Trao đổi về hành vi tự tử ở Học sinh
01/04/2012Truân chuyên nuôi con tự kỷ
05/04/2012Làm cha mẹ vừa là một thiên chức, vừa là một nghệ thuật đòi hỏi hiều kỹ năng – Nhưng làm sao có thể có được những kinh nghiệm và kiến thức tốt nhất trong việc nuôi dạy con cái – Tất nhiên là phải học. Nhưng học như thế nào ? và cách nào là tốt nhất ?
Có người học cách dạy con qua các diễn đàn trên mạng, đọc sách báo, dự các buổi nói chuyện chuyên đề. Nhiều phụ huynh đăng ký hẳn một khóa học cách dạy con do các trung tâm tư vấn tâm lý tổ chức.
Đời sống xã hội thay đổi từng ngày nên việc dạy con làm sao để thành nhân cũng cần phải học.
Nhiều kiểu học
Gần đây, cô con gái 13 tuổi của anh Vinh có nhiều thay đổi bất ngờ. Trước, cháu thích được ba mẹ đưa đón đến trường bằng xe máy nhưng nay thì đòi đi xe buýt một mình. Không hiểu tại sao con mình thay đổi, anh Vinh tìm đến một buổi nói chuyện chuyên đề tại Nhà thiếu nhi TP.HCM. Nghe xong anh mới hiểu con gái mình đang trong thời gian khủng hoảng tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn cháu muốn tự tách mình ra khỏi cha mẹ, muốn khẳng định bản thân và độc lập trong nhiều chuyện. Do vậy, ba mẹ cần tôn trọng quyết định “ra riêng” của con, đồng thời dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện với con, đặc biệt khi nói chuyện phải tôn trọng và xem con mình là một người đã trưởng thành. Nghe chuyên gia phân tích rõ ràng, anh Vinh quyết định những lần sau sẽ thuyết phục vợ đi cùng.
Tại Nhà sách Mẹ Và Con, Nhà văn hóa Phụ nữ…; những chuyên đề về cách dạy con trẻ cũng được tổ chức thường xuyên với hội trường chật kín người tham dự. Chị Nga, một quân nhân, khi đến nghe chuyên gia tâm lý nói chuyện còn ghi âm để về nhà mở cho ông xã cùng nghe, cùng áp dụng. Chị tâm sự: “Có những lúc mình dạy con theo thói quen và cứ nghĩ như vậy là đúng nhưng khi con giận mình cả tuần không thèm nói chuyện, tôi mới giật mình”.
Biết lắng nghe con trẻ
Với những gia đình ở nông thôn, ở vùng xa không tiếp cận các lớp tâm lý, các diễn đàn này, nhiều vị cha mẹ đang hoang mang, bế tắc. Nhưng nếu có tình thương, kiên trì học hỏi kinh nghiệm qua bạn bè, người thân vẫn có thể tìm ra cách khả thi. Một đại tá huyện đội trưởng vừa qua đời vì bệnh ung thư, vợ anh cũng đang bệnh ung thư, một mình nuôi ba con. Trong đó con trai út đang học lớp 10 lại ham chơi chán học, có nguy cơ bỏ học. Chị tìm mọi cách khuyến khích, khuyên nhủ con nhưng bất lực. Đồng đội ba cháu khuyên cố học lấy tốt nghiệp cấp ba để thi vào trường sĩ quan lục quân nối tiếp truyền thống của cha nhưng xem chừng không có tác dụng. Chị chỉ còn chờ đến khi cháu đủ tuổi để cho đi nghĩa vụ quân sự, đặt hy vọng cuối cùng vào sự rèn luyện của môi trường quân đội. May sao, con gái lớn được người thân có kinh nghiệm dạy con cá biệt tư vấn. Theo sự bày chỉ này, hằng tuần cháu chạy xe máy từ Sài Gòn về quê cùng chơi game với em trai, cùng em tập chạy xe máy, nhờ em làm những công việc vặt trong nhà, từng bước khích lệ, đánh thức trách nhiệm của người đàn ông và tình cảm, lòng tự hào với người cha quá cố. Từ đó cháu đã dần thức tỉnh, chăm chú học hành hơn.
Tương tự, anh N. ở Bình Chánh vợ mất sớm, anh gà trống nuôi hai đứa con. Cháu gái đầu học hành ổn định nhưng cháu trai khi vào tuổi dậy thì rơi vào nhiều cơn sốc. Anh N. thường xuyên đi làm vắng nhà, mới 14 tuổi cháu đã đưa bạn gái về nhà, bỏ học đi chơi. Từ loại khá cháu rơi xuống học sinh loại kém, cô chủ nhiệm nhiều lần cảnh báo. Xuôi ngược tìm gia sư cho con vẫn không kết quả, anh N. phải xin nghỉ làm ở chỗ có mức lương khá cao, tìm việc khác có thời gian rảnh rỗi hơn để sống với con. Anh tìm hiểu bạn bè của con, rủ chúng về nhà cùng ăn uống, vui chơi như bạn. Anh rủ con trai cùng đi dự hội sách, những sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh. Chia sẻ trách nhiệm với con trong gia đình. Cha nấu ăn, con giặt giũ, làm vệ sinh nhà cửa. Từng bước anh lấp đầy khoảng cách cha con và tạo chuyển biến về nhân cách cho con.
CvTL Lê Khanh trong buổi hội thảo về giáo dục tính Tự Giác
do trường QTCĐ LiMa tổ chức( 2010)
Nên học như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý Gia đình và Trẻ em (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng làm cha mẹ là một nghề, đã là nghề thì phải giỏi. Thực tế với những biến chuyển của xã hội, nếu cha mẹ không thích ứng, không học hỏi thì không biết cách dạy con. Vào diễn đàn trên mạng để học cách dạy con là cách dễ làm nhất, ít tốn kém nhất nhưng lại kém hiệu quả nhất vì kinh nghiệm và hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Đi học qua những buổi báo cáo chuyên đề thì người nghe khó hấp thụ nổi vì đó là những lát cắt của các chuyên đề mang tính thời sự, diễn giả không đủ thời gian để đi từ cái nền cơ bản. Theo ông, cách học tốt nhất là đăng ký ở các lớp học làm cha mẹ bài bản.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý Hồn Việt, cho rằng để dạy con cần có những kiến thức nền tảng cơ bản, mang tính hệ thống; nếu không rất dễ trật chìa, đôi khi phản tác dụng.
Theo ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần trung ương 2, thì có nhiều cách để học làm cha mẹ như học trên lớp, trong sách vở, học ngay chính trải nghiệm của bản thân… Cách nào cũng được, không có một đáp số cho mọi trường hợp.
Hiện nay có nhiều đơn vị mở lớp dạy học làm cha mẹ. Đơn vị nào cũng luôn nói rằng giáo trình của họ tốt nhất, chuyên gia của họ giỏi nhất… Có nơi bê gần như nguyên vẹn cách dạy của Tây về, trong khi thực tế xã hội mình khác. Vậy với lớp học này, phụ huynh cần chọn lựa thật kỹ xem chương trình học đó có phù hợp với nhu cầu của mình không. Lưu ý là tất cả kiến thức từ bên ngoài dù rất hay nhưng nếu không được sử dụng kèm với một tấm lòng yêu thương con thật sự thì cũng hỏng.
Ông LÊ KHANH, chuyên gia tâm lý
Phòng Tư vấn tâm lý Gia đình và Trẻ em (quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Trong quá trình tư vấn tâm lý, tôi nghiệm ra rằng cha mẹ nào cũng yêu con nhưng chỉ tập trung sao cho đứa con hoàn thiện về mặt thực thể (xinh đẹp, khỏe mạnh…), về trí tuệ (cho học nhiều, học cao)… Phụ huynh ít quan tâm đến việc làm sao để phát triển lành mạnh toàn bộ cái Tôi của trẻ. Cách thức giáo dục quan trọng nhất vẫn là làm gương, cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng con cái. Ngay từ khi con còn nhỏ, phụ huynh cần chú trọng phát triển các giá trị sống cho trẻ như tình yêu thương, sự tôn trọng, hòa bình… Cha mẹ học cách dạy con theo kiểu nào cũng được nhưng chung quy giá trị sống mới là gốc của vấn đề.
Ông LÊ MINH CÔNG, Phó Trưởng khoa
Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần trung ương 2
Thanh Mận
( Báo Pháp Luật 31/3/2012)