuổi. Điều này chỉ được xem là một hình thức hỗ trợ, giúp trẻ phát triển phần nào khả năng giao tiếp và cũng là thời điểm mà cha mẹ có thể nghỉ ngơi trước khi xăn tay áo lên để …chơi với con tại gia đình theo những mục tiêu đã đề ra.


TRẺ CẦN HỌC NHỮNG GÌ ?

Mục tiêu lớn nhất trong công tác giáo dục trẻ rối nhiểu tâm lý không phải là việc dạy chữ, dạy toán để giúp trẻ có thể theo học ở các trường bình thường – vì đó là điều không thể ! Mà chúng ta cần phải giúp trẻ có được những kỹ năng cần thiết để có thể thích nghi với môi trường xung quanh, đây là một điều không dễ chịu gì lắm trong suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ, vì họ luôn trông đợi ở đứa con của mình có được những kiến thức giống như các bạn cùng trang lứa, và đó là điều khiến cho họ hao tổn rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc để tìm kiếm khắp mọi nơi – Có thể nói, các phụ huynh đó muốn dạy cho trẻ cái họ cần chứ không phải giúp cho cái điều trẻ muốn có, và vì thế sau một thời gian rất nỗ lực, kết quả lại không đạt được bao nhiêu.

Xây dựng một kế hoạch giáo dục cá nhân, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ giúp trẻ:

  1. 1.Thực hành các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày: Chúng ta giúp trẻ tham gia vào các hoạt động hàng ngày như làm việc nhà, phụ mẹ nấu nướng, phụ bố sắp xếp phòng ốc… điều đó giúp trẻ tự tin hơn vào bản thân và cảm nhận được vị trí của mình trong gia đình.
  2. 2.Phát triển các kỹ năng vận động: Thông qua các trò chơi Tâm lý vận động, trẻ sẽ trở nên khéo léo hơn và giải tỏa được những ức chế tâm lý.
  3. 3.Xây dựng các kỹ năng xã hội: Trẻ sẽ tập cách giao tiếp một cách bình thường với những người chung quanh trong khi đi chơi các nơi công cộng và học các tình huống giao tiếp xã hội thông qua các bài tập cũng như các trò chơi sắm vai.
  4. 4.Tái tạo khả năng giao tiếp, ngôn ngữ: Trẻ sẽ dần dần được học thêm nhiều từ ngữ mới, những cách thể hiện và giao tiếp bằng ngôn ngữ và hành vi.
  5. 5.Nâng cao kỹ năng trí tuệ: Các bài tập về ngữ pháp và con số – trẻ sẽ dần dần nâng cao được năng lực trí tuệ của mình và sẽ ngày càng mở rộng tầm hiểu biết hơn.

Trong các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sẽ giúp trẻ biết tự làm từng bước một, các hoạt động từ dễ tới khó, từ đơn giản cho đến tương đối phức tạp trong các kỹ năng về ăn uống (biết cách dùng thìa, đũa, biết lau miệng và có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau) Trẻ cần được nhìn cách người khác ăn, vì thế nên cho trẻ ngôì ăn chung với bố mẹ, anh chị…mặc dù điều đó có thể gây ra một vài điều phiền phức, gây đổ vỡ, trở ngại…nhưng đó là những kinh nghiệm mà trẻ cần phải được trải nghiệm, với điều kiện bố mẹ phải giữ được sự bình tĩnh, vui vẻ và kiên nhẫn ! Với trẻ trên 4 tuổi thì các em cũng cần được học cách đi vệ sinh, tự tắm rửa, cách lau mặt, cách mặc quần áo ( học cởi ra trước khi học mặc vào ! học mặc áo trước khi học mặc quần) Cách mang giầy, xăng – đan, mang vớ (bí tất).

Tóm lại, với trẻ rối nhiễu tâm lý thì mọi điều trong cuộc sống thường nhật đều phải học và học một cách liên tục từ ngày này qua ngày khác cho đến khi đạt được, trong khi trẻ bình thường có thể tự học hay chỉ cần chỉ dẫn một vài lần !

Việc phát triển kỹ năng vận động cho trẻ, ngoài việc tham gia các trò chơi vận động thì các em nhỏ tuổi ( dưới 3 tuổi ) cũng có thể phát triển qua việc: Leo lên, bước xuống cầu thang, ném banh (hay ném quần áo vào giỏ !) còn các em trên 4 tuổi có thể tập đá banh, tập đi xe đạp (3 bánh và 2 bánh) tập bơi… và tập làm các đồ chơi đơn giản.

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Có rất nhiều các nguyên tắc khác nhau trong việc chăm sóc, giáo dục một trẻ rối nhiễu tâm lý (Trẻ hiếu động/kém tập trung – Có nguy cơ tự kỷ – Chậm nói/ chậm khôn ..) nhưng chúng tôi xin đưa ra những nguyên tắc cơ bản nhất mà các bậc phụ cần xem đó là nền tảng khi cần tiến hành những biện pháp chăm sóc, giáo dục tại gia đình để giúp cho các em:

Nguyên tắc 1 :

Dù con bạn có những khó khăn gì đi chăng nữa, bạn hãy tự nhủ rằng đó là một con người có thể cải thiện.

Điều có nghĩa là các bà mẹ có thể đòi hỏi con của mình cố gắng hơn nữa. Không phải bất cứ bằng cách nào, mà chỉ là việc tránh giúp đỡ, tránh việc làm thay cho trẻ một cách máy móc về những việc mà trẻ có thể làm được. Tất nhiên ta sẽ thấy trẻ thực hiện một cách khó nhọc nhưng đấy là điều kiện tốt nhất cho sự tiến bộ. Có nhiều trẻ sống ngoài khả năng của chúng vì lúc nào người mẹ cũng đáp ứng trước những ước muốn của trẻ, bằng cả cánh tay, bàn chân, miệng, cả bộ óc để trẻ không cần vận dụng bất cứ điều gì : Hoạt động, cử chỉ hay lời nói !

            Vì thế, để giúp trẻ phát triển chúng ta cần lưu ý đến 3 điều trong việc chăm sóc:

  • Không nói thay đứa trẻ.
  • Để mặc trẻ một mình di chuyển, không dẫn dắt, trái lại thúc đẩy trẻ hoạt động.
  • Tự để trẻ ăn cơm một mình, kể cả việc trẻ có thể ăn bằng các ngón tay (ăn bốc ! )

Sự tự lập làm đau khổ lúc đầu, nhưng niềm vui sẽ đến sau.

Nguyên tắc 2:

Hãy cứ để con bạn tự làm một mình những gì nó có thể làm được không cần đến sự giúp đỡ. Nhưng chúng ta sẽ khuyến khích, hỗ trợ khi nào cần !

Điều này có vẻ là rất nặng nhọc cho trẻ lại kèm theo một vài đổ vỡ lớn nhỏ. Phải kể thêm là mất thời gian nữa đấy: chỉ khi nào phụ huynh làm dùm thì mới nhanh được! Làm hộ những gì trẻ có thể tự làm được, là làm trễ bước tiến triển của bé, đình trệ sự phát triển trí thông minh, ngôn ngữ, sự năng động, sự độc lập và xã hội hóa của trẻ.

Cái gì mà trẻ thực hiện chậm chạp và mệt nhọc ngày hôm nay, trẻ sẽ thực hiện tốt hơn vào ngày mai, như thế càng nhanh hơn và thích thú hơn . Cái giá của sự chậm chạp hiện tại, của sự vụng về sẽ được thay thế bằng những kết quả trong tương lai.

Luôn luôn chờ đợi trẻ bày tỏ ý muốn của bé

Nguyên tắc 3

Một đứa trẻ chỉ bộc lộ khi bé có sự mong muốn, trẻ không có nhu cầu thì cũng chẳng muốn nói gì hết. Nếu bạn cứ để trẻ tự bày tỏ ý muốn, trẻ sẽ phản ứng với môi trường xung quanh và có khuynh hướng gây một ảnh hưởng nào đó qua những động tác như khóc đòi bình sữa, đòi ly nước…đó là cách trẻ nói với bạn đó. Đấy chính là gây ảnh hưởng đến môi trường bên ngơài nhằm đạt đến một hiệu quả nào đó.

Chờ đợi những ý muốn của trẻ, không có nghĩa là không làm gì cả, mà ngược lại chính chúng ta sẽ giúp trẻ, thúc đẩy trẻ phát biểu, thể hiện ý kiến của mình sớm chừng nào hay chừng ấy

Nguyên tắc 4:

Trẻ càng biết nhiều thì càng được thức tỉnh. Phương pháp giản đơn, nhưng là cơ bản của sự giáo dục trẻ đặc biệt là: Dạy trẻ mọi thứ một cách ngắn gọn đơn giản, nhưng thường xuyên, ngày qua ngày, mỗi ngày một chút để tạo dấu nối vào những bộ phận cơ thể và xây dựng được những phản ứng thần kinh dẫn truyền của trẻ.

Trẻ sẽ học tất cả mọi động tác của cuộc sống. đó có vẻ là sự bắt buộc và khó nhọc. Nhưng chúng ta làm thế nào với những trẻ không được bình thường? không có cách gì khác.

Nguyên tắc 5

Chăm sóc không có nghĩa là làm thay

            Trong công việc hàng ngày, sự can thiệp của bố mẹ là yếu tố cơ bản của sự thành công. Hãy biết rằng vai trò của phụ huynh là hỗ trợ để đưa đứa con đi tới, với tất cả tình yêu thương của người cha, người mẹ; cái nguy hiểm lớn nhất của giáo dục là trở thành người thay thế thường trực cho các con. Đó là sai lầm bi thảm làm giảm sự phát triển của trẻ. Nhưng trên hết là đừng biến đứa trẻ rối nhiễu thành kẻ độc tài – chỉ biết không ngừng đòi hỏi, yêu cầu bằng sự khóc lóc, nhõng nhẽo và quậy phá của mình.

Mọi trẻ rối nhiễu cần phải biết những giới hạn của những gì được phép trên phương diện tinh thần và trên phương diện hoạt động tại gia đình cũng như ngoài xã hội.

            Hãy nghiêm phạt, hãy ngăn cấm, hãy chứng tỏ cứng rắn và cố gắng đừng bao giờ chấp nhận ở trẻ có nhu cầu đặc biệt một thái độ mà bạn không thể chấp nhận được ở trẻ bình thường.

      Cv.TL Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý