Khởi đầu thành công khi bé vào lớp Một
07/06/2013Phân biệt dấu hỏi ngã trong Tiếng Việt
10/06/2013Khi sinh con, ai cũng mong muốn đứa con được lớn lên trong một môi trường an toàn và vui tươi, để có thể đạt đến sự hạnh phúc. Thế nhưng để dẫn bước con đi trên con đường đạt đến điều mong ước, thì không phải là ai cũng thành công, không chỉ là những điều kiện vật chất mà cả các yếu tố tinh thần đã góp phần tạo ra những thách thức.
Vậy thì cần làm thế nào để giúp con đạt được hạnh phúc ?
Hạnh phúc là sự cảm nhận, nhưng lại có giá trị như một chất xúc tác gây biến đổi lên hệ thần kinh và từ đó tạo ra những tác động mang tính sinh học lên các bộ phận của con người.
Hãy thử nhìn một người mặt mày tươi tỉnh, ánh mắt rạng ngời, nụ cười hé nở trên môi, cử chỉ mạnh dạn, phong cách linh hoạt, lời nói vui vẻ…. Đó là những dấu hiệu của một người hạnh phúc.
Nhưng cũng chính vì hạnh phúc là một cảm nhận chứ không phải là một thực thể mà ta có thể tìm được đâu đó trên trái đất này, vậy thì làm sao chỉ cho con cái chúng ta về sự hiện diện của nó ?
Bạn là một người mẹ/ một ông bố tốt, bạn có thể cho con nhiều thứ bạn có: – tiền bạc, vật dụng, thời gian, công sức …và có khi bạn hy sinh ngay cả cuộc đời cho con, nhưng đứa con bạn vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Thậm chí, đôi khi đó chúng lại cảm thấy đó là một điều bất hạnh. Bởi có thể, bạn cho rằng bạn làm như vậy là vì con, nhưng với đứa con lại là một gánh nặng, thậm chí là đau khổ vì quan điểm và sự cảm nhận về hạnh phúc của nó khác hẳn với quan điểm và sự cảm nhận của bạn.
Đến đây, chúng ta lại khám phá ra một đặc điểm nữa về hạnh phúc, đó là tính cá biệt, một sự biệt hóa mang tính cá nhân. Giống như khi xem một phim hài, ai cũng có thể cười, nhưng nếu hỏi thử 10 người xem phim đó, tại sao lại cười thì có thể sẽ nhận được 10 lý do khác nhau vì mỗi người tùy vào độ tuổi, sự nhận thức và cá tính mà có thể cười một cách dễ dàng, hời hợt hay với sự coi thường !
Do đó, dù bạn muốn đem lại cho con cuộc sống hạnh phúc, nhưng nếu không biết cách, bạn vẫn không thể tạo cho con niềm hạnh phúc vì bạn đã không chỉ ra cho các con những biện pháp để cảm nhận hạnh phúc theo cách nhìn của con, mà lại muốn con nhận ra hạnh phúc theo quan điểm và sự cảm nhận của bạn.
Nói cách khác, nếu bạn thật sự thương yêu con, bạn cần giúp con biết cách để đi đến cánh cửa hạnh phúc, biết cách tìm ra hạnh phúc theo sự cảm nhận, theo mong ước của con và tùy thuộc vào cá tính của con chứ không phải theo cách đánh giá hay sự mong ước của bạn.
HẠNH PHÚC CHỈ CÓ MỘT – NHƯNG SỰ CẢM NHẬN VÀ CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN HẠNH PHÚC THÌ RẤT NHIỀU
2.Dạy con biết lạc quan và hy vọng:
Một người đang khát nước, khi nhìn thấy ly nước bèn thốt lên: “May quá, còn đến một nửa ly”. Cũng với ly nước ấy, một người khác lại thốt lên: “ Tệ thật, chỉ còn có một nửa ly thôi”
Đây là một ví dụ điển hình về tính lạc quan và bi quan trong cuộc sống. Cùng với một sự kiện, người lạc quan có một cái nhìn khác với người bi quan, họ luôn nhìn nhận sự việc bằng con mắt lạc quan. Và chính điều đó đã tạo nên tính cách của họ.
“ Gieo một hành vi tạo một thói quen – gieo một thói quen tạo một tính cách – Gieo một tính cách tạo một số phận”
Một con người luôn luôn nghi ngờ vào năng lực của những người cộng sự và có khi nghi ngờ ngay khả năng của mình thì sẽ rất khó hình thành được một ê kíp là việc ăn ý, và dĩ nhiên là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, thậm chí không bao giờ có thể hoàn thành để cuối cùng lại quay ra than trách cho số phận hẩm hiu của mình.
Ngược lại, nếu chúng ta biết nhìn ra những yếu tố tích cực và luôn có sự lạc quan, biết mỉm cười và huýt sáo trước những khó khăn, thì có thể sẽ tìm ra được những giải pháp hay nhận được những sự hợp tác chân thành
Chúng ta nên biết rằng trong gia đình, không thiếu những lúc phải rơi vào các tình huống khó khăn, từ những chuyện nhỏ nhặt như đánh vỡ chén bát, làm mất đồ dùng cá nhân, tìm không ra một vài dụng cụ… cho đến những điều tệ hại hơn. Nếu như chúng ta không giữ được sự bình tĩnh và có thái độ lạc quan để chấp nhận sự kiện thì có lẽ chắc khó mà có thể tập cho con có được sự lạc quan. Chính thái độ ứng xử của bố mẹ trước những tình huống khó khăn là sự thuyết phục mạnh mẽ nhất để giúp cho con cái có được sự lạc quan trong cuộc sống.
Bạn hãy thử hình dung, khi con mình vô tình trượt ngã hay làm đổ vỡ một món đồ nào đó, thay vì la mắng và làm tổn thương đến tính tự ái của trẻ, mà cũng không thể thay đổi được tình thế thì chúng ta nên làm cho tình hình giảm bớt sự căng thẳng bằng những câu pha trò một cách khôi hài, điều đó không những làm cho bầu khí trở nên vui vẻ mà đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn để sau này không còn mắc phải những sai lầm “ngớ ngẩn” ấy nữa.
Nếu lạc quan có thể giúp chúng ta có được những niềm vui trong cuộc sống thì sự hy vọng sẽ đem đến cho chúng ta những năng lực cần thiết để làm việc.
Chắc bạn đã biết, trong các kỳ thi đại học, bên cạnh những thí sinh đầy đủ sức khỏe và điều kiện gia cảnh, thì còn có biết bao nhiêu em phải sống trong sự khó khăn, hay có một khuyết tật trên thân thể, nhưng với niềm hy vọng đậu vào đại học, nhờ học vấn mà vượt lên khỏi nghịch cảnh đang vây bọc cuộc sống của các bạn ấy. Chính niềm hy vọng ấy đã tiếp sức cho các bạn trẻ có khả năng học tập trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hay vượt hàng trăm cây số để đi thi và chứng tỏ được nghị lực của con người, dù đó chỉ là những bạn trẻ đôi khi rất quê mùa.
LẠC QUAN SẼ ĐEM LẠI NIỀM VUI VÀ SỰ HY VỌNG – HY VỌNG SẼ ĐEM LẠI NGHỊ LỰC CHO CUỘC SỐNG CHÚNG TA.
CVTL LÊ KHANH