Tại Sao trẻ em và thanh thiếu niên mê games
06/02/2015
Khi đạo đức rơi rụng
20/02/2015
Tại Sao trẻ em và thanh thiếu niên mê games
06/02/2015
Khi đạo đức rơi rụng
20/02/2015

Vấn đề lì xì cho trẻ đúng là một loại đề tài “ Đến hẹn lại lên” hầu như năm nào đến Tết cũng có ít nhiều bài viết nói về vấn đề này. Nhìn chung đều có lời khuyên cha mẹ nên qua việc lì xì này mà dạy con biết cách sử dụng tiền, dạy con ý nghĩa của chuyện “mừng tuổi” v.v.v

nhưng thực sự mà nói, có lẽ ít có bài học nào được rút ra từ đây vì đã từ lâu, chuyện Lì xì không còn là chuyện của trẻ em nữa mà đã thành một “hoạt động” đem lại những ích lợi hay quyền lợi cho người lớn .

Cha mẹ cần phải làm chủ đồng tiền :

Với gia đình có ý thức dạy con, và bố mẹ có khả năng “làm chủ bản thân” thì việc xử lý chuyện lì xì chỉ là chuyện nhỏ – Họ “can đảm” chỉ lì xì cho con trẻ (Con họ và con bạn bè ) những đồng tiền có mệnh giá nhỏ với yêu cầu đơn giản là mới và đẹp, kèm theo đó là những lời chúc chân tình. Nhưng với người xem chuyện khoe của hay coi trọng vật chất, muốn “mua” sự thán phục của lũ trẻ thì họ “không dám” bỏ vào phong bao những tờ tiền có mệnh giá dưới 20 nghìn – thông thường là 50 – 100 nghìn thậm chí bằng những tờ USD hay AUD, cũng có thể là tờ 2 USD may mắn.

Có thể nói là hiện nay những giá trị tinh thần của ngày Tết ( trong đó có tục lì xì ) đã ngày một “biến tấu” và mai một theo cùng những giá trị tinh thần của những lễ lạc khác, nên việc kêu gọi bố mẹ hãy “tỉnh táo” trong chuyện lì xì cho con hay có thể dùng việc này để giúp con biết sử dụng đồng tiền thực sự không đơn giản.

Vì thế, thay vì khuyên bố mẹ cần biết dạy con biết cách “nhận” lì xì cho phải phép và biết cách dùng tiền được lì xì vào những việc có ích như thế nào thì nên góp ý với bố mẹ biết cách “cho” con trẻ tiền lì xì như thế nào để qua đó trẻ ý thức được “giá trị tinh thần” của những phong bao lì xì chứ không phải giá trị của số tiền nằm trong phong bao đó. Đúng hơn là bố mẹ nên có sự hiểu biết để có thể dạy con biết ý nghĩa của việc lì xì và biết rằng đó chỉ là hệ quả của lòng thương yêu và kính trọng qua những lời chúc mà trẻ con gửi đến người lớn, chứ không phải đó là sự “trao đổi” theo công thức Chúc tết để được lì xì ! Nếu nói theo tính logic thì người lớn “cám ơn” và “mừng tuổi” lại cho con trẻ qua việc lì xì chứ không có bổn phận “phải lì xì” cho con để sau đó trẻ con mới chúc tuổi và chúc Tết lại cho mình.

Cần cho trẻ hiểu ý nghĩa của việc lì xì

          Lì xì là một hoạt động mang giá trị tinh thần trong một loạt các “tục lệ” của ngày Tết như Tiễn ông Táo – cúng Giao Thừa – Đón ông bà, gia tiên về ăn Tết – Hái lộc đầu xuân – Không ăn nói tục tằn trong 3 ngày Tết v.v.v và bố mẹ nên giải thích một cách đơn giản, rõ ràng cho con cái hiểu trước ngày Tết ý nghĩa của các hoạt động này. Đến khi trẻ đã hiểu đó chỉ là một hoạt động bầy tỏ lòng kính mến, quý trọng ông bà, cha mẹ, chú bác .v.v. và chuyện lì xì của ông bà, cha mẹ, chú bác…cho mình là việc “cám ơn” của người lớn đối với mình, thì lúc đó mới hy vọng trẻ không còn “đo” giá trị của người lì xì cho mình qua những tờ giấy xanh giấy đỏ ở bên trong.

          Không cần thiết phải đặt nặng chuyện “quản lý tiền lì xì” cho con hay dạy cho con biết “xài tiền lì xì cho đúng cách. Vì chuyện “chỉ đạo” con cách xài tiền chỉ cho thấy chính bố mẹ cũng coi trọng giá trị của số tiền nằm trong đó. Chuyện dạy con biết cách dùng tiền không cần phải đợi đến khi con có tiền lì xì mới “buộc” con phải tiêu tiền hợp lý, mà đó là một quá trình tiệm tiến, dạy con “từ thủa lên 5” rồi , vì nếu cứ thả phanh cho con xài tiền tiêu vặt không cân nhắc suốt năm. Đến khi thấy con nắm trong tay cả trăm nghìn một lúc mới “lên kế hoạch” dạy con thì e là vô ích thậm chí còn phản tác dụng. ( Trẻ sẽ phản ứng : Đây là tiền của con mà – đúng quá ! – con muốn mua gì thì mua chứ – đúng luôn ! Thế là bố mẹ hoặc dùng “sức mạnh của quyền lực” để buộc trẻ không được tiêu bằng cách bỏ ống hay gửi tiết kiệm vào tủ của mẹ ! Hoặc lại ra sức “dụ con” thậm chí là “năn nỉ” con tiêu tiền vào những điều mà mình cho là có ích trong khi chính đứa trẻ không hiểu tại sao lại phải như vậy ! Điều này vô tình lại đi ngược lại nguyên tắc giúp con có khả năng “ra quyết định” và sau đó là chấp nhận hậu quả của quyết định (biết chịu trách nhiệm) mà đó lại là hai trong số những kỹ năng sống mà chúng ta đang cần phải dạy !

Như vậy, chúng ta không nên “tách” chuyện lì xì ra để xem đây là một “cơ hội” dạy con cách dùng tiền, mà nên “gắn” hoạt động lì xì vào một chuỗi những giá trị tinh thần mà trẻ con cần được biết để tiếp tục “truyền thống” đón Tết, mừng Xuân cho đúng với ý nghĩa và giá trị của những ngày đầu Xuân.

 LÊ KHANH

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý