LÌ XÌ NGÀY TẾT – Cho tiền hay mừng tuổi ?
07/02/2018Chúng ta Có Nên Tin vào Con
18/05/2018Theo khảo sát mới đây của Tổng cục dân số kế hoạch hoá gia đình: Chỉ có 19% số học sinh, sinh viên tiếp nhận kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường, 14% từ nhân viên y tế, 15% từ mẹ và 3% từ cha. 49% còn lại, các em tự tìm hiểu qua Internet, qua kinh nghiệm truyền miệng hoặc “mù” thông tin. Gần 74% học sinh và 85% phụ huynh cho rằng việc giáo dục giới tính (GDGT) trong trường học là rất cần thiết.
Thế nhưng, dù là cần thiết, cấp bách cho đến nay vẫn chưa có được một chương trình Giáo dục Giới Tính hoàn chỉnh trong hệ thống giáo dục . Mà chỉ là một hoạt động được lồng ghép trong các chương trình Giáo dục Công Dân, Sinh học hay Kỹ năng sống.
Trước hết, chúng ta hiểu như thế nào là hoạt động Giáo dục Giới Tính ?
Giáo dục Giới Tính ( GDGT) phải chăng chỉ là bộ môn giảng dạy các nội dung liên quan đến cơ thể nam nữ, sự khác biệt, phương pháp phòng tránh thai, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ?
Theo Wikipedia thì GDGT là một lãnh vực khá rộng bao gồm việc Giáo dục Giải phẫu sinh lý – Quan hệ tình dục – sức khỏe sinh sản (việc phòng tránh thai và bệnh về tình dục ) và cả trong các lĩnh vực cảm xúc như khuynh hướng tình dục , các giá trị trong tình cảm và các quan hệ tình cảm trong độ tuổi dậy thì.
Như vậy, có thể nói là việc Giáo dục Giới tính cho trẻ vị thành niên là một vấn đề khó khăn, không chỉ vì lãnh vực của nó bao gồm khá nhiều vấn đề trong cả hai lĩnh vực là Sinh lý học và giáo dục cảm xúc mà còn nằm ở trong các quan điểm khác nhau về vấn đề này, mà nói chung không phải Phụ huynh nào cũng có thể trao đổi một cách thẳng thắn, đơn giản và rõ ràng với con của mình giống như một số lĩnh vực kỹ năng sống hay giá trị sống khác.
Thực ra, nếu quá chú trọng đến những kiến thức về cơ thể học, về các chức năng sinh sản của bộ phận sinh dục thì chúng ta – Các Phụ huynh , sẽ rất dễ lúng túng trong khi đó không phải là điều quan trọng, và bản thân ta cũng không phải là một nhà chuyên môn để có thể trình bầy một cách thuyết phục với các em.
Có người sẽ nói, nếu không dạy về những “ cái đó” thì đâu phải là GD Giới Tính và Các em Học sinh cũng lại rất tò mò về điều đó ! Quan điểm đó không sai , cũng như muốn giỏi văn thì phải học về chính tả, ngữ pháp. Nhưng cái làm cho một bài văn bay bổng có chất lượng lại không nằm ở câu cú , mà là ở cái giá trị bên trong, những giá trị tinh thần và những ý tưởng bay bổng, nó mới làm cho bài văn sống động.
Cũng thế, giao dục giới tính cũng là việc phải đem lại cho các em những nhận biết về giá trị bản thân, về lòng tự hào phái tính của mình. Trong khi truyền thống Á Châu vẫn còn cái quan điểm : Nhất Nam viết Hữu – Thập nữ viết vô ! Mà trên thực tế nếu không có nữ thì làm sao có nam !
Chính vì không ý thức được giá trị bản thân , giá trị của phái tính hay lại có những cái ý thức sai lệch như trong quan hệ thân xác, phái nam chỉ có được chứ không mất gì và ngược lại, với phái nữ khi đã mất là mất tất cả. đã khiến đưa đến các hành vi không phù hợp của các em.
Ngoài ý thức giá trị Bản thân thì chính hiểu biết về giới tính sẽ khiến cho các em biết tôn trọng những người bạn khác giới của mình, biết quản lý cảm xúc và hiểu rõ thế nào là tình yêu đôi lứa.
Có thể nói, chưa bao giờ mà những giá trị của tình yêu lại bị thách thức như hiện nay khi mà nhiều bạn trẻ cho rằng tình yêu bắt đầu từ một món quà và kết thúc trong nhà nghỉ ! Phụ huynh thường cho rằng trẻ thiếu niên bây giờ thường “ dậy thì sớm” và việc dậy thì đó được đánh dấu bằng việc trẻ biết yêu sớm ! Trong khi đó, thường đó chỉ là những cảm xúc như “ ưa thích” “ quan tâm” “ ngưỡng mộ” “mong muốn” và cả “ tò mò” muốn khám phá một điều gì mà mọi người có vẻ đang giữ bí mật với mình.
Chính cái sự “ bí mật” đó nếu được bật mí một cách khéo léo – trong những buổi sinh hoạt gia đình như bữa cơm tối, các hoạt động dọn dẹp nhà cửa, phụ bố mẹ nấu cơm hay chế biến thức ăn … hoặc trong các buổi đi chơi cùng gia đình . Đó là những thời điểm để có thể nói về giá trị của tình yêu, của tinh thần trách nhiệm và từng bước nâng cao lòng tự trọng , hiểu về bản thân, hiểu về chức năng các bộ phận một cách đầy đủ, có cơ sở khoa học và cả đến khả năng quản lý cảm xúc.
Trong trường hợp nếu con mình có tỏ ra “ rung động” trước một đối tượng nào đó, thì cũng đừng vộ vã kết luận con mình biết yêu hay ngược lại, có kẻ đang quyến rũ con mình , vì thế những việc “ngăn cấm hay phê phán” chỉ có tác dụng “ kích thích” đứa trẻ và làm cho các em càng cảm thấy muốn vượt qua các hàng rào được gọi là “ lễ giáo” và đi vào các hoạt động “ thực hành” ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ. Vì thế chúng ta cần phải có những phản ứng thích hợp không phải để trở thành một “ kẻ phá đám, rình rập hay trừng trị” mà là một người biết lắng nghe, hướng dẫn và làm bạn với trẻ, qua đó chúng ta mới có thể giúp trẻ vượt qua những cạm bẫy của thân xác. Đó mới là giá trị tích cực của Giáo dục giới tính.
CVTL LÊ KHANH
Cty GD KIDSTIME – Chi nhánh Bình Thạnh.