Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (1)
18/03/2012
Trao đổi về Đồng tính luyến ái
20/03/2012
Làm mẹ khi tuổi vị thành niên (1)
18/03/2012
Trao đổi về Đồng tính luyến ái
20/03/2012

Phần trên, ta đã nhận diện tuổi dậy thì với những bùng nổ tâm sinh lý và đặc trưng của nó. Nhận diện này giúp ta nắm bắt chính xác và sâu sắc hơn về tình trạng làm mẹ sớm của các em gái thuộc lứa tuổi chưa là người lớn.

 

B. LÀM MẸ KHI TUỔI VỊ THÀNH NIÊN (2)

Số liệu về những người mẹ vị thành niên trên thế giới ngày càng tăng cao. Ở bất cứ đâu, từ những nước văn minh đến những quốc gia nghèo, đông dân, chậm tiến, số liệu đều tăng tốc đến chóng mặt.

Châu Mỹ Latinh có khoảng 160 triệu trẻ trong tầm tuổi từ 10 đến 18, và 28 triệu trong số này đã có ít nhất một đứa con trước tuổi 18. Những nước như Argentine, Uruguay, Cuba có độ sinh thấp: 3 đứa con / mẹ. Brésil, Chili, Colombie, Pérou, Mexique, Venezuela, Costa Rica, Equateur, Panama, République Dominicaine cao hơn một chút, khoảng 4 đứa. Salvador, Haïti, Paraguay 5 đứa. Cao nhất là Guatemala, Honduras, Nicaragua với 6,1.

Theo ONU, số các người mẹ vị thành niên (13 – 17 tuổi) ở châu Mỹ Latinh là 56%, thấp hơn Phi châu 76,8%, cao hơn Á châu 43,3% và Âu châu 17,3%. Trong các nước châu Mỹ Latinh, Brésil là nước có tỷ lệ cao nhất : 31% (3).

Các người mẹ vị thành niên này hầu hết thuộc giai cấp trung bình và xuất thân từ những gia đình có vấn đề. Họ có thai để được sớm làm người lớn, được độc lập với gia đình và để khẳng định chỗ đứng trong xã hội. Có thai, với nhiều người trong họ cũng là cách để thoát khỏi cảnh bạo lực tình dục thường xẩy ra trong gia đình, họ hàng, lối xóm; và một trong bốn phương án thường được chọn sau khi có thai là : phá thai, sống chung với cha đứa bé, ở vậy nuôi con hay bỏ con trong cơ sở từ thiện.

Hoa Kỳ là một nước văn minh, tân tiến, có đủ mọi thông tin và phương tiện ngừa thai dành cho giới trẻ, nhưng rất lạ khi số em gái vị thành niên có thai lại nổi trổi hơn các nước: 1.220.000 mỗi năm và hầu hết thuộc thành phần nghèo. Nhiều chương trình giáo dục giới tính và đề phòng có thai với ngân sách khổng lồ (450 triệu dollars cho 2006) được thực hiện từ nhiều năm gần đây, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan (4).

Ở Việt-Nam, theo dõi trên báo chí, đặc biệt báo Phụ Nữ, ta cũng cảm được mối nguy cơ ngày càng lớn đang đè nặng trên xã hội với con số phá thai, có thai ở tuổi vị thành niên ngày càng cao và hình như không có khuynh hướng dừng lại.

Những số liệu trên cho thấy đây là vấn đề có tính toàn cầu, không riêng gì ở một nơi, cho một quốc gia. Một cách chung chung, dư luận thường xếp những người mẹ vị thành niên vào danh sách « những người mẹ bất đắc dĩ» : có thai vì thiếu học hỏi, thiếu thông tin, thiếu phương tiện ngăn ngừa, nên hầu hết các chính phủ đều gia tăng việc giáo dục sinh lý trong các trường học và tăng cường việc cung cấp miễn phí bao cao su, thuốc ngừa thai… Nhưng thực tế không thuận theo kết luận này khi kết quả nghiên cứu cho thấy : hơn 72% học sinh cấp 3 mặc dù rất rành rẽ chuyện sinh lý, kế hoạch thai nghén vẫn vui vẻ có thai, làm mẹ sớm. Không khác gì giới trẻ Mỹ được giáo dục sinh lý, có đủ mọi phương tiện vẫn dẫn đầu kỷ lục có thai sớm ở tuổi vị thành niên.

Chính vì thế, bên cạnh yếu tố thiếu giáo dục sinh lý, thiếu phương tiện ngăn ngừa, ta còn phải lưu tâm đến nhiều yếu tố khác có tính quyết định :

Có thai như một nổi loạn chống lại quyền bính cha mẹ.

Gia đình là xã hội đầu tiên em bé gặp gỡ. Chính gia đình sẽ tạo cho em những hình ảnh khó phai, ăn sâu trong tim óc em mọi thứ tình cảm và âm thầm hình thành trong em một khuôn mẫu lý tưởng. Nỗi lo sợ lớn nhất của em là mất cha mẹ, gia đình tan vỡ. Cơn ác mộng kinh hoàng nhất của đời em là mái ấm gia đình sụp đổ và em không còn nơi nương tựa vững chắc, an toàn.

Vì đặt trọn niềm tin vào gia đình, cha mẹ, anh chị em, nên em sẽ ê chề thất vọng khi niềm tin trao gửi nơi cha mẹ, gia đình bị lấy mất đi. Em sẽ lâm vào tình trạng hoang mang, chao đảo nếu cha mẹ không còn là cột trụ của niềm tin nơi em, không là ngọn hải đăng cho em thấy con đường phải đi trước mặt, không là gương mẫu em phải quy chiếu.

Từ sự mất niềm tin sẽ đưa đến những căng thẳng trong sinh hoạt, những bất đồng ngày càng trầm trọng đến độ không thể khoan nhượng hay hòa giải, để rồi thoát ly gia đình sẽ là sự chọn lựa. Thoát ly gia đình vì bất mãn trước những yếu đuối, sai lầm hay bất công của cha mẹ là tiền đề cho em chọn con đường ngắn nhất là làm mẹ như một dứt khoát với quá khứ, một cắt đứt với gia đình, một gột rửa chối từ cái xã hội đầu tiên đã không cho em được sống trọn vẹn, xứng đáng.

Có thể những bất mãn của em là chính đáng khi cha mẹ không chu toàn bổn phận; cũng có thể không chính đáng khi em từ chối mẫu gia đình truyền thống và đòi được sống trong một mẫu gia đình thời đại. Có thể chọn lựa nổi loạn, chống lại quyền bính cha mẹ của em là đúng khi những bất công ngày càng nhiều trong gia đình, chẳng hạn cha đánh mẹ, mẹ không công bình, thương con này, ghét con kia…; cũng có thể không đúng khi em đòi hỏi quá đáng những nhu cầu mà cha mẹ với giới hạn của khả năng đã không thể đáp ứng. Nhưng dù chính đáng hay không chính đáng, đúng hay sai, kết thúc vẫn cùng chung mẫu số : thoát ly. Nhiều nghiên cứu cho thấy cách thoát ly được đa số các em gái sử dụng là đi bụi, cặp bồ, có con.

Có thai như một mạo hiểm kỳ thú :

Như đã trình bầy ở phần trên, tuổi dậy thì là tuổi của khám phá, nhất là trong phạm vi sinh lý. Các em mê say khám phá thân xác mình và bị lôi cuốn vào cuộc mạo hiểm khám phá thân xác người khác phái. Đam mê này thuộc bản năng nên rất tự nhiên. Em muốn thử tất cả để biết tất cả. Thử trên thân xác mình bằng thủ dâm để biết thế nào là ngây ngất của khoái lạc; thử với người khác phái bằng làm tình để nếm vị ngọt tuyệt vời của trái cấm. Điều càng cấm kỵ càng lôi cuốn. Càng cấm càng muốn thử, càng cấm càng thôi thúc tính tò mò, muốn khám phá. Không chỉ chuyện ăn nằm lôi cuốn tính mạo hiểm, nhưng cả chuyện có thai, sinh con cũng không kém phần hấp dẫn. Đối với em gái mới lớn, không gì vui bằng được yêu thử và liều một lần có thai, tuy niềm vui ấy luôn giấu mặt, kín đáo, nhưng không hẳn là không náo nức, rạo rực.

Có thai vì áp lực của tình dục và thôi thúc của bản năng làm mẹ.

Tuổi dậy thì được đánh dấu bằng cuộc bùng nổ sinh lý, nên tình dục có cơ may tạo một áp lực vũ bão trên chủ thể. Riêng các em gái, còn chịu thêm một áp lực khác nữa, đó là áp lực của bản năng làm mẹ.

FREUD đã trả lời cho câu hỏi « Người đàn bà muốn gì ?» khi ông quả quyết : nữ tính gắn liền với bản năng làm mẹ; nói cách khác, không người phụ nữ nào không ước ao được làm mẹ. Ngay từ buổi dậy thì, thân xác của em gái đã được hướng đến mục đích làm mẹ và vì ước muốn được làm mẹ mà em sẵn sàng trở thành đàn bà khi có cơ hội. Nhờ làm mẹ mà người phụ nữ sống tròn đầy bản chất phụ nữ và người đàn bà được mãn nguyện với thiên chức của mình.         Ngay từ những tổ chức xã hội sơ khai, người đàn bà làm mẹ luôn giữ một vị thế quan trọng. Ngay cả trong nhiều cơ chế gia đình ở đó đàn ông có toàn quyền thống trị và đàn bà bị coi là thứ yếu, phụ thuộc, sứ mạng duy trì nòi giống và khả năng điều phối sinh sản của người đàn bà cũng không bị xoá bỏ.

Ngày nay, với những phong trào bảo vệ và thăng tiến nữ giới được liên tục phát động khắp nơi, vai trò người đàn bà trong gia đình, xã hội ngày càng quan trọng và thực sự họ đã bình đẳng với nam giới và đóng góp rất nhiều trong mọi lãnh vực.

Có thai như một tự khẳng định mang hiệu quả lớn.

Tuổi dậy thì là tuổi tìm khẳng định nhân cách, vị trí xã hội; nhưng không dễ tự khẳng định, khi điều kiện không thuận lợi. Ở với cha mẹ, lệ thuộc kinh tế gia đình, làm sao tự khẳng định, nếu hiểu tự khẳng định như tự đứng trên tư thế độc lập, tự do, hoàn chỉnh ? Nổi loạn, đối kháng, bất tuân phục, bỏ nhà đi bụi, giận dỗi là những cách tự khẳng định, nhưng còn mang tính tạm thời. Có một cách tự khẳng định quyết liệt, là lập một « gia đình » mới bằng sự ra đời của đứa con. Chính nhờ sự có mặt của đứa con mà người mẹ được gia đình, xã hội chuẩn nhận như một đơn vị độc lập. Không thiếu những em gái đã chọn viên thuốc “liều có thai” để làm mẹ, vì mong được yên thân, được sống đời mình và sống như mình muốn.


Một cách nào đó, ta đã nhìn hiện tượng làm mẹ ở tuổi vị thành niên dưới lăng kính lạc quan, tích cực, ngầm nói lên sự nâng đỡ, chia sẻ và không khinh khi, lên án. Đây là điều đáng mừng, nếu không muốn nói là điều phải làm, nếu muốn giúp các bà mẹ trẻ tuổi non nớt ra khỏi thảm cảnh thiếu thốn vật chất, sa sút tinh thần, bị gia đình, xã hội lên án, bỏ rơi.

Sự thường các em có thai ở tuổi vị thành niên, ở ngoài hôn nhân đều rơi vào tình trạng chung là bị gia đình, xã hội điểm mặt, ghi tên vào sổ phong thần. Từ nay các em bị coi là những con ngựa chứng, làm mất thanh danh gia đình, hạ thấp uy tín mẹ cha, xáo trộn trật tự truyền thống. Không được sự cảm thông cần thiết, các em còn phải gánh chịu sự ruồng bỏ, lên án của người lớn và các thành phần đại diện cho luân thường đạo lý

Sự việc có thai ngoài luồng và trước tuổi thành niên còn đặt các em vào một thế cờ bí : không tương lai, không nghề nghiệp. Quá trẻ để nhìn xa, thấy rộng, quá trẻ nên thiếu kinh nghiệm sống. Người mẹ vị thành niên sẽ rơi vào hụt hẫng, mất thăng bằng trong mọi sinh hoạt và hậu quả là lo âu triền miên và bất an, căng thẳng.

Cần một thái độ đối thoại tích cực.

Không thể giúp những người mẹ trẻ tuổi nếu không chấp nhận đối thoại với họ, với một tâm tình và thái độ tích cực. Tích cực để kéo họ ra khỏi bầu khí tiêu cực đang bao vây, công hãm. Tích cực để đốt lên trong họ ngọn lửa hy vọng. Tích cực để tâm tư được giãi bầy, gánh lòng được nhẹ bớt, u uất được sớt chia. Tích cực để họ thấy không bao giờ quá muộn, và tất cả mọi vấn đề dù nhiêu khê đến đâu cũng có phương án giải quyết. Tích cực trong đối thoại như thế đã làm nhen nhúm ánh lửa hy vọng, là điều kiện cần thiết để chỗi dậy, đứng lên.

Tích cực trong đối thoại sẽ xây lại niềm tin đã mất hay đã sứt mẻ ít nhiều. Mất niềm tin là mất điểm tựa nơi người mình thương yêu, ngưỡng mộ. Và chỉ trong đối thoại tích cực, chia sẻ chân thành, niềm tin mới có thể hồi sinh, sống lại.

Cần đem lại nơi người mẹ vị thành niên đang gặp khó khăn lòng tự tin nơi chính mình, và tiếp đó là niềm tin nơi cha mẹ, gia đình, bạn hữu. Không niềm tin, người ta không thể sống; bởi sống mà không tin cũng như cái xác không hồn, lạnh lẽo. Niềm tin giúp tìm lại những gì đã mất, xây lại những gì đổ vỡ và kiện toàn những gì thiếu sót, sai lầm.

Tích cực trong đối thoại còn giúp những người mẹ trẻ, non nớt nhưng hầu hết truân chuyên, vất vả làm sống lại tình yêu đã hơn một lần ngậm ngùi chết vì nhiều nguyên cớ bẽ bàng, xót xa. Đối thoại sẽ cởi trói trái tim ngục tù của người mẹ trẻ và cho con tim ấy được vui trở lại.

Như thế, trong trường hợp phải tiếp cứu, không gì tốt hơn là mở đường cảm thông nhờ tích cực đối thoại. Đối thoại tích cực là mở lòng để đón lòng, mở trái tim để lắng nghe trái tim, mở bàn tay để nắm lấy những bàn tay, mở chân trời để hừng đông ló dạng.

Người ta có thể hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào, miễn họ được TIN, được YÊU và được HY VỌNG. Ba cột trụ của đời người sẽ cho người đời sức sống và hạnh phúc sung mãn, dồi dào.

TNT    

(1)  CORDEIRO J.D. L’adolescente enceinte, Annales médico–psychologiques, Paris 2007

(2)  FIZE M. La violence chez les adolescents, Hachette Paris 2006, p. 212

(3)  Jornal do Brasil, 25 juin 2008

(4)  ONU, Profil, n° 4, 2008.

Sách tham khảo

  1. 1.FISQUE C. L’objet femme, La documentation française, Paris 1997
  2. 2.ROS C. « Sexualité, grossesse et IVG, données épidé» dans Revadosante, n° 2, 2001
  3. 3.STAGNA D. 2003. Aimer à l’adolescence, Dunod, Paris, 2003
  4. 4.APTER T. Altered Loves, Mothers and Daughters during Adolescence, New york 1990
  5. 5.DADOORIAN D. « La grossesse désirée chez les adolescentes dans les milieux défavorisés. Quelques réflexions à partir d’une étude réalisée au Bré», dans Revue de neuropsychologie de l’enfance et de l’adolescence, vol. 48, n° 1, février 2000
  6. 6.CHODOROW N. The Reproduction of Mothering, Berkeley, London, University of California press 1979
  7. 7.RUFO Marcel et SCHILTE Christine, Votre Ado, Hachette, Paris 2004
  8. 8.FREUD S. Trois essais sur la théorie de la sexualité, Paris, Gallimard 1981.
Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý