Dạy con làm người dễ hay khó?
21/04/2011Các trò chơi trong nhà
21/04/2011Đối với phần lớn cha mẹ, thì nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là học, nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất lại là chơi. Đó có phải chăng là điều mâu thuẫn? Thực ra, chính việc trẻ chơi đùa…
.. một cách thích thú, sẽ là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực.
Một đứa trẻ biết phát huy những sáng kiến trong khi chơi, biết chủ động tạo ra những tình huống, vận dụng một cách linh hoạt các công cụ khi chơi, tưởng tượng ra nhiều nhân vật, phương cách … để trò chơi tăng thêm phần hấp dẫn. Đó sẽ là một học sinh thành công trong việc học, miễn là cháu được giáo dục trong một môi trường tích cực, có nhiều hoạt động thúc đẩy sự tích cực, chủ động và sáng tạo.
Vì vậy, trong môi trường gia đình, việc chơi đùa với con là một trong những điều kiện cần thiết giúp cho trẻ phát triển, thông qua các đồ chơi và trò chơi, trẻ sẽ nhận thức được những mối tương quan giữa mình và môi trường bên ngoài cũng như phát triển được những kỹ năng mà sau này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học của các em.
Các bậc cha mẹ thường cho rằng việc chơi đùa của trẻ chủ yếu là diễn ra ở trường Mầm Non, hay ở công viên, khu vui chơi … còn gia đình thì chật chội, và cha mẹ thì không có thì giờ và không biết cách chơi. nhiều khi đã mua rất nhiều đồ chơi, mà trẻ vẫn không thích chơi, chỉ chơi trong ít lâu rồi làm hỏng và không đụng tới nữa, khiến cho phụ huynh chán nản.
Không phải chỉ những người cha, người mẹ lớn tuổi, hay có địa vị ngoài xã hội mới ít chơi với con, mà ngay cả những người trẻ tuổi, mới làm cha mẹ lần đầu hoặc đến lần thứ hai, ba cũng chưa biết chơi với con đúng cách, vì mỗi một lứa tuổi lại có những khả năng, sự ham thích và nhu cầu phát triển khác nhau. Vì vậy phải giúp con bằng những trò chơi và đồ chơi phù hợp để qua đó, trẻ sẽ phát triển một cách toàn diện.
Việc cùng trẻ chơi đùa, dù chỉ trong phút chốc chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều giờ đưa con đến những khu vui chơi, vào siêu thị, mua cho con vài thẻ trò chơi còn mình thì đi mua sắm hay chỉ đứng ngó. Cha mẹ có thể nghĩ rằng, trẻ chỉ cần giải trí với những món đề chơi là đủ, nhưng việc phát triển mối “tương tác” giưa cha mẹ và con mới là điều cần thiết cho sự hòa nhập của trẻ sau này, mà những trò chơi sẽ là những tác nhân tích cực nhất.
KHI CHƠI TRẺ HỌC ĐƯỢC GÌ ?
Trẻ em tiếp thu những kiến thức, kỹ năng rất tốt khi chơi. Cha mẹ thường sốt ruột khi thấy có vẻ như các cháu chơi nhiều hơn họctrong giai đoạn mẫu giáo. Đừng lo lắng, chơi là một phương pháp học rất hiệu quả. Tất cả các hoạt động vui chơi mà trẻ tham dự đều xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm. Giúp trẻ phát triển thể lực, kỹ năng để làm nền tảng cho việc học tập sau này.
Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức đưọc không gian ba chiều. Trẻ có thể tưởng tượng rất nhiều hình ảnh, nhân vật thông qua các khối gỗ đơn giản ấy. Việc trẻ sử dụng các loại màu sáp, màu nước để nguệc ngoạc những hình thù vô nghĩa hay những hình con người thật kỳ lạ chính là cơ sở để giúp trẻ vừa phát huy nhận thức, vừa giải tỏa các ức chế về tâm lý. Không những thế, những hình vẽ về con người còn nói lên được mức độ phát triển trí tuệ của trẻ.
Khi chơi các trò chơi ráp hình, trẻ sẽ phát triển khả năng suy luận về không gian, biết cách quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Các trò chơi nắn đất sét lại giúp cho trẻ phát huy trí tưỡng tượng cũng như kỹ năng khéo léo của bàn tay.
Còn với các trò chơi vận động, điều này giúp trẻ phát triển thể lực, biết phối hợp sự vận động, tăng cường khả năng phản xạ, sự nhanh nhẹn…
Trò chơi sẽ giúp cho trí tưởng tượng của các em bay bổng, các em có thể hình dung ra rất nhiều hoạt động trong xã hội thông qua trò chơi. Với trí tưởng tượng phong phú các em có thể biến cây gậy thành con ngựa, biến các ghế ngồi thành xe lửa hay xe …tăng.. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ và đó cũng là tiền đề cho khả năng sáng tạo sau nay khi các em khôn lớn.
Trò chơi cũng giúp cho các em nâng cao tính kỷ luật tự giác, thông qua việc ý thức được các vai trò trong cuộc chơi, chấp hành các quy định của trò chơi một cách tự nguyện. Dần dần điều đó sẽ hình thành ở trẻ một thói quen tốt là tự đặt ra cho mình những nguyên tắc về kỷ luật, làm nền tảng cho các hoạt động sau này.
Tại gia đình, nếu phụ huynh biết cách chơi với con, không những giúp cho trẻ phát triển, để có thể thích nghi nhanh với các hoạt động tại nhà trường, mà còn giúp trẻ tự tin hơn trong việc giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi.
TẠI SAO TRÒ CHƠI LẠI QUAN TRỌNG?
Chắc bạn sẽ đồng ý rằng, ít khi nào trẻ chơi một mình? Trừ khi lúc trẻ gắn mình với chiếc máy vi tính qua những trò chơi chuyển động trên màn hình. Điều đó thường góp phần tạo nên tính thụ động và ích kỷ nơi trẻ. Còn trong hầu hết các trò chơi, trẻ đều cần có bạn chơi, có thể là một, hai hay nhiều trẻ cùng chơi đùa với nhau. Điều này sẽ giúp trẻ phát huy được tính tương tác xã hội, đồng thời cũng giúp cho bé trở nên độc lập hơn, trẻ sẽ có khả năng giải quyết vấn đề, phát huy tính tập trung và trí tưởng tượng. Trò chơi còn giúp cho con bạn phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc sống và cho quá trình học tập ở nhà trường.
Khi chơi trẻ sẽ dần dần ý thức được giá trị bản thân, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp trẻ hình thành nhân cách. Bạn có để ý các trẻ em có các hội chứng rối nhiễu về tâm lý không ? Các trẻ chậm khôn, hiếu động hay tự kỷ thường không biết chơi, cùng lắm là các em chỉ có thể chơi với một số đồ vật, không phải là đồ chơi và không thể chơi với bạn hay chơi cùng các trẻ khác. Vì thế, với các em này, một trong những biện pháp trị liệu chính là tập cho các em biết chơi !
Các nhà khoa học đã kết luận rằng, di truyền chỉ có thể quyết định các tiềm năng, nhưng chính môi trường và sự nuôi dưỡng mới có những tác động quan trọng đến trí thông mnh của trẻ.
Sự kích thích trí tuệ của trẻ trong những năm đầu đời – đặc biệt qua việc cho trẻ vui chơi đúng cách – là hết sức quan trọng hơn bất kỳ một giai đoạn nào khác. Trước đây, người ta thường cho rằng di truyền là yếu tố duy nhất quyết định sự thông minh của trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà khoa học qua những nghiên cứu đã nhận thấy rằng nếu trẻ nhận được những kích thích tích cực của môi trường trong giai đoạn từ 0 -3 tuổi thông qua các hoạt động vui chơi, sẽ giúp cho trẻ phát triển trí thông minh, hình thành những cảm xúc tích cực, tạo cho trẻ từ những khả năng phân tích cho đến các kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi trẻ chơi đùa sẽ có sự thay đổi của sóng thần kinh trong não, các cơ quan thần kinh của trẻ sẽ được kích thích để tiếp nhận, xử lí và gửi đi cáctín hiệu. Các hoạt động này sẽ giúp cho hình thành và cố định nhiều hơn các kết nối thần kinh, giúp gia tăng việc dẫn truyền các tín hiẹu thần kinh. Do đó, khi trẻ chơi các đồ chơi thì đó không đơn thuần chỉ là sự giải trí mà còn giúp cho việc gia tắng trí thông minh và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những tác động của môi trường xung quanh. Những trẻ không được vui chơi, chăm sóc thường xuyên sẽ bị hạn chế về khả năng phát triển trí nẵo.
Chuyên gia tâm lý trường Đại học Yale – tiến sĩ Dorothy G. Singer cho rằng các yếu tố môi trường có những tác động nhất định lên trẻ. Việc trẻ tương tác với người lớn thông qua các trò chơi, cũng như viêc chơi với các bạn cùng trang lứa là rất quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ, bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian tiếp xúc, trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, cần phải phối hợp giữa sự an uỉ vỗ về và tính nghiêm khắc trong việc chăm sóc các em.
Điều quan trọng là mỗi đêm trước khi ngủ, người mẹ cần kể những mẩu chuyện cho trẻ nghe. Những bài hát ru của người mẹ dù nhịp điệu, lời hát không hay như ca sĩ, nhưng trẻ sẽ cảm nhận được những cảm xúc mà người mẹ đã gửi trọn trong những nhịp điệu yêu thương. Đối với các trẻ còn nhỏ, cho dù chưa hiểu được hết các từ ngữ, song các bài hát, câu chuyện sẽ giúp cho trẻ phát triển ngôn ngữ rất nhiều về sau này, có tác động kích thích sự phát triển các tế bào thần kinh, giúp trẻ phát triển tư duy trừu tượng sau này.
Vì thế, bố mẹ cần có một thái độ tích cực đối vơí việc vui chơi của trẻ, phải dành cho trẻ thời gian để chơi. Nhiều trẻ sau khi đã mệt nhoài vì việc học ở trường, lại bị tiếp tục nhồi nhét trong những giờ học thêm, nên trẻ không còn thời gian để chơi, tiếp xúc với các đồ chơi, trò chơi khiến trẻ không phát huy được trí tưởng tượng. Không những thế, thông qua các trò chơi, trẻ còn xây dựng được những nhận thức về mặt xã hội, thực hành được những bài học về từ ngữ, văn phạm, có những suy nghĩ tích cực, đa chiều và phân biệt được thực tại và tưởng tượng.
Một số những kỹ năng cần thiết được phát triển qua các trò chơi :
1. Biết lắng nghe : Thông qua các câu chuyện cổ tích, các trò chơi âm nhạc, các bài ca dao, đồng dao, trò chơi gọi tên …Trẻ sẽ nghe và sau đó nhắc lại, kể lại …
2. Biết tập trung : Các trò chơi xếp gạch, xếp logo, nắn đất sét … sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng này.Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng tập trung vào việc học sau này.
3. Biết quan sát và phân biệt : Những trò chơi quan sát các điểm giống/khác nhau qua hai hình vẽ tương tự. Hay trò chơi xếp theo thứ tự một cái cây từ lúc mới mọc cho đến khi ra hoa, cách phân biệt hai cái lá tươi và lá khô…
4. Phát triển sự phối hợp giữa mắt và bàn tay : Bạn có thể vạch hai đường song song, uốn lượn hay zíc zắc và yêu cầu trẻ kẻ một đường vào giữa hai con đường đó… Những trò chơi phát triển vận động, gia tăng sự phối hợp giữa mắt và tay là hết sức cần thiết cho trẻ trong việc tập viết.
5. Biết nguyên tắc từ trái sang phải : Điều này có vẻ đơn giản, nhưng tập cho trẻ khả năng nhìn từ trái sang phải, rồi nhanh chóng trở lại điểm ban đầu là điều phải được tập luyện : Cầm viết gạch từ trái sang phải, tập đếm các đồ vật từ trái sang phải, chơi các trò chơi chuyền banh hay một món đồ từ trái sang phải… Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc đọc từ trái sang phải.
CvTl. LÊ KHANH