Niềm Tin còn một chút này !
28/05/2018Các bác sĩ Thần kinh & Chuyên viên Tâm Lý nổi tiếng tại TP.HCM
01/06/2018Giadinh.net : Những ngày gần đây, mạng XH tràn ngập hình ảnh bảng điiểm của HS được các bậc cha mẹ đăng tải. Đằng sau việc khoe thành tích này, các bậc cha mẹ đã vô tình hại con mà không hay.
Trẻ gánh nhiều áp lực
Con có một bảng điểm đẹp sau một năm học là thành quả khiến không chỉ các con mà cả bố mẹ vui mừng. Nhiều cha mẹ vì vậy muốn đăng lên mạng đơn giản để chia sẻ niềm tự hào cùng nhiều người. Ngay các nghệ sỹ nổi tiếng cũng chẳng nằm ngoài tâm lý ấy.
Mới đây ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã chia sẻ bảng thành tích của con trai nuôi của mình. Đi kèm với bảng thành tích học tập của con trai với điểm số các môn như: Tiếng Việt, Toán, khoa học, Lịch sử và Địa lý cuối năm học đạt điểm tối đa 10 điểm này, Mr Đàm viết: “Không nói thách nhé! Hai con tôi rất ngoan, hiền lành, đạo đức, ý thức, lễ phép, học giỏi, viết chữ đẹp, không đua đòi, tình cảm, có gout, tự lập, khiêm nhường, thật thà, không ỷ lại vào sự nổi tiếng của ba. Dễ thương không mọi người?”. Dòng chia ngay sau khi đăng tải đã nhận được rất nhiều bình luận khen ngợi, đánh giá…
Sau những dòng trạng thái “khoe” ấy là những nỗi niềm của các bậc phụ huynh. Không chỉ là khen ngợi con học giỏi, điểm cao quá, có phụ huynh khi nhìn bảng điểm của “con nhà người ta” liền vào coment kể lể việc học tập không bằng của con mình, than thở điểm số của con hay con vẫn được điểm như kỳ trước mà chẳng hơn…
Trước vấn đề này, CVTL Lê Khanh, Cty GD KidsTime – Chi nhánh Bình Thạnh (TP HCM) cho rằng, tâm lý của các bậc cha mẹ là “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Có thể nói, người Việt là một trong những dân tộc coi trọng việc học của con vào bậc nhất. Không có gì hãnh diện cho bằng có một đứa con học giỏi và đạt được nhiều thành tích qua bảng điểm hay Giấy khen. Vì thế việc khoe Giấy khen, bảng điểm của con trên FB có thể xem là một “nhu cầu” tất yếu, không có gì sai.
Đa phần các bậc cha mẹ thường nghĩ “tích cực” đấy là động lực thúc đẩy con cố gắng hơn. Tuy nhiên, điều ta đạt được là thỏa mãn lòng tự ái của bố mẹ, cùng với sự hãnh diện. Nhưng về phần con, phải chăng trẻ cũng thế ? Sau những giấy phút thăng hoa vì những lời khen, những nút like có cánh, thì điều đó đã vô tình tạo nên những áp lực nguy hại:
+ Thứ nhất: Ảo tưởng về sự giỏi giang và thông minh của con, để đưa ra những yêu cầu có khi cao hơn cả năng lực thực tế của trẻ.
+ Thứ hai: Tạo ra áp lực học tập lên trẻ, các em lại tiếp tục phải vùi đầu vào việc học để duy trì hay phấn đấu giữ được thứ hạng cao, đồng thời cũng hình thành tính kiêu ngạo ở trẻ. Có thể, sẽ có lúc trẻ sụt hạng và những chấn thương tâm lý có thể đến với trẻ vì sự thất bại này.
+ Thứ ba: Tạo nên tâm lý ganh tỵ một cách vô thức của các bậc cha mẹ khác. Và họ sẽ dùng sự thành công của các bạn này, tạo áp lực lên đứa con “kém cỏi” của mình, mới chỉ là học sinh tiên tiến hay trung bình trong lớp.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng, không chỉ riêng trong lĩnh vực học tập, mà hầu như bất cứ một thành tích nào cũng có thể là cái cớ để bố mẹ khoe con trên mạng xã hội. Điều này giống như “con dao hai lưỡi”.
Đưa bảng điểm trên mạng không có giá trị giáo dục hay động viên. Không phải đứa trẻ nào cũng thích việc bố mẹ đăng tải thông tin cá nhân của mình lên mạng. Có em ngại, xấu hổ không thích khen nhiều, không muốn nhiều người biết. Có những trường hợp mặc cảm, bị bạn bè trêu chọc…
Chê bai và ngay cả lời khen vì điểm cao ít nhiều cũng tạo ra áp lực không đáng có với trẻ. Chúng có thể hình thành trong các con tiềm thức việc học nặng vì điểm số. Từ đó các con lao vào học, đánh đổi rất nhiều thứ chỉ với mục đích đạt điểm số thật cao để vui lòng cha mẹ. Khi không đạt, trẻ thường tìm cách nói dối, che giấu và hậu quả khôn lường. Thực tế đã có nhiều trường hợp không chịu nổi áp lực phải giữ bằng được danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc ấy mà trở nên căng thẳng đến mức trầm cảm. Do vậy, nếu có đưa chỉ chia sẻ thông tin kết quả học tập với người thân ở xa hoặc giấu danh tính, trường lớp của trẻ.
Cần cân bằng giữa học và trau dồi kỹ năng sống
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh cho rằng, với nhiều trẻ, học giỏi chưa phải là sẽ thành công nếu không có những kỹ năng sống đi kèm. Mà một trong những kỹ năng sống quan trọng, đó là khả năng kiểm soát cảm xúc. Những học sinh muốn đạt được thành tích cao, ngoài những “thông minh vốn sẵn tính trời” thì còn lại đều phải cố gắng hết sức, phải đầu tư rất nhiều thời gian vào việc học. Đó là một sự đầu tư thiếu cân bằng, không hài hòa giữa học tập, vui chơi và làm việc nhà.
“Hơn nữa, áp lực học tập lại làm cho các em trở nên dễ căng thẳng, mệt mỏi và khó kiểm soát được cảm xúc của mình. Đây chính là điều “lợi bất cập hại” nếu phải tập trung quá nhiều vào việc học, phải thường xuyên nỗ lực để đạt đến những số điểm tròn trịa, để rồi khi bước vào lứa tuổi dậy thì hay trưởng thành thì lại kiệt sức hay chỉ biết học mà không biết sống. Đặc biệt là sống với sự ổn định về tâm lý cũng như thể chất. Điều rất cần thiết cho tương lai”, chuyên viên tâm lý Lê Khanh nói.
Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, một đứa trẻ đạt điểm cao khi học tập không đồng nghĩa và chắc chắn có được thành công sau này hơn các bạn điểm kém. Sai lầm nhiều gia đình hiện gặp phải là chỉ muốn con đạt thành tích trong học tập mà không quan tâm đến việc phát triển nhân cách hay kỹ năng sống cho trẻ.
Trước những áp lực đến từ cuộc sống, các em như những con gà công nghiệp, ngơ ngác với danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc nhưng lại thiếu hụt kỹ năng sống. Khi gặp vấn đề các em hầu như không biết đối phó, hóa giải ra sao. Điều này, đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.
Phương Thuận
Giadinh.net.vn
Trên nguyên tắc nếu đăng hình hay những thông tin cá nhân của trẻ mà chưa được sự đồng ý của con thì có thể bị phạt. Nhưng ở nước ta, cha mẹ vẫn xem con như một “tài sản riêng tư” và dĩ nhiên là rất “quý báu”, nên có nhiều người khoe con cũng giống như khoe nhà, khoe xe, khoe các sản phẩm do mình làm ra! Và họ lấy làm buồn cười vì những quy định có mục đích là bảo vệ và tôn trọng đứa trẻ. Họ nghĩ rằng: Con của tôi thì tôi có quyền khoe, cũng như có quyền… đánh. Mà họ không nghĩ đến như nguy cơ và cạm bẫy trên mạng xã hội cho đến khi nó xảy ra với con mình.
(CVTL Lê Khanh)