Ứng xử với các mối nguy hiểm
27/03/2012Trao đổi về hành vi tự tử ở Học sinh
01/04/2012Giáo dục kỹ năng sống (KNS)hiện nay là một nhu cầu bức thiết cho các em học sinh – Chúng ta hãy xem các nhà giáo dục đã làm điều đó như thế nào cho giới trẻ và hiệu quả ra sao
Chưa thiết thực và hời hợt:
Giáo dục KNS đã được lồng ghép giảng dạy trong các môn học từ lớp 1 đến 12 nhưng học sinh chưa thật sự thích thú, không cảm thấy thiết thực.
Qua một năm thực hiện tăng cường giáo dục KNS ở bậc tiểu học, không ít giáo viên (GV) đều có chung một nhận xét: Việc đưa giáo dục KNS vào giảng dạy là rất cần thiết, giúp học sinh (HS) tự tin hơn, có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, không phải bài học nào cũng có thể lồng ghép thuận lợi.
Một GV Trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội) chia sẻ: “Thời gian đầu chúng tôi rất lúng túng vì cứ “cố” để đưa bằng được nội dung KNS vào bài học. Ví dụ, sau bài học “Ai có lỗi” trong môn tiếng Việt lớp 3, cả cô và trò đều căng thẳng vì không biết HS đã hiểu được các KNS mà yêu cầu lồng ghép của Bộ GD-ĐT đặt ra như: ứng xử văn hóa, thể hiện sự cảm thông và kiểm soát cảm xúc… hay chưa”.
Ông Lê Định, Trường tiểu học La Hà Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cho rằng: “Có quá nhiều kỹ năng (21 kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn của bộ – PV). Một HS tiểu học rất khó xác định mình vừa tiếp cận kỹ năng nào và đã có được kỹ năng nào”.
Lồng ghép khiên cưỡng
Một GV dạy văn Trường THPT Phạm Hồng Thái – Hà Nội, cho biết: “Theo yêu cầu của chương trình giáo dục mới, các tác giả viết sách GV cần tích hợp, kết hợp giáo dục về môi trường, KNS… cho HS trong các môn học chính khóa. Tuy nhiên, các nội dung lồng ghép về dân số, môi trường, kỹ năng sống, phòng chống HIV… đưa vào chương trình học môn văn rất khiên cưỡng, khiến giờ văn trở nên nặng nề, khô khan”.
Qua thực tế giảng dạy, một số thầy cô giáo cũng cho rằng dạy lồng ghép chưa mang lại hiệu quả cao vì thời gian dành cho giáo dục KNS không nhiều, nếu sa đà quá một chút sẽ lại ảnh hưởng đến môn học chính. Đó là chưa kể môn học đó cần hài hòa, nhẹ nhàng, thú vị mới giúp các em có hứng thú học và tiếp thu hiệu quả.
Thiếu chuyên nghiệp
Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường, khó khăn lớn nhất khi giảng dạy KNS cho HS là phần lớn GV đều chưa quen việc. Nhiều GV còn hiểu nhầm “đạo đức mới là môn có trách nhiệm giảng dạy KNS”.
Một chuyên gia của Bộ GD-ĐT cho hay: “Trong 10 GV hiện nay chỉ có khoảng 2-3 người đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy KNS. Đa số GV còn lại dù rất tâm huyết nhưng không phải ai cũng dạy được vì họ chưa được đào tạo.
Vì lẽ đó mà bà Nguyễn Thị Mai Lan – Viện Nghiên cứu con người, nhận định: “Những KNS mà HS được học trong nhà trường THPT hiện nay còn mang nặng tính hình thức, do đó các em chưa chuyển dịch được những kiến thức được học trong nhà trường thành kinh nghiệm sống của bản thân nên thiếu tự tin khi tham gia trực tiếp vào những hoạt động trong gia đình, nhà trường và xã hội”.
Giáo dục KNS trong nhà trường đã thế – còn ngoài xã hội thì sao ?
Không ai quản lý
Từ sự lệch pha giữa nhu cầu của phụ huynh với thực tế giảng dạy trong nhà trường về KNS đã tạo điều kiện biến trường học thành thị trường lớn cho các đơn vị kinh doanh lĩnh vực này khai thác.
Thời gian gần đây, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM, đặc biệt những trường ở các quận trung tâm thường kết hợp một số công ty đứng ra tổ chức các lớp dạy KNS. Khi nhận được thư ngỏ của trường và các công ty gửi về nhà, phần lớn phụ huynh đều cảm thấy yên tâm vì có trường đứng đằng sau. Vì vậy, những chương trình KNS này thu hút sự tham gia nhiệt tình của phụ huynh. Có trung tâm năm đầu tiên mở ra chỉ chưa đầy 100 học sinh nhưng sau 2 năm số lượng đăng ký là 1.000, đến hè năm 2011 tăng lên thành 4.000
Ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1), thông tin: “Tôi tiếp nhận rất nhiều thư mời của một số doanh nghiệp về việc phối hợp tổ chức các chương trình giáo dục KNS”. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cũng cho hay từ phòng giáo dục cho đến các trường học đều nhận được nhiều giới thiệu về chương trình. Tuy nhiên, nội dung những chương trình này như thế nào, chất lượng giáo viên ra sao, không một ai kiểm chứng được. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.1 cho rằng: “Một số đơn vị tổ chức giảng dạy lại là doanh nghiệp và chỉ cần có giấy phép kinh doanh là họ có thể hoạt động, nên về mặt giáo dục chưa được đánh giá cụ thể”. Ông Tạ Tân cũng chia sẻ: “Nếu giảng viên các đơn vị này không có ai quản lý chuyên môn, trình độ không phù hợp thì học sinh sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp”.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Anh Ba, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Lĩnh vực này mới phát triển nên ngay Sở cũng không biết ai quản lý, ai cấp phép để những đơn vị đó hoạt động. Ngoài một số chương trình của các tổ chức nhà nước thì còn có một số công ty thực hiện theo mô hình doanh nghiệp. Vừa qua, Sở cũng đã đặt ra vấn đề này để bàn bạc và sẽ đề xuất với TP trong việc quản lý, cấp phép vì trong thực tế đối tượng tham gia đều là học sinh”.
Học KNS… quá hãi!
Chị T.P.C (P.Đa Kao, Q.1) có con tham gia một chương trình giáo dục KNS do Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức năm 2011 kể lại: “Tôi rất bàng hoàng khi nghe con kể chuyện vui, buồn nơi doanh trại. Trong đó có chuyện bạn T. ở trung đội 2, vi phạm kỷ luật vì hút thuốc lá đã bị thầy K. trưởng ban quản trại phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi, mỗi lỗ một điếu và hơn chục điếu thuốc vào miệng bắt hút một lần trước toàn trung đội. Sau đó, thầy giận dữ ném bật lửa xuống đất khiến nó nổ đùng, vỡ tan”. Trường hợp khác, một số học viên nam bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé đôi bộ bài, nhét vào miệng đứng trước trung đội. Khi một học viên hát bài nhạc chế Em ước mơ làm siêu nhân, thầy T. tát học viên này một phát đỏ tím mặt trước sự chứng kiến của bao “binh sĩ”.
Tuy nhiên các bạn trẻ vẫn có thể rèn luyện kỹ năng ở những môi trường đa dạng, không nhất thiết phải đổ xô tới điểm dạy kỹ năng sống (KNS).
Trui rèn qua câu lạc bộ
Vào chủ nhật hằng tuần, nhiều người dân tại TP.HCM đã quen với hình ảnh những thành viên Câu lạc bộ (CLB) Sao Bắc Đẩu nai nịt gọn gàng, sinh hoạt ở những công viên như: Tao Đàn, Gia Định, Hoàng Văn Thụ…
Anh Huỳnh Toàn – Trưởng khoa Huấn luyện kỹ năng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Tổng trưởng Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu cho biết: “CLB này trực thuộc Hội LHTN TP.HCM, ra đời vào năm 2007 với vỏn vẹn 24 thành viên ban đầu. Hiện Sao Đắc Đẩu đã thu hút trên 2.000 thành viên ở độ tuổi từ 5 đến 75 tham gia thường xuyên, trong đó đa số là học sinh (HS)”.
Theo anh Huỳnh Toàn, CLB này thường thiết kế hoạt động dựa vào tính lịch sử – cộng đồng và những sự kiện xã hội. Chẳng hạn, trong mùa vu lan báo hiếu, Sao Bắc Đẩu tổ chức những buổi sinh hoạt về cách học làm người lớn, cách báo hiếu cha mẹ. Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động ở các sự kiện khác như: ngày Quốc tế Thiếu nhi, Noel, Halloween, tết Nguyên đán…
Với nhiều phụ huynh, sân chơi miễn phí này đã và đang đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của con em họ theo chiều hướng tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Lan Anh (ngụ ở P.2, Q.5), có con trai là Vũ Nguyễn Gia Bảo (6 tuổi) tham gia sinh hoạt trong Sao Bắc Đẩu khoảng một năm nay, đã chia sẻ: “CLB rèn cho các bé nhiều kỹ năng hữu ích, nhất là tính tự lập. Tới ngày sinh hoạt, Bảo tự động xách ghế ra và chuẩn bị các thứ để mẹ đưa đến công viên. Bé còn biết tháo – thắt nút dây giày, biết quét nhà…”. Bà Lê Thị Thi (61 tuổi, ngụ P.5, Q.3), người “tiến cử” cháu ngoại tên Huy (6 tuổi) đến với CLB này, bộc bạch: “Thời trước, chúng tôi làm gì có những trung tâm, những lớp dạy kỹ năng như bây giờ để học? Chủ yếu là tự trang bị và nhất là thông qua những trò chơi dã ngoại mà thôi. Theo tôi, những điều Sao Bắc Đẩu truyền đạt rất gần gũi, giúp các cháu phát triển tư duy, học hỏi nhiều điều, có thể tránh xa những tệ nạn xã hội…”.
Ngoài CLB Sao Bắc Đẩu, còn có những đoàn Hướng Đạo, có nguồn gốc từ phong trào Hướng đạo ( Một tổ chức giáo dục trẻ có mặt trên hầu hết các quốc gia trên thế giới )cũng là một môi trường giáo dục KNS rất hiệu quả.
Học từ cộng đồng
Ông Nguyễn Văn Cải – Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM), Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2010, thẳng thắn nhìn nhận: “HS của chúng tôi ở vùng nông thôn, ngoại thành nên không có điều kiện đến những trung tâm KNS để học một cách bài bản, tốn kém. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các em không có KNS”. Dẫn chứng bản thân mình và bạn bè vốn là những người từng học tập, trưởng thành ở vùng ngoại thành, ông Cải tự tin khẳng định: “Hầu hết các bạn đồng lứa với tôi vẫn có những kỹ năng làm hành trang vào đời một cách vững vàng”. Theo ông Cải, tại Trường THPT Quang Trung, KNS thường được lồng ghép trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp và sinh hoạt tập thể. Theo đó, HS có điều kiện rèn kỹ năng nói chuyện trước công chúng (bằng cách phát biểu hay thuyết trình một vấn đề cụ thể), kỹ năng quản trò, kỹ năng ứng xử tình huống… “Tôi cho rằng KNS là những cái tích lũy, trui rèn được thông qua hoạt động thực tiễn, qua sinh hoạt cộng đồng. Đó là những điều rất gần gũi, thiết thân với cuộc sống” – ông Cải đúc kết. Đồng tình với quan niệm này, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhận định: “Kỹ năng thực ra là những điều gần gũi, rất dễ tiếp cận ngay xung quanh chúng ta. Nếu dạy KNS mà cứ theo kiểu học thuộc lòng thì khi ra thực tiễn, chắc chắn sẽ… chẳng nhớ gì”.
Ý KIẾN CÁC NHÀ CHUYÊN MÔN
Nên chọn lọc
Chúng ta phải lồng ghép vào môn học, bồi dưỡng lại đội ngũ GV về phương pháp, tạo điều kiện để HS có thời gian thực hành những kiến thức đã học, để đi vào thực tế. Bên cạnh số môn và nội dung học đã khá nặng, trước đơn đặt hàng của xã hội, ngành GD-ĐT cần bình tĩnh suy xét; cái gì thực sự cần thiết, thực sự là kiến thức – kỹ năng phổ thông hãy đưa vào chương trình giáo dục phổ thông; còn không thì phải giải trình với công luận để tìm hình thức giáo dục khác phù hợp”.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Không thể dạy lý thuyết suông
“Nếu có những tiết học dành riêng cho hoạt động rèn luyện KNS thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với những giờ học mang tính lý thuyết như hiện nay. KNS chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. HS chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó chứ không chỉ nói về việc đó”.
Cô Nguyễn Thị Hòa – GV một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)
Bớt số tiết môn văn hóa
“Điều mà Bộ GD-ĐT nên làm ngay là rà soát lại chương trình, bỏ bớt những môn, chương, bài không cần thiết… Bớt đi khoảng 30% số tiết học các môn văn hóa, tăng cường thêm các bộ môn có tính giáo dục nhân bản, nhân văn…”.
PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh
Gia đình và nhà trường là quan trọng
“Hiện nay, có khá nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra hàng triệu, thậm chí hơn chục triệu đồng cho con học trong vài ngày hoặc một tuần về KNS. Phụ huynh đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào việc cho con đi học KNS để có kỹ năng. Chẳng qua đó chỉ là cơ hội để thực tập, hòa nhập, cọ xát trong môi trường sinh hoạt tập thể trong vài ngày mà thôi. Gia đình, nhà trường vẫn là trên hết. Cha mẹ, thầy cô có thể điều chỉnh, hướng dẫn cho các em bất kỳ lúc nào. Điều quan trọng nữa là cách sống của người lớn ảnh hưởng đến người trẻ”.
Bà NGUYỄN THỊ THANH THÚY
– Hội trưởng hội quán Các bà mẹ
Cần quá trình lâu dài
“Việc cấp chứng chỉ KNS tràn lan như hiện nay dễ khiến nhiều người lầm tưởng rằng có chứng chỉ là đã hoàn thành rèn luyện kỹ năng. Thực ra, việc rèn luyện không phải là ngày một ngày hai mà cần lâu dài. Những chứng chỉ KNS khó thể hiện thực chất bởi hiện nay vẫn chưa xác định đơn vị nào sẽ quản lý, thẩm định các chương trình dạy KNS”.
Ông TRẦN ANH TUẤN
– Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM
Phụ huynh nên tỉnh táo
“Bản thân một số người trong nghề tư vấn – đào tạo KNS chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm nhưng lại đi rao giảng cho người khác. Phụ huynh thường giao khoán con em mình cho những trung tâm dạy kỹ năng và không có biện pháp can thiệp trong khi chính họ rành về con em mình nhất. Phụ huynh không nên bù đắp sự bận rộn của mình bằng những cái danh, bằng chứng chỉ học này học kia cho con em mình”.
Diễn giả TRẦN ĐÌNH TUẤN
– Công ty tư vấn và đào tạo Cuộc Sống Đúng Nghĩa
LÊ KHOA
( Tổng hợp từ các bài viết trên Thanhniên Online
của Bích Thanh – Như Lịch – Tuệ Nguyễn – La Giang )