Phát huy giá trị sống qua đọc sách
21/04/2011
Hoạt động vui chơi của trẻ em
21/04/2011
Phát huy giá trị sống qua đọc sách
21/04/2011
Hoạt động vui chơi của trẻ em
21/04/2011

Đây là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra ngày Thứ Năm 17/12/2009 tại hội trường của trường Quản Trị Cuộc Đời LIMA – Một thành viên của tổ chức giáo dục PACE.

Đây là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra ngày Thứ Năm 17/12/2009 tại hội trường của trường Quản Trị Cuộc Đời LIMA – Một thành viên của tổ chức giáo dục PACE.  Buổi nói chuyện được đặt dưới sự chủ tọa của TS Quách Thu Nguyệt, hiệu trưởng trường LiMA cùng các diễn giả: Nhà nghiên cứu triết học Bùi văn Nam Sơn, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo Thu Hiền, Đạo diễn Việt Linh, Chuyên gia Giáo dục Giản Tư Trung.  Trong suốt một buổi sáng, các diễn giả và người tham dự đã cùng nhau tìm kiếm lời đáp cho câu hỏi trên.

Nhà nghiên cứu Triết học Bùi văn Nam Sơn đã phát biểu, đây là giai đoạn chín mùi cho việc ứng dụng những giải pháp để giúp cho các bậc cha mẹ có nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết một nan đề là việc dạy con nên người. Đó là điều mà hầu như ai cũng đồng tình, nhưng dạy con nên người dưới góc độ nào, với những chuẩn mực nào thì còn phải trao đổi, và đó cũng là mục đích được đặt ra cho buổi hội thảo.

Theo ý kiến của chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung.  Một con người được tạo thành bởi bốn yếu tố: Đó là thể xác, tinh thần, tâm hồn và trí tuệ – nói cách khác đó là 04 con người trong 01 thân xác và vì thế việc dạy con phải có sự hài hòa giữa các yếu tố đó, không chỉ có sự chăm sóc vào cơ thể mà quên đi việc nuôi dưỡng tâm hồn, phát huy trí tuệ và giúp trẻ ổn định tinh thần! Nói một cách hình tượng, việc dạy con là sự cài đặt một cái hệ điều hành sao cho cả bốn yếu tố trên được vận hành một cách trơn tru, không bị nhiễm virus để có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống !

Với những minh họa rất đời thường, đạo diển Việt Linh đã chia sẻ điều mà bà cho là rất vi mô, rất bình dị về một vài khía cạnh trong cuộc hành trình dạy con trên đất Pháp của mình. Quá trình dạy con của bà có vẻ như rất nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng không phải là dễ dàng vì bà đã xây dựng được cho con hình thành nhân cách từ những điều đơn giản như việc nói tiếng Việt gần như là hoàn toàn với con trong giai đoạn thơ ấu, khiến cho khi bé lên 3 vào mẫu giáo, thì chưa hề biết một câu tiếng Tây nào ! cho đến việc dạy con lòng yêu mến quê hương theo một trình tự đi từ những điều mà bé dễ chấp nhận, ví dụ như  khi cho con về Việt Nam chơi, bà cho bé thấy những tòa nhà cao tầng, tiếp xúc với những con người thành thị trước khi có thể tiếp nhận được những điều dễ gây “phản cảm” như nạn kẹt xe, bụi bặm và tình trạng thiếu tiện nghi ở nông thôn. Cũng thế, dù chấp nhận quan điểm tôn trọng cá nhân  của Tây phương, bà vẫn có một “chiến thuật” giúp con chấp nhận những điều tưởng như nhỏ nhặt, nhưng đó lại là nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn trong quan hệ mẹ con.  Cửa phòng của bé không có khóa ở bên trong, khi cháu thắc mắc, bà giải thích hết sức đơn giản, cũng giống như nhà vệ sinh không có khóa trong, điều này sẽ giúp cho con an toàn hơn, nếu xẩy ra chuyện gì thì còn có thể mở cửa vào giúp được, nếu có khóa, lỡ tay đóng lại mà không thể mở ra thì rất nguy hiểm. Bé chấp nhận và cho đến khi lên 16 tuổi, thì em coi đó là một điều bình thường.

Có thể nói, quá trình dạy con nên người là một hành trình mà chính các bậc cha mẹ phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng. Đây không phải là một điều đơn giản, theo nhà văn Nguyên Ngọc, ông  thì tâm lý trẻ em là một ngành khoa học, muốn dạy con thì phải hiểu được con, không những chỉ là  hiểu mà còn phải biết tôn trọng cái thế giới rất trong sáng, ngây thơ và mang tính duy nhất, với những giá trị độc đáo đáng tự hào theo như quan điểm của bà bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, nói một cách khác việc dạy con cũng chính là việc học ở con những giá trị nhân văn chưa bị những tác động của cuộc sống làm cho xấu xa đi, làm cho trở nên nhạt nhòa nhân cách bằng những bài văn mẫu, luận mẫu mà con của nhà báo Thu Hiền đã phải nhận một con số 0 khi muốn khẳng định sự tự chủ bằng  bài văn khác với 22 bạn học còn lại !

Theo ý kiến của một phụ huynh thì từ ngàn xưa, bà Mạnh Mẫu đã phải dời nhà 3 lần để tránh cho con những ảnh hưởng xấu từ môi trường, thì với thời đại Công nghệ thông tin như hiện nay, việc giáo dục con nếu giống như cài đặt một hệ điều hành, thì cũng phải biết chọn hệ điều hành có chất lượng, cũng như phải biết chăm sóc, update thường xuyên và lập được những hàng rào bảo vệ nếu không muốn có ngày phải reset hay  hoặc format lại toàn bộ !

Một phụ huynh khác thì cho rằng, nếu xét trên một góc độ nào đó, thì dạy con cũng chính là dạy mình – “sinh con, nên mẹ” phải sinh con ra thì mới biết thế nào là nỗi nhọc nhằn và tình yêu thương của một người mẹ – “ dạy con, nên người” Phải trải qua quá trình nuôi dưỡng con, phải có khát khao muốn con hình thành một nhân cách tốt với những phẩm chất có giá trị, thì mới biết là chính mình cũng  phải trở nên một con người có sự quý trọng giá trị bản thân, biết tự trọng và có khả năng lắng nghe thấu cảm với người khác.

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, thì hầu như đa số các ông bố, bà mẹ trẻ ngày hôm nay đều mong muốn con cái mình trở nên những thiên tài, hay ít ra là những con người giỏi giang, thành đạt trong xã hội. Đó là một điều mong ước chính đáng, nhưng trước khi là một người thành đạt, phải là một người tốt và điều quan trọng hơn, phải biết giá trị của sự thành đạt để không vì điều đó mà đánh mất bản thân mình hay lại vận dụng mọi thủ thuật để đạt đến mục tiêu. Vì thế ông cho rằng, hãy trở nên một người bình thường, đừng đặt ra quá nhiều tham vọng để rồi lại phải thất vọng. Bổ sung cho ý tưởng này, nhà báo Thu Hiền cho rằng, hãy dạy con trở thành một người bình thường, nhưng phải có lòng tự trọng, phải biết yêu bản thân, gia đình và yêu cả giòng sông quê mình từ đó mới có thể nói đến lòng yêu nước. Một con người bình thường nhưng phải biết sống xứng đáng, biết ứng xử, biết tiếp cận và sàng lọc những giá trị trong cuộc sống.

Phải chăng đó cũng chính là những yếu tố mà cha mẹ cần phải giúp con đạt được trong quá trình thành người – Qua đó, chúng ta có thể rút ra một kết luận : Dạy con làm người : Dễ, nếu chính chúng ta đã là một con người xứng đáng với những phẩm chất cần có . Khó, nếu chúng ta vẫn còn dò dẫm trên bước đường đồng hành với con để học làm cha mẹ và không thể, nếu chúng ta không nhận ra đâu là giá trị của chân, thiện, mỹ mà cuộc sống chỉ biết chạy theo những nhu cầu trước mắt nhằm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân trong khi lại mong muốn con cái mình được thụ hưởng một nền giáo dục tốt.

Buổi nói chuyện đã nhìn nhận được những khó khăn và thuận lợi trong việc dạy con, đồng thời cũng mở ra cho mọi người một phương hướng để có thể dạy con thành người, đó là chính mình cũng phải trở thành một con người với những giá trị cơ bản nhất của nó mà điều đó chỉ có thể hình thành qua việc rèn luyện bản thân và học tập những kỹ năng – kinh nghiệm cùng với những kiến thức đã được minh chứng về giá trị trong xã hội ngày nay.


Song Khuê


Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý