Con tôi phát triển như thế nào ?
28/05/2013
Giúp con Hạnh Phúc
07/06/2013
Con tôi phát triển như thế nào ?
28/05/2013
Giúp con Hạnh Phúc
07/06/2013

Lớp một là lớp đầu tiên trong các cấp học, là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời trẻ. Vì thế các em cần phải được chuẩn bị chu đáo về kỹ năng và nhận thức để thích nghi với môi trường mới. Vậy phụ huynh cần chuẩn bị gì và chuẩn bị như thế nào để giúp trẻ ?

Chúng ta cần lưu ý đến ba yếu tố:

  • Sự phát triển thể chất và tâm lý : Hiểu về những năng lực mà trẻ đạt được.
  • Các khó khăn, thử thách về tâm lý :Nhận ra những khó khăn nào có thể dẫn đến tình trạng lười biếng, kém tập trung, trầm cảm hay lại quá hiếu động.
  • Các kỹ năng về vận động: Phát triển sự khéo léo của bàn tay, khả năng nhận biết mặt chữ, số, về tư duy logic và về ý thức tự giác như thế nào.

Qua đó, chúng ta sẽ biết cần chuẩn bị và rèn luyện cho trẻ từ thể chất đến tinh thần như thế nào để giúp cho việc vào lớp Một của trẻ được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ngoài ra còn có hai vấn đề mà phụ huynh cần phải có những nhận định đúng đắn là việc cho con tập đọc – tập viết, làm các con toán qua việc học trước chương trình lớp 1 và học tiếng Anh ..

Có thể nói là việc cho con học trước chương trình, hay rèn luyện làm sao cho trẻ biết đọc, biết viết các câu chữ và làm các con toán đơn giản trước khi cho con vào lớp Một đã trở nên khá phổ biến, nhưng nếu không biết vận dụng cho đúng sẽ khiến cho trẻ không còn hứng thú học tập, hoặc hình thành những cách đọc không đúng, cách viết, cách ngồi sai tư thế …nhưng không phải là ai cũng biết phải làm sao để vừa giúp cho trẻ phát triển được các kỹ năng cần thiết, vừa giữ được niềm vui thích đến trường và tạo cho trẻ ham thích việc học.

Bên cạnh việc học chữ, học toán lại còn có quan điểm cho rằng đây là thời điểm tốt nhất cho việc học ngoại ngữ và phát triển một số các khả năng khác, kể cả trong lĩnh vực năng khiếu và phát triển trí thông minh Điều này đã khiến cho một số phụ huynh vì nôn nóng muốn con phát triển nhanh nên đã áp đặt lên trẻ một thời lượng học tập dày dặc, trước và sau khi trẻ vào lớp 1, điều này có thể giúp cho trẻ đạt được một số kiến thức và tỏ ra “khôn trước tuổi” ! Nhưng ‘lợi bất cập hại”, phần lớn các em trong số đó thường bị quá tải so với khả năng tiếp thu nên dễ phát sinh ra những rối nhiễu tâm lý không đáng có, hoặc trở nên “ già trước tuổi”và dẩn dẩn khi bước vào cấp II thì bắt đầu không còn hứng thú học tập nữa thậm chí là gặp phải những tổn thương không đáng có về mặt tâm thần.

I.SỰ PHÁT TRIỂN TÂM SINH LÝ TRẺ 5 – 6 TUỔI

Nếu nói rằng giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là giai đoạn kiến tạo những cấu trúc về mặt cơ thể và tâm lý thì giai đoạn từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn tiếp nhận những kỹ năng và kiến thức làm nền tảng cho sự hình thành nhân cách và năng lực. Vì thế, khi trẻ được 5 tuổi thì bé đã có khả năng tiếp thu một lượng kiến thức không nhỏ.

Những khả năng trẻ đạt được :

         Trẻ năng động, chơi đùa hầu như không mệt mỏi những vẫn có khả năng tập trung để hiểu và chấp nhận luật lệ của các trò chơi.

         Biết ngồi yên và có sự tập trung để lắng nghe các câu chuyện kể.

         Đa số trẻ trong giai đoạn này phát triển tốt kỹ năng sử dụng bàn tay, biết cầm viết chì và cắt bằng kéo, nhận ra phần lớn các ký tự và cách đọc các ký tự này, nhận ra sự khác biệt của các hình khối, biết phân biệt lớn – bé , cao – thấp, xa – gần …

Một đặc điểm tâm lý quan trọng trong độ tuổi này là ý thức về Bản Ngã (Cái Tôi) – Trẻ bắt đầu biết phân biệt một cách rõ ràng giữa bản thân và những người xung quanh. Trẻ có ý thức về tính sở hữu, biết cái gì của mình và cái gì của người khác. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc khá nhiều vào cách giáo dục của cha mẹ. Nếu trẻ là con một hay được cưng chiều thì khả năng phân biệt và nhận thức về sở hữu có thể rất kém, chỉ biết quyền lợi của bản thân mà không để ý đến những người xung quanh.

Về phương diện quan hệ – giao tiếp và ứng xử thì ở lứa tuổi này, tình cảm đã bắt đầu phức tạp và phân hóa, từ quan hệ gắn bó mẹ – con, trẻ bắt đầu có nhu cầu giao lưu tình cảm nhiều hơn giữa mẹ – con ở trẻ trai và bố – con ở trẻ gái. Trẻ đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc một cách cụ thể và đa dạng hơn, vì vậy đã xuất hiện ở trẻ những biểu hiện về tình cảm rõ ràng cũng như những phản ứng chống đối dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này khiến cho trẻ dễ có những tổn thương sâu sắc nếu không nhận được sự cảm thông hay được đáp ứng từ phía cha mẹ.

Hoạt động và sở thích của trẻ 5 tuổi xoay quanh gia đình và nhà trường. Trẻ thích chơi với đồ chơi của mình ở nhà nhưng cũng biết chia sẻ đồ chơi với bạn bè ở trường. Ngoài các buổi học thì một buổi học vẽ hay chơi thể thao mỗi tuần không phải là nhiều, nhưng đừng bắt trẻ tham gia quá nhiều hoạt động ngoại khóa trong giai đoạn này vì đây chỉ là những bước khởi động cho cả một hành trình dài sau khi trẻ đã vào lớp Một.

Đây là lứa tuổi phát triển khá hoàn chỉnh về khả năng giao tiếp, trẻ có thể nói những câu đầy đủ, đôi khi phức tạp cũng như hiểu được những câu nói dài của người khác. Điều này là cơ sở cho trẻ tiếp nhận những kiến thức mới. Mặc dù vậy, khi giao tiếp với trẻ, chúng ta vẫn không nên sử dụng lối nói với những ý nghĩa ẩn dụ, nước đôi theo kiểu, nói vậy mà không phải vậy ! vì có thể gây ra những hiểu lầm, hay khiến cho trẻ có những nhận thức tiêu cực về bản thân và sự hiểu biết sai lệch về người khác.

Có nhiều cha mẹ, khi trẻ phạm lỗi thay vì có những biện pháp kỷ luật rõ ràng, thậm chí có thể đánh đòn thì lại dùng hình thức mỉa mai những sai sót của trẻ: “Phải rồi, nhà mình giầu lắm nên cứ tha hồ mà đánh vỡ chén bát đi, vỡ cái này thì mua cái khác thôi ..!” “Hình thức này, tuy không làm tổn thương đến thể xác hay gây cho con sự sợ hãi, thế nhưng nó giống như một chất acid có khả năng làm xói mòn những phản hồi của trẻ, vì trẻ sẽ không biết cư xử như thế nào cho đúng, nên dần dà khả năng bày tỏ về cảm xúc sẽ bị mai một. Trẻ có thể trở nên thờ ơ, vô cảm trước những biến chuyển hay tác động của môi trường xung quanh khi lớn lên.

Một trong những nhận thức quan trọng đối với lứa tuổi này, là cha mẹ cần giúp con hiểu về giá trị bản thân hay còn gọi là lòng tự trọng. Đây tuy là một nhận thức mà ai cũng có, nhưng nhiều hay ít là do ảnh hưởng từ môi trường gia đình và sự giáo dục. Trẻ chỉ có thể phát triển tốt ý thức về bản thân nếu có được sự chăm sóc, giáo dục một cách đúng đắn từ gia đình đến nhà trường và sẽ có thái độ ích kỷ, hay tự ti về bản thân thậm chí là hung hăng, cư xử độc ác với người khác nếu không được sự quan tâm cần thiết từ gia đình và sự giáo dục cần thiết.

Trong các hoạt động hàng ngày, ý thức về giá trị của bản thân được bộc lộ qua những hành vi tự ý của trẻ, từ chuyện săm soi mình trước gương, chọn lựa quần áo, giầy dép mũ nón khi đi chơi cho đến việc tự ăn uống, tự làm vệ sinh cá nhân … Qua đó, nếu được chấp nhận và tôn trọng, trẻ sẽ có được sự tự tin và vui sống.

Bố mẹ có thể làm gì để hình thành nơi trẻ cái ý thức tốt đẹp đó? Trước tiên là chính bố mẹ phải có lòng tự trọng! vì người lớn không thể cho trẻ điều mà mình không có ! Sau đó hãy nhìn nhận đứa trẻ là một nhân vị với những nét riêng của nó, cho dù đó không phải là những gì mà ta mong muốn đi chăng nữa, thậm chí chúng ta cũng cần phải biết điều chỉnh những ước vọng của mình trên đứa trẻ một cách sát với thực tế nhất, đừng đòi hỏi những nỗ lực “vượt qua chính mình” mà bạn biết rằng trẻ khó mà có thể thực hiện.

Chính ý thức về giá trị bản thân sẽ giúp trẻ không tiêm nhiễm những thói xấu, những hành vi không lành mạnh của người khác và hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực trong các mối quan hệ với bạn bè, thày cô và cả trong gia đình.

II.NHỮNG NĂNG LỰC CẦN THIẾT

1.Nâng cao khả năng chú ý:

Khả năng chú ý là một yếu tố để đánh giá sức học của trẻ sau này, việc thiếu chú ý không chỉ làm cho trẻ mất đi những cơ hội tiếp thu kiến thức, mà thực tế hơn là khiến trẻ sẽ cảm thấy thua sút bạn bè hay có khi nhận được những lời phê bình của giáo viên, ảnh hưởng đến học lực.

Chúng ta có thể nâng cao khả năng chú ý của trẻ khi biết vận dụng, hay huy động sự tham gia của nhiều giác quan trong việc học cũng như các hoạt động khác. Đây chính là “chìa khóa” để tập hợp các thông tin, hỗ trợ cho những tư duy logic liên kết các hình ảnh, âm thanh và ghi nhớ vào ký ức. Hãy giúp cho các em nghe trước, rồi nhìn, sau đó là đọcviết hay vẽ lại những gì cần tiếp thu !

Điều này giải thích tại sao các chương trình TV thường lôi cuốn trẻ em vì nó kích thích nhiều giác quan cùng một lúc. Vì thế đó là cơ sở để chúng ta có thể giúp trẻ học tập tốt hơn bằng những biện pháp tác động thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Để nâng cao khả năng chú ý của trẻ, chúng ta nên lồng ghép vào trong các hoạt động học tập một vài trò chơi như :

Quan sát và ghi nhớ nhanh: Cho trẻ xem qua trong 5 phút một cái khay trong đó có chứa 5 vật khác nhau ( ví dụ: Bút chì, gôm, chìa khóa, muỗng, kéo …) sau đó lấy một tờ giấy hay một cái khăn đậy lại, bảo trẻ kể tên những vật mà trẻ vừa thấy.

Thử xem là gì: Bỏ 5 – 7 vật vào trong một cái túi xách, cho trẻ thò tay vào trong sờ các vật trên và nói tên vật mình vừa sờ được . Tùy theo khả năng để tăng độ khó qua hình dáng các vật.

Xem thiếu ai: Cho trẻ nhìn lên kệ đồ chơi có xếp 5 – 7 món đồ chơi khác nhau. Sau đó cho trẻ chơi một trò chơi vui khác, hay quay đi và dấu bớt một vật. Trong 3 phút trẻ phải gọi tên được vật vừa mới biến mất.

Tìm xem có bao nhiêu: vẽ trên trang giấy 3 loại hình : Hình tròn, hình tam giác và hình vuông với 3 màu khác nhau nhưng đan xen vào nhau – mỗi loại hình có độ 5 – 10 hình ( với yêu cầu trẻ biết đếm đến 10) sau đó yêu cầu trẻ tìm ra có bao nhiêu hình tròn, hình tam giác và hình chữ nhật ( số các hình này khác nhau ).

Khi đưa trẻ đi chơi ngoài công viên, khu nghỉ mát… ta cũng nên khuyến khích và nâng cao khả năng chú ý của trẻ trong việc quan sát thiên nhiên chung quanh.

2.Rèn luyện tính kỷ luật :

Kỷ luật là việc tuân thủ những nguyên tắc do người khác hay do chính mình đặt ra trong một số lĩnh vực để duy trì sự ổn định trong cuộc sống gia đình hay xã hội như đúng giờ, chấp hành việc giữ vệ sinh chung, biết xếp hàng khi mua sắm, đi lại có trật tự, tuân theo luật giao thông …Đây là một tố chất cần thiết cho con người và được hình thành qua sự giáo dục. Điều này cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt ngay từ khi còn bé, vì nếu không thì sẽ đến một độ tuổi nào đó, con người sẽ không còn khả năng nhận biết để tự giác chấp hành những nguyên tắc về kỷ luật nữa mà luôn luôn cần có sự giám sát và những biện pháp chế tài.

Nhưng kỷ luật không có nghĩa là sự áp đặt mà phải là những nguyên tắc mang tính thỏa thuận, được chấp hành bằng sự ý thức, tôn trọng và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính vì thế, khi muốn rèn luyện cho trẻ tính kỷ luật, thì người lớn phải là những tấm gương, và những nguyên tắc đặt ra thì tất cả mọi người từ trên xuống dưới trong gia đình đều phải hiểu và chấp hành. Từ đó, đứa trẻ mới hình thành được tinh thần tự giác về kỷ luật, còn nếu không sẽ hình thành một tính cách còn tệ hại hơn cả sự vô kỷ luật, đó là tính đạo đức giả hay hình thành sự dối trá, đóng kịch với nhau.

Như vậy để giúp trẻ ý thức và chấp hành những nguyên tắc về kỷ luật thì không phải là việc chú trọng đến những hình phạt nặng nề bằng nhiều hình thức khác nhau mà là xây dựng khả năng biết tuân thủ những yêu cầu đặt ra

Với trẻ 5 tuổi, mặc dù trẻ đã phân biệt được giữa bản thân và người khác nhưng trẻ chỉ có thể chấp nhận những yêu cầu được đặt ra cho trẻ, nếu như chính người lớn cũng tuân thủ các yêu cầu đó. Bố mẹ không thể dạy trẻ chấp nhận việc thức dậy sớm, giữ vệ sinh trong gia đình, ngồi vào bàn ăn uống đàng hoàng… nếu chính bố mẹ không có thái độ nghiêm túc trong các hoạt động này.

Nếu ông bố cứ gác chân lên bàn khi xem phim, ăn uống ngồm ngoàm, vừa ăn vừa đọc báo thì việc dạy con những nguyên tắc về ăn uống chắc là hơi bị …khó, nếu không muốn nói là không thể! Ngược lại, nếu một bà mẹ quá kỹ tính, luôn luôn đòi hỏi nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, ăn cơm thì không được rơi vãi…Chỉ cần một sai sót nhỏ là có thể “bão nổi lên rồi” thì điều đó thay vì đạt được kết quả như mong muốn thì sẽ có thể tạo cho con sự ức chế, chống đối ngấm ngầm và đưa đến những phản ứng như ù lì, làm việc gì cũng lề mề, tìm cách kéo dài thời gian một cách không cần thiết hay cũng “thừa hưởng” tính chất này mà trở nên một con người cầu toàn, khó tính và chỉ thích buộc người khác làm theo ý mình.

Như vậy, để dạy trẻ ý thức chấp nhận các nguyên tắc kỷ luật thì trước tiên bố mẹ phải là người làm gương đầu tiên. Sau đó mới có thể nhắc nhở, khuyến khích và nếu trẻ chấp hành tốt thì còn đợi gì mà không khen thưởng cho trẻ bằng một cái vỗ tay, ôm hôn “thắm thiết” ! Việc khen thưởng động viên phải dựa trên nguyên tắc: Trẻ làm tốt thì được khen, và chỉ khen trong thời gian đầu, khi đã trở nên thường xuyên thì thôi. Lúc đó sẽ chuyển việc khen ngợi qua các đòi hỏi cao hơn hay những yêu cầu khác, nhưng phải phù hợp với năng lực phát triển của trẻ.

Chúng ta không yêu cầu trẻ làm tốt để được khen thưởng, và càng không dùng việc khen thưởng như một việc trao đổi: Con làm điều này đi thì mẹ sẽ khen hay thưởng cho con điều con thích ! Thậm chí có nhiều phụ huynh còn ra giá:“ Nếu con viết xong trang tập viết này, mẹ sẽ mua cho que kem Chocolate , nếu con khoanh tay chào bác, mẹ sẽ cho con cái bánh quy kem..v.v Điều đó có thể khiến cho trẻ thi hành đúng theo “hợp đồng” để được phần thưởng, chứ không tập được ý thức tự giác. Nếu sau khi trẻ làm xong, thì điều tệ hại nhất là lại nói với con : “Con giỏi quá, con ráng viết thêm đi, mẹ sẽ cho con sau” hay “ Có gì lát nữa, hay ngày mai mẹ sẽ mua cho con, bây giờ mẹ chưa có tiền!” và sau đó thì lờ luôn, hay đến lúc đó nếu trẻ còn nhớ và nhắc nhở, mới miễn cưỡng đi mua cho con !

Điều đó sẽ làm cho trẻ không còn tin vào chúng ta nữa, hoặc việc vâng lời theo hợp đồng sẽ trở nên thường xuyên hơn, và lúc đó thì chúng ta đã biến trẻ thành một kẻ thực dụng ngay từ khi còn bé, và hậu quả về việc này đôi khi chính chúng ta là người lãnh đủ !

3.Ý thức tự giác:

Ý thức tự giác là một điều cần phải được rèn tập chứ không thể tự nhiên mà có. Điều này nếu tiến hành vào giai đoạn 4- 5 tuổi là tốt nhất, vì ở độ tuổi này các em mới có được khả năng liên kết các chuỗi sự kiện với nhau, và biết sắp xếp một cách hợp lý các thông tin, hình ảnh để hình thành một chuỗi các hoạt động theo thời gian. Trẻ sẽ biết rằng, muốn quét nhà phải đi tìm cái chổi, có chổi mới quét được nhà, quét nhà thì sẽ làm cho nhà sạch, mà nhà sạch thì bố mẹ tỏ ra vui thích. Điều này sẽ làm cho trẻ hãnh diện, và đó là khởi đầu cho sự tự tin, một kỹ năng sống hết sức quan trọng không chỉ với trẻ mà ngay cả với người lớn !

Việc tập cho trẻ ý thức tự giác tuy đơn giản nhưng không dễ, vì chúng ta thường có thói quen ra lệnh với trẻ, con phải làm cái này, con phải làm cái kia .v.v. Ngoài ra, chúng ta cũng thường cho rằng trẻ còn nhỏ, tay chân còn vụng về, nếu để trẻ tự làm vừa chậm lại có khi hỏng bét ! Điều đó là đúng nếu ta muốn trẻ cứ tiếp tục sự vụng về như thế cho đến khi vào lớp 1 thậm chí cho đến tuổi trưởng thành , bằng cách không yêu cầu trẻ phụ giúp việc nhà nữa.Ngược lại, nếu muốn giúp trẻ có khả năng tự lập sau này, thì ngay từ bé, hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất, để cho trẻ tự làm những việc trong khả năng có thể. Chính những vụng về ban đầu, sẽ giúp trẻ hoàn thiện dần dần các kỹ năng để từ đó đưa đến một nền tảng vững chắc cho khả năng tự lập sau này.

CvTl LÊ KHANH

Trung tâm RỒNG VIỆT

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý