Giáo dục Kỹ năng sống trong nhà trường
06/09/2014
Kỹ năng gia tăng sự tập trung
07/09/2014
Giáo dục Kỹ năng sống trong nhà trường
06/09/2014
Kỹ năng gia tăng sự tập trung
07/09/2014

Một trong những khó khăn về tâm lý mà hầu hết chúng ta, từ một em học sinh cho đến một người đã bước vào lứa tuổi trung niên, đều đã ít nhiều phải đối diện; Đó là tình trạng căng thẳng mà ta thường gọi là stress.

THẾ NÀO LÀ STRESS

Ở đây, chúng ta không đi vào định nghĩa của những nhà tâm thần học hay tâm bệnh học, mà chỉ cần nhận diện được tình trạng này khi chúng ta gặp phải. Điều mà chúng ta cần quan tâm là stress có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, Stress cũng có nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo độ tuổi – tùy theo giới tính và tùy theo khả năng làm chủ được bản thân của chúng ta.

Có nhiều danh từ để diễn tả các cảm xúc mà chúng ta thường gặp phải khi rơi vào tình trạng Stress:

Khó chịu, Buồn phiền, lo lắng, chán nản, mệt mỏi, cáu gắt, căng thẳng, sợ hãi, giận dữ, khủng hoảng, suy sụp. Như vậy, nếu xét theo cảm xúc thì khó chịu là bước đầu của Stress và suy sụp có thể dẫn đến loạn thần hay nguy cơ tự sát là bước cao nhất của stress.

Nếu nói về mặt tâm lý thì có ba trạng thái tâm lý :

Khổ tâm ( Buồn phiền, lo lắng, chán nản, mệt mỏi ) Nhiễu tâm ( Cáu gắt, căng thẳng, sợ hãi, giận dữ ) và loạn tâm ( Hay Loạn thần với mức độ suy sụp và khủng hoảng tâm thần nặng nề )

Thông thường thì người ta chỉ giới hạn và dùng danh từ Stress để chỉ mức độ khổ tâm và trong giai đoạn đầu của nhiễu tâm. Còn trong giai đoạn nhiễu tâm thì ta có các tình trạng Trầm cảm và suy nhược thần kinh là những bệnh về tâm thần. Đến mức độ loạn tâm là khi chúng ta đã rơi vào những căn bệnh tâm thần và phải có những liệu pháp kết hợp giữa điều trị tâm lý và dược lý.

Như vậy Stress là những tổn thương tâm lý gây ra những biểu hiện bất bình thường về Tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội ở mức độ mà bệnh nhân còn có khả năng nhận thức và kiểm soát được phần nào hành vi của mình. Từ đó, nếu được chẩn đoán chính xác về nguyên nhân và mức độ thì chúng ta có thể vượt qua được tình trạng căng thẳng này.

Các dấu hiệu nhận biết :

Khi phải chịu đựng một sự tổn thương tâm lý trực tiếp như: Tai nạn, cái chết của người thân, sự bạo hành về tinh thần và thể xác, sự bóc lột, lạm dụng, lừa gạt, thất tình, mất mát .. Hay một tổn thương lâu dài trong đời sống như : Các mối quan hệ bất hòa trong gia đình, sự lo lắng cho tương lai, cuộc sống của người thân khi cuộc sống khó khăn, sự o ép trong công việc,bị nghi ngờ, chỉ trích, nói xấu, vu khống hay đối xử bất công. Tình trạng thất nghiệp kéo dài, mất định hướng về nghề nghiệp hay học tập, sụp đổ niềm tin … thì ta thường bộc lộ :

Về mặt thể chất :

Chán ăn, ăn không ngon miệng, không có cảm giác đói… hoặc ngược lại là cảm giác ăn không thấy no, ăn uống không kiểm soát nổi.

Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay có cảm giác đờ đẫn, lúc nào cũng có vẻ buồn ngủ nhưng lại không thực sự ngủ được.

Có thể phát sinh một số bệnh thực thể như nhức đầu, đau bụng, loét bao tử, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể nổi chàm, bị suyễn hay tê bại … Đây là những chứng bệnh được gọi là bệnh tâm thể : Bệnh xuất hiện trên cơ thể với triệu chứng rõ ràng nhưng lại có nguyên nhân do tâm lý.

Về mặt tâm lý :

Lo lắng, dễ cáu gắt, nổi nóng, hay mặc cảm tự ti, không còn tin tưởng vào bất cứ điều gì, có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, nếu kéo dài có thể đi đến tình trạng hoang tưởng, luôn lo lắng về những sự đe dọa không có thực. Không thích nói chuyện, sống khép kín hay có khi lại luôn tìm người để phân trần, ca thán về sự đau khổ mà mình đang gánh chịu. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và tích cực, chúng ta sẽ dần dần rơi vào tình trạng loạn tâm.


 

ĐỐI PHÓ VỚI STRESS :

Đối phó với stress là biết cách phát huy những khả năng giữ cân bằng về mặt thể chất và tâm lý trong cuộc sống hằng ngày với các kỹ năng :

Quan sát: Hãy xem xét xung quanh bạn có yếu tố tích cực gì để từ đó bạn có thể thay đổi tình hình khó khăn. Chúng ta hãy tìm nguồn hỗ trợ tinh thần từ bạn bè, và thay đổi các điều kiện sống.

Nghỉ ngơi : Hãy áp dụng một số biện pháp thư giãn tùy theo điều kiện có thể để tặng cho bản thân một thời gian thoải mái mỗi ngày. Có rất nhiều biện pháp khác nhau : Đi bộ, đi uống café với bạn, đọc sách, xem phim giải trí, nghe nhạc, đi xoa bóp, massage, spa, chơi vài môn thể dục như cầu lông, bơi lội, đạp xe đạp…hay đơn giản là dọn dẹp nhà cửa, kê dọn lại các vật dụng trong nhà. Nhưng hãy tránh những biện pháp tiêu cực như uống rượu, nhậu nhẹt ,hút thuốc là tiêu sầu, hay lại lao đầu vào các cuộc đỏ đen, những cuộc thách thức … tất cả các biện pháp này bước đầu có thể giúp ta quên đi phần nào lo lắng nhưng lại đem lại những hậu quả khiến ta càng mệt mỏi hơn.

Tổ chức lại công việc : Đừng để tâm đến những việc lặt vặt. Việc nào thật sự quan trọng thì làm trước, và gạt những việc linh tinh sang một bên.

Đặt những mục tiêu cụ thể cho bản thân : Cắt bớt khối lượng công việc và điều này có thế giúp bạn tránh được việc suốt ngày phải lo nghĩ quá nhiều. Chúng ta phải chấp nhận là thời gian làm việc có hạn, không thể cùng một lúc mà giải quyết được nhiều công việc. Từ đó, cứ bình tĩnh để giải quyết từng vấn đề.

Không nên làm cho bản thân mình “ngập đầu ngập cổ”: Chúng ta thường “tự hào” mình là người bận rộn bằng việc gánh nhận quá nhiều công việc cùng một lúc, điều đó phần nào thể hiện được năng lực của bản thân. Nhưng mặt khác là hành động mua dây cột mình, để dẫn đến những biện pháp giải quyết không đầy đủ và làm cho chúng ta dễ rơi vào tình trạng căng thẳng khi thấy mọi việc không diễn tiến theo ý mình muốn.

Thay đổi cách ứng xử : Thử thay đối cách bạn thường phản ứng, nhưng hãy thay đổi từ từ, và có chọn lọc, từng bước một. Tập trung giải quyết một khó khăn nào đó và thử thay đổi cách bạn phản ứng trước khó khăn đó.

Thay đổi cách nhìn mọi việc : Học cách nhận định rằng bạn đang bị stress. Tự điều chỉnh trạng thái của mình. Chúng ta phải học cách chấp nhận những sự việc theo chiều hướng tích cực, và đúng với bản chất của nó, không tạo ra những định kiến hay mong đợi những điều khó có thể xẩy ra để thất vọng vì không theo ý muốn của mình.

Tránh những phản ứng thái quá : Tại sao lại phải “Ghét” khi mà “Một chút xíu không thích” là ổn rồi? Tại sao lại phải “lo cuống lên” khi mà “hơi lo một tẹo” là được? Tại sao phải“Giận sôi người” khi mà “hơi giận môt chút” đã đủ độ? Tại sao phải “đau khổ tột cùng khi mà bạn chỉ cần “buồn một tẹo”?

Hãy làm điều gì đó cho những người khác : Hãy chuyển hướng suy nghĩ , để giúp đầu óc bạn nghỉ ngơi một lát, không phải nghĩ liên tục về những phiền muộn của mình bằng cách đứng lên thực hiện một hoạt động gì đó, tốt nhất là những hoạt động giúp ích cho người khác.

Chữa stress bằng hoạt động thể chất : Có nhiều biện pháp đã được đưa ra, một trong những biện pháp đó là hoạt động thể chất như như đi bộ, học đánh tennis hay làm vườn. Cũng có thể là dọn dẹp và thay đổi các vị trí của các vật dụng trong gia đình.

Chiến lược “da dầy” : Chúng ta nhớ rằng, điều mấu chốt của stress là “Chẳng qua, tôi tự phiền muộn chính bản thân mình” vì thế hãy tự nhủ, không có điều gì có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến tôi. Dĩ nhiên, chúng ta cần có sự tự tin về bản thân khi áp dụng liệu pháp này.

Dĩ độc trị độc : Nếu bạn không tránh được stress, không thoát hẳn được stress thì sử dụng stress theo một hướng tích cực. Luôn nghĩ theo hướng tích cực. Hãy tự hỏi bạn sẽ đối phó như thế nào với stress, thay vì luôn dằn vặt mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ như thế nào.

Chúng ta cũng nên biết rằng : “Stress làm tăng trí nhớ, khi stress trong thời gian ngắn và không quá nghiêm trọng. Stress khiến cơ thể sản sinh ra nhiều glucose lên não, tạo thêm nhiều năng lượng cho các nơ-ron. Điều này giúp sự phát triển trí nhớ và phục hồi trí nhớ. Mặt khác, nếu stress kéo dài thì nó lại có thể cản trở việc vận chuyển glucose và từ đó làm giảm trí nhớ.

Điều quan trọng nhất là nếu cơn stress của bạn vượt quá mức chịu đựng và khiến bạn không thể làm được các việc khác, học tập, lao động.., thì hãy tìm đến các chuyên gia tâm lý.

CVTL. LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý