Dạy con trai nên người
04/11/2013Kỹ năng tư vấn hướng nghiệp
09/11/2013Kể từ năm 1943, khi bác sĩ Leo Kanner (Mỹ) đưa ra danh từ Autism (Tự Kỷ), cho đến nay gần 70 năm đã trôi qua với những bước tiến vượt bậc của y học nhưng vẫn chưa tìm ra được những nguyên nhân và phương pháp điều trị cho tình trạng rối loạn quan hệ giao tiếp và ngôn ngữ này.
Điều này cho thấy không thể xem đây là một căn “bệnh” đơn giản để hy vọng sẽ có khả năng điều trị, giúp cho trẻ tự kỷ trở lại bình thường. Mặc dù cho đến nay, đã có hàng trăm biện pháp được đưa ra, từ những biện pháp có cơ sở khoa học cho đến những biện pháp lạ lùng nhưng cũng chỉ đạt được một số kết quả nhất định. Vì thế thay vì cứ cố gắng tìm mọi biện pháp giúp con trở lại cuộc sống bình thường, thì tại sao không giúp trẻ hội nhập với xã hội cùng với chứng tự kỷ của mình trong một mức độ có thể chấp nhận được như những dạng tật khác như bại liệt, khiếm thính .v.v. ?
Một căn bệnh “không có thuốc chữa”
Sau một thời gian dài dẫn con đến khám hết bệnh viện này đến phòng khám khác, với hy vọng tìm cho được phương thuốc “chữa” cho đứa con mình khỏi “bệnh tự kỷ” để rồi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, sau khi đã nhận được những lời chẩn đoán chung chung, đại loại như : trẻ bị tự kỷ đấy, hay trẻ có nét tự kỷ và sau đó là những lời khuyên như bố mẹ về chịu khó chơi với con, giao tiếp, nói chuyện với trẻ nhiều hơn, hay thiết thực hơn là giới thiệu đến các Trung tâm “điều trị Tự Kỷ” hay các trường Chuyên biệt dạy trẻ với những phương pháp “nổi tiếng” và dĩ nhiên là “tốn tiền” thì việc “trị liệu” đã bắt đầu đi vào con đường “không có đích đến” !
Thực ra, trong hoàn cảnh hiện nay thì việc phụ huynh phải cho con theo học hay “tự cứu” bằng việc đứng ra tổ chức các trường giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ là điều bất đắc dĩ, vì không còn con đường nào tốt hơn, khi mà các trường bình thường, nhất là ở cấp tiểu học đã quay lưng lại với các trẻ bất hạnh này.
Nhưng khác với trẻ chậm khôn, phải được học bằng một giáo trình riêng và chỉ đến mức độ nhất định vì không thể theo học chương trình bình thường, trừ những em chậm khôn nhẹ. Còn trẻ tự kỷ thì có nhiều em thông minh, có thể học và có khi còn học giỏi nữa, miễn là các em vượt qua được một trở ngại cực kỳ to lớn và khó khăn mà có thể nói hầu như là “không thể” đó là khả năng giao tiếp với những người xung quanh.
Chính vì thế, khi tổ chức hay cho con theo học các trường chuyên biệt dành cho trẻ Tự Kỷ, là các phụ huynh đã vô tình đi ngược lại nỗ lực hội nhập của trẻ tự kỷ vào môi trường bình thường chung quanh mình. Chúng ta đều biết rằng, để có thể hình thành một sự quan hệ hai chiều – Trẻ hiểu bố mẹ và bố mẹ hiểu trẻ – bản thân các phụ huynh hay các giáo viên giáo dục đặc biệt, các chuyên gia tâm lý đã phải có những nỗ lực hết sức để phá vỡ được cái lớp vỏ bọc cứng nhắc của trẻ tự kỷ, và chỉ khi nào trẻ chậm nhận “chơi với” những người chung quanh thì mới có thể nói đến việc dạy dỗ ! Nhưng liệu rằng, với môi trường “chuyên biệt” cùng với những đứa trẻ có cùng tình trạng như mình thì trẻ tự kỷ có thể hình thành được khả năng quan hệ bình thường hay không?
Cũng khác với trẻ chậm khôn, với những nguyên tắc và một số phương pháp giáo dục tương tự nhau, đối với trẻ tự Kỷ thì có đến hàng trăm phương pháp khác nhau, mà phương pháp nào cũng tỏ ra có chút hiệu quả với một số trẻ nào đó. Có những phương pháp đặt nặng tính kỷ luật theo kiểu “phản xạ” mà có người cho rằng rất hiệu quả vì trẻ đã biết lập lại những hành vi đúng, “học được” những kiến thức nhất định nhưng cũng có người nhận định cũng giống như việc dạy thú trong rạp xiếc, với những công cụ chuyên biệt và đắt tiền, để đạt được những hành vi “lập trình”. Cũng có những phương pháp mang tính nhân văn hơn, thông qua các hoạt động trò chơi, giúp trẻ bớt căng thẳng để có thể đạt được những kết quả tốt trong học tập và giao tiếp.
Nhưng, có điều các trung tâm điều trị hay giáo dục trẻ tự kỷ không biết hay không muốn biết, đó là việc trị liệu hay can thiệp về tâm lý và giáo dục với trẻ Tự Kỷ là một hoạt động can thiệp cá nhân,vì không có trẻ tự kỷ nào giống trẻ tự kỷ nào về mức độ nặng – nhẹ, về khả năng nhận thức ít – nhiều, về hành vi và phản ứng. Đó là chưa xét đến bối cảnh gia đình và chính cá tính của trẻ cũng góp phần tạo ra những nét dị biệt, khiến cho việc áp dụng chung một phương pháp cho các trẻ này là điều không thể.
Chúng ta có thể hình dung ra một trường chuyên biệt dạy 15 trẻ tự kỷ với 15 chương trình khác nhau ? chắc là khó mà có thể làm được điều đó và vì thế, hầu hết các trường chuyên biệt chỉ giúp cho các bậc phụ huynh trẻ tự kỷ có một chỗ gửi con, qua thời gian dài có thể học tập được một số hành vi hoạt động cá nhân nhất định. Lúc đầu, với những thay đổi nhỏ bé đó, các phụ huynh rất mừng vì thấy con mình bớt lăng xăng, biết làm một số hoạt động vệ sinh cá nhân, biết tự ăn uống.v.v. ngôn ngữ cũng có sự tiến bộ. Thế nhưng ngoài những biến đổi về hành vi đó, các em hầu như vẫn chưa có khả năng giao tiếp với những người chung quanh, ngoài trừ cha me hay giáo viên, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ, mới có thể biết trẻ muốn gì và điều đó khiến cho mục đích hội nhập vào xã hội của trẻ vẫn là một điều xa vời !
Cha mẹ là những người thày tốt nhất
Đã có khá nhiều cuộc hội thảo, cuộc giao lưu giữa các nhà chuyên môn về y tế, giáo dục và các phụ huynh trẻ tự kỷ, nhưng vẫn chỉ quanh quẩn trong những điều đã biết về trẻ tự kỷ và dù có sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài, hay có đưa ra những phương pháp “tân tiến” đến đâu, thì vẫn phải chấp nhận một thực tế là “bệnh tự kỷ” là không “chữa được” và một điều quan trọng nữa, mà ai cũng thấy là đúng, nhưng ít được các trung tâm điều trị và giáo dục trẻ tự kỷ chấp nhận, đó là quan điểm” cha mẹ chính là người thày tốt nhất cho trẻ tự kỷ” ! Nhưng, để làm sao cho cha mẹ có thể trở thành người thày tốt nhất cho đứa con của mình thì ít nhà chuyên môn nào nói đến !
Cũng đã có một số phụ huynh sau một quá trình “tự học” đã “tự nhiên” trở thành “chuyên gia về trẻ tự kỷ” và đem phương pháp mà mình đã áp dụng cho con mình đi dạy lại cho các phụ huynh khác với một “tấm lòng” được tính bằng mức học phí hàng nghìn đô la ! Còn các trường chuyên biệt dạy trẻ tự kỷ thì chắc không muốn phụ huynh “thế chỗ” cho mình trong việc dạy trẻ, và vì thế việc “tập huấn” cho phụ huynh nếu có được tổ chức, cũng chỉ là việc phổ biến những khái niệm về tự kỷ, một vài kỹ thuật chăm sóc cho trẻ tại nhà để việc “cộng tác” với nhà trường được tốt hơn. Và như đã nói ở trên, có những phụ huynh đã biến thành chủ trường, hiệu trưởng các trường chuyên biệt và đã giúp cho trẻ tự kỷ trở nên “chuyên biệt” trong một hành trình lẽ ra là phải hướng đến việc họi nhập vào xã hội bình thường.
Việc gọi tự kỷ là bệnh, theo chuyên môn về tâm thần học thì không có gì sai, vì tình trạng này được xếp vào nhóm bệnh loạn tâm ( theo sách DSM IV ) Nhưng đó là một thuật ngữ có thể dẫn đến một suy luận: Là bệnh thì ắt là có thuốc chữa ! và vì thế các phụ huynh trẻ tự kỷ đã từ bao lâu nay lao mình vào một hành trình vô vọng, đó là đi tìm một phương thuốc thần kỳ có thể chữa cho con mình “bình thường” trở lại ! Trong khi trên thực tế thì ngay từ danh từ để gọi tình trạng này là Autistic Spectrum Disorder đã gọi rõ đây là một hội chứng và từ hàng chục năm nay, người Tự Kỷ cũng được xem là một dạng khuyết tật và cũng đã được chấp nhận trong cuộc sống bình thường ở các nước tiên tiến, còn tại Việt Nam thì ngay cả việc cho trẻ tự kỷ vào học ở các trường cấp I phổ thông, thậm chí là cả ở mẫu giáo bình thường cũng là điều quá khó khăn vì một lý do đơn giản là không có giáo viên chuyên môn và cũng không biết “dạy” các em này như thế nào !
Đến đây, chắc chắn sẽ có một suy nghĩ, thế không lập trường chuyên biệt, không lẽ lại để trẻ tự kỷ “thất học” hay không được chăm sóc giáo dục hay sao ? Đúng là việc giáo dục trẻ tự kỷ là điều rất quan trọng và cần thiết, vì cho đến nay việc cải thiện tình trạng cho trẻ Tự kỷ chỉ có thể thông qua con đường giáo dục và được xem đó là một hoạt động trị liệu tốt nhất ! Nhưng nếu đã chấp nhận quan điểm“ cha mẹ là người thày tốt nhất” thì tại sao không giúp cho cha mẹ biết phải làm gì với trẻ tự kỷ ngay chính trong cuộc sống tại gia đình bằng những phương pháp ít tốn kém, và nếu đặt ra mục tiêu hội nhập xã hội cho trẻ tự kỷ thì tại sao lại khép kín cánh cửa tốt nhất đẩn đến sự hội nhập là các môi trường giáo dục bình thường ?
Giáo dục chuyên biệt nên tổ chức như thế nào
Có thể xem giáo dục chuyên biệt đối với trẻ tự kỷ là một bước đệm, để cải thiện những hành vi rối nhiễu của trẻ, và từng bước phải giúp trẻ hội nhập trong một môi trường giáo dục với những trẻ bình thường ngay ở cấp mẫu giáo bằng việc cho những em tự kỷ nhẹ vào học chung với trẻ bình thường với tỷ lệ 3,4 em trong một lớp. Chúng ta nên tổ chức những lớp chuyên biệt với 5, 7 trẻ nhưng lồng ghép trong một ngôi trường bình thường để ngoài những giờ học, các trẻ tự kỷ có thể được chơi, được hoà nhập với cộng đồng của trẻ bình thường. Vấn để ở chỗ là các trẻ bình thường cần được hướng dẫn để biết chấp nhận và cảm thông với những hành vi không bình thường của trẻ tự kỷ, đây là điều không dễ nhưng đó là một điều vô cùng cần thiết cho mục tiêu “bình thường hoá mọi quan hệ ứng xử” với trẻ tự kỷ.
Một điều quan trọng nữa là chúng ta cần xác định mức độ tự kỷ của trẻ, chỉ với những em bị nặng, không còn khả năng hội nhập, mới cần được chăm sóc trong các “dưỡng đường” chuyên biệt, còn với đa số trẻ tự kỷ thì việc đưa các em vào môi trường chuyên biệt trong một thời gian dài, đôi khi là một sự lãng phí thời gian. Đó là chưa kể, không phải gia đình nào cũng có điều kiện tài chính để cho con vào trường chuyên biệt, khi mà trẻ tự kỷ không hề được hưởng bất kỳ một sự hỗ trợ nào của xã hội. Nhưng điều đó cũng không nguy hiểm bằng việc khi đã có những ngôi trường chuyên biệt được hình thành, thì chắc chắn ngành giáo dục bình thường sẽ lại càng khép kín cánh cửa trước ước mong “hội nhập” của trẻ tự kỷ ! Để rồi khi rời ngôi trường chuyên biệt khi không còn là trẻ em, các em vẫn là những thanh niên tự kỷ, rồi là người tự kỷ đã trưởng thành nhưng vẫn phải đứng bên lề của xã hội, vẫn phải nhận sự chăm sóc của gia đình, vẫn có những khoản cách nhất định với những người chung quanh và phải chăng, đó là mục tiêu của giáo dục chuyên biệt ?
Vì thế nỗ lực “tự cứu” của các phụ huynh trẻ tự kỷ không nên hướng đến mục tiêu chuyên biệt, mà phải tạo ra được một sự chấp nhận của xã hội, của ngành giáo dục với những trường lớp hội nhập và với khả năng giáo dục tốt nhất cho đứa con của mình ngay tại gia đình.
Cv.TL LÊ KHANH
Trung tâm tư vấn tâm lý – Giáo dục kỹ năng RỒNG VIỆT VŨNG TÀU