Truyền hình thực tế và tuổi thơ
24/04/2013
Con tôi phát triển như thế nào ?
28/05/2013
Truyền hình thực tế và tuổi thơ
24/04/2013
Con tôi phát triển như thế nào ?
28/05/2013

Khi trẻ đến tuổi đi học mẫu giáo, một số vấn đề liên quan đến cảm xúc của trẻ như bướng bỉnh, nhút nhát, kém hòa đồng bắt đầu bộc lộ. Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và làm xuất hiện nhiều hành vi sai lệch của trẻ.

Vì vậy, làm sao để trẻ biết làm chủ cảm xúc, đồng thời nhận ra cảm xúc của người khác để có những hành vi và thái độ phù hợp là điều cần thiết.

Trước khi nói đến các biện pháp để các giáo viên có thể giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc. Chúng ta nên biết qua về Chỉ số cảm xúc ( EQ : Emotional Quotient)

 

THẾ NÀO LÀ CHỈ SỐ CẢM XÚC

Nhà Tự nhiên học Darwin là người đã đề cập đến tầm quan trọng của sự diễn đạt cảm xúc của các cá thể trong quá trình chọn lọc tự nhiên và các thay đổi thích nghi thông qua các nghiên cứu của mình. Và E. L. Thorndike vào những khoảng năm 1920, đã sử dụng khái niệm “trí tuệ xã hội” để miêu tả kỹ năng hiểu và quản lý người khác.

Về sau, Howard Gardner cho rằng trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận biết cảm xúc (tôi đang thực sự cảm thấy gì?) và hiểu cảm xúc (tại sao tôi có cảm xúc này?) của bản thân và người khác. Ông cho rằng những hiểu biết về cảm xúc của bản thân cũng như của người khác có thể giúp một cá nhân :

Làm chủ cảm xúc của bản thân giúp phát triển khả năng tự chủ.

Tự tạo động lực hành động mang tính tự nguyện

Cải thiện các mối quan hệ với người khác bằng sự cảm thông và tôn trọng

Năm 1990, thuật ngữ trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) do hai nhà tâm lý học Mỹ Peter Salovey và John Mayer giới thiệu. Trí tuệ cảm xúc được hiểu là:

Sự hiểu biết về các xúc cảm để đi đến khả năng làm chủ cảm xúc. Điều này sẽ tự thúc đẩy các hoạt động tích cực của bản thân và trong quan hệ, biết nhận biết các cảm xúc của người khác.

Trên cơ sở này vào năm 1996 hai ông đã đưa ra khái niệm về Emotional Quotient ( EQ: Chỉ số cảm xúc ) Nhưng trước đó một năm (1995), trong tác phẩm Emotional intelligence, nhà tâm lý học Daniel Goleman đã đề cập đến chỉ số cảm xúc, gọi đó là “sự thông minh của tâm hồn” hoặc “thông minh trong cảm xúc”. 

EQ là khả năng nhận thức, hiểu và truyền đạt cảm xúc. EQ cao giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa đồng với bạn bè và các kỹ năng xã hội khác như kỹ năng ứng xử, lãnh đạo, làm việc trong nhóm …EQ là nền tảng cho sự thành đạt của bé sau này.

Steve Mc.Shane và Mary Ann Von Glinow cho rằng trí tuệ cảm xúc chính là khả năng của con người có thể nhận thức và phát biểu cảm xúc, đồng hóa cảm xúc trong tư tưởng thông suốt, lý luận với cảm xúc và điều hợp cảm xúc cho bản thân và những người xung quanh. Qua những nghiên cứu thì chúng ta có thể hiểu về EQ là :

– Những khía cạnh liên quan đến yếu tố thuộc về tình cảm, cảm xúc trong nhân cách con người.

– Khả năng hiểu, làm chủ cảm xúc của bản thân và nhận ra cảm xúc của người khác, xây dựng mối quan hệ hòa hợp với những người xung quanh.

 

PHAT TRIỂN KHẢ NĂNG HÒA ĐỒNG

Khi đến trường mầm non, thường trẻ chưa có nhiều bạn cùng chơi. Vì vậy điều mà giáo viên cần lưu tâm tạo những điều kiện thuận lợi để giúp trẻ hòa nhập với các bạn thông qua những trò chơi nhóm nhỏ và nhóm lớn. Các hoạt động tương tác và các hình thức chơi sắm vai.

Chúng ta cần lưu ý những biểu hiện trẻ gặp khó khăn trong việc hòa đồng với bạn bè:

Các Biểu hiện

– Trẻ khó bày tỏ cảm xúc cho các bạn hiểu.

– Trẻ tự ti vì không có bạn.

– Trẻ tự thu mình trong lớp vỏ “ kiêu căng” để phản ứng lại cảm giác “bị bạn bè bỏ rơi”.

– Trẻ hung hăng, gây hấn để thu hút sự chú ý.

– Trẻ hay đánh, giựt đồ chơi của bạn.

– Trẻ chơi một mình thụ động.

– Buồn chán khi phải đến lớp.

Nguyên nhân

– Môi trường giao tiếp hạn hẹp (từ nhỏ trẻ đã không có bạn cùng chơi, gia đình có ít người,..).

– Do gia đình không cho trẻ chơi với các bạn cùng trang lứa( sợ trẻ bị lì, bị dơ, bị bệnh,…).

– Khi trẻ có đặc điểm “ khác người”( trang sức nổi bật, ăn mặc quá lòe loẹt,..) thì trẻ cũng có thể bị tách ra khỏi đám bạn bè.

NHỮNG TRẺ NHÚT NHÁT :

Biểu hiện

– Bé luôn luôn đứng nép mình về phía ba mẹ và người thân, bước thụt lùi khi gặp điều gì đó lạ lẫm. Bé chỉ chơi với những người mà bé thật sự tin tưởng.

– Khi muốn nói hay làm điều gì, bé luôn rụt rè, sợ sệt.

– Ngại ngùng khi tiếp xúc với người lạ.

– Bé thường nói những câu như sau khi đến những nơi xa lạ, ồn ào: “Cho con về nhà, cho con ra khỏi nơi này”.

Nguyên nhân

– Do trong gia đình, có bố hoặc mẹ hoặc các thành viên khác có tính nhút nhát, sống nội tâm, trẻ sẽ dễ dàng mắc phải tính nhút nhát.

– Do trong quá khứ, đã từng có ai đó hay việc gì đó làm cho bé sợ hãi.

– Do bố mẹ ít cho bé tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cô lập bé trong nhà.

– Do trẻ bị ngược đãi.

– Do người lớn quá nuông chiều trẻ.

Biện pháp Khắc phục:

Để bé tự tin và ít nhút nhát khi giao tiếp, hòa nhập với lớp học, giáo viên nên áp dụng các phương pháp sau:

– Kể cho bé nghe những câu chuyện về lòng tự tin, tình bạn.

– Thường xuyên hỏi bé về những cảm xúc của bé( buồn ,vui, giận,..)

– Tạo ra nhiều hoạt động tập thể , các trò chơi sắm vai phù hợp

– Xây dựng nhóm bạn cùng độ tuổi để cùng vui chơi, trò chuyện với bé.

– Khen ngợi, động viên bé khi bé vui chơi, khuyến khích bé làm quen được với thế giới xung quanh.

– Không nên hối thúc bé phải nhanh hòa nhập với bạn bè mà hãy để cho bé một ít thời gian “ làm quen”.

– Hãy tập cho bé khả năng tự phục vụ như đánh răng, tự ăn uống, mặc quần áo, xếp dụng cụ học tập vào cặp. Bằng cách này, khả năng độc lập của bé sẽ tốt hơn, và vì vậy mà sự nhút nhát cũng giảm dần.

– Không nên thường xuyên ở cạnh bé mà thỉnh thoảng hãy để bé một mình thể hiện hành vi, cảm xúc với các bạn bè xung quanh.

– Cho bé trò chơi thư giãn như vẽ tranh, chơi nhạc cụ. Những hình ảnh trong bức tranh do chính bé vẽ hay những âm điệu do bé chơi nhạc cụ cũng phản ánh tâm trạng , cảm xúc của người đó. Vì vậy mà đây cũng là một trong những phương pháp giải tỏa cảm xúc bị kìm nén.

 

TRẺ HUNG HĂNG – BƯỚNG BỈNH

Biểu hiện:

– Cố tình làm ngược với yêu cầu của người lớn

– Không vâng lời, khi bị la mắng trẻ thường phản kháng, hoặc lì ra.

Nguyên nhân:

Trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi thường xảy ra tình trạng “khủng hoảng tuổi lên 3”. Trẻ luôn muốn chứng tỏ mình đã lớn, bằng cách làm ngược lại ý của người lớn.

Giáo viên chưa giúp trẻ phân định được cái nào được phép, cái nào không được phép trong các hoạt động trong lớp một cách rõ ràng, dứt khoát.

Về phía gia đình, thì chúng ta hiểu rằng một đứa trẻ hung hăng, bướng bỉnh và ỷ lại là do:

  • Cha mẹ quá nuông chiều trẻ, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ.
  • Cha mẹ bỏ qua các lỗi vi phạm của trẻ.
  • Cha mẹ quá độc đoán áp đặt, mệnh lệnh một chiều, không quan tâm đến nhu cầu của trẻ, không cho trẻ có quyền lựa chọn, vì vậy trẻ buộc phải chấp nhận và sẽ hình thành sự phản kháng ngấm ngầm để chờ dịp bộc phát.

Vì vậy, hãy trao đổi và đề nghị phụ huynh thay đổi cách ứng xử với trẻ tại gia đình, qua đó mới có thể giúp trẻ thay đổi những phản ứng này.

Biện pháp khắc phục:

Chúng ta có thể cải thiện tình trạng trên thông qua các biện pháp:

– Động viên, khen thưởng trẻ khi trẻ vâng lời và có những hành vi tốt.

– Nên cho trẻ biết các giới hạn, có một số nguyên tắc nhất định trong khuôn khổ lớp học và trường học, và trẻ phải tuân theo.

– Khi trẻ bướng bỉnh, không nên dùng roi vọt để trừng phạt trẻ. Hãy nhẹ nhàng giải thích, nhưng lời lẽ kiên quyết để trẻ phải tuân theo. Không nhượng bộ trẻ khi trẻ đòi cho bằng được cái gì.

– Giáo viên làm gương bằng những việc làm tốt, nói cho trẻ biết thế nào là tốt, thế nào là không tốt.

– Không nên luôn luôn đòi hỏi trẻ việc thực hiện tuyệt đối các yêu cầu mà giáo viên đưa ra.

– Khi muốn trẻ thực hiện điều gì, hãy dùng những mệnh lệnh tích cực, ví dụ như: “Cô muốn con dọn dẹp đồ chơi sau khi con chơi xong nhé” hơn là nói: “Cấm con để đồ chơi bừa bãi sau khi chơi xong” .

– Tạo điều kiện cho trẻ nói ra những cảm xúc khi trẻ tức giận vì điều gì đó. Ví dụ như: con cảm thấy như thế nào? Vì sao con nóng giận?

– Để trẻ quan sát cảm xúc đa dạng của người xung quanh. Cho trẻ diễn đạt, bày tỏ quan điểm của bản thân về những hành vi liên quan đến những cảm xúc đó. Việc này khuyến khích trẻ có hành vi ứng xử phù hợp với nhiều đối tượng.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến việc hình thành những cảm xúc tích cực cho trẻ. Tóm lại, việc phát triển chỉ số EQ là điều mà chúng ta có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình luyện tập và thay đổi bản thân từ phía trẻ và cả người lớn. Vì vậy giáo viên cần chú ý làm gương ở những biểu hiện cảm xúc của bản thân mình và cần có sự quan tâm và định hướng, giáo dục cho trẻ hình thành những cảm xúc tích cực.

 

CvTl LÊ KHANH

Biên soạn theo tài liệu của Lê Thị Ngọc Thương

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý