Trắc nghiệm khả năng giáo dục
24/12/2012
Giá trị của nhận thức giữa thày thuốc và bệnh nhân
25/12/2012
Trắc nghiệm khả năng giáo dục
24/12/2012
Giá trị của nhận thức giữa thày thuốc và bệnh nhân
25/12/2012

Can thiệp sớm tại gia đình  là một hệ thống các biện pháp để chăm sóc, giáo dục bằng thực hành dành cho trẻ có những khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi, ứng xử và nhận thức mà chủ yếu là các trẻ có nguy cơ Tự kỷ, trẻ hiếu động kém chú ý và trẻ chậm khôn.

ĐẶC ĐIỂM

Sở dĩ gọi là Can thiệp sớm là do các hoạt động này được khuyến khích tác động cho trẻ càng sớm càng tốt, dù trên thực tế thì hầu hết các trẻ được phát hiện các khó khăn và rối nhiễu nói trên thường đã trên hai, ba tuổi, thậm chí có em đến 4 tuổi hay hơn. Việc chẩn đoán phát hiện có phần chậm trễ vì sự hiểu biết và đánh giá về các rối nhiễu này chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Vì thế, sau khi được chẩn đoán một cách rõ ràng về tình trạng và mức độ rối nhiễu của trẻ, các bậc cha mẹ nên tiến hành các biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt cho trẻ ngay tại gia đình của mình, vì chỉ ở gia đình và với sự tích cực của chính cha mẹ mới có thể đem lại những biến chuyển tốt nhất cho trẻ.

Các đặc điểm của chương trình can thiệp sớm:

– Mục đích của chương trình là giúp trẻ có  cuộc sống càng bình thường càng tốt. Trẻ đặc biệt càng học được nhiều ( dưới nhiều hình thức, chủ yếu qua vui chơi), chúng càng tham gia được nhiều vào đời sống gia đình và các hoạt động ngoài cộng đồng.

–  Một chương trình mang tính giáo dục nhiều hơn là  trị liệu. Nghĩa là nó dạy  những kỹ năng mà trẻ đã sẵn sàng để học hơn là đưa ra các giải pháp về các nguyên nhân hay điều kiện. Trẻ cần được học các kỹ năng thông qua việc cha mẹ áp dụng các nguyên tắc và các bài tập tại nhà cho con em mình vì đó là một tiến trình rất lâu dài và phải diễn ra thường xuyên.

Dạy những kỹ năng phát triển bình thường. Nghĩa là những kỹ năng mà trẻ bình thường học khi chúng phát triển những kỹ năng cơ bản để từ nền tảng này chúng phát triển xa hơn.

–  Giảng dạy theo  từng bước một. Trẻ đặc biệt cũng có thể học cùng một cách như trẻ bình thường, nhưng chúng học chậm hơn và phải nhắc đi nhắc lại. Một thách thức, có thể là một trở ngại lớn đối với trẻ  nhưng có thể vượt qua được nếu được chia thành các thách thức nho nhỏ.

Dựa trên sự đánh giá cẩn thận. Trẻ đặc biệt học tốt nhất nếu chúng được dạy những bài học phù hợp vào thời điểm phù hợp. Vì vậy, trước khi bắt đầu việc dạy phải dành thời gian để tìm hiểu xem trẻ đã có thể làm được gì, để biết trẻ sẵn sàng học cái gì kế tiếp.

– Hoạt động của trẻ nhằm vào các mục tiêu. Các kỹ năng trẻ học ở những khoảng thời gian nhất định gọi là những mục tiêu. Các mục tiêu cho biết việc trẻ có thể làm được khi trẻ đạt được một kỹ năng. Các mục tiêu này giúp cho cha mẹ không bị chệch hướng.

– Mỗi trẻ có một chương trình riêng của nó. Các mục tiêu của trẻ ở một khoảng thời gian nào đó được gọi là chương trình của trẻ. Nội dung của chương trình tuỳ thuộc vào những kỹ năng mà trẻ có thể làm được, vào thời gian và nguồn lực sẵn sàng để dạy trẻ. Chương trình đặt ra để giúp trẻ đạt được sự thành công, có tính thực tiễn và có thể thực hiện ở gia đình cho riêng đứa trẻ đó.

– Việc giảng dạy được tiến hành một cách đơn giản và không đòi hỏi một kỹ thuật đặc biệt nào. Chúng dựa trên những hoạt động thực tiễn tại gia đình ( Ăn, ngủ, tắm,chơi đùa..), sự quan tâm của trẻ và khả năng mà trẻ có thể làm được. Thường thường những kỹ thuật này có thể trở thành một phần trong cách ứng xử chung của trẻ, nhiều kỹ năng có thể được dạy như một hoạt động của đời sống hàng ngày này không đòi hỏi phải có thì giờ dành riêng cho chúng.

 


THỰC HÀNH

Bạn có thể sử dụng nó một cách tự nhiên thoải mái, không theo một quy định nào cả, hay xem như đây một nguồn ý tưởng chỉ để gợi ý cho bạn. Bạn cũng có thể sử dụng nó một cách có hệ thống hơn, như những bài hướng dẫn theo một trình tự từng bước một – Từ dễ đến khó..

Nếu bạn muốn sử dụng nó theo cách thứ hai, chúng tôi đề nghị bạn tiến hành như sau:

  1. Hãy tiến hành việc QUAN SÁT đứa con của mình và sau đó đánh giá các khả năng phát triển hiện có về các mặt: Vận động thô – Vận động tinh – Tiếp nhận ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội, việc đánh giá cần tiến hành một cách cẩn thận và khác quan nhất (không cường điệu, dễ dãi hay coi thường tình trạng con mình )
  2. Hãy xem xét một cách thật cẩn thận các kỹ thuật và nguyên tắc mà mình sẽ áp dụng, nhằm giúp cho việc phát huy tối đa kỹ năng giao tiếp của con bạn.
  3. Đánh giá kỹ năng giao tiếp của con bạn một cách khách quan: Những gì trẻ chưa làm được, những gì trẻ làm một cách vụng về và những gì trẻ làm tốt
  4. Đặt ra các mục tiêu cho con bạn về các kỹ năng trong tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực giao tiếp. Các mục tiêu được tiến hành theo từng tuần hay từng tháng, không quá dễ dàng cũng như không quá khó khăn. Hãy đặt ra mỗi tuần chỉ một mục tiêu mà thôi.
  5. Bắt đầu dạy từ các bài tập dễ nhất, dù bạn cho rằng trẻ có thể làm một cách dễ dàng
  6. Trong khi dạy, đọc kỹ các bài tập từ dễ đến khó có trong chương trình, hãy áp dụng một cách linh hoạt các bài tập này ( Có thể nhanh hơn hay chậm hơn tùy theo khả năng tiếp nhận của trẻ ) và mỗi bài tập nên cho trẻ thực hành ít nhất là 2 lần
  7. Khi con bạn học được các kỹ năng mới, dùng bảng kiểm tra  để lựa chọn các mục tiêu khó hơn

Dĩ nhiên, bạn có thể thay đổi các bước này sao cho thích hợp với nhu cầu của con bạn. Có thể bạn thích bắt đầu bằng việc đánh giá chỉ một lĩnh vực kỹ năng và bắt đầu dạy trong lĩnh vực đó. Trước khi bắt đầu hoạch định một chương trình chung.

MỤC TIÊU:

Mặc dù con bạn có khó khăn chủ yếu là ngôn ngữ, nhưng đó không phải là mục tiêu được đặt ra, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Bởi vì ngôn ngữ hay đúng hơn là lời nói là kết quả của một loạt những tiến bộ về vận động thô, vận động tinh và các hoạt động bắt chước mà trẻ tiếp nhận được từ bạn. Qua đó, sẽ kích thích nhu cầu  giao tiếp của trẻ. Chỉ khi nào trẻ có nhu cầu giao tiếp đến một mức độ nào đó, trẻ mới có động lực để học nói. Vì vậy, chúng ta cần đặt ra những mục tiêu về vận động và tương tác ( biết bắt chước hoạt động của cha mẹ và biết chơi cùng với người khác ) trước khi tập nói cho trẻ.

KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG THÔ

Một số khả năng vận động thô cần quan tâm:

      Trước khi biết đi : Bạn xem lại quá trình phát triển vận động của trẻ, chú ý đến thời điểm trẻ biết bò ( 6 -8 tháng ) là chậm, sớm hay trẻ bỏ qua giai đoạn này. Nếu trẻ chưa biết hay ỏ qua giai đoạn này, bạn nên đưa vào chương trình can thiệp các bài tập bò (Dưới hình thức trò chơi ) Vì bò là một hoạt động phối hợp tay chân, do đó nó có những tác động tích cực đến việc phát triển não bộ.

      Giữ thăng bằng, đi, chạy: Khi nào thì trẻ làm được – nêu chưa làm tốt, nên đưa vào chương trình can thiệp sớm thông qua các trò chơi ( Tham khảo mục Tâm lý vận động)

      Lên xuống cầu thang, leo trèo: Trẻ lên xuống cầu thang như thế nào ? Nhanh hay chậm? có kiểm soát được các vận động hay không ?

      Chơi với banh : Trẻ có biết đá banh ? Biết chơi một số trò chơi với banh ?

      Nhảy : Trẻ có thể nhảy cao đến đâu ? Nhảy xa ? nhảy từ trên giường xuống đất?

      Đi xe đạp 3 bánh : Trẻ có biết đi xe đạp ba bánh không ?

Tất cả các hoạt động thô này nên được tổ chức dưới dạng trò chơi mà bạn và trẻ cùng chơi với nhau tại gia đình một cách thường xuyên.

 KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG TINH:

Một số kỹ năng vận động tinh cần quan tâm:

      Tìm kiếm : Các trò chơi tìm kiếm các vật dấu kín dưới các tấm nệm, tờ báo.. Các trò chơi tìm kiếm các con vật, các đồ dùng được dấu trong các bức tranh.

      Nắm bắt: Tập cho trẻ nắm bắt những trái banh có kích thước khác nhau ( bóng bàn, tenis và banh nhựa ) Nắm bằng một tay, hai tay – Tập nắm các ly, chén, muỗng

      Đặt để : Tập cho trẻ biết đặt các vật lên bàn, chồng các khối gỗ lên nhau

      Các kỹ năng thao tác bằng tay : Biết dùng kéo, tập dùng muỗng, đũa, cột và tháo các nút dây ( dây giầy, giây gói hàng …)

      Vẽ : Biết vẽ các hình cơ bản ( Vuông, tròn, tam giác … )

      Lật sách, đọc sách : Tùy theo trình độ, tập cho trẻ lật sách, biết chỉ vào các hình trong sách, với trẻ trên 5 tuổi thì tập đọc sách

      Giải quyết vấn đề, các câu đố : Biết cách giải quyết các vấn đề đơn giản, biết chọn lựa (quần áo, tức ăn, chỗ đi chơi …), ra quyết định

      Phân loại và kết nhóm: các đồ vật, các tranh ảnh: Tập cho trẻ phân loại bằng các bức tranh ( Tranh trái cây xếp chung tranh đồ vật rồi lựa ra ) sau đó phân loại bằng các mô hình ( hình bằng bông, nhựa …) rồi các vật thật.

 NHẬN BIẾT NGÔN NGỮ.

      Lắng nghe và dự vào: Tập cho trẻ nghe kể chuyện và tham dự (chỉ vào các hình minh họa, nhắc lại các tên, hay hoạt động chính của câu chuyện)

      Đáp ứng các cử chỉ, điệu bộ và cách hướng dẫn đơn giản: Tập cho trẻ biết bắt chước hành động của người lớn.

      Chọn lựa những cái khác nhau: đồ vật và tranh ảnh : Chơi các trò chơi tìm kiếm và chọn lựa trên các hình vẽ, các mô hình và các vật thật

      Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ mô tả hành động: Biết làm theo các yêu cầu, mệnh lệnh (Đứng lên, ngồi xuống, đi ra sân, chạy lại đây … )

      Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ bổ nghĩa : Hiểu các yêu cầu mô tả (Lấy cho mẹ cái ly màu đỏ trên bàn )

      Đáp ứng lại các hướng dẫn liên quan đến các từ chỉ vị trí : Hiểu các yêu cầu về vị trí các vật trong không gian – biết các giới hạn về không gian

 

CÁC HOẠT ĐỘNG CÁ NHÂN :

      Biết chơi đùa một cách tự nhiên với đồ chơi (Lưu ý : Trẻ có nguy cơ tự kỷ thường chỉ thích chơi với các đồ thật, không biết chơi với đồ chơi)

      Ăn và uống (Biết tự xúc ăn và ăn uống vào những thời điểm nhất định trong ngày )

      Mặc (Biết cởi quần áo và mặc các loại quần áo đơn giản)

      Tiêu, tiểu, đánh răng, xúc miệng, rửa tay chân

      Tắm rửa, chải chuốt

Có các hoạt động nêu trên phù hợp với khả năng nhận thức và phát triển theo độ tuổi và tình trạng phát triển về nhận thức, hành vi

CÁCH DÙNG CÁC CHUỖI:

Chuỗi là một loạt các hành vi, cử chỉ theo một thứ tự nhất định để hoàn thành một hoạt động nào đó như : Mặc áo là một chuỗi các cử chỉ của hai tay và thân người theo một trình tự để có thể mặc được cái áo vào người – Ăn là một chuỗi các cử chỉ của bàn tay để xúc hay gắp và đưa thức ăn vào miệng .. Các hoạt động vui chơi hay học tập cũng là một chuỗi các hành vi kết hợp giữa các giác quan và sự chuyển động của tay, chân và cơ thể.

Một số chuỗi chỉ chứa đựng vài kỹ năng, một số chuỗi khác có nhiều kỹ năng hơn. Một số có thể được bắt đầu với trẻ sơ sinh, một số khác lại bắt đầu với trẻ lớn hơn.

Tuỳ vào tuổi và mức độ phát triển của trẻ, và tuỳ vào khả năng của bạn, bạn có thể tiến hành chỉ một hay hai chuỗi của mỗi lĩnh vực phát triển cùng lúc, hay vài chuỗi của một lĩnh vực- tất cả cùng một lúc hoặc luân phiên nhau. Nói cách khác, bạn làm thế nào thích hợp với con bạn và thời gian bạn dành cho việc dạy con bạn. Ngay cả trong việc học tập, các buổi tập luyện (các bài tập can thiệp hay các bài tập ở trường ) cũng nên tiến hành theo chuỗi (từng bước, bước 1 -2 -3 và thường xuyên để trở thành một thói quen làm việc có thứ tự )

Điều quan trọng là khi dạy trẻ, bạn lưu ý đến việc nhắc lại các chuỗi trong quá trình can thiệp: Ngắn gọn, rõ ràng với cách nói vui vẻ, năng động. Các chuỗi của một hoạt động phải giống nhau hay tương tự nhau trong các buổi thực hành. Như tập cho bé mặc áo như thế nào trong buổi thứ nhất, thì qua buổi thứ hai cũng phải tập theo đúng trình tự các thao tác đó. Bạn hãy xem xét thật kỹ các bài hướng dẫn về các nguyên tắc để rồi dựa theo đó, áp dụng vào các bài tập thực hành một cách chậm rãi, kiên trì từng bước một với trẻ.

Trong giai đoạn đầu ( 3 – 6 tháng ) bạn nên có sự phối hợp với một đơn vị chuyên môn về tâm lý để có được những tư vấn và định hướng cho bạn cũng như những động viên cần thiết vì đây là giai đoạn mà sự tiến bộ của trẻ rất chậm. Nhưng đó là chuyện bình thường, chỉ cần sự kiên nhẫn và một tấm lòng dành cho trẻ. Bạn và con sẽ vượt qua được.

CHÚC BẠN THÀNH CÔNG

Cv.Tl Lê Khanh – TT Tâm lý Giáo Dục kỹ năng RỒNG VIỆT VŨNG TÀU

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý