Hội chứng Tự Kỷ ( Autism Spectrum Disorder ASD) là một tình trạng rối loạn tâm lý từ khi sinh, khiến cho trẻ không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cùng với việc thể hiện những hành vi kỳ lạ, …
HƯỚNG CAN THIỆP MỚI CHO TRẺ TỰ KỶ
Các phương pháp can thiệp – Trị liệu:
Hiện nay các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như phương pháp Phân tích ứng dụng hành vi (Applied Behavioral Analysis ABA) Phương pháp Trị liệu và Giáo dục cho trẻ Tự kỷ và trẻ có khó khăn về giao tiếp (Treatment and Education of Autistic and related Communication handicapped children TEACCH) hay Hệ thống giao tiếp bằng cách trao đổi tranh ( Pictures Exchange Communication System – PECS) và các hoạt động hỗ trợ khác như Hoạt động trị liệu (Occupational Therapy- OT), Trị liệu Tâm vận Động (Psychomotricite Therapy) Trò chơi không định hướng, Tích hợp giác quan, Trị liệu ngôn ngữ và lời nói, ….
Như thế, để tiến hành việc chăm sóc trị liệu cho trẻ, chúng ta có khá nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, hầu như các phương pháp được áp dụng, không chỉ cho trẻ Tự Kỷ mà còn với các trẻ có nhu cầu đặc biệt khác như Chậm Phát triển trí Tuệ (trẻ Chậm khôn – Mental Retardation) hay trẻ có Hội chứng Rối loạn hiếu động – Kém chú ý (Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder ADHD) đều được xây dựng trên nền tảng là một chương trình trị liệu và can thiệp giữa người Giáo viên đặc biệt, và chuyên viên tâm lý với đứa trẻ, mà không quan tâm đến vai trò hay kỹ năng của phụ huynh. Đúng hơn là không quan tâm đến những can thiệp tại gia đình của cha mẹ, trên những hoạt động bình thường hằng ngày của trẻ.
Điều này xuất phát từ suy nghĩ là việc can thiệp, trị liệu là của các nhà chuyên môn, các phương pháp là những kỹ năng rất khó, cần phải được đào tạo trong một thời gian dài, và phải được tiến hành tại các trung tâm, cơ sở giáo dục đặc biệt với những thiết bị mà gia đình khó có thể trang bị một cách đầy đủ được!
Đây là một suy nghĩ đúng nhưng chưa đủ. Nói cách khác, việc chăm sóc giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt, mà trẻ Tự Kỷ là một loại trong nhóm này phải được tiến hành bằng hai mũi giáp công, mà phụ huynh mới là mũi nhọn chủ lực. Còn các giáo viên hay chuyên viên, tuy là đội quân tinh nhuệ, nhưng chỉ đóng vai trò cố vấn hay giám sát là chủ yếu, và nếu có tác động thì cũng chỉ tác động trong một số kỹ thuật chuyên môn về tâm lý và ngôn ngữ.
Chính suy nghĩ đặt hầu hết trách nhiệm lên vai các nhà chuyên môn, mà coi nhẹ một cách vô tình hay cố ý vai trò của phụ huynh đã làm cho kết quả của các hoạt động can thiệp – trị liệu bị hạn chế rất nhiều, thậm chí có nhiều trường hợp không đạt được một kết quả đáng kể nào, nếu như phụ huynh chỉ biết đưa con đến cơ sở trị liệu và …đóng tiền !
Đâu là giải pháp ?
Chúng ta đã biết, do không hình thành được khả năng giao tiếp, trẻ có nhu cầu đặc biệt đã có những hạn chế nhất định trong việc phát triển ngôn ngữ, không phân biệt được không gian và thời gian, không biết đến những khái niệm Trước- sau, trên – dưới, Trong – Ngoài, Gần – Xa, không nhận biết về sơ đồ cơ thể, không có biết được sự khác nhau về số lượng … và cả việc tiếp xúc qua xúc giác (Da được xem là hệ thần kinh thứ 2) cũng không bình thường. Có nhiều trẻ tránh né hay thậm chí là sợ việc ôm ấp, vuốt ve mà ở trẻ bình thường, đó là một nhu cầu.
Chính vì thế, việc đưa trẻ đến các cơ sở chuyên môn chỉ được một vài tiếng trong ngày, hay một số buổi trong tuần là không đủ thời lượng để giúp trẻ xây dựng lại các khả năng trên, mà điều quan trọng hơn thế nữa, là người Giáo viên hay chuyên viên cũng sẽ phải bỏ ra một thời gian, đôi khi khá dài cho việc làm quen với trẻ, để từ đó mới có khả năng tác động lên trẻ bằng cách này hay cách khác. Đó là một trở ngại lớn cho những gia đình ở các tỉnh thành xa.
Trong lúc đó, với thời gian khá dài còn lại tại gia đình, trẻ lại không được tác động gì hết khi giữa trẻ và bà mẹ đã có sẵn một mối dây liên lạc gắn bó, chỉ cần biết cách là có thể nối lại mối quan hệ gắn bó, để từ đó sẽ có những biện pháp cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Vì thế, nếu ta có thể giúp cho cha mẹ các em này, có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết, để chủ động xây dựng các hoạt động can thiệp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi ngay tại gia đình thì chắc chắn, tình trạng của trẻ sẽ có những cải thiện rõ rệt theo chiều hướng tích cực.
Cha mẹ phải làm gì ?
Điều làm cho nhiều bà mẹ, ông bố ngán ngại nhất không phải là chuyện học các kỹ thuật chăm sóc, can thiệp cho trẻ mà là số thì giờ phải bỏ ra cho công việc này, vì với họ tiền bạc có khi còn dễ kiếm hơn thì giờ, nhất là thì giờ bỏ ra chăm sóc con !
Cũng có nhiều người sẵn sàng bỏ ra rất nhiều thì giờ trong ngày để chăm sóc con, thậm chí có người phải nghỉ việc ở nhà để có đủ thời gian lo cho đứa con tội nghiệp của mình, nhưng họ lại không biết phải làm sao! Thường thì họ dùng thời gian đó để đưa con đi hết trung tâm này, đến cơ sở nọ với tâm lý, có bệnh thì phải vái tứ phương! Hoặc “vật lộn” với con qua một số kỹ thuật mà họ được hướng dẫn hay tự mày mò tìm kiếm một cách không đầy đủ. Nhưng rồi thời gian trôi đi, sự nỗ lực của họ không đem lại sự cải thiện như mong muốn trên đứa con, mà lại là sự mệt mỏi và thất vọng cho chính họ !
Vì thế, khi xây dựng một chương trình để giúp cho cha mẹ có khả năng chăm sóc trẻ, chúng ta không nên kêu gọi một cách chung chung là phải biết cộng tác với các nhà chuyên môn mà các chuyên viên phải đánh giá được tình trạng nặng hay nhẹ của trẻ, rồi tùy theo khả năng của đứa trẻ cũng như mức độ nhận thức và số thời gian mà cha mẹ có thể dành cho con, để cùng với phụ huynh xây dựng một chương trình gọi là Can thiệp Giáo Dục Cá Nhân CGC – Đây là một chương trình, nội dung không có gì gọi là mới vì cũng dựa trên nền tảng của các nguyên tắc can thiệp trị liệu cho trẻ có nhu cầu đặc biệt mà thôi. Nhưng, đó là một chương trình hoàn toàn mang tính cá nhân, nghĩa là chỉ dành cho chính đứa trẻ đó, với những bài tập, phương pháp, trò chơi được xây dựng riêng cho em, và được thực hành ngay trong các hoạt động thường ngày tại gia đình một cách thường xuyên và liên tục bằng những biện pháp cụ thể. Nói cách khác, cha mẹ sẽ không phải đầu tư quá nhiều thời gian cho con, vì việc tập cho trẻ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, hay chơi đùa vẫn chỉ tốn bấy nhiêu thời gian, đôi khi còn ngắn gọn hơn so với số thời gian mà họ đã phải bỏ ra cho con trước đây. Dĩ nhiên là ngoại trừ những vị phó mặc con cái cho ông bà hay người giúp việc. Chỉ có điều khác biệt là trước đây, họ chăm sóc con qua việc ăn uống, tắm rửa chủ yếu là bằng cảm tính và kinh nghiệm cá nhân, thì nay họ sẽ biết cách tác động phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp nhận của trẻ.
Chương trình Can thiệp Giáo Dục Cá nhân (CGC) không giống với một vài chương trình huấn luyện đòi hỏi những trang thiết bị rất tốn kém, và phụ huynh phải bỏ ra một số chi phí đáng kể để đổi lại những kinh nghiệm mà chưa chắc đã có thể áp dụng một cách đầy đủ và hiệu quả lên con họ. Vì đó chỉ là những biện pháp chung, dành cho các trẻ Tự Kỷ chứ không phải là dành riêng cho một trẻ nào. Chúng ta nên biết là mỗi một trẻ Tự Kỷ hay Hiếu động – kém chú ý là một cá thể hoàn toàn khác biệt về mức độ rối nhiễu, khả năng tiếp thu, và cả môi trường gia đình. Vậy tại sao lại có thể can thiệp hay tác động bằng những biện pháp giống như nhau ?
Cv.Tl LÊ KHANH
Để lại một bình luận