Bí quyết Để Sống Thọ
28/05/2018
Khoe Con Trên Mạng
28/05/2018
Bí quyết Để Sống Thọ
28/05/2018
Khoe Con Trên Mạng
28/05/2018

Có một bài viết được phổ biến trên một số trang mạng, đưa ra 8 liệu pháp Can thiệp trẻ đặc biệt ( ở đây gọi là Điều trị ) được xem là Hiệu quả : 1/ Tâm vận Động 2/ Chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ – 3/Giáo dục đặc biệt – 4/ Phương pháp Nhóm – 5/Lao động trị liệu – 6/ Động vật Trị liệu – 7/ Phương pháp ABA – 8/ Tư vấn tâm lý.
Trước hết, nếu nói về Các phương pháp can thiệp – Giáo dục trẻ đặc biệt , thì không phải chỉ có 8 phương pháp, mà có đến 27 Phương pháp đã được kiểm tra và chấp nhận. Trong 27 Phương pháp đó, cũng có một số phương pháp tương tự nhau nhưng tựu trung thì có thể nói, chưa có một hay một nhóm phương pháp nào được xem là hiệu quả nhất, mà tất cả đều tùy thuộc vào 3 điều kiện :
– THỜI GIAN VẬN DỤNG : Phải thường xuyên , phải theo trình tự và ổn định trong một thời gian dài. Không hề có phương pháp mì ăn liền nào đạt được hiệu quả chỉ trong một thời gian ngắn.
– KỸ THUẬT THỰC HIỆN: Khi vận dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải am hiểu các yếu tố sau: Nguyên lý – Cách thể hiện và khả năng lượng giá. Nếu không nắm được nguyên lý cốt lõi, sẽ vận dụng sai – Nếu không biết cách thể hiện, sẽ thực hiện không theo đúng trình tự và yêu cầu. Nếu không có khả năng lượng giá, thì không biết trẻ sẽ phát triển như thế nào, có tiếp thu tốt hay không để điều chỉnh, tăng cường hay dừng lại.
– CON NGƯỜI THỰC HIỆN: Có thể là giáo viên, chuyên viên hay bố mẹ của trẻ. Nhưng dù là ai cũng phải có sự tập huấn, biết cách thực hành và có kinh nghiệm thực tế. Đây chính là điều làm cho các bố mẹ trẻ chùn tay khi muốn can thiệp cho trẻ. Thực ra, trong nhiều trường hợp thì bố mẹ lại có nhiều cơ hội, động lực và điều kiện để trở nên người can thiệp tốt nhất cho con mình – và chỉ cho con mình mà thôi.


Trước hết chúng ta phải xác định với nhau các khái niệm :
CHUYÊN NGÀNH: Giáo dục đặc biệt là một chuyên ngành giáo dục bao gồm nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau. Trong Giáo dục đặc biệt bao gồm kỹ thuật phát triển vận động ( Thô và tinh) Can thiệp Hành vi ( Có những phương pháp khác nhau, điển hình là phương pháp ABA ) Phương pháp phát triển ngôn ngữ ( Như các kỹ thuật MTW, PECS, ACC .. ) Như thế không thể gọi đó là một phương pháp.
Âm ngữ Trị liệu Cũng là một chuyên ngành để đào tạo ra các chuyên viên âm ngữ trị liệu, và đối tượng của ANTL không chỉ là trẻ đặc biệt, chậm nói mà cả cho người lớn có khó khăn trong ngôn ngữ với những kỹ thuật chỉnh âm khác nhau.
Tâm vận động tuy có phạm vi nhỏ hơn, nhưng cũng được xem là một chuyên ngành, đào tạo các chuyên viên tâm vận động để có thể can thiệp và trị liệu tâm vận động cho trẻ mà chủ yếu là trẻ rối nhiễu tâm lý. Trẻ đặc biệt có thể can thiệp tâm vận động là các trẻ tự kỷ, tăng động kém chú ý, nhưng phải am hiểu nguyên lý cốt lõi của nó. Nếu không sẽ lẫn lộn giữa Tâm vận động và kỹ thuật Hoạt động trị liệu ( OT ) dành cho trẻ Bại não.
Tư Vấn Tâm Lý : Đây cũng là một chuyên ngành trong lĩnh vực Tâm lý lâm sàng, nó bao gồm hai phạm trù là tham vấn tâm lý ( Counseling ) cho người lớn về các vấn đề gây ra các chấn thương tâm lý. Tư vấn tâm lý trẻ em là đánh giá, chẩn đoán và đưa ra các ý kiến về các biện pháp can thiệp cho trẻ có rối nhiễu tâm lý và trẻ đặc biệt.
PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP: Là những phương pháp đặc hiệu giúp trẻ phát triển về Giác quan, vận động , ngôn ngữ. Có rất nhiều phương pháp đặc hiệu cho từng lãnh vực như Phương pháp Điều hòa cảm giác, dành cho trẻ có những rối loạn về giác quan ( Ngũ giác và 2 cảm giác là Sự cảm nhận bản thân và sự cân bằng cơ thể ) Không phải trẻ nào cũng rối loạn giác quan và sự rối loạn của trẻ cũng rất khác nhau.
Với Phương pháp nhóm, khiến ta nghĩ đến phương pháp Jasper, là một kỹ thuật chơi với trẻ dành cho phụ huynh chơi với con và tổ chức các hoạt động chơi mà trong đó, một vài trẻ bình thường được hướng dẫn để cùng chơi với một trẻ đặc biệt. Chứ không phải là việc đưa trẻ vào một nhóm trẻ bình thường để mong trẻ được hội nhập.
KỸ THUẬT HỖ TRỢ : Là những kỹ thuật giúp trẻ trong quá trình can thiệp, có được những tác động tốt hơn về khả năng nhận biết, sự tự tin, sự ổn định tâm lý … Có thể kể ra :
– Vẽ (cho trẻ vẽ tự do và có những khuyến khích, chứ không phải là tập vẽ )
– Nghe nhạc ( thường áp dụng khi trẻ cần thư giản khi nghỉ ngơi hay khi đan cần tập trung để trong một hoạt động nào đó.
– Chơi với động vật , chủ yếu là Ngựa, Cá Heo và Chó. Đây là 3 loại động vật rất thân thiện với con người, đặc biệt là với trẻ em vì chúng có sự phát triển trí tuệ đơn giản như một đứa trẻ , và có được sự thấu cảm với những cảm xúc của trẻ em.
Ngay cả một số kỹ thuật khác như xoa bóp ( Massage bằng tay và công cụ ) Châm cứu hay tập Yoga ( Thể dục dưỡng sinh ) cũng chỉ là các kỹ thuật hỗ trợ cho từng trường hợp với các mức độ khác nhau, chứ không thể xem là một phương pháp điều trị riêng biệt như nhiều nhà chuyên môn đưa ra.
Làm việc nhà cũng là một kỹ thuật hỗ trợ khá hiệu quả dành cho những trẻ trên 4 tuổi, có thể nghe hiểu các yêu cầu và khả năng vận động tương đối không quá rối loạn. Làm việc nhà sẽ tốt cho khả năng tổ chức, sắp xếp, tập trung và điều khiển vận động . Các công việc nhà tuy đơn giản nhưng ngoài những giá trị về cơ học thì nó sẽ đem lại cho trẻ cảm giác tự hào, gắn bó với gia đình, dễ dàng thiết lập mối quan hệ với những người thân trong gia đình.
Nói thêm về thuật ngữ TRỊ LIỆU – Trị liệu( Therapy ) là một phương pháp được áp dụng bởi các chuyên gia, chuyên viên đã qua đào tạo, và cũng được hiểu đó là những kỹ thuật với các quy trình đi theo từng bước theo các mức độ, và có các công cụ đôi khi rất đặc hiệu.
Trong lĩnh vực Tâm lý trị liệu, có thể kể ra một số phương pháp như Hội họa trị liệu , Âm nhạc trị liệu, Lao động trị liệu , Trò chơi trị liệu , Thủy trị liệu …Trong lĩnh vực giáo dục, can thiệp trẻ đặc biệt, chúng ta không nên dùng một cách tràn lan, hay mang tính cường điệu, quan trọng hóa ( Gọi là nổ banh ta lông ) các hoạt động hỗ trợ cho trẻ như Vẽ ( Thậm xưng là hội họa trị liệu) nghe nhạc, hay chơi một vài nhạc cụ ( Phong là Âm nhạc Trị liệu ) Làm việc nhà ( Gọi là Lao động trị liệu ) Chơi đồ chơi hay dùng các trò chơi để can thiệp thì lại gọi là Trò chơi trị liệu. Thậm chí là chế tác ra một số món đồ chơi ( hay kinh doanh đồ chơi ) giúp trẻ phát triển một số kỹ năng thì lại khoác cho nó cái từ là Đồ chơi trị liệu.
Gần đây, có một thuật ngữ là Thu Giá, thay vì thu Phí với những ý đồ đằng sau. Điều này đã làm dậy sóng dư luận vì sự trí trá và ngu dốt trong việc dùng từ ngữ. Nhưng trong lĩnh vực giáo dục can thiệp trẻ đặc biệt, thì cũng có rất nhiều cách dùng từ ngữ, phần lớn là thậm xưng, nói quá lên những hoạt động can thiệp bình thường trong một cơ sở hay đơn vị nào đó bằng những danh từ hoa mỹ, với mục đích quảng cáo cho đơn vị mình, để tạo sự tin tưởng hay thu hút sự quan tâm của phụ huynh. Tiếc thay, điều này lại chưa nhận được những phản ứng tích cực đến từ các phụ huynh (là những người trực tiếp cho con em mình can thiệp trong các cơ sở hay tại gia đình ) cũng như từ các chuyên viên là người am hiểu trong từng lĩnh vực. Có lẽ cái tâm lý ngại đụng chạm và sống chết mặc bay đã khiến cho việc sử dụng các thuật ngữ hoành tráng này được chấp nhận như một điều bình thường. Trong khi thực sự nó có thể đem lại những suy nghĩ tiêu cực nơi phụ huynh, mà một trong những suy nghĩ ấy là việc can thiệp, điều trị các trẻ đặc biệt là công việc của những nhà chuyên môn, họ sẽ điều trị cho trẻ bằng những phương pháp trị liệu đặc thù mà mình không thể giỏi hơn vì thế cứ giao khoán cho họ là xong.
Điều này cũng đem lại nhận thức lệch lạc về phía giáo viên hay những người làm việc trong lĩnh vực này. Khi vô tình hay cố ý sử dụng những từ ngữ như trị liệu ABC, phương pháp điều trị ABC…nhằm chứng tỏ sự quan trọng và năng lực của bản thân, với những mục đích khác nhau khiến cho lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt, trở nên một thương trường mà trong đó khá nhiều “ nhà kinh doanh chữ nghĩa” với chủ trương “ treo đầu dê – bán thịt chó” khiến cho phụ huynh đã hoang mang, lại càng hoang mang, mệt mỏi hơn.
Chúng ta luôn kêu gọi và mong đợi các hệ thống quản lý xã hội cần phải nói thẳng, nói thật, nói chính xác về các chủ trương, chính sách, biện pháp đem ra áp dụng với người dân. Thế thì tại sao trong một lĩnh vực giáo dục rất cần sự chính xác, trung thực và chuẩn mực để có thể đem lại những giá trị tốt nhất cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt, hay gọi là VIP (Nhân vật rất quan trọng), thì lại thích dùng những từ ngữ to lớn, quan trọng. ( mà lại dùng ..sai ) để rồi tự mua dây buộc mình và vô tình hủy hoại niềm tin đã rất mong manh nơi các gia đình trẻ VIP ? Tại sao ?
CVTL Lê Khanh.

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý