Xin Lỗi các em thơ
01/03/2015
Mối họa từ những thói quen phổ biến
20/03/2015
Xin Lỗi các em thơ
01/03/2015
Mối họa từ những thói quen phổ biến
20/03/2015

Đã từ lâu, có một câu được chia sẻ trên nhiều trang mạng và lưu truyền qua các buổi nói chuyện : “Hôm nay ngày 8 tháng 3, tôi giặt hộ bà cái áo của..tôi” , điều này cho thấy cho đến tận thế kỷ 21, khi mà việc kiếm tiền và tham gia các hoạt động ngoài xã hội của phụ nữ không còn là thiểu số hay là chuyện lạ,

mà đã được xem như một chuyện đương nhiên thì vẫn còn cái tư duy: chuyện nhà là chuyện của đàn bà ! Thậm chí trong một số lĩnh vực như giáo dục , nhất là giáo dục tiểu học, Mẫu giáo thì chuyện hiệu trưởng là phụ nữ lại chiếm ưu thế. Ngay trong hoạt động kinh doanh thì việc Giám đốc hay tổng giám đốc là nữ giới cũng được xem là chuyện bình thường. Thế nhưng dù có làm sếp hàng chục, hàng trăm đấng nam nhi, thì về nhà vẫn phải có trách nhiệm lo chuyện bếp núc để “phục vụ” cho một “thằng con lớn”. Cho dù có thể có người giúp việc hay dùng dịch vụ giao cơm tận nhà, thì người phụ nữ vẫn luôn hãnh diện (và chết ngất) với câu: “phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà !” cho dù mệt mỏi đến đâu cũng không thể hay không thích cho ông chồng xâm phạm “lãnh địa nhà bếp” của mình.

Vì thế, về quan điểm ai đóng vai trò chủ lực trong gia đình, hoặc đơn giản hơn là ai chịu trách nhiệm đảm trách mọi chức vụ từ “nội tướng” đến “ô sin” trong nhà, thì cả nam lẫn nữ đều nhất trí đó là “quyền lợi và nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của người phụ nữ” và vì thế, chuyện chia sẻ công việc và trách nhiệm trong 4 bức tường gia đình của người đàn ông, trong vai trò là chồng là cha của đa phần các gia đình vẫn chỉ dừng ở mức độ: Thích thì làm, không thích thì thôi ! Hầu như không chỉ các ông cho mình cái quyền đọc báo, xem TV, hay tốt hơn là chơi với con, sau giờ làm việc mệt nhọc bên ngoài, mà nhiều bà vợ vẫn tỏ ra hài lòng nếu các ông chỉ cần “nộp đầy đủ ngân sách” và chu toàn “nghĩa vụ trong phòng ngủ”, là có quyền bắt chân chữ ngũ, đợi vợ hay con mời vào ăn cơm. Các bà một mặt phàn nàn, nhưng là phàn nàn trong sự hãnh diện : Ông xã nhà tôi chả phải làm, hay chả biết làm việc nhà là cái gì, đi làm về là chỉ biết nằm khểnh chờ cơm, quần áo thay ra cũng không biết đem ra máy giặt…nếu không có tay tôi thì bố con nhà nó chỉ có mà đói nhe răng, còn cái nhà thì thành đống rác !


Thậm chí, nếu có ông chồng nào tỏ ý quan tâm đến công việc nội trợ của vợ, lò mò xuống bếp, có cần gì anh giúp cho, thì sẽ nhận được một cái liếc mắt, có thể khuyến mãi thêm một nụ cười hay không thì tùy tâm trạng, nhưng chắc chắn sẽ có câu trả lời: “Đàn ông các anh biết gì chuyện bếp núc mà đòi làm với phụ, cứ đi lên nhà đi !” Bởi vì trên thực tế, thì đôi khi người nội tướng cũng mệt mỏi, muốn nhờ thật, muốn chia sẻ công việc trong nhà thật, nhưng sẽ phải trả giá đắt: Vỡ vài cái bát cái tô nếu nhờ rửa chén, canh xào mặn chát hay lạt nhách nếu nhờ nấu hay nêm nếm! Thậm chí thái thịt, cắt rau, gọt củ cũng không nên thân, chỉ khiến cho bà vợ phải hết hơi để khắc phục hậu quả! Bởi vì có một thực tế nghiệt ngã là khi còn là một cậu con trai trong gia đình, có mấy em được mẹ hướng dẫn, huấn luyện và đào tạo bài bản về chuyện nấu ăn và làm việc nhà đâu? Không biết, không được dạy, không thích học thì đến khi lấy vợ, có con lấy đâu ra kỹ năng để mà làm, để mà giúp, để khỏi mang tiếng chồng chúa – vợ tôi ?

Hãy xem từ thủa bé cho đến lúc “xuất gia” về với vợ, có được bao nhiêu đấng đàn ông được mẹ dạy cho là phải biết làm việc nhà, phải biết tôn trọng việc bếp núc của vợ mình ? Phải biết chia sẻ với vợ những hoạt động trong gia đình ? Ngay cả khi lớn lên, nếu là sinh viên đi du học hay ở trọ xa nhà, bắt buộc phải “tự lực cánh sinh” trong hoạt động “khói lửa” có thể cũng không thiếu kỹ năng. Thế nhưng ngay khi từ giã kiếp ở trọ, theo “nàng” về dinh để “đàn ông xây gia đình, đàn bà xây tổ ấm” hầu như lập tức các đấng mày râu bàn giao ngay và luôn các chuyện “nồi niêu xoong chảo” cho người phụ nữ yêu dấu của mình. Và đó là chuyện đương nhiên rất hợp lý.

Thế nên, khi nói đến chuyện chia sẻ, thì đa phần các ông chỉ biết đó là cần phải trò chuyện, trao đổi với vợ về các công việc của mình ngoài xã hội, hoặc ngược lại cũng mong vợ trò chuyện với mình về những gì đã làm nơi cơ quan, xí nghiệp… chứ ít ai nghĩ là chia sẻ nghĩa là cùng tham gia gánh vác các hoạt động trong nhà với vợ sau khi cả hai vợ chồng đã cùng lăn lộn ngoài cuộc sống, kiếm tiền nuôi con ! Nhưng trên thực tế, thì ít ai lại muốn chia sẻ về công việc và nếu có chia sẻ thì “đối tác” cũng chả hiểu gì về những vấn đề “chuyên môn”, trừ khi cả hai vợ chồng cùng làm trong một lĩnh vực.

Do đó, cái cần chia sẻ thì không biết hay không quan tâm, còn cái có thể chia sẻ thì không cần thiết hay không muốn! Cuối cùng thì từ ngày lễ Tình Nhân 4/2 cho đến ngày Phụ Nữ 8/3 điều mà các đấng nam nhi có thể làm được chỉ là những món quà, từ những bó hoa hồng cho đến một bữa tiệc lung linh để hâm nóng tình yêu. Còn công việc nhà ư ? “chốn ấy hang hùm chớ mó tay” !

Nhưng cũng có một khía cạnh khác, đó là nếu các ông chồng muốn chia sẻ với vợ, để đóng góp các hoạt động trong gia đình, có thể không phải là kỹ năng nấu nướng mà mình không giỏi, thì sẽ là những công việc “không tên” khác như thay cái bóng đèn, sửa cái vòi nước, đóng lại cái ghế lung lay, hay cũng biết giặt đồ bằng máy giặt thế nào cho đúng cách, biết phơi đồ, biết rửa chén không vỡ bát, biết quét nhà lau nhà tương đối sạch ! Có thể “dũng cảm” hơn như đi chợ, đi siêu thị một mình để mua đồ ăn cho nhà mà không bị hớ giá, mua nhằm hàng “dởm”, biết chăm sóc cái xe gắn máy cho vợ luôn có xe tốt, xăng nhớt đầy đủ… và trong một lĩnh vực khác, là việc đưa đón con, đi họp phụ huynh hay biết hướng dẫn con một số kỹ năng, biết lắng nghe tâm sự của con, biết làm bạn với con … Thì đó mới là sự chia sẻ gọi là toàn diện, chứ không đơn thuần là “đi làm và nộp lương” hay “trả bài” đầy đủ.

Có như thế thì có thể nói, ngày nào cũng là ngày 8/3 và cũng không nhất thiết phải có hoa hồng và ánh nến lung linh mới đem lại hạnh phúc cho cuộc sống vợ chồng. Dù có thể, quý bà vẫn thích một món quà ngày 8/3, nhưng chính sự chia sẻ các hoạt động trong gia đình với vợ, và cả với con,một cách tự nguyện và có hiệu quả mới là một món quà đáng quý mà ai cũng có thể làm được, bất kể giàu nghèo. Sự chia sẻ các bổn phận trong gia đình sẽ là nguồn năng lượng vô tận để duy trì hạnh phúc gia đình. Để có được điều đó thì ngay từ bây giờ xin các bà mẹ, hãy biết cách dạy con trai, và có khi cả con gái, những “cục cưng” “cục vàng” của mình biết các kỹ năng làm việc nhà, biết nấu ăn ngay từ khi còn là một cậu con trai bảnh bao,hay một cô bé xinh xắn. Chính điều đó sẽ đem lại hạnh phúc sau này cho đứa con yêu quý của mình, chứ không phải là của cải hay bằng cấp và chức vụ mà mình có thê ‘chạy” cho con bằng nhiều kiểu. Chỉ khi nào cái bằng “tốt nghiệp nội trợ” của các đứa con, cả trai lẫn gái, được quan tâm xem trọng thì chừng đó mới không còn cái cảnh Hoa hồng cho ngày 8/3 và mồ hôi – đôi khi cả nước mắt cho những ngày còn lại với người Phụ nữ !

CvTl Lê Khanh – phó giám đốc chuyên môn

Trung Tâm Rồng Việt Vũng Tàu.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý