Khả năng phát triển của trẻ em ngày nay
22/08/2014
Bài học vỡ lòng cho trẻ vào lớp Một ở Mỹ
26/08/2014
Khả năng phát triển của trẻ em ngày nay
22/08/2014
Bài học vỡ lòng cho trẻ vào lớp Một ở Mỹ
26/08/2014

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ xâm hại trẻ em tại một cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ. Sự việc trên không chỉ một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng ngược đãi trẻ em mà còn phản ánh một thực tế buồn, đó là trẻ em tự kỷ gần như không được quan tâm, đặc biệt trong vấn đề giáo dục hòa nhập.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục trẻ đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương: Trong 3 mô hình giáo dục hiện nay là giáo dục trong trường chuyên biệt, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục hòa nhập thì hòa nhập là mô hình tốt nhất cho trẻ tự kỷ. Bởi lẽ trẻ tự kỷ có rất nhiều cấp độ, trong đó chỉ có 10-15% thuộc thể nặng có thể chuyển sang khuyết tật trí tuệ, còn lại đa số các em chỉ bị ở thể nhẹ và hoàn toàn có thể trở thành người bình thường, có ích cho xã hội với điều kiện được hòa nhập từ nhỏ và không bị định kiến của xã hội.

Hướng dẫn trẻ tự kỷ hòa nhập – Ảnh Minh Đức


Thiếu cả nhân lực lẫn vật lực
Hội chứng tự kỷ mới được phát hiện ở Việt Nam từ 10 năm nay nhưng đã phát triển rất nhanh. Hiện trên cả nước có khoảng 240.000 người tự kỷ, chủ yếu là trẻ em. Hiện nay, hiểu biết chung của mọi người về hội chứng này còn rất hạn chế, do đó, trẻ tự kỷ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc học. Thạc sĩ về can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập Nguyễn Thị Nha Trang, quản lý dự án “Cha mẹ dạy kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ tự kỷ” (Trung tâm Kinh tế và phát triển cộng đồng) cho biết, rất nhiều trường muốn nhận học sinh là trẻ tự kỷ nhưng không có điều kiện. “Giáo dục hòa nhập theo quan điểm đúng nhất là nơi trẻ được phát triển toàn diện. Giáo dục hòa nhập không phải là chỉ đặt trẻ vào môi trường với trẻ em bình thường khác. Trẻ tự kỷ cũng giống như cái cây, nó cần một liều lượng dinh dưỡng, nước, ánh sáng nhất định. Thế nhưng, hiện nay hầu hết giáo viên không được đào tạo về giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nha Trang chia sẻ. Thực tế có một tỷ lệ phần trăm nhất định trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ, vì vậy cần có bộ chương trình để dạy riêng. Điều đáng buồn là chương trình cho các cháu hiện nay gần như không có.

Nhân lực cũng là một vấn đề nan giải với các trường. Ví dụ, ở trường mầm non, một lớp khoảng 40-60 cháu chỉ có 2-3 cô giáo thì không thể hỗ trợ trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ thường có những vấn đề liên quan đến hành vi, ví dụ gây sự chú ý bằng cách làm đau người khác, hoặc la hét, phá phách. Những cháu này thì cần có sự hỗ trợ 1/1, tức là một cháu tự kỷ học trong lớp thì cần có một người theo để hỗ trợ và đây là một bài toán khó cho các trường. Một số trường ở Hà Nội có cho phép người đi kèm, như Tiểu học Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Trường Quảng An… nhưng nhiều trường vì vấn đề quản lý nhân lực hay môi trường không sẵn sàng cho việc có người ở ngoài trường đến làm việc nên không chấp nhận trẻ tự kỷ.

Bắt đầu từ chính sách
Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trẻ khuyết tật đi học và khuyến khích các trường nhận trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, kết quả chưa khả quan. Ở một số nước tiên tiến, như ở Mỹ thì có riêng luật cho vấn đề này. Luật pháp Mỹ quy định, trường nào nhận trẻ tự kỷ sẽ được nhà nước hỗ trợ về cơ sở vật chất, chương trình dạy, nhân lực. Chính vì vậy, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Nha Trang, nếu Việt Nam có luật để thực thi thì sẽ tốt hơn là chỉ khuyến khích vì khi đã có chính sách thì không lý do gì các trường lại không nhận các cháu tự kỷ.

Tuyên truyền lợi ích của trẻ bình thường khi tham gia giáo dục hòa nhập cũng là một giải pháp để giúp các cháu tự kỷ hòa nhập. Giáo dục hòa nhập không phải chỉ tốt với mỗi trẻ tự kỷ mà những trẻ bình thường khác cũng được hưởng lợi. Tại một buổi tọa đàm về trẻ tự kỷ diễn ra gần đây, chị Đào Diệp Linh, quản trị trang web nuoicontuky.info đã chia sẻ một câu chuyện xúc động. Đó là ở lớp của con chị, các bạn đã đối xử với con chị đúng như là với một người em khờ dại, một đứa trẻ cần được yêu thương, chăm sóc. Lần nào đến đón con, chị cũng thấy các bạn xúc cho con chị ăn. Có lần con chị bị một bạn lớp khác đẩy ngã, ngay lập tức có một bạn gái chạy ra đỡ lên và dỗ dành. Như vậy, có thể thấy rằng những trẻ không khuyết tật đã học được cách yêu thương chia sẻ, cách làm người. “Những bài học đạo đức ở trên lớp được nhắc đến nhiều nhưng nếu không có những tình huống như thế thì những bài học ấy cũng không có cơ hội để thực hành. Việc dạy trẻ chia sẻ thương yêu nhau, học cách làm người tốt đang thiếu trong xã hội hiện nay và giáo dục hòa nhập có thể làm được điều này”, chị Đào Diệp Linh chia sẻ.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về trẻ tự kỷ cần hòa nhập trong trường tiểu học ở Việt Nam, tuy nhiên, chỉ tính riêng ở Hà Nội, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, con số này đã lên tới 1.000 người. Chính vì vậy, nếu làm tốt công tác giáo dục hòa nhập chúng ta không chỉ giúp cho hàng nghìn trẻ có cuộc sống bình thường mà còn giải quyết được gánh nặng cho gia đình và xã hội trong tương lai.

Báo Hà Nội Mới


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý