Cậu ấm cô chiêu vào Học kỳ quân đội
06/04/2012Bàn về tệ nạn hiếp dâm
14/04/2012Ngồi ngắm con gái 6 tuổi say sưa tập sơ cứu, thắt nút dây, tìm lá… ở lớp dạy kỹ năng sống tại công viên, chị Hương cho biết, thay vì cuối tuần cho con đi chơi, chị đưa bé đến đây sinh hoạt và học những kỹ năng “mềm” hữu ích.
“Con mình vốn rất nhút nhát và ngại giao tiếp, nhưng sau 7 tháng học ở đây, bé trở nên bạo dạn và hoạt bát hơn rất nhiều. Thích nhất là dạo này cháu biết chủ động giúp mẹ những việc lặt vặt như nhặt rau, quét nhà…dĩ nhiên không sạch lắm nhưng mình vẫn vui vì thái độ tự giác của con”, chị Hương (quận 2, TP HCM) vui vẻ kể với VnExpress.net.
Chị Lê Thị Hòa (quận 3, TP HCM) có con đang học lớp kỹ năng ở công viên Tao Đàn cho biết, con trai chị đã 14 tuổi nhưng chỉ biết ngủ và chơi game, không bao giờ phụ cha mẹ làm việc nhà. Vì mong muốn con biết tự chủ và sống có trách nhiệm hơn nên qua lời giới thiệu của bạn bè, chị đã gửi bé vào lớp học hướng đạo này.
Ngồi ở ghế đá dõi theo con trai đang tham gia các hoạt động ngoài trời, người mẹ trẻ kể, chị vẫn nhớ như in tuần đầu tiên Cường đi học hướng đạo, vừa về đến ngõ, cậu vội chạy vào nhà ôm mẹ và xin lỗi về những việc làm sai trái của mình rồi hứa sẽ bớt thời gian chơi game để học hành và phụ mẹ làm việc nhà, trông em.
“Từ hôm đó, con mình thay đổi hẳn, đi học về biết khoanh tay chào ba mẹ và tự giác làm việc nhà chứ không chờ nhắc nhở. Mỗi khi có những món đồ chơi hay quần áo cũ, cháu cũng xếp gọn vào để góp lại với các anh chị trong lớp để tặng cho các trẻ em nghèo. Thấy thái độ của con thay đổi tốt, vợ chồng mình vui lắm nên cũng tính sẽ tiếp tục cho cháu học các khóa hướng đạo cao hơn”, chị Hòa phấn khởi nói.
Anh Thương, chồng của chị Hòa thì cho rằng: “Trong thời buổi hiện nay, trẻ con thiếu sân chơi lành mạnh nên nếu không được hướng đến những hoạt động có ích như thế này thì trẻ dễ đâm hư, tụ tập ăn chơi lêu lổng hoặc nhiễm các thói xấu”.
Hiện nay, có nhiều lớp dạy hướng đạo miễn phí ở các công viên lớn trong thành phố như: Tao Đàn, 26/3, Lê Văn Tám…Ở đây các em được huấn luyện nhiều kỹ năng căn bản như: thắt các loại nút dây, nhận diện chữ cái bằng tín hiệu câm, sơ cấp cứu, mưu sinh thoát hiểm, học làm người có ích, yêu thiên nhiên…
Chia sẻ niềm vui sau một khóa học, Trương Văn Hoài, 16 tuổi, thích thú kể: “Em được các anh chị cho đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời vui lắm. Trước đây em không biết nấu ăn nhưng khi đi cắm trại, được các anh chị lớn dạy nên giờ em biết tự nấu cơm rồi”.
Hoài nhớ nhất là bài tập nhóm lửa bằng củi ướt ở trong rừng. Mặc dù rất khó nhưng cuối cùng đội của em đã cố gắng nhóm được bếp củi để nấu chín cơm. Cậu bé cho biết, trong mỗi chuyến cắm trại ngoài trời, các em không chỉ học được cách dựng lều, làm bếp, thắt nút dây mà còn được dạy về tinh thần làm việc đồng đội, cách sống trong một cộng đồng phải biết nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau…
Chị Hiền, mẹ của em Hoài nhìn nhận, dạo gần đây vợ chồng chị thấy con bớt sống ỷ lại mà tự lập trong mọi việc và hòa đồng hơn khi giao tiếp với mọi người. “Vợ chồng mình yên tâm khi con không còn suốt ngày ngồi ủ rũ mà năng động, nhanh nhẹn hẳn lên. Thêm vào đó, cháu còn được học những kỹ năng bổ ích như: làm chủ bản thân và biết cách tự thoát hiểm khi gặp những tình huống trắc trở nữa”, chị nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Huy Tạo, Huynh trưởng của đoàn Hướng đạo tại công viên Lê Văn Tám cho biết, ở đây có nhiều khóa học phù hợp với từng lứa tuổi dành cho thanh thiếu niên từ 6 đến 25 tuổi.
Theo đó, mỗi bài học từ đơn giản đến phức tạp như: thắt các loại nút dây, sơ cấp cứu, thoát hiểm…đều mang tính thực tế và tính ứng dụng cao, giúp trẻ biết linh hoạt xử lý khi gặp những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Chẳng hạn khi xảy ra cháy nhà, trẻ sẽ biết tận dụng những sợi dây hay vật dụng có sẵn để thắt lại làm dây trượt qua cửa sổ, hoặc biết cách sơ cứu tại chỗ khi gặp một người bị tai nạn, chết đuối…
“Mục đích của hướng đạo là cộng tác với nhà trường và gia đình trong việc giáo dục thanh thiếu niên thành những người trưởng thành đầy đủ về thể lực, trí tuệ, tinh thần và biết sống có trách nhiệm qua các bài học rèn luyện tính trung thực, sống có ích, giúp đỡ mọi người, vượt khó, trong sạch trong suy nghĩ, lời nói và việc làm… “, ông Tạo nói.
Phong trào Hướng đạo ra đời tại Anh Quốc từ năm 1907 và sau đó nhanh chóng lan rộng trên thế giới . Phong trào này do Huân Tước Baden Powell (người Anh) sáng lập, lấy thiên nhiên và phương pháp hàng đội làm phương thế huấn luyện và sinh hoạt. Phong trào này gồm những huynh trưởng ( là các hướng đạo sinh trưởng thành và đã trải qua các kỳ trại huấn luyện nghiêm nhặt ) cùng hoạt động với các em thiếu nhi qua những bài học về kỹ năng sống mà họ đã trải nghiệm.
Năm 1981, Tổ chức UNESCO đã trao tặng giải thưởng “Giáo dục vì hòa bình” đầu tiên trên thế giới cho phong trào này. Ở Việt Nam, các đoàn hướng đạo được chính thức thành lập vào năm 1930.
Ngoan Ngoan