Xoa bóp, bấm huyệt vùng chân – Sự kỳ diệu không ngờ
28/04/2015
Trẻ tự kỷ là do bố mẹ thờ ơ ?
05/05/2015
Xoa bóp, bấm huyệt vùng chân – Sự kỳ diệu không ngờ
28/04/2015
Trẻ tự kỷ là do bố mẹ thờ ơ ?
05/05/2015

Hiện nay trong việc dạy dỗ con cái, điều chúng ta thường quan tâm là làm sao giúp trẻ biết tự giác, ổn định, dễ thích nghi với môi trường, có mối quan hệ tốt với cha mẹ và những người xung quanh… Đây là những yếu tố mà chúng ta gọi là những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ em

CÁCH DẠY CON HIỆN ĐẠI

Khi nói đến chữ hiện đại hay tân tiến, chúng ta thường nghĩ đến các thiết bị kỹ thuật hay các phương pháp giáo dục du nhập từ nước ngoài, nhưng thực ra đó chỉ là những thứ “cũ người mới ta” có những phương pháp như Phương pháp Montessori – Đã được một số cơ sở giáo dục giới thiệu như là một phương pháp tân tiến và dĩ nhiên là học phí không rẻ chút nào – thực ra đã được áp dụng hàng chục năm nay ở nước ngoài vì nó đã xuất hiện từ những năm 1907 (cách đây hơn 100 năm) và đã phổ biến hơn 100 quốc gia. Phương pháp giáo dục này do bà Montesori (1870-1952) là một bác sĩ nhi khoa và cũng là một nhà tâm lý người Italy sáng lập, ban đầu là để dành cho trẻ em nghèo và chậm phát triển nhưng đến khi vào Việt Nam thì lại chỉ có con nhà giàu và được xem là thông minh mới có thể theo học !

Cũng tương tự như thế, ta thường nghĩ cách dạy trẻ hiện đại là dạy thông qua máy tính, cho trẻ học toán và sinh ngữ qua các phần mềm, trò chơi trên máy hay mới gần đây nhất là cho con học trên các máy tính bảng (Ipad), đó đúng là những công cụ hiện đại nhưng đó không thể xem là cách dạy con hiện đại.

Vì vậy dạy con hiện đại được hiểu như thế nào ? Dưới đây là một số quan điểm khác nhau về cách dạy con hiện đại

1/ Coi kiến thức là quan trọng, nên cần phải rèn luyện con càng biết sớm và càng nhiều càng tốt

2/ Coi năng lực là quan trọng nên rất chú trong việc tập luyện cho con về năng khiếu

3/ Coi ứng xử là quan trọng và cố gắng dạy con ngoan ngoãn, biết vâng lời người lớn triệt để

4/ Coi giao tiếp là quan trọng nên cố gắng dạy con cách ăn nói khôn ngoan và biết cách diễn đạt

Thế nhưng, nếu xét cho cùng thì đó chỉ là những yếu tố tuy cần thiết, nhưng không phải là trẻ nào cũng có thể đạt được, và cũng không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể giúp con đạt được một cách đầy đủ bởi vì điều này không phụ thuộc vào khả năng của cha mẹ mà lại tùy thuộc vào năng lực và sở thích của đứa trẻ.

Sẽ có người nói gia đình tôi có điều kiện và tôi muốn con tôi phát triển toàn diện nên tôi sẽ làm mọi cách để con tôi đạt được càng nhiều càng tốt những điều nêu trên – khoan nói đến kết quả hay đúng hơn là hậu quả của cái quan điểm “phát triển toàn diện” nói trên, chỉ riêng việc buộc con phải phát triển theo mong muốn là đã đủ để trở thành một quan điểm giáo dục lạc hậu rồi !

Tại sao phương pháp Montessori được xem là phương pháp tiên tiến, có phải chăng vì nó đòi hỏi rất nhiều phương tiện công cụ và khả năng của người dạy ? Không, nó được xem là tiến bộ bởi vì quan điểm của nó là tôn trọng đứa trẻ bằng cách cung cấp cho trẻ những phương tiện để trẻ có thể tự khám phá, tự ý thức những sai lầm của mình và tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Hay nói cách khác đó là sự tôn trọng tính khác biệt ở mỗi đứa trẻ.

Vì thế, không cần phải là Montesori hay bất kỳ một phương pháp nào, một phương pháp được coi là tiến tiến khi đó là những biện pháp giúp trẻ biết phát huy một cách tự nhiên các năng lực của mình bằng sự ham thích, vui vẻ và tự nguyện !

Chúng ta thấy rõ ràng – yếu tố Tiên tiến là ở việc phát huy cho trẻ tinh thần tự giác, tự chủ dựa trên khả năng của mỗi một đứa trẻ và đây cũng là điều mà chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi .

Đó là những biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhỏ mà hiện nay đó lại là một tình trạng kém phát triển, đặc biệt lại phổ biến ở các gia đình nơi thành thị, nơi mà các bậc cha mẹ tiếp cận được với rất nhiều thông tin và những phương pháp giáo dục tiên tiến !

Rõ ràng là ở đây, vấn đề thời gian và tiền bạc không phải là điều kiện quan trọng mà chính là do cái cách chăm sóc giáo dục của nhiều người hiện nay là vừa nuông chiều lại vừa áp đặt! Không những thế lại còn có sự bảo bọc che chở thái quá mà chúng ta thường gọi đó là cách nuôi gà công nghiệp ! Khiến đứa trẻ không thể phát triển các kỹ năng sống, chứ không phải là do cha mẹ không có điều kiện đưa con đi học các biện pháp giáo dục tiên tiến.

THẾ NÀO LÀ KỸ NĂNG SỐNG CỦA TRẺ EM

Chắc chắn trong chúng ta, là những bậc cha mẹ – chúng ta đều đã có những trải nghiệm “đau thương” trong quá trình nuôi dạy con – với các phụ huynh có con nhỏ thì chuyện dỗ cho trẻ nín khóc, dụ cho trẻ ăn cơm, ru cho trẻ ngủ yên và dạy cho trẻ biết đi vệ sinh đều là những đoạn trường – những nỗi ám ảnh là tại sao con tôi lại kỳ quá như vậy ?

Với các phụ huynh có con lớn hơn, đến tuổi đi học thì chuyện đến trường của trẻ là cả một vở bi hài kịch pha lẫn tính bạo lực trong đó, thế rồi chuyện con không chú ý, lười học, bỏ học , gây gỗ với bạn bè và bắt đầu mê game, mê chát chít cũng là những câu chuyện dài chưa có đoạn kết … Tất cả những điều đó là do ai ? Do chúng ta hay do đứa trẻ ?

Không phải do chúng ta và cũng không phải do đứa trẻ – không AI có lỗi ở đây mà vấn đề là CÁI GÌ đã khiến cho nỗi đoạn trường này xảy ra! Đó chính là việc chúng ta không biết gì về Kỹ năng sống, hay đúng hơn là chúng ta không quan tâm đến BIỆN PHÁP giúp trẻ phát triển kỹ năng sống ngay từ nhỏ.

Theo WHO, Kỹ năng sống là những Khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có năng lực đối phó hiệu quả với những nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hằng ngày.

WHO chia Kỹ năng sống thành 2 nhóm là Kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân và đưa ra một số kỹ năng tiêu biểu như :

Các kỹ năng cá nhân : KN tự nhận thức, tư duy sáng tạo, quản lý cảm xúc, ra quyết định , ứng phó

Các Kỹ năng xã hội : Kỹ năng giao tiếp, cảm thông, KN thương thuyết,  từ chối ,  tư duy bình luận ..

Nếu nhìn qua, chúng ta sẽ nghĩ rằng đây không phải là những điều dành cho trẻ em. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ về định nghĩa này chúng ta sẽ thấy hai yếu tố nổi bật của Kỹ năng sống là Khả năng thích nghi! và phát huy các hành vi tích cực

Như vậy, với trẻ em thì Kỹ năng sống được hiểu là cần giúp cho trẻ phát triển 3 khả năng tự chủ là :

Biết cách TỰ ĂN – biết cách TỰ NGỦ và biết cách TỰ CHƠI !

Chúng ta thấy ngay từ khi mới sinh ra, thì một trong những bản năng của trẻ sơ sinh là tìm cái để ăn! Khi đói trẻ sẽ cất tiếng khóc, đó là một tín hiệu được phát đi, và khi được mẹ bế vào lòng thì trẻ sẽ ngọ ngoạy tìm ngay bầu vú mẹ ! Cũng như khi cho trẻ bú bình thì trẻ sẽ có phản ứng ngay khi môi chạm vào cái ti. Đó gọi là khả năng tự ăn, nhưng dần dần chính cách cho trẻ ăn đã khiến cho trẻ mất đi khả năng đó. Khi lớn hơn, thì các bà mẹ lại sợ con dây bẩn thức ăn ra quần áo và ăn chậm, nên lại đút cho trẻ ăn, và để thúc đẩy bé ăn nhanh thì lại mở Tivi, bật máy tính ..v .. Trẻ càng lệ thuộc vào cách cho ăn thì lại càng mất đi khả năng tự ăn !

Ngủ cũng là một nhu cầu hết sức quan trọng để bé phát triển, nhưng cũng như ăn, các bà mẹ rất vất vả trong việc dỗ cho bé ngủ, bé thì phải bế đi vòng vòng, bé thì phải bỏ vào nôi rung, bé lại đòi nằm võng ! Có phải là bé muốn hay chính chúng ta tập cho bé những yêu cầu như vậy ? Vì vậy, chỉ cần tạo những điều kiện đơn giản như cho trẻ nằm trong nôi hay giường nhỏ, giữ im lẳng, để ánh sáng mờ, vỗ hay xoa nhè nhẹ vào lưng hay mông, là sẽ giúp bé tự đi vào giấc ngủ

Đối với việc chơi, thì chúng ta nên biết rằng đồ chơi và trò chơi chính là phương tiện và là biện pháp tốt nhất để giúp bé phát triển các kỹ năng về vận động, về tư duy và về giao tiếp. Vì thế chúng ta cần lưu ý chọn cho bé những loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, đơn giản để kích thích trí tưởng tượng, chắc chắn để giúp trẻ phát tiển khả năng vận động qua việc ném, đập, gõ hay tháo ra, lắp vào !

Chúng ta cũng cần có một không gian riêng cho trẻ chơi tại nhà, có thể chỉ là một góc phòng với một cái kệ nhỏ với một số đồ chơi, một cái chiếu hay thảm nhỏ, một tấm bảng để trẻ tự do gạch, vẽ… nhưng đó là một không gian tự do và thuộc quyền “sở hữu” của trẻ. Qua đó trẻ sẽ phân biệt được không gian và có ý thức về khả năng tự chủ của mình.

PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG TỰ CHỦ VÀ THÍCH NGHI CHO TRẺ

Khi trẻ lớn hơn, thì chúng ta lại tiếp tục giúp bé phát triển các kỹ năng sống qua các hoạt động tự chủ biết thích nghi cũng như biết cách khám phá môi trường xung quanh.

Điều mà chúng ta cần làm là gì ? Đó là giúp bé phát triển kỹ năng Giao tiếp – Thích nghi và Khám phá, đây là ba kỹ năng được xem là cơ bản mà chúng ta không nghĩ rằng, đó lại là những điều cần thiết cho trẻ em.

Khả năng giao tiếp là việc kích thích và bảo vệ các giác quan cho trẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và biết cách ứng xử trong gia đình cũng như ở những nơi công cộng. Nói thì có vẻ nghiêm trọng nhưng thực ra thì những điều này cũng giản dị như chuyện ăn chuyện ngủ và chuyện chơi của trẻ !

Trước hết, chúng ta cần lưu ý đến việc bảo vệ đôi mắt cho bé, không cho tiếp xúc nhiều và lâu với những nguồn ánh sáng mạnh và chói chang mà cụ thể là các màn hình Tivi và vi tính. Việc cho trẻ xem Tivi nhiều là một tình trạng khá phổ biến, bởi vì nhiều người cho rằng đó là cách dễ nhất để giúp cho bé ăn nhanh, không nghịch phá người lớn khi họ bận việc và còn giúp phát triển các năng lực cho trẻ.

Việc dư thừa ánh sáng cũng như tình trạng thiếu sáng đều có những ảnh hưởng đến thị lực, điều rõ ràng nhất là hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều trẻ em phải đeo kính ngay từ khi mới học lớp Một, lớp hai ! Điều này cho thấy những sút giảm về thị lực là một điều ngày càng phát triển ! Vì thế hãy lưu ý đến góc học tập của trẻ tại nhà và cả việc nhắc nhở trẻ khi xem TV không ngồi quá gần và không xem sách, truyện ở những nơi thiếu sáng.

Tai hay thính giác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp của trẻ. Hiện nay, môi trường đô thị được xem là một nơi ô nhiễm không chỉ về vấn đề vệ sinh mà cả tiếng ồn cũng đã quá mức báo động ! Chúng ta hãy lưu ý không nên tạo ra một khung cảnh quá ồn ào cũng như quá yên lặng nơi gia đình vì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nghe mà còn ảnh hưởng cả đến sự phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp của trẻ.

Sự cảm nhận qua xúc giác trên da và bằng sự cầm nắm cũng giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, vì vậy trẻ em ngay từ bé rất cần sự ôm ấp, âu yếm vuốt ve và được tạo cơ hội cho cầm nắm, tiếp xúc với các đồ vật có nhiều tính chất khác nhau từ cứng,mềm cho đến nhám, trơn láng hay sần sùi… trẻ được tiếp xúc và cầm nắm nhiều sẽ phát triển tốt hệ thần kinh phản xạ và sẽ trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn.

Ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp

Ngôn ngữ là công cụ chính cho giao tiếp. Khi mới sinh ra trẻ giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười và tiếng khóc, nhưng khi đã bập bẹ thì trẻ sẽ phát triển rất nhanh khả năng nói trong giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, đây là thờ điểm vàng giúp bé phát triển khả năng nói bằng nhiều biện pháp khác nhau. Chúng ta kích thích khả năng nói của trẻ bằng việc giúp bé xây dựng các kỹ năng về cơ học như biết cách thổi, cách nhai, cách vận động lưỡi … cũng như các kỹ năng lắng nghe, cung cấp vốn từ ngữ cho trẻ qua hình ảnh, trò chuyện, trò chơi, bài hát …

Tuy nhiên không phải cứ nó nhiều, nói dài nói dai với trẻ là tốt, nhất là trong lúc giao tiếp với trẻ mà chúng ta cứ dài dòng cắt nghĩa, hay đưa ra những câu nói dài, thậm chí là trả lời thay ch con luôn khiến trẻ chỉ biết gật gù, không thể xen ngang… cũng là một yếu tố khiến trẻ chậm nói.

Chúng ta cũng giúp trẻ phát triển qua việc chọn lựa và quyết định, như khi đưa ra hai món ăn, hai loại quần áo hay hai chổ để đi chơi để trẻ chọn và quyết định, điều này vừa chứng tỏ sự tôn trọng trẻ, vừa giúp cho bé có khả năng tự chủ hơn. Cũng như khi đã chọn lựa, thì bé cũng biết tự chấp nhận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều này cũng giúp cho bé cẩn thận hơn khi muốn làm một điều gì đó.

Phát triển năng lực tự chủ

Trong nhiều gia đình, trẻ em hầu như được chăm sóc và giáo dục theo nguyên tắc phụ thuộc và nuông chiều – Các bậc cha mẹ thường chỉ cho trẻ ăn những thức ăn mà họ cho là bổ dưỡng và không cho trẻ có quyền lựa chọn giữa 2 món ăn ! Cũng thế, họ mua cho trẻ rất nhiều quần áo nhưng chỉ lấy và mặc quần áo cho trẻ mà không tạo cơ hội cho trẻ chọn lựa và quyết định về y phục khi đi chơi của mình! Đơn giản vì phụ huynh cho rằng những điều đó làm cho họ mất thì giờ mà không biết rằng nhiều khi việc buộc trẻ theo sự chỉ đạo của mình còn mất thì giờ hơn nếu gặp phản ứng của trẻ !

Nhưng bên cạnh những áp đặt khiến trẻ trở nên phụ thuộc vì không được quyền chọn lựa và quyết định, thì bố mẹ lại nuông chiều con trong việc cho trẻ kéo dài giờ ăn, giờ chơi, giờ ngủ cũng như có trẻ có quyền đòi hỏi những thứ đồ chơi mà chúng thấy hay có thể nghịch phá những đồ dùng trong gia đình, vì họ cho rằng trẻ còn nhỏ, chưa ý thức đúng sai, có chiều nó một chút cũng không sao. Điều này dần dà tạo nên những thói quen và sau đó là tính cách không cần biết những giới hạn về thời gian, không gian và giá trị của tính kỷ luật.

Chỉ đến khi nào trẻ trở nên bướng bỉnh, ngỗ nghịch, phá phách không ngừng nghỉ, thích làm gì thì làm bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào… thì cha mẹ lại dùng đến những biện pháp trấn áp đưa đến sự đối đầu, hoặc chỉ biết kêu trời và tìm đến những nhà chuyên môn về tâm lý giáo dục để có những biện pháp kỷ luật lên đứa trẻ ! mà thực ra trong chuyện này các em chỉ là những nạn nhân đáng thương của việc buông lỏng, hay những của những biện pháp giáo dục sai lầm mà thủ phạm không xa lạ gì !

Biện pháp giáo dục và tác động

Chúng ta biết rằng giao tiếp là cách ứng xử, mà lời nói chỉ là phương tiện truyền tải vì thế nếu khi dạy con mà lời nói không đi đôi với việc làm thì chắc chắn là vô ích. Hơn nữa, trẻ em chủ yếu là tiếp nhận kỹ năng qua việc bắt chước người lớn, vì thế chính những thái độ và hành vi của cha mẹ sẽ tạo nên những tác động rõ rệt trên trẻ.

Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng khi cho rằng phải là một bậc cha mẹ mẫu mực , có trình độ hay kiến thức sâu rộng mới có thể dạy con ứng xử hay là một tấm gương để trẻ noi theo. Ai cũng có những khó khăn và sự hạn chế trong năng lực và tính cách, nhưng điều quan trọng ở đây chính là sự trung thực, không che đậy, giả vờ hay đóng kịch trước sự quan sát của trẻ em. Các em sẽ nhận biết ngay dù không nói ra hay có phản ứng gì, nhưng các em sẽ không còn niềm tin nữa. Chúng ta có thể không tin vào những người khác, đó chỉ là điều đáng buồn nhưng nếu trong gia đình mà con cái và cha mẹ không tin tưởng nhau, đó mới là một bi kịch thật sự !

Như vậy, chúng ta cần làm gì để có thể giúp trẻ phát triển năng lực tự chủ, chúng ta hãy tạo cho trẻ một không gian riêng biệt để chơi đùa, học tập mà chính chúng ta phải tôn trọng cái không gian đó, để từ đó trẻ biết tôn trọng những không gian của người khác. Chúng ta cũng phải biết nói lời xin lỗi khi có những ứng xử sai lầm với trẻ và biết cám ơn trẻ, điều này sẽ dạy cho trẻ biết nói lời xin lỗi và cám ơn, đây là hai cụm từ đang ngày càng vắng bóng nhất là ở những nơi công cộng !

Chúng ta không tự cho mình cái quyền vào phòng trẻ, tự lục đồ và lấy đồ của trẻ để sử dụng mà không có sự đồng ý của các em, điều này cũng sẽ dạy cho trẻ biết là không được tự tiện lấy đồ của người khác một cách “tự nhiên như ở nhà” ! Đó là cách giúp trẻ biết về tính tư hữu, nhận biết về giá trị của bản thân vì chỉ khi nào chúng ta biết quý trọng chính mình thì chúng ta mới biết tôn trọng những người xung quanh.

Xây dựng khả năng thích nghi và khám phá cho trẻ

Với trẻ nhỏ, thì một trong những điều làm cha mẹ khổ sở là sự kén chọn sữa của các em, lớn hơn chút nữa là tình trạng thích món này, không thích món kia … Chúng ta tôn trọng sở thích của trẻ chứ không buộc phải chấp nhận sự kén chọn của trẻ trong chuyện ăn và mặc. Bởi vì sở thích là những niềm vui của trẻ em nhưng sự kén chọn lại là những thói quen do chính cha mẹ các em tập huấn ngay từ nhỏ cho trẻ !

Về mặt dinh dưỡng Chúng ta thấy rằng, ở nông thôn hay trong những gia đình hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có gì ăn nấy, các em không có sự kén chọn, nhưng cũng chính vì thế mà các em rất thoải mái trong việc ăn uống, các em ăn uống dễ dàng, ít bị những rối loạn lặt vặt về tiêu hóa như trẻ thành phố. Vì thế, ngay từ bé hãy cho các em làm quen với nhiều loại sữa khác nhau, nhiều loại nước trái cây và một khẩu phần ăn đa đạng. Có thể trẻ tỏ ra “hợp” với một loại sữa nào đó, hay tỏ ra thích thú với một món ăn nào đó. Nhưng trừ những trường hợp dị ứng do thể tạng, thì việc cho trẻ uống nhiều loại sữa, ăn nhiều cách và nhiều món khác nhau sẽ giúp cho trẻ có khả năng thích nghi, có sức đề kháng tốt và có khả năng ăn uống dễ dàng hơn.

Khi lớn lên, chúng ta lại lo lắng không dám cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, chuyện nghịch đất cát dù là một niềm vui cho trẻ nhưng lại là điều cấm kỵ của nhiều gia đình. Cũng không ít gia đình hầu như không có những ngày nghỉ cuối tuần. Chúng ta cũng biết là vì sinh kế, có nhiều bậc cha mẹ phải đi làm cả ngày chủ nhật. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không thể có những lúc được thỏa thích vui chơi ngoài thiên nhiên. Chúng ta không muốn, không thích cho trẻ ra ngoài trời chạy nhảy vui đùa mà chỉ muốn trẻ vui chơi trong các khu giải trí khép kín, nơi mà chúng ta cho là ăn toàn đối với trẻ.

Chính cách nghĩ và cách làm không hợp lý đó đã đưa đến hệ lụy là trẻ trở nên lệ thuộc vào người lớn, rồi lệ thuộc vào các phương tiện học tập và giải trí nhân tạo, lệ thuộc vào các công cụ, thiết bị máy móc, không còn khả năng tự xoay sở, giảm đi khả năng tự chủ và mất đi sự tự tin vào bản thân để rồi đến một lúc nào đó, cha mẹ lại lăm le đưa con vào học các trường dạy Kỹ năng sống với suy nghĩ rằng, mình không dạy được thì đã có các chuyên gia và chỉ cần đóng tiền là đủ !

 

VAI TRÒ CỦA CHA MẸ TRONG VIỆC GIÚP CON PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐNG

Đến đây, chúng ta đã thấy rằng kỹ năng sống hay những phương pháp giáo dục tiên tiến không có gì là ghê gớm hay khó hiểu, mà chỉ có những nhà chuyên môn, những cơ sở trang bị đầy đủ mới có thể vận dụng được. Dĩ nhiên là trong chuyện giáo dục trẻ em, cha mẹ không thể “Tay không bắt giặc” mà cũng rất cần biết cách trang bị cho mình những kiến thức về tâm sinh lý trẻ, có sự tổ chức không gian sinh hoạt trong nhà, dành ra một số giờ trong ngày để chơi cùng với trẻ, và cũng phải có những đồ chơi, đồ dùng phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng có giá trị tác động mạnh đến đứa trẻ chính là thái độ và cách sống của cha mẹ, chính sự làm gương cũng như tinh thần tôn trọng trẻ và những người xung quanh mới là những yếu tố hiệu quả trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Là những người làm công ăn lương, tất bật chạy theo cuộc sống. Điều làm chúng ta lo lắng là cái ăn, cái mặc cho con em mình, đó là điều tất yếu nhưng chính khả năng tổ chức trong gia đình, biết cách quản lý thời gian và giúp trẻ phát triển nhân cách và năng lực bằng những biện pháp đơn giản mới là những giá trị cần thiết mà chúng ta cần phải tìm kiếm.

Những giá trị đó không thể mua bằng tiền, vì đồng tiền có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được nụ cười cũng như sự tin yêu của đứa trẻ. Vì vậy, hãy dành thời gian để giúp cho con em mình biết ăn, biết ngủ, biết chơi, biết giao tiếp, thích nghi và luôn có tinh thần khám phá. Đó là những giá trị cũng như là phần thưởng lớn lao cho những ai biết làm cha mẹ !

Chúng ta có thể tìm kiếm những kiến thức về tâm sinh lý trẻ ở đâu ?

Hiện nay, internet là một thế giới của những thông tin từ hữu ích đến độc hại, vì thề chúng ta nên có những am hiểu nhất định để có thể sử dụng hiệu quả những thông tin ở đây. Các bạn có thể tìm vào một số trang web, diễn đàn về nuôi dạy con trẻ và tham khảo các thông tin tại đây.

Chúng ta cũng có thể tìm kiếm kiến thức qua một số tạp chí, sách báo để dùng làm tư liệu phát triển kiến thức của mình.

Ngoài ra, có thể tham dự các buổi trao đổi, báo cáo, thảo luận chuyên đề và nếu có điều kiện thì nên tham gia một số khóa tập huấn về kỹ năng làm cha mẹ

Bên cạnh đó việc tìm đến các văn phòng tư vấn tâm lý cũng là điều mà chúng ta có thể thực hiện, không chỉ đợi đến khi trẻ đã trở nên quá rối nhiễu về hành vi hay ứng xử mà chúng ta hãy nhớ rằng, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn là chữa bệnh bởi vì trong lĩnh vực tâm lý thì việc phòng bệnh dễ dàng bao nhiêu, thì việc chữa bệnh lại khó khăn bấy nhiêu.

Trong hoạt động xã hội, chúng ta đề cao những công nhân lành nghề, chúng ta kính trọng những nhà quản lý, lãnh đạo có năng lực với phong cách chuyên nghiệp cao thì tại sao trong nghề làm cha mẹ chúng ta không thể tự đào tạo cho mình có một tay nghề vững chắc để giúp cho chính con cái chúng ta trở nên một con người hữu dụng, có ích cho chính bản thân và cho xã hội ?

Cv.TL Lê Khanh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý