Danh mục: Gia đình & Xã hội

  • SỐNG CHUNG VỚI LŨ

    SỐNG CHUNG VỚI LŨ

    Khi nói đến những hậu quả của việc nghiện games online ở trẻ em và thanh thiếu niên, đã có quá nhiều bài viết, lời khuyên … rước đây, trong cuộc sống bình thường khi trẻ được đi học và bố mẹ bận đi làm… thì việc quản lý con sử dụng máy tính hay điện thoại sẽ khác so với tình trạng hiện nay. Ngoài ra, các em còn có khá nhiều niềm vui và sự bận rộn, để có thể giảm thiểu nguy cơ dính vào games đến mức nghiện ngập và kéo theo những nguy cơ !.

    Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, hầu hết các thành phố và cả nông thôn, đều ít nhiều bị con Covid nó nhốt ở nhà, cả người lớn và trẻ em từ sáng tới tối, thì việc con dính vào máy tính, điện thoại là điều không thể tránh khỏi mà những biện pháp ngăn cấm “cứng” hay cực đoan sẽ là vô ích, có khi còn phản tác dụng .

    Dư luận báo chí đã từng đưa những câu chuyện đau lòng về hậu quả của việc nghiện game, nhưng làm thế nào để trẻ không rơi vào tình trạng này lại là một “chiến lược” không hề dễ dàng . Có một sự liên quan mật thiết giữa các mối quan hệ trong gia đình và tình trạng lạm dụng các chất gây nghiện, mà game cũng là một trong số đó ! Nếu như bố mẹ cứ coi thường hay không xây dựng nổi  những mối quan hệ – tương tác tốt đẹp với con, lại chỉ thích quản lý con bằng những mệnh lệnh, những bài học đạo đức mà nhiều khi người nói cũng không làm được, thì đừng mong con cái lắng nghe chứ đừng nói đến chuyện chấp hành !

    Liên hệ đến thực tế, nếu xem Covid là giặc và phải “chiến thắng” bằng mọi cách – không thắng không về ! thì sự thất bại là …dễ hiểu ! Nghiện games online với trẻ cũng thế, càng dập thí dịch càng nhiều ! và càng xiết lại thì khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lại càng xa !  Cho đến một ngày nào đó thì bùng nổ với những phản ứng dữ dội khác nhau  hay nguy hiểm hơn, trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm và khủng hoảng tâm thần. Dĩ nhiêu là sẽ ảnh hưởng nặng đến ..kinh tế hay hạnh phúc gia đình !

    Việc “ngăn cấm” kiểu “ ai ở đâu ở yên đó” như cấm không dùng điện thoại, máy tính, cắt net, khóa máy bằng password ? Hay cài vài cái app để giám sát hầu như không có tác dụng! Đó chỉ là những giải pháp đối phó , gãi ngứa , sẽ  tạo ra những “biến thể Delta” là trẻ vẫn nghiện game không hề giảm mà còn tăng . Thậm chí, trước đây người ta đã lập ra những trung tâm cai nghiện games, trẻ bị nhốt vào đó vài tuần “cách ly” với nguồn lây là cái máy tính hay điện thoại ! Cũng có trẻ qua được, nhưng phần lớn là rơi vào tình trạng tái nghiện sớm hay muộn khi quay về các hoạt động đời thường, nếu không có những thay đổi căn cơ trong cuộc sống tại gia đình.

    Những thay đổi căn cơ là gì ? Đó chính là những giá trị sống và kỹ năng sống mà trẻ hầu như không có hay thiếu hụt. Điều này cũng không phải lỗi tại trẻ , mà chính do cách sống và cách ứng xử của bố mẹ với trẻ !  Đồng thời, kèm theo đó là những hiểu biết sai lầm về tính chất và tác dụng của kỹ năng sống.

    Người ta cũng đã tổ chức nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ – nhưng cũng như việc cai nghiện games, sau vài ngày tạo động lực hay lấy nước mắt của trẻ, thì khi trở về gia đình, mèo lại hoàn mèo !  Lỗi cũng không phải ở trẻ, mà là ở chỗ người lớn hiểu sai về giá trị và ý nghĩa đích thực của kỹ năng sống, và việc giáo dục KNS hoàn toàn không phải là những khóa học kiểu học kỳ quân đội hay cưỡi ngựa xem hoa , và KNS không hề có những điếu lý thuyết như một môn học !

    Kỹ năng sống nói một cách vắn tắt, đó là các kỹ năng giúp con người biết tự phục vụ bản thân và có trách nhiệm và bổn phận phục vụ người khác ! Trong các hoạt động tại gia đình, con cái và nhiều khi cả bố mẹ cũng lẫn lộn giữa trách nhiệm và bổn phận cũng như không hiểu rõ  những giá trị của các phần thưởng tinh thần và vật chất ! Trẻ em từ thủa nhỏ đến lúc trưởng thành, bổn phận là học tập ! Trách nhiệm là các hoạt động trong gia đình ! Nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ có quyền ép con học theo ý muốn của mình và có quyền làm lơ về những quyền lợi mà trẻ phải được hưởng khi  tham gia công việc trong nhà ! Làm việc nhà mà phải thưởng sao ? đó giống như mua bán ? Thực ra, trẻ có bổn phận làm việc thì người lớn có trách nhiệm khen thưởng. Nhưng khen thưởng sự cố gắng làm việc chứ không phải là thưởng công cho kết quả của việc làm !  Và cũng không có kiểu ra giá, trả giá hay nâng giá ở đây!

    Việc khen thưởng cũng không phải là chỉ hiện kim hay hiện vật, mà còn rất nhiều cách như thể hiện sự hài lòng và biết tôn trọng giá trị của con cũng là một sự khen thưởng không hề nhẹ ! Người lớn cũng phải biết tự phục vụ bản thân và có bổn phận phục vụ những người thân chung quanh mình.  Đừng làm kẻ chỉ đạo miệng rồi buộc con phải siêng năng!

    Chính việc áp dụng các kỹ năng sống một cách đúng đắn và hiệu quả, sẽ là chất kết dính các mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp trong gia đình –từ đó sẽ tạo ra những “ hệ miễn dịch” để trẻ có sức đề kháng với virus “ Games Online” –  Nói cách khác, vaccine “ niềm vui và sự chia sẻ” sẽ góp phần quan trọng cho trẻ có sức đề kháng và vượt qua được tình trạng nghiện game, chứ không phải những biện pháp nghiêm khắc kiểu giãn cách hay chiều chuộng dung túng một cách quá tự do!

    Nhưng, điều quan trọng là đừng bao giờ để cho trẻ đi đến mức nghiện games, chơi ngày chơi đêm rồi mới đi kiếm thuốc điều trị ! Khi “bỏ quên” hay bỏ mặc trẻ, để rồi trẻ không thể rời tay, rời mắt khỏi cái màn hình vi tính, điện thoại hay sống thu mình, ban đêm thì thức trắng, ban ngày thì lờ đờ, nói trước quê sau, bỏ ăn bỏ mặc, không màng tới các hoạt động thiết yếu về vệ sinh cá nhân … thì lúc đó là đã quá nặng – Vì vậy, sự quan tâm là điều vô cùng quan trọng và việc tập luyện cho trẻ những thói quen tốt, biết rõ trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi của mình cũng như xem game là một trong những thú vui của con, mà trẻ sẽ học được cách quản lý . Đó sẽ là những yếu tố quan trọng, để trẻ có thể sống chung với games.  Trẻ hoàn toàn có thể chơi games thoải mái mà không bị nghiện ! Bởi vì trẻ có đủ kỹ năng sống để đối diện và vượt qua những thách thức này  .

    Để có được những giá trị sống và kỹ năng sống như thế thì chính sự làm gương của người lớn, chính việc vận dụng và hiểu biết về trách nhiệm và bổn phận, chính lòng tự trọng và phong cách sống trung thực, nói được – làm được , biết giữ lời hứa và niềm tin cho con, đó mới là những “vũ khí” mạnh nhất để giúp con “chống giặc” là các chất gây nghiện, nói chung từ thuốc lá, rượu, ma túy cho đến games onlin hay các trang web sex.  Nếu không có những điều này, thì đừng hỏi tại sao con lại nghiện games và cũng đừng mong “điều trị “ hay chiến thắng mà có khi còn mất con lúc nào không hay!

    Lê Khanh – TT Giáo dục ĐB Diệp Quang.

  • CHUYÊN GIA ƠI ! HÃY NÓI CHO NÓ NGHE !

    CHUYÊN GIA ƠI ! HÃY NÓI CHO NÓ NGHE !

    Sáng nay, ngồi tư vấn qua điện thoại cho một bà mẹ ở xa, bà muốn đưa đứa con học lớp 10 của mình đến gặp chuyên gia tâm lý – vì nó quậy quá , không chịu nghe lời bố mẹ, dù bà đã “năn nỉ” lẩn trách mắng! Bà nghĩ rằng, có lẽ mang đến cho chuyên gia – “tư vấn – dạy dỗ” “vài buổi” nói cho nó nghe …thì chắc nó sẽ ngoan trở lại ! Bà không hiểu rằng, nếu chỉ nói thôi mà có thể thay đổi một thói quen, một thái độ thì thế gian đã là một Thiên Đường !

    Đây không phải là lần đầu , mà đã có khá nhiều trường hợp mang con đến tư vấn, thậm chí ngay khi chính đứa con yêu cầu – cũng không thể chỉ trong vòng vài câu nói, một hai buổi tư vấn mà con có thể trở nên “ngoan”. Trước hết, hãy thử nghĩ mà xem – con đã “trở nên hư” từ khi nào ? Đâu phải một sớm một chiều mà con đã “hết nói nổi, hết dạy nổi” ! Mà đó là một “tiến trình” ! Nếu đã có một tiến trình trở thành con hư – thì cũng cần phải có một tiến trình để trở lại thành con ngoan ! ( mà thế nào là ngoan thì lại là 1 vấn đề khác )

    Có một thực tế mà ai cũng biết – con hư đâu phải tại con ? nhưng khi đối diện với những lỗi lầm, lúc nào bố mẹ cũng chỉ thấy cả một trời sai lầm và hư hỏng nơi đứa con. Con lười học ? lười giúp bố mẹ, lười tắm rửa… con ham chơi games, con kết bạn với lũ hư hỏng, con không chịu nói chuyện với bố mẹ… trăm tội đổ đầu con ! Thế rồi, nó hư thì chửi, đánh, răn đe, dọa nạt nó, cho nó hết hư – chứ tôi rất thương nó mà ? Tôi chỉ yêu cầu nó ngoan ngoãn học hành, lúc nào cũng có điểm 10 mang về như con người ta, đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng như con người ta ! Lúc nào cũng phải như con người ta – chứ không phải là như “chính mình” ! Tôi đâu có bắt nó làm việc nhà ? nó muốn thì nó làm, ai cấm, nhưng nhiệm vụ của nó chỉ là học, học sáng, học chiều học tối …. Nó đòi cái gì là có cái nấy, muốn iphone, ipad gì cũng có , bữa cơm không chịu ngồi vào bàn, sẽ bưng lên tận phòng. Quần áo thay ra, mẹ lui cui gom đi giặt … Ngôi phân tích một hồi thì hầu như chỉ thấy sự chiều chuộng và áp đặt, chứ không phải là sự quan tâm và nghiêm khắc ! Nói thêm một hồi nữa thì mới thấy bố mẹ đã có những lời nói và ứng xử không phù hợp, và điều quan trọng là sự chăm sóc giữa bố và mẹ thường mâu thuẫn nhau! Trẻ sẽ nghe ai và cãi ai ?

    Có gia đình coi trọng tiền bạc, ai có thu nhập cao, người đó là sếp ! Có gia đình theo truyền thống “gia trưởng” kiểu nào ông bố cũng là ông quan trong nhà ! Có trường hợp thì bố chỉ biết ra ngoài kiếm tiền , bỏ mặc con cho mẹ dạy, nhưng khi mẹ nghiêm khắc với con, thì bố lại cưng chiều. Cũng có những gia đình, bố mẹ ít học, chỉ biết cặm cụi làm ăn, không biết mở lời với con bằng những lời yêu thương, hay những câu “có cánh” – Khi con học lên cao, lại vừa hãnh diện về những thành tích học tập của con, có khi đem khoe khắp nơi, lại vừa nể nang cái “ vị trí” của con và vô tình cho con lên đầu lúc nào không biết rồi mới than, sao nó hỗn quá !.

    Một xã hội ổn định là ai ở đúng vị trí của họ ( còn bây giờ thì cứ ở yên trong nhà ! ) Một gia đình ổn định là bố mẹ và con ở đúng vị trí của nhau ! Bố mẹ phải chấp nhận và biết tôn trọng chính mình cũng như chấp nhận và tôn trọng vị trí của con ! Nghe đến hai chữ tôn trọng sao mà trịch thượng gớm ! Từ trước đến giờ – con cái là phải vâng lời , cha mẹ nói ra chỉ có đúng và rất đúng ! Sao lại phải tôn trọng con ? Cũng như trong nhà trường, học sinh phải tôn trọng thầy cô và trong xã hội, thì trẻ con phải tôn trọng người lớn ! – Điều đó đúng, đó là tôn ti trật tự ! Nhưng nếu bố không ra bố, mẹ không ra mẹ, thầy không ra thầy, người lớn không ra người lớn thì sao ? Ăn nói gian dối, hứa không giữ lời, nói một đằng làm một nẻo mà đòi sự chấp hành và tôn trọng ?

    Con hư, không phải một ngày mà hư, gia đình xáo trộn không phải chỉ do một vài biến cố mà xáo trộn, xã hội đảo điên, không phải chỉ vì vài biện pháp áp dụng tầm bậy ! Tất cả là do những cách thức và hành vi ứng xử với nhau, do những biện pháp giáo dục và hướng dẫn không phù hợp mang tính áp đặt, cửa quyền kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm !

    Muốn thay đổi một đứa con hư, cũng không phải bằng vài câu nói hay những lời kêu gọi bùi tai, khiến trẻ có thể thay đổi ngay lập tức ! mà phải là những biện pháp cư xử với sự tôn trọng lẫn nhau, từ những chuyện nhỏ nhặt được thực hiện trong gia đình mỗi ngày và mỗi ngày! Không thể nói cho nó nghe mà hãy làm cho nó hiểu và chấp nhận với tấm lòng tôn trọng và yêu thương .

    Lê Khanh – Trung Tâm GDĐB Diệp Quang ( An Giang )

  • SỐNG CHẬM VỚI GIA ĐÌNH

    SỐNG CHẬM VỚI GIA ĐÌNH

    “ Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt – Khói cam tuyền mờ mịt thức mây” Hai câu thơ nói lên sự báo động về một cuộc chiến hủy diệt ngày xưa – tưởng như chỉ còn trong quá khứ với những cuộc chiến tranh đã qua đi . Nhưng giờ đây tuy không có tiếng trống báo động, không có khói báo nguy, và  tiếng súng cũng chưa ngớt, thế mà lại có một cuộc chiến khốc liệt hơn – không chỉ ở phạm vi quốc gia hay khu vực mà đã lan rộng khắp nơi, đã khiến nhiều thành phố hoang vắng, bầu trời mịt mù thuốc “khử trùng” và làm chao đảo gần như mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị trên toàn thế giới.

    Điều mà các cuộc chiến mức độ thế giới  không làm được, điều mà những thảm họa như cháy rừng, bão lũ hay hạn hán trên diện rộng không làm được, thì chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 6 tháng, con virus nhỏ bé đã làm được! Nó không chỉ gây ra sự lo sợ do cái chết đem lại như bao thảm họa khác –nếu so với con số người chết vì chiến tranh, hay vì giao thông, vì ung thư… thì virus Vũ Hán này chưa là cái gì ! ( năm 2019 mỗi ngày có 21 người chết vì tai nạn giao thông và 300 người chết vì ung thư tại VN! ) Ấy thế mà nó đã làm cho cả thế giới lên cơn …khủng hoảng ! Các quốc gia đã lao đao suy kiệt kinh tế, Thủ tướng Italy khóc trên truyền hình và thủ tướng Anh phải cách ly tại nhà!

    Nhưng điều quan trọng mà chưa có sự khủng hoảng nào làm được , đó  là sự nhìn nhận lại những giá trị trong cuộc sống hàng ngày . Người bi quan thì tưởng như tận thế, còn những người lạc quan thì lại thấy như một sự cải thiện môi trường sống, giảm thiểu sự ô nhiễm do khí thải, do rác thải , giảm sự ùn tắc giao thông, sự quay cuồng trong những đám đông để làm việc – vui chơi rồi sinh ra muôn ngàn tệ nạn !

    Trong một bình diện nhỏ hơn, thì con virus này đã tạo cơ hội cho những thành viên trong gia đình có cơ hội nhìn lại nhịp sống của mình, nhìn lại những gắn kết đã lỏng lẻo trong thời gian qua, những sự quan tâm đã trống vắng trong mỗi một thành viên gia đình để có thể bắt đầu đi tìm niềm vui trong chính gia đình mình.

    Tại Đan Mạch , có một cách sống gọi là “Hygge” là từ dùng để chỉ cảm giác ấm áp, an toàn và thư giãn, tận hưởng từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống gia đình. “Hygge” tồn tại trong mọi nét văn hoá của người Ðan Mạch, từ trang trí nhà cửa, ẩm thực đến tặng quà tri ân.  Cùng những bạn bè thân quý hưởng bầu không khí ấm áp với nhau là Hygge. Những cây nến cháy sáng trên bàn ăn có hoa là Hygge. Hygge còn là cùng đi xem một cuốn phim hay. Cùng nhau vui vẻ dự bữa ăn ngoài trời là hygge. Chính văn hóa hygge làm cho người Ðan Mạch nổi tiếng là những người hạnh phúc trên thế giới.

    Trong văn hóa người Việt, với lối sống đại gia đình xưa kia, cũng không thiếu gia đình coi trọng những buổi họp mặt ( Cúng giỗ, Lễ Tết, sinh nhật ) hay những buổi ăn chung, chơi chung để tạo ra một bầu khí ấm cúng… Tuy nhiên, với cuộc sống trước đây thì những hoạt động đó ngày càng hiếm hoi, nó không còn là hoạt động bình thường mà là những cơ hội ít ỏi để duy trì sự an yên. Trong nhiều trường hợp, chính tình trạng thiếu nối kết trong gia đình, thiếu những bữa ăn chung, thiếu những quan tâm hay các món quà dành cho nhau , đã khiến cho từng thành viên gia đình trở nên khép kín, thu mình lại trong cái vỏ bọc tự kỷ, đến nỗi tưởng như là trầm cảm hay suy nhược thần kinh ! Đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, mà lối sống cơm hộp và smartphone đã khiến cho các em không còn được hưởng cái bầu khí cùng nhau sinh hoạt trong gia đình. Để từ đó nãy sinh ra bao nhiêu chứng rối nhiễu tâm lý !

    Buổi sáng thức dậy đã vội vã đến trường, buổi trưa với bữa cơm ở căn tin, đến chiều mệt nhoài quay về nhà, thì lại dính vào cái điện thoại, cái máy tính hay lại ở trong lớp học thêm ! Vội vã, căng thẳng và mệt mỏi ! Cả ngày thứ Bảy Chủ Nhật cũng vẫn phài đi học, vẫn phải làm thêm, vẫn phải sống ngoài xã hội, và gia đình chỉ còn là một nhà trọ để về ngủ qua đêm !

    Giờ đây, với khẩu hiệu : Ai đang ở đâu – ở yên tại đó… thì gia đình “bỗng nhiên” trở thành một pháo đài “tử thủ” ! Có người lên kế hoạch “du lịch” Từ Phòng khách sang phòng ăn, từ phòng ăn quay về nhà tắm và kết thúc ở phòng ngủ ! Có người lên kế hoạch học và dạy học online, có người thì chiến đấu với nồi niêu xoong chảo, làm ra đủ loại món ăn độc đáo để lấp đầy sự rảnh rỗi mà không nông nổi ! Nhưng vẫn chưa có nhiều người biết đến câu : Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng !

    Chúng ta không phải chiến thắng con virus, vì đến nay vẫn chưa có vaccin chủng ngừa hay kháng sinh điều trị hữu hiệu, còn sự thành công là tùy vào các biện pháp y tế khác nhau cùng với chính sức đề kháng của cơ thể mỗi người. Chúng ta cũng không phải chiến thắng để lại được tiếp tục đi làm, đi học, đi kiếm tiền và đi giải trí như xưa dù đó là điều mong muốn lớn nhất! Vì chắc chắn điều đó sẽ đến không sớm thì muộn, nhưng bây giờ thì chưa ! Điều  mà chúng ta cần chiến thắng ngay lúc này là chiến thắng được nỗi cô đơn và cách biệt tại chính gia đình của mình. Nỗi cô đơn đã và đang hiện hữu trong  mỗi người chúng ta từ cái..thời phải chạy theo guồng máy của xã hội, vắt kiệt sức cho những mục tiêu khác nhau và ước ao một ngày có 48 tiếng để ..kiếm tiền!

    Có thể có nhiều người làm được công việc ưa thích, may mắn kiếm được nhiều lợi nhuận và công danh trong cuộc sống, nhưng cũng không thiếu kẻ vất vả lao đao, làm sấp mặt để cho kẻ khác hưởng,  chịu sự bóc lột và lợi dụng mà không thể phản ứng vì chén cơm, manh áo hay cái bả vinh hoa. Có người chịu cúi đầu trước những kẻ có quyền, có sức mạnh hơn mình chỉ vì hèn nhát, hay ngây thơ !  Con Virus tuy không thể biến chúng ta thành những kẻ hạnh phúc vì ..thất nghiệp, hay có năng lực nhiều hơn để bóp mũi những kẻ đáng ghét, mà nó chi cho chúng ta có một thứ rất thiếu thốn từ trước đến nay : Đó là thời gian để suy nghĩ ! Trước đây, chúng ta cũng suy nghĩ đó chứ, nhưng là suy nghĩ đến bạc đầu để làm sao làm tốt hơn công việc của mình để kiếm tiền nhiều hơn hoặc làm sao lừa được người cộng sự để leo lên vị trí cao hơn! Nhưng chúng ta ít khi suy nghĩ đến cách sống chậm lại, đơn giản đi và làm sao có thể quan tâm, yêu thương và tôn trọng những người trong gia đình hay trong các mối quan hệ thân thiết của mình.

    Nhưng  giờ đây vì việc “cách ly” nên phải hàng ngày gặp nhau “ngày 7 đêm 3 vào ra không kể” ! Các bữa cơm gia đình không còn là điều quý hiếm, việc cùng nhau tập thể dục hay xem thời sự VTV để đếm xem có bao nhiêu người bị nhiễm mỗi ngày cũng rất tự nhiên.  Dĩ nhiên, vẫn còn những đứa trẻ cắm đầu vào games từ sáng tới tối, có những ông bố, bà mẹ chìm đắm trong các trang mạng xã hội – chém gió giông dài trên FB hay tìm cách mua bán online cả ngày ! Nhưng rõ ràng, chúng ta vẫn phải sống chậm lại, dù một ngày vẫn 24 giờ , vẫn phải có một lúc nào đó ngó đến nhau, làm chung với nhau một công việc nào đó, phải dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp hơn, chế biến thức ăn tiết kiệm hơn, chấp nhận ăn uống đạm bạc hơn. Cũng có thể có thêm thời gian quan tâm đến chuyện vẽ vời, xếp đá, trồng cây cảnh v,v,v..!

    Tất cả chỉ là để có thể “sống chậm cùng nhau” vì vậy hãy quan tâm đến nhau hơn một chút, nói chuyện nhiều với nhau hơn, săn sóc nhau, nhượng bộ nhau hơn hay bầy ra những trò để cùng nhau làm cho vui hơn…. Đó chính là những điều mà không một cuộc chiến hay một tai họa nào đang đe dọa con người có thể làm được. Và vì thế khả năng sống chậm để tốt hơn hay biến họa thành phúc phải chăng chính là “mật mã Da Vincy”  mà con virus đã bí mật gửi đến chúng ta ?

    Lê Khanh .

  • Bạo Hành Trẻ mầm non – Nỗi đau từ nhiều phía.

    Bạo Hành Trẻ mầm non – Nỗi đau từ nhiều phía.

    Hiện nay, cụm  từ “bạo hành trẻ em” hay “bạo hành trẻ mầm non” đã trở nên khá phổ biến, nếu tìm trên Google thì chỉ vài giây sẽ cho ra hơn 1 triệu 200 nghìn kết quả. Từ những vdeo làm “dậy sóng” dân cư mạng, cho đến những vụ mà ai cũng phải sót xa trên báo chí, trên hay Facebook. Người ta thường sót xa khi thấy những đứa trẻ bị hành hạ bởi những người mà lẽ ra là phải có trách nhiệm chăm sóc, thương yêu, vui đùa với các em. Dĩ nhiên những cô giáo, bảo mẫu đó đã bị lên án không thương tiếc, và nhiều người đã phải trả giá với những bản án nghiêm khắc để làm gương.  Một cái giá khá đắt mà lẽ ra họ sẽ không phải nhận lãnh nếu chính họ được quan tâm, tôn trọng và đươc hướng dẫn những biện pháp chăm sóc giáo dục phù hợp với tâm sinh lý trẻ em hơn.

    Có thể nói, trong cuộc sống thì bất kỳ ai cũng đều gặp những thời điểm khó khăn, căng thẳng, mệt mỏi vì những áp lực công việc, áp lực kinh tế và cả những áp lực về mặt cảm xúc . Những áp lực này không chừa một ai và nó đã tạo ra một cái vòng luẩn quẩn. Khi một giáo viên bị áp lực, thì họ có thể dễ dàng bùng nổ để trút bỏ áp lực đó lên những trẻ mà họ phải chăm sóc. Thế rồi khi những đứa trẻ bị tấn công, hành hạ vì điều đó, thì với những vết thương tâm lý sâu sắc ấy, chúng mang về nhà, trước mắt là trút lại lên bố mẹ qua những biểu hiện rối loạn hành vi, trẻ sẽ sợ sệt, có thể mất ngủ hay ngủ không yên giấc, trong giấc ngủ có thể kêu khóc vì những ám ảnh ban ngày, khi bị bạo hành lại kéo đến trong giấc mơ. Cũng có trẻ trở nên nhút nhát, thu rút , lo lắng, biếng ăn, không muốn đi học. Gây ra những hoang mang cho bố mẹ. Thậm chí lại có những trẻ  sẽ có những phản ứng bùng nổ như cào cấu, đánh mẹ, đánh ông bà như một cách  dịch chuyển những sự tấn công đã bị hứng chịu ở trường, ở giáo viên thậm chí là ở trẻ khác nay chuyển sang cho những người thân trong gia đình.

    Kết quả đến phiên bố mẹ là “nạn nhân”. Họ sẽ lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi trước những phản ứng đó. Điều may mắn là nếu họ nhận ra được những dấu hiệu đó là một “nghi vấn” về sự bạo hành mà con mình phải hứng chịu, để rồi tìm cách xoa dịu. chăm sóc nhẹ nhàng và cùng với người giáo viên, bảo mẫu đó từng bước thay đổi sự tác động với trẻ bằng lời nói, hành động, hướng dẫn trẻ vào những hoạt động biểu lộ sự yêu thương với các con vật, với bạn bè và với những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh để những tổn thương sẽ dần dần nguôi ngoai trong tâm trí và lành lặn trên cơ thể của trẻ.

    Nhưng thường  thì bố mẹ lại tìm đến thủ phạm, có khi do cộng đồng “ mạng” truy tìm giúp và lôi ra ánh sáng để trừng phạt bằng “ bạo lực”, thì điều này có thể làm bố mẹ thỏa mãn, nhưng lại là một nguy cơ cho đứa trẻ. Nó cũng sẽ cảm thấy “hài lòng” khi những người đánh nó, hành hạ nó phải trả giá. Như vậy chính cái mầm mống bạo hành mà trẻ đã phải nhận lãnh, sẽ được “gieo trồng” trở lại trong tâm hồn nó. Nếu như điều đó lập lại, và nếu như vì thế mà các giáo viên, bảo mẫu sẽ không dám áp dụng bất kỳ một biện pháp giáo dục nào với trẻ nữa, thì đứa trẻ sẽ trở nên một kẻ “ bạo hành” tiềm năng sau này !

    Trong một lớp mẫu giáo, có hai trẻ đánh nhau. Một bé mách: “Cô ơi bạn ấy chọc vào mắt cháu”. Cô gọi đứa đánh bạn ra hỏi. Thằng bé trợn mắt kêu: “Nó đã mù đâu!” Vâng, đó chính là cái “ác” mà trẻ đã “ học bằng thực hành” từ những hành vi và lời nói của người lớn ! Bởi vì không chỉ là đòn roi hay những cái tát làm tổn thương đứa trẻ, mà chính  những lời mắng nhiếc, mỉa mai , châm chọc … hay thái độ của người lớn đối xử với nhau, cũng là một thứ bạo hành đôi khi còn khủng khiếp hơn cả những vết thương tóe máu ngoài da, bởi vì có thể nó sẽ được ghi vào “ bộ nhớ” và kéo dài suốt quãng đời của trẻ.

    Là phụ huynh, chúng ta phải biết bảo vệ con cái trước những hành vi bạo hành, nhận ra những dấu hiệu cho thấy những tổn thương sâu sắc ở các em. Nhưng, bảo vệ không phải là ôm ấp, bênh vực  bất kể đúng sai, cũng không phải là bao che các hành vi vô kỷ luật ở trẻ và lại càng không phải là một sự trả thù “ mắt đền mắt – răng đền răng” với những kẻ đã gây ra những tổn thương cho con mình. Mà là một sự quan tâm đến ứng xử và hành vi của trẻ tại nhà, tập cho con có những hành vi tự chủ, biết tôn trọng bản thân và người khác.  Biết chấp nhận những điều đúng do người lớn đưa ra. Chính sự chiều chuộng thái quá tại gia đình, sẽ làm cho trẻ trở nên mềm yếu, đòi hỏi và lười biếng.Thậm chí có thể trở nên hỗn láo và ích kỷ với người thân, mà những hành vi đó sẽ không được chấp nhận ở nhà trường, có khi đó lại là nguyên nhân dẫn đến sự tức giận của các cô giáo, nếu như trong thời điểm đó, bản thân giáo viên đang phải chịu một áp lực, do không có kinh nghiệm, hay thiếu bản lĩnh sư phạm do không được đào tạo bài bản thì khả năng bạo hành rất dễ xẩy ra.

    Bạo hành không phải chỉ là bộc lộ cái ác, mà còn là sự nuôi dưỡng cái ác, điều đó không  chỉ đến từ giáo viên,hay từ nhà trường, mà còn đến từ một cơ chế tổ chức của gia đình và xã hội, trong đó không có sự tôn trọng những giá trị của con người và thiếu đi tình yêu thương đối với trẻ thơ.

    CvTl Lê Khanh

    Phó chủ tịch hội đồng chuyên môn  Cty Giáo dục KidsTime HN.

  • Ảo vọng hay Hy Vọng !

    Ảo vọng hay Hy Vọng !

    Gần dây, sau bao nhiêu thông tin chính thống về tự kỷ, sau bao nhiêu khóa học được mở ra, sau bao nhiêu tài liệu được chia sẻ miễn phí trên mạng … Tưởng chừng như các phụ huynh đã có được những hiểu biết nhất định vè tình trạng này, để không còn đâm đầu lôi con đi tìm những phương pháp nhiệm mầu và nhanh chóng nhằm “điều trị”, để giúp cho “ Con về”  hầu “đưa con trở lại thiên đường” với cuộc sống bình thường và đi học “hòa nhập” …

    luadao

    Nhưng không, vẫn còn người hỏi thăm có phải đưa con đi cấy tế bào gốc sẽ giúp con khỏi bệnh hay không ? Vẫn còn người muốn mang con đến thần Y Võ Hoàng Yên để giúp con nói được, dù chính ông đã tuyên bố là không chữa được tự kỷ, mà chỉ là đám đệ tử của ông ra tay “ tra tần” đứa trẻ để cho nó vào khuôn phép ! Hay hơn nữa là có rất nhiều người thích xếp hàng chờ 6 tháng để con được cạo gió chữa bệnh, dù bệnh thì chưa biết có khỏi hay không, nhưng thân thể con đã giống như thằng tù vừa bị hỏi cung ! còn nếu không, muốn nhẹ nhàng nhanh chóng thì cứ cho con uống Vương Não Khang, không hết thì cũng bổ mà không bổ sấp thì cũng bổ ngửa !

    Tại sao lại như vậy ? Phải chăng là phụ huynh còn u mê lạc hậu, phải khai sáng hơn nữa ? Không – Chắc chắn là các phụ huynh đều là những người có học, thậm chí là có cả các bằng cấp chuyên môn.

    Phải chăng là những phương pháp đó đều miễn phí, đều không mất gì ngoài chút công sức bỏ ra? Không, hầu như không có cái gì là miễn phí cả, và phụ huynh phải mất tiền, thậm chí là rất nhiều tiền và công sức để vác con chạy tới chạy lui, bỏ cả công ăn việc làm !

    Vậy phải chăng là do phụ huynh thiếu kỹ năng, không biết lên mạng, lên FB để tìm kiếm các thông tin hữu ích và khoa học ? Không – Bởi vì chính truyền thông trên mạng đã đưa một bà lang Nùng vô danh tiểu tốt lên thành một lương y vô tiền khoáng hậu, chỉ với vài đồng bạc để cạo gió, đã có thể đánh bại cả một hệ thống giáo dục trẻ tự kỷ lừng danh của Mỹ, trong việc có thể chữa khỏi bệnh tự kỷ trong một thời ngắn từ một đứa trẻ cho đến sinh viên đại học, đều có thể khỏi hẳn, trục xuất cái chứng “ trống đánh trong đầu” này ra khỏi cơ thể mà không cần thêm bất kỳ một phương pháp nào khác !

    Cũng chính truyền thông, vửa giúp phổ biến thông tin chính quy, nhưng cũng vừa giới thiệu thông qua những trang mạng “ lá cải” những luận cứ kiểu như “ Tại sao lại cứ phải dựa vào các phương pháp khoa học duy lý Tây Phương, trong khi với những phương pháp thần bí Đông Phương như Yoga, Thiền hay cầu nguyện hoặc cụ thể hơn như cạo gió, cấy chỉ có thể giải quyết được” của một kẻ cũng tự nhận mình là chuyên gia !

    Ở đây – một câu hỏi lại được đặt ra: Tại sao những thông tin chính thống trong những tờ báo, hay diễn đàn nghiêm túc thì ít người TIN, mà những thông tin thiếu cơ sở khoa học lại có những lượt xem vào hàng khủng? và chắc chắn trong số đó không ít những người sẽ tin, cũng có những người không tin nhưng cứ thử xem, biết đâu ! Còn nước, còn tát..có bệnh thì vái tứ phương ?

    Vấn đề đầu tiên là nằm ở chữ BỆNH

    meconĐã từng có rất nhiều nhà chuyên môn, từ các y bác sĩ cho đến các tiến sĩ, giáo sư, các chuyên gia tâm lý có trình độ, đều gọi đây là BỆNH TỰ KỶ ! và cũng có rất nhiều các tài liệu, các bài viết trên báo chí và các phóng sự  trên các phương tiện truyền thông, từ phim ảnh, truyền hình đến các Video Clip trên Youtube ( trong và ngoài nước ) cũng gọi đây là bệnh ! Vậy điều này có sai không ? Nếu sai thì tại sao chính Tài liệu “ Chẩn đoán và phân loại bệnh “ của Mỹ là sách DSM IV và sau này là DSM V vẫn xếp tự kỷ vào nhóm các bệnh chứng tâm thần ?

    Vậy thì nó đúng ? và nếu đúng thì tại sao ngay chính cái Tên của nó, các nhà khoa học đều gọi là “ Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ” ( Autism Spectrum Disorder ) mà không gọi nó như một căn bệnh ( Diseare ) hay Autism Diseare ?  và nếu gọi nó là bệnh thì có thể trả lời các câu hỏi sau hay không :

    1/ Có loại bệnh nào mà không thể điều trị ( hầu như tất cả các phương pháp điều trị đều không hiệu quả ) mà chỉ có thể cải thiện tình trạng bằng các biện pháp giáo dục ( có gần 30 biện pháp khác nhau ) . Ngay cả BS khi cho uống Vương Não Khang cũng phải nói thêm là cần kết hợp với các biện pháp giáo dục hay tâm lý.

    2/ Có loại bệnh nào mà cho đến nay hầu như những người có lương tâm, trách nhiệm và học thức đều thừa nhận là không thể chữa khỏi ?

    3/ Có loại bệnh nào mà ngay từ khi mới sinh ra, lớn lên, và đến khi chết đi vẫn còn tồn tại ? Trong khi đó, nếu gọi là tình trạng rối loạn (Disorder ) thì ta hoàn toàn có thể trả lời các câu hỏi trên một cách đơn giản vì không phải chỉ có tự kỷ, mà còn nhiều các hội chứng khác cũng như vậy ! Cũng không biết rõ nguyên nhân, không chữa được và kéo dài suốt đời.

    Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là cái Tên ( gọi là bệnh tự kỷ ) mà là do vô thức của phụ huynh đã tạo ra một chuỗi các liên tưởng rất logic : Đây là một chứng bệnh, như vậy cũng như trăm ngàn các bệnh khác, chắc chắn sẽ phải có THUỐC CHỮA, CÁCH CHỮA và sẽ có ai đó có năng lực chữa lành.

    Ngoài ra, hầu như trong tâm lý của bất cứ ai – đều chỉ muốn TIN và làm theo điều mình MUỐN, chứ không thích tin vào những cái mình CẦN !  Khi nghe các y bác sĩ, các giáo sư tiến sĩ phán : Đây là bệnh tự kỷ – họ gật gù tin ngay, và không muốn nghe cái đoạn sau, nếu có : …nhưng là bệnh chưa có thuốc chữa hay không thể chữa khỏi !  Vì điều này, nằm ngoài cái mong muốn của họ và không nằm trong chuỗi suy luận của họ : Bệnh gì mà chẳng có thuốc hay phương pháp chữa ! Chẳng qua là khoa học chưa khám phá ra thôi. Như thế, khi có ai đó tuyên bố : Có thể chữa khỏi, thì ngay lập tức, họ sẽ TIN ngay, vì rõ ràng đó là điều họ MUỐN !

    Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như thế ! mà còn là ở chỗ chính các nhà chuyên môn chân chính, các chuyên gia bằng cấp đầy người và các giáo viên giáo dục đặc biệt, đầy nhiệt tình và tâm huyết đã vô tình đẩy phụ huynh vào việc PHẢI TIN cái điều không đáng tin, bởi vì chính phụ huynh đã bị mất lòng tin từ các nhà chuyên môn nghiêm túc !

    Tại sao lại thế ?

    Trước hết, có một điều mà ai cũng thừa nhận, đó là vai trò quan trọng của phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục và can thiệp cho trẻ tự kỷ. Thế nhưng, một số chuyên gia thì ra sức cổ vũ cho các phương pháp rất khoa học, rất nghiêm túc và rất khó..hiểu ! Hơn nữa, khi họ quảng bá phương pháp này, thì lại phê phán phương pháp khác ! khi họ mở khóa huấn luyện phương pháp này, thì hầu đó sẽ là số một, thậm chí là phê phán những hướng dẫn mang tính cơ bản, tổng hợp là một cái lẩu thập cẩm. Nghĩa là, chỉ có mình đúng nhất ! Vậy phụ huynh sau khi đi học với vài chuyên gia như thế thì họ sẽ phải tin ai ?

    Bên cạnh việc thừa nhận vai trò phụ huynh, thì chính sự nhiệt tâm năng nổ của các giáo viên đặc biệt lại làm cho phụ huynh không còn dám tin vào chính mình, và các giáo viên cũng không thích để cho các phụ huynh xía vào công việc giáo dục đầy ý nghĩa và giá trị của mình. Thế là các phụ huynh sẽ đi tìm những giáo viên để có thể “ trút cái gánh nặng” và các giáo viên thì một mặt, vừa than thở cho cái “ ách tự nguyện” này, mặt khác lại rất vui mừng khi “ nhờ công sức rèn tập” của mình mà các con tiến bộ từng ngày, từ khi chưa biết ê a, rụt rẻ nhút nhát, giờ con đã biết nói những câu nói ngắn, đã biết điều này điều kia và tổ chức “ lễ ra trường” hoành tráng cho con bước vào lớp Một hòa nhập một cách tự tin !

    Việc làm của các giáo viên là hoàn toàn cần thiết và hợp lý, thế nhưng phải chăng sau khi con trẻ đã NÓI ĐƯỢC, đã đi HỌC ĐƯỢC, thì mọi việc sẽ kết thúc ? Bé sẽ có một cuộc sống bình thường ? hay là sẽ phải tiếp tục cố gắng hết sức trong tiến trình hội nhập, mặc chiếc áo trắng tinh tươm, vai đeo cặp sách đầy hãnh diện, kéo dài giai đoạn học sinh qua lớp Một, lớp Hai, lớp Ba và sau đó thì không thể bước lên được nữa vì sự chủ quan của bố mẹ, cho rằng con đã “thoát khỏi tự kỷ” ! mà quên rằng tình trạng rối loạn quan hệ xã hội và không thích nghi với các nguyên tắc sinh hoạt, giao tiếp đời thường của trẻ sẽ là một tình trạng kéo dài suốt đời !

    Có những em sẽ kéo dài được đến lớp sáu, lớp Bảy … trong tình trạng “làm ngơ” của các giáo viên, trong việc “làm lơ” của các phụ huynh không dám nhìn vào sự thật, là đứa trẻ vẫn còn rất nhiều các khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày mà họ đã quên không dạy dỗ.

    Đó là chưa nói đến, hàng loạt các cơ sở mang tên “ Trung tâm giáo dục hòa nhập” với hàng loạt các giáo viên đặc biệt không có đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về tâm lý trẻ, đã làm vỡ mộng rất nhiều các phụ huynh, đưa con đi can thiệp vài ba năm, mà vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh về nhận thức và hành vi ! Họ hân hoan đưa con đi học, sau đó, hết tiền, hết niềm tin, ngậm ngùi đưa con về ! vậy bây giờ họ sẽ phải TIN ai ? thôi thì ai cho họ điều họ muốn, thì họ cứ theo!

    Các nhà chuyên môn phê phán các lang băm, các nhà giáo dục phê phán những kẻ “mộng du” đã tạo cho phụ huynh những cái “ảo vọng” về tình trạng con mình , nhưng chính họ lại dẫn các phụ huynh đi từ những điều hy vọng vào những chương trình gọi là “ Can thiệp sớm” những phương pháp đầy khoa học và kỳ diệu như ABA, như RDI …cùng những bài tập Âm ngữ trị liệu đầy quyền năng …đi đến những thất vọng đắng cay mà không biết chia sẻ cùng ai, vì đâu có ai dám nhận mình là dốt, đâu có ai dám nhận mình là người không biết lo cho con!  Không những thế, họ còn mạnh miệng tuyên bố: Chỉ có chúng tôi mới được phép dạy về tâm vận động một cách độc quyền từ các chuyên gia nước ngoài, chỉ có chúng tôi mới đủ chứng chỉ để dạy về  More Than Words một cách chính thức  có công chứng tại tòa!

    Điều đó không có gì sai, vì các trung tâm và các chuyên viên đều có đủ thẩm quyền làm điều này. Thế nhưng, điều đó lại vô tình đẩy Phụ huynh ngày càng xa rời những điều họ cần phải có, đó là sự TỰ TIN, họ ngày càng mất niềm tin vào một môi trường giáo dục đầy tính khoa học và nhân văn mà lại cạnh tranh nhau không khác một cái “chợ trời” và ai cũng tự cho mình là đỉnh của đỉnh !

    Điều cay đắng là ai cũng nói một cách quả quyết, đây là một lãnh vực giáo dục liên ngành, xuyên ngành, phải có sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn, từ các y bác sĩ đến các chuyên viên, đến các giáo viên đặc biệt nhưng trên thực tế thì họ lại hành động gần như độc lập, thậm chí là đối lập và phủ nhận nhau! Nếu có cùng nhau thì chỉ là những kết hợp vì quyền lợi, vì danh tiếng hay chỉ trong những giai đoạn tạm thời cần lợi dụng lẫn nhau.

    Phụ huynh mang con đến bệnh viện, phòng khám thì cũng xếp hàng cả tháng, vào khám 15 phút ra, đọc được  vài dòng chữ trên sổ khám bệnh: Theo dõi tự kỷ , có bệnh rối loạn phát triển, nhận một ít tài liệu và có thể được giới thiệu  đến các trung tâm, các phòng Tâm vận động để học ..cho vui ! Còn nếu không thì mang về ..tự xử ! Sau đó lại lếch thếch dẫn con đến các trung tâm “Can thiệp sớm” , nếu ở tỉnh thì lại phải thuê phòng trọ bên cạnh trường, vật vờ vài năm, và nhận được những lời có cánh từ các giáo viên : Con tiến bộ hàng ngày. Nhưng thực tế thì hầu như “ vũ như cẫn” Nếu không ý thức được vai trò, trách nhiệm và tự mình có những can thiệp vào con. Có thể nói, hầu hết các trường hợp trẻ tiến bộ, có khả năng về giao tiếp, ngôn ngữ là nhờ sự tác động kiên trì không mệt mỏi của những phu huynh sáng suốt, có khả năng tự học và tham gia các khóa tập huấn nghiêm túc, cùng những phối hợp thực sự với các giáo viên và chuyên viên có kiến thức và lương tâm.

    Nhưng trong xã hội này, có được bao nhiêu phụ huynh như thế, khi mà chính những nhà khoa học, giáo dục và y tế “chính quy” đã vô tình làm cho họ mất đi niềm tin vốn đã mong manh. Trong khi chính các lang băm lại có thể cho họ điều mà họ mong muốn ! Đó là phải thoát khỏi tình trạng này bằng mọi giá ! chỉ có điều, không phải là con “thoát tự kỷ” mà là phụ huynh “ thoát khỏi trách nhiệm” làm cha mẹ của các VIP này ! Tôi đã làm đủ các kiểu rồi nhé ! tôi đã vái tứ phương rồi nhé ! tôi đã đưa con đi khám khắp nơi rồi nhé ! và bây giờ xin hãy để tôi yên, hãy cứ để cho tôi sống trong cái ảo vọng, để mà hy vọng “ Đưa nhau trở lại thiên đường” !

    Ngày Chúa Giáng Sinh ! Ngày của Niềm Tin và Hy vọng.

    CVTL LÊ KHANH

  • Cùng chơi với con các trò chơi dân gian

    Cùng chơi với con các trò chơi dân gian

    trochoi vui 2

    Trò chơi nói chung từ dân gian đến hiện đại đều có rất nhiều hình thức, từ những trò chơi tập thể đến các trò chơi cá nhân, chơi 2 người, 3 người .. Rồi có những trò chơi Động, trò chơi tĩnh và các trò chơi ngoài sân, trong nhà, trong phòng…thậm chí là cả trên giường ( không phải trò chơi 2 người lớn nhé ). Vì vậy, không nên nghĩ rằng ở thành phố ( thậm chí là ở chung cư ) là không chơi được các trò chơi dân gian !
    Vấn đề chỉ là chúng ta có MUỐN chơi với trẻ hay không – có thể thu xếp THÌ GIỜ ĐỂ CHƠI , có thể chơi một cách vui vẻ thoải mái tự nhiên NHƯ TRẺ hay không mà thôi ! Khí đã muốn, đã thích thì ta sẽ tìm kiếm, sẽ chọn lựa những trò chơi thích hợp ( không chỉ là trò chơi dân gian ) cho việc chơi với con tại gia đình ( đã tìm là sẽ gặp )
    Thực ra thì cũng không cần nhiều nhặn gì, chỉ cần mươi trò “làm vốn lận lưng” rồi trong lúc chơi, tùy cơ ứng biến là đủ cho con mình zui rồi. Mỗi buổi chơi vài trò, xào tới xào lui, chế biến qua lại cũng đủ cho tuổi thơ của trẻ trôi qua trong niềm vui mà trẻ sẽ không còn gặp lại. Nhưng quan trọng nhất là với niềm hãnh diện : Con là người Việt, con chơi trò chơi Việt mà trước đây ông bà bố mẹ đã từng chơi. Đó chính là cái giá trị lớn nhất mà trò chơi dân gian đem lại cho các em, những công dân VN tương lai, mặc dù có thể ngay lúc đó, các em không ý thức được.
    Sở dĩ, chúng ta nên lưu tâm nhiều đến các trò chơi dân gian là vì hầu hết chúng ta đều có tư tưởng : Cái gì của VN cũng dở, cũng kém, cũng yếu, cũng thiếu. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã thấy là giáo dục Tây Phương có nhiều ưu điểm hơn hẳn cách GD truyền thống của VN . Và cũng trên tinh thần đó, chúng ta cũng sẽ suy ra rằng, các trò chơi của Tây ( cho trẻ em) cũng ngon lành và có giá trị hơn hẳn trò chơi Việt!

    trochoi vui
    TRong khi đó, sở dĩ các nguyên lý và phương pháp GD của Tây Phương có giá trị là vì nó được các chuyên gia nghiên cứu một cách nghiêm túc , được áp dụng trên một nền tảng rất quan trọng là sự tôn trọng trẻ em và những giá trị sống với những thiết kế khoa học . Bên cạnh đó là cả một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản với tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp rất cao.
    Nhưng, với trò chơi thì khác, trò chơi của trẻ ở bất cứ đâu cũng có giá trị và chất lượng như nhau bởi vì ở Tây cũng như ta, đều đem lại cho trẻ niềm vui và sự tự tin. Vì thế, trò chơi dân gian và cả những giá trị sống qua các câu ca dao tục ngữ , nếu so sánh với những trò chơi phát triển trí tuệ và kỹ năng của Tây hay hiện đại thì không có gì là thua kém cả, mà nếu đứng về phương diện tinh thần thì nó lại có những giá trị mà các trò chơi hiện đại không thể có được.
    Chỉ tiếc một điều, cũng như nhiều giá trị và di sản văn hóa của cha ông truyền lại, trò chơi dân gian cũng bị “ mầu mè hóa” “hội chợ hóa” bằng những “tổ chức” những “phong trào” mang nặng tính hình thức, với những lễ hội “ đến hẹn lại làm” bởi những “thiên tài thiếu I ốt “ mà thừa tính “thực dụng” khiến cho những trò chơi vốn dĩ rất gần gũi với trẻ em, với gia đình bằng sự giản dị, hồn nhiên trở nên xa lạ bởi những kiểu hoạt động “về nguồn” ( mà càng làm thì lại càng khiến cho giới trẻ lạc lối vì chả biết đó là cái nguồn gì ! ) Vì vậy, trách nhiệm của các bậc cha mẹ ngày nay càng ngày càng nặng nề hơn và những hiểu biết về các loại trò chơi là một điều có khả năng hỗ trợ cho việc giáo dục con em rất nhiều.
    LÊ KHANH

  • Lạm dụng tình dục ở trẻ em

    Lạm dụng tình dục ở trẻ em

    betrai syria

    Một trong những thông tin làm dậy sóng cộng đồng cư dân mạng gần đây là việc một danh hài VN bị cáo buộc vào tội lạm dụng tình dục trẻ em ở Mỹ, có nguy cơ đối diện một án phạt nặng nề, ở một đất nước coi trọng quyền trẻ em .

    Vì sao lạm dụng tình dục ở trẻ em lại bị lên án một cách nặng nề ở hầu hết các quốc gia trên thế giới ? Bởi vì trẻ em là một thành phần trong xã hội có rất ít thậm chí là không có khả năng phản ứng lại với hầu hết các hành vi tấn công hay xâm hại bản thân. Hơn thế nữa, hành vi xâm hại bằng bạo lực hay tình dục sẽ để lại cho các em những tổn thương nghiêm trọng không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần một cách lâu dài, đôi khi không thể hồi phục.

    Do lạm dụng tình dục trẻ em có nhiều mức độ và hình thức khác nhau nên cũng có những án phạt khác nhau. Có những quốc gia thì ngay cả việc gửi những tin nhắn, nói với trẻ những câu “có nguy cơ dẫn đến hành vi lạm dụng” cũng có thể bị truy tố. Ngay cả việc quan hệ tình dục với sự đồng tình của trẻ cũng bị trừng phạt ở những mức độ khác nhau, chứ chưa nói đến các hành vi tấn công, cưỡng bức. Điều này cho thấy, đây thực sự là một thảm kịch cho trẻ em.

    Thế nhưng, tại sao cái thảm kịch đó vẫn diễn ra và thậm chí có chiều hướng gia tăng ? Bởi vì một trong những lý do  khiến trẻ em dễ bị rơi vào các tình huống tồi tệ là vì còn rất nhiều phụ huynh không có hay không biết cách hướng dẫn con em mình những biện pháp phòng tránh cơ bản nhất.

    Tại sao hầu hết các phụ huynh đều lo lắng về việc này, nhưng lại không thể hướng dẫn cho con em mình ? Phải chăng đây là những điều quá khó ? Điều này vừa đúng vừa sai !

    Đúng là vì ngay cả với các kiến thức cơ bản nhất về tâm sinh lý, sự phát triển về giới tính vẫn được nhiều phụ huynh xem đó là một “bí mật” , “nhạy cảm” với trẻ em không thể dạy cho trẻ.  Huống chi là những chuyện liên quan trực tiếp đến “bạo lực” và “dâm ô” ! Sai là vì đây chỉ là những kiến thức khá đơn giản nằm trong những nguyên tắc bảo vệ bản thân và xây dựng lòng tự tin mà bất cứ trẻ em nào cũng cần biết.

    Về các biện pháp và kỹ năng phòng tránh xâm hại thì đã có rất nhiều thông tin trên mạng, qua sách vở báo chí nên chỉ xin tóm tắt các nguyên tắc cần dạy trẻ :

    Ba không :

    • Không cho bất kỳ ai vào nhà trong tình huống phải ở một mình, không có người lớn
    • Không đi với bất cứ người lạ nào đến một nơi không biết mà không báo cho cha mẹ.
    • Không cho bất kỳ người nào chạm vào hay vuốt ve các vùng nhạy cảm trên cơ thể.

    Ba cần :

    • Cần hướng dẫn trẻ một cách đơn giản theo độ tuổi và sự nhận biết, các kiến thức về cơ thể và chức năng của tất cả các bộ phận trên cơ thể.
    • Cần dạy trẻ biết cách chạy trốn, tìm đến các người lớn khác và kêu to khi thấy có các biểu hiện nguy hiểm của người khác đối với mình.
    • Cần báo ngay cho cha mẹ biết nếu đã bị người lạ tấn công hay xâm hại để có biện pháp chăm sóc phù hợp.

    Trong trường hợp trẻ đã bị xâm hại, thì điều quan trọng là đừng quá bi quan về việc này, hãy khuyến khích trẻ hướng sự quan tâm qua các hoạt động khác trong việc học hay nghệ thuật với sự khích lệ lâu dài, giúp trẻ dần dần lấy lại sự tự tin và năng động để vượt qua cơn khủng hoảng vì tương lai của trẻ còn dài. Không nên tỏ ra đau khổ, oán trách ai hay đổ lỗi cho chính bản thân và nhục mạ trẻ vì đó cũng chỉ là một tai nạn, dù có đau thương đến mấy thì cũng có thể vượt qua với thời gian vì đã có rất nhiều tấm gương trong việc này.

    Chúng ta đều biết, đây là những tổn thương khó hồi phục do đó trong một số trường hợp phụ huynh cần có sự tư vấn và hướng dẫn thêm từ các chuyên viên tư vấn hay chuyên viên trị liệu tâm lý vì ảnh hưởng của vấn đề này không chỉ để lại hậu quả trên bản thân trẻ, mà nó còn gây tổn thương đến cả phụ huynh của các trẻ đó, thậm chí có khi người đau khổ đến mức tự sát không phải là trẻ mà là các ông bố, bà mẹ không vượt qua được nỗi đau vì “danh dự của gia đình” . Chúng ta phải đối diện với sự thật vì cuộc sống là bất toàn, chỉ có quyết tâm và nghị lực cũng như chính tình yêu và trách nhiệm với con cái và với bản thân mình thì mới có thể giúp ta vượt qua những bất hạnh để có một cuộc đời đáng sống !

    CVTL. LÊ KHANH

  • Con tôi đã bị đánh hội đồng như thế nào ?

    Con tôi đã bị đánh hội đồng như thế nào ?

    Con tôi đang là học sinh lớp 8 tại một trường THCS ở TP.HCM. Chúng tôi đặt ra nguyên tắc cho chính mình là luôn hỏi han và nghe tâm sự của cháu về tình hình ở trường. Từ những câu chuyện, những đánh giá, bình luận của cháu thông qua các cuộc chuyện trò hằng ngày như vậy,

    (more…)

  • Tại Sao trẻ em và thanh thiếu niên mê games

    Tại Sao trẻ em và thanh thiếu niên mê games

    Có nhiều phụ huynh hay các nhà giáo dục, khi thấy trẻ em và đôi khi cả người lớn tối ngày chúi mũi vào màn hình máy vi tính, ăn cùng game, ngủ cùng game đến mức phờ phạc cả người, thậm chí lậm đến độ không còn có được những nhận thức đúng đắn về cuộc sống bên ngoài đã lấy làm thắc mắc, không hiểu là những nhân vật nhảy múa, đánh đấm trên màn ảnh kia có những ma lực gì mà thu hút con em mình đến mê muội như thế.

    (more…)