Biện pháp giúp trẻ không nói dối
16/01/2015Mặt trái của công nghệ truyền thông
06/02/2015PN – Ở thành thị, nhà cửa chật chội, cha mẹ bận bịu nên trẻ không có điều kiện trồng và chăm sóc cây xanh. Theo nhiều nghiên cứu, việc dạy cho trẻ tập làm “nông dân” mang lại rất nhiều lợi ích.
Mù mờ
Trẻ em ngày nay, nhất là trẻ nơi đô thị, trong các khu lao động hay chung cư cao tầng, rất ít thậm chí không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với thiên nhiên. Các em chỉ biết cây xanh qua những hình ảnh hay chậu hoa, giỏ cây được treo, trồng khiêm tốn ở mái hiên nhà, những cây cỏ, hoa lá… giả bằng nhựa, vải. Vì vậy, trẻ không cảm nhận được niềm vui khi tự tay chăm sóc cây xanh và nhìn nó lớn lên.
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý – đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu từng chứng kiến cảnh một bé trai tám tuổi khi đi tham quan đường hoa Nguyễn Huệ với gia đình đã không phân biệt được cỏ và lúa. Thấy một vạt lúa non (mạ) được trưng bày cùng giàn bầu bí, tái hiện phần nào khung cảnh nông thôn, cậu bé ấy đã kêu lên: “Ôi, cái đám cỏ này to và đẹp quá!”.
Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, việc cho trẻ học cách trồng cây hay chăm sóc cây xanh, ngoài giá trị khoa học là trẻ biết tên gọi, biết phân biệt rau cải với cây xà lách, giữa quả mướp với quả bầu… thì còn giúp trẻ phát triển cảm xúc và giác quan. Khi được đào xới, cắt xén, chăm sóc và chứng kiến sự tăng trưởng của cây, trẻ thêm tự tin vào bản thân và biết tôn trọng môi trường sống.
Chị Nguyễn Trúc Linh (Tân Hòa Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) dẫn con gái (10 tuổi) sang nhà một người bạn chơi. Trên sân thượng nhà này trồng khá nhiều rau cải xanh, xà lách, có cả giàn mướp và một số loại hoa. Chị Linh giật mình khi con gái chỉ vào luống rau xà lách hỏi: “Mẹ ơi! Đây là cây gì?”. Ngay cả những cây ăn trái gần gũi như xoài, ổi, cam… bé cũng chưa bao giờ nhìn thấy lá, cành. Với các loại hoa, bé càng mù tịt. Giật mình vì sự “ngờ nghệch” của con, chị Linh chia sẻ: “Từ hôm ấy, mỗi lần làm bếp, tôi lại gọi con xuống để chỉ cho con biết đây là loại rau gì, được trồng và chăm bón ra sao… Vợ chồng tôi còn tranh thủ cuối tuần đưa con đi Thảo Cầm Viên, Tao Đàn hoặc về ngoại thành để con được gần gũi, tìm hiểu thiên nhiên, cây cỏ”.
Thực hành làm “nông dân”
Thường khi đến trường mẫu giáo, các em cũng được biết qua về cây xanh ở “góc vườn “ của trường; nhưng chủ yếu chỉ là quan sát mà chưa có sự hiểu biết và quan tâm. Vì vậy, phụ huynh nên giúp các bé trong độ tuổi lên năm – sáu biết cách chăm sóc đơn giản cho cây như tưới nước, hái lá sâu… dần dần biết thêm cách chăm sóc, nhận dạng các loại cây trồng khác nhau trong nhà. Phụ huynh cũng lưu ý khi thực hành vun bón cây, đừng để các em sử dụng các loại thuốc, hóa chất sát trùng vì có thể vô tình gây tổn thương cho tay và mắt của bé. Đồng thời, phụ huynh đừng để các em sử dụng kéo tỉa cây mà chỉ nên dùng tay để vặt lá, lưu ý các bé giữ vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi đã vọc đất cát trong quá trình chăm sóc cây.
Trường hợp nhà chật chội, hay ở chung cư thì ngoài việc nên có vài chậu cây xanh trong nhà, phụ huynh có thể cho bé đến các công viên cây xanh hay vùng ngoại ô để tham quan các khu vườn trồng rau, các ruộng lúa vùng ven. Nếu không có thời gian thì có thể cho bé tham gia một số buổi dã ngoại do các trung tâm rèn luyện kỹ năng sống tổ chức. Phụ huynh nên tham khảo kỹ nội dung chương trình xem có phù hợp với độ tuổi của con em mình hay không, có thiết thực không. Sau khi trẻ tham dự các buổi thực hành với cây xanh, nên hỏi han, nhắc nhở để trẻ ghi nhớ các kinh nghiệm và kiến thức có được qua hoạt động bổ ích này.
NGUYỄN MỸ
( phunuonline )