Chúng ta Có Nên Tin vào Con
18/05/2018
Bí quyết Để Sống Thọ
28/05/2018
Chúng ta Có Nên Tin vào Con
18/05/2018
Bí quyết Để Sống Thọ
28/05/2018

Với câu hỏi trên, nếu hỏi Mr Google – chỉ trong vòng 0,61 giây – bạn có được từ 1.300.000 đến 1.450.000 kết quả, tha hồ chọn cách giải quyết. Có lẽ khi bạn chọn xong, thì con cũng đã hết ăn vạ và đang ngủ gật đâu đó trong nhà. Vì thế ở đây, tớ không dám bắt chước một chuyên gia nổi tiếng với “Giai đoạn cửa sổ vàng” để trả lời câu hỏi này qua 1 cái clip trên Youtube,  bằng cách dẫn các bạn đi vòng vo từ việc cấu tạo hệ thần kinh cho đến sự phát triển não phải não trái, rồi lại lan man giới thiệu từ các cuốn sách điện tử về nuôi dạy con cho đến chai dầu để massage cho trẻ , bằng một thái độ vừa cười vừa nói gần 20 phút qua lối nói chuyện của các chú hề , chỉ để trả lời một câu hỏi đơn giản, nhưng cũng không ra đầu ra đũa dù nó có sẵn trên Google và trong bất kỳ một trang báo nuôi dạy con nào!

Khi nói đến trẻ em, chúng ta thường chỉ nghĩ đến một đứa trẻ chứ không nghĩ đến, trẻ ấy ở vào độ tuổi nào. Trong khi khả năng giao tiếp và phản ứng của mỗi một lứa tuổi là rất khác nhau. Một đứa trẻ 6 tháng tuổi khóc lóc, thì nguyên nhân và cách thể hiện khác hẳn trẻ 12 tháng. Trẻ 2 tuổi ăn vạ khác với bé lên 3 ! với trẻ 4 – 5 tuổi thì nguyên nhân khiến trẻ giận hờn, gào khóc thậm chí là đấm đá bố mẹ cũng khác hẳn trẻ lên 6 ! Vì thế khi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi : Làm gì khi con ăn vạ , thì không phải là tìm ngay giải pháp , nào là phớt lờ, nào là quan tâm, hay đánh lạc hướng hoặc giải thích, lắng nghe, bình tĩnh, kiên quyết … hay có khi theo các nhà tâm lý học nào đó, thì hãy lấy làm vui mừng, vì con ăn vạ nghĩa là con đang phát triển ! Mà phải biết rằng con mình lúc đó được bao nhiêu tuổi tâm lý và quan trọng hơn là cái lý do tại sao trẻ lại ăn vạ. Ngoài ra, còn 1 yếu tố cũng quan trọng không kém đó là tính cách của trẻ. Một trẻ hướng nội, nhút nhát, thụ động sẽ có cách ăn vạ khác với một trẻ hướng ngoại, năng động và bướng bỉnh …Để từ đó, tùy vào độ tuổi phát triển tâm lý, theo tính cách và tùy vào nguyên nhân đã gây ra “cơn bão của âm thanh và nước mắt” mà bố mẹ có thể đưa ra nhữngbiện pháp thích hợp để tác động.

Thế nào là 1 biện pháp thích hợp ? Ở đây, nhiều bố mẹ chịu khó lôi hết các chiêu của chuyên gia đã bầy cho  ra để vận dụng theo kiểu thử sai, nhưng hầu như là áp dụng không đúng cách. Để rồi cuối cùng là vẫn nổi điên lên, đập cho con một trận là xong, hoặc chỉ cương quyết độ 1 – 2 tiếng, rồi sau đó là chịu thua, cho cái trẻ đòi cho xong chuyện …nhức đầu lắm rồi ! Dần dà cho đến một thời điểm khi trẻ đã leo lên đầu mình rồi và trở nên “ chuyên gia ăn vạ” lúc đó mới chịu vác tới các “chuyên gia trị liệu” để liệu mà trị cho nó !

Thông thường, thì khi đang ngâm cứu các kỹ thuật, chiêu trò để dạy trẻ, chúng ta thấy có vẻ dễ dàng vô cùng ( nhất là khi đang ở trong 1 khóa huấn luyện ) – nhưng đến khi mang về vận dụng vào thực tế, thì mới biết là chuyện “ bình tĩnh – phớt lờ hay đánh lạc hướng trẻ” là điều không hề đơn giản  – vì nếu dễ thì các chuyên gia đâu cần mở hết khóa này đến khóa khác, khóa nào cũng đông, chỉ để nói có mỗi một việc là dạy con ? Còn không, nếu vào lúc đó, phụ huynh đủ bình tĩnh để đối diện với cơn bão ăn vạ, và áp dụng được vài chiêu có kết quả , thì có khi lại chuẩn bị thành..chuyên gia để chia sẻ kinh nghiệm trên FB rồi, hay mở khóa huấn luyện “ Tôi dạy con như thế” ngay và luôn!

Vì vậy, cách tốt nhất là đừng để nó xảy ra ! Đùa à ? trẻ muốn ăn vạ là có thể lăn đùng ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu chứ làm sao mà có thể ngăn ngừa ? Dĩ nhiên  là khi đã phải “chịu thua” để tầm sư học đạo, thì thực sự lúc đó trẻ ( dù ở bất cứ độ tuổi nào, mà phổ biết là từ 2 – 4 tuổi ) đã trở thành một chuyên gia ăn vạ rồi !  Chúng ta nên biết rằng, các thói quen  đểu xuất phát từ các hành vi lập đi lập lại. Việc ăn vạ, hay thói quen ăn vạ cũng thế, không có gì từ trên trời rơi xuống mà hành vi đó, thói quen đó thường do chính chúng ta đã “tập huấn” cho trẻ từ khi trẻ còn là một em bé sơ sinh !

Hãy nhớ lại – khi trẻ còn nằm ngửa, mút tay và khóc ré lên .. không cần biết ất giáp gì, chúng ta sẽ ôm ngay bé vào lòng, ấn núm vú vào miệng … Nếu đúng là trẻ đang đói, thì bé có thể nín để say sưa thưởng thức giòng sữa mẹ… nhưng nếu không đói, mà là do một nguyên nhân khác thì trẻ còn khóc nhiều hơn, trong khi bà mẹ cứ nhất quyết cho con bú bằng được. Cuối cùng thì một là trẻ đành chịu nhưng rất “ức chế” gặm một khối “ căm hờn” trong giòng sữa mẹ , để đến một lúc nào đó “ vùng lên” làm cách miệng! Hai là trẻ vẫn la, và bà mẹ cho bé lên võng lắc cho đến khi nào chóng mặt quá bé đành nín, nhưng không “tâm phục – khẩu phục” chút nào ! Hoặc hai mẹ con “vật lộn” cho đến khi trẻ – hay mẹ…chịu thua! Tiến trình đó cứ thể mà tiếp diễn ngày này qua ngày khác, cho đến khi trẻ hình thành một tư duy là cứ phải giải quyết mọi nhu cầu bằng sự gào khóc mới có kết quả ! Thế là một chuyên gia ăn vạ đã chuẩn bị …hình thành !

Ngoài việc hình thành thói quen do mẹ không hiểu ý con, thì còn một nguyên nhân dẫn đến ăn vạ là do trẻ có quá nhiều người quan tâm, và mỗi người lại quan tâm một kiểu , bố – mẹ có sự quan tâm khác nhau , ông – bà cũng quan tâm đến trẻ nhưng lại theo một kiểu khác. Nhưng nói chung, kiểu nào cũng có một điểm chung đó là sự chiều chuộng và áp đặt. Đây là 2 nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hành vi ăn vạ,hầu như bố mẹ nào cũng biết, nhưng hầu như không ai lại không áp dụng ! Chiều chuộng đã là sai mà mỗi người trong nhà lại chiều một kiểu ! Áp đặt cũng thế ! Vì thể, trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra ai là người mà mình có thể “bắt nạt” và ai là người nên “ tránh voi chẳng xấu mặt nào” ! Và sẽ hình thành khả năng “ăn vạ có chọn lọc” .

Mỗi con người – mỗi đứa trẻ là một cá thể, là một “thế giới” khác nhau – hãy luôn luôn quan sát, lắng nghe con với một sự tỉnh táo, bình tĩnh để biết rõ về “đối phương” – Biết rõ tính cách, năng lực, khả năng phát triển theo độ tuổi của trẻ  để từ đó, hình thành cho trẻ những thói quen tốt và phù hợp một cách tự nhiên – Không phải “xoắn lên” khi con ở trong giai đoạn vàng, để “dồn dập giáo dục “ với một cái lẩu thập cẩm quy tụ nhiều nguyên tắc của các nước trên Thế giới. Hoặc lại quá mải mê làm ăn, buôn bán, học hành để quên mất một công việc quan trọng nhất trên đời của bố và mẹ : Đó là biết CHƠI vỚI CON ! Chúng ta hãy thử bỏ ra một vài giờ trong ngày – sáng trưa, chiều, tối…lúc nào cũng được, miễn là ta rảnh rang và chơi với trẻ một cách nhiệt tình – Một đứa trẻ thích chơi với bố mẹ theo một nhịp điệu và mức độ vừa phải mỗi ngày, một đứa trẻ vui vẻ và thoải mái khi được cùng chơi với bố mẹ. bằng những trò chơi tương tác để hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau,  thì khả năng và thói quen ăn vạ sẽ khó hình thành !

Đừng ôm ấp, đừng làm thay , đừng chiều chuộng cũng đừng bỏ rơi, đừng nghiêm khắc, đừng lạnh lùng! Khi đối diện với con trẻ, hãy trở nên người bạn vui vẻ của con, khi chăm sóc trẻ, hãy là người bảo mẫu tận tâm và khi dạy dỗ trẻ, hãy là một người thầy kiên quyết. Làm cha mẹ rõ ràng không phải là chuyện đơn giản, nhưng cũng không nhất thiết phải bỏ ra hàng đống tiền cho các chuyên gia vừa móc túi vừa chế giễu mình ! mà cần biết quan tâm, học hỏi ngay từ khi đứa con của mình khi còn bé ,  với những nguyên tắc đơn giản và thực tế . Biết chơi với con là biện pháp tốt nhất để dạy con, bởi vì trẻ học qua chơi và phát triển cũng qua các trò chơi !

Lê Khanh

Cty GD KidsTime chi nhánh Bình Thạnh.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý