Phải chăng có tài là có tất cả !
04/05/2012Trẻ rối nhiễu tâm lý và gia đình
07/05/2012Có thể nói rằng, sự phát triển và hài hòa về nhân cách của trẻ tuỳ thuộc vào việc thiết lập các mối quan hệ tương tác giữa mẹ và con. Nhiều bà mẹ chú trọng đặc biệt đến các loại sữa bột với quan đểm càng đắt thì càng tốt.
Họ đòi hỏi cách pha chế sữa và thức ăn cho trẻ phải cực kỳ vệ sinh, thậm chí có người còn dùng cả nước khoáng để pha sữa… mà quên đi cách thức cho ăn, sự giao tiếp giữa mẹ và con khi ăn cũng quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn cả sự kỹ lưỡng về vệ sinh và hơn hẳn những chất bổ dưỡng trong các loại sữa đắt tiền.
Sự quan trọng trong mối tương giao mà cụ thể là ở cách cho con bú, cho thấy trẻ sơ sinh không chỉ là một cái ống tiêu hóa, hay một cái túi chứa thực phẩm mà còn là một con người với đầy đủ các thẩm quyền để đòi hỏi một mối tương giao lành mạnh với người mẹ dựa trên một trạng thái gọi là sự gắn bó (attachement) giữa mẹ và con.
Đây là một khái niệm tâm lý học do các nhà tâm lý người Mỹ như Bowlby, Ainsworth đề xướng từ năm 1970, sau đó được Zazzo và một số tác giả khác đưa vào nghiên cứu ở châu Âu. Theo khái niệm này thì qua sự tiếp xúc thường xuyên từ lúc lọt lòng, tuỳ mức độ đòi hỏi của em bé và sự đáp ứng của người mẹ, sẽ tạo ra một mối quan hệ gắn bó tốt xấu, đậm nhạt khác nhau. Đây là một sự tác động qua lại giữa mẹ và con, mà người mẹ ở đây không nhất thiết là bà mẹ sinh ra trẻ, đó có thể chỉ là bà mẹ nuôi trẻ, vì vậy nếu người mẹ vì một lý do nào đó không đích thân chăm sóc trẻ trong những ngày tháng đầu đời, mà lại giao cho người nhũ mẫu thì sau này khi trẻ đã lớn, khi người mẹ quay lại chăm sóc con sẽ gặp phải những phản ứng “tẩy chay” của trẻ, dẫn đến những rối nhiễu, lệch lạc trong ứng xử của trẻ, cho dù người mẹ sau đó đã rất cố gắng chăm sóc con, nhưng cũng khó có thể lấy lại tình cảm và sự thương yêu mà trẻ đã “lỡ”dành cho người nhũ mẫu.
Theo Bowlby, sự gắn bó này được hình thành qua 3 thời kỳ:
– Giai đoạn sơ sinh: Trẻ sẽ chủ động tìm sự quan hệ với bất kỳ ai chăm sóc, quan tâm đến bé.
– Giai đoạn phân biệt lạ-quen: Trên 2 tháng là trẻ đã có khả năng phân biệt lạ –quen với những người xung quanh.
– Giai đoạn bám mẹ: Từ 6 tháng trẻ sẽ tìm cách bám lấy mẹ, sự quan tâm của trẻ sẽ tập trung vào một người, khi mẹ bỏ đi trẻ sẽ tìm kiếm, khi mẹ trở lại trẻ tỏ ra vui mừng, và trẻ sẽ phân biệt được mẹ với những người chăm sóc khác.
Chính vì vậy, ở những trẻ mồ côi từ lúc sơ sinh, nếu không thiết lập được sự gắn bó với một bà mẹ nào đó, là người chăm sóc trẻ thường xuyên trong một thời gian trên 6 tháng, sẽ xuất hiện một rối nhiễu tâm lý gọi là hội chứng vắng mẹ (hospitalism), trẻ sẽ chậm nói, chậm phát triển về tâm lý vận động mặc dù vẫn được nuôi ăn đầy đủ.
Tuy nhiên, theo sự phát triển của tâm –sinh lý, sau một thời gian thiết lập được sự gắn bó với mẹ, thì khi được 2-3 tuổi trẻ lại bước vào một giai đoạn muốn tách biệt (détachement) với mẹ, cũng với những bước chân chập chững là một tâm lý tự chủ, tự khẳng định mình. Đó là một trạng thái phát triển tâm lý cần thiết, mà nếu một người mẹ không am hiểu vì lòng thương con cứ tiếp tục quyến luyến, ôm ấp và làm thay cho con quá nhiều khiến cho trẻ không phát triển được về tâm lý và đôi khi tình trạng này kéo dài cho đến tận tuổi…trưởng thành! Lúc đó, bề ngoài tuy đã là một trang thanh niên lưng dài vai rộng, hay một cô thiếu nữ yểu điệu dịu dàng, nhưng tâm lý vẫn chỉ là một đứa trẻ, không dám tự mình quyết định một việc gì, không dám đương đầu với những thách thức của cuộc sống và thường dễ bị cuốn hút bởi những trào lưu xã hội ( Mà thường là những trào lưu xấu mới khổ ! )
Nhu cầu tâm lý của trẻ
Bất cứ một em bé nào sinh ra, đều phải được trưởng thành từ một mái ấm gia đình, không một tình cảm nào nuôi dưỡng được một trẻ sơ sinh tốt bằng lòng mẹ, cũng không một sự chăm sóc nào tốt cho bằng sự ấp ủ của người mẹ và sự quan tâm của người cha. Sự chăm sóc và giáo dục của gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho một con người. Đó là điều không ai phủ nhận. Chính vì thế, những sai lầm, thiếu sót hay sự lơ là trong các mối quan hệ – ứng xử với trẻ của gia đình cũng sẽ để lại những đổ vỡ, những tổn thất không gì bù đắp được cho sự phát triển nhân cách. Hầu hết những tội phạm, những kẻ nghiện ngập, thường có một gia đình tan vỡ hay bất hòa. Cả những lối sống ích kỷ, tha hóa, lao đầu vào cuộc sống yêu cuồng sống vội, cũng là hậu quả của những quan điểm cứng nhắc, độc đoán hay thờ ơ của các bậc phụ huynh mà trẻ đã tiếp nhận từ lúc ấu thơ.
Những rối nhiễu tâm lý cũng trở nên trầm trọng hơn nếu bố mẹ không có nhận thức đúng đắn về vai trò của mình. Vì thế, sự điều chỉnh kịp thời với những nhận định hợp lý và phương pháp chăm sóc phù hợp cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc giúp cho trẻ em có vấn đề về tâm lý giảm bớt đi những khó khăn trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của mình.
Chúng ta có câu: “ dạy con từ thủa lên ba…” nói lên nhận định là phải dạy con ngay từ khi còn nhỏ, chứ không đợi đến 6,7 tuổi là tuổi đi học mới bắt đầu dạy, e là đã muộn. Thế nhưng, những hiểu biết về tâm lý ngày nay lại cho rằng chúng ta phải dạy con ngay từ khi mới mở mắt chào đời, vì một trẻ sơ sinh cũng đã có rất nhiều khả năng để sẵn sàng tiếp nhận một sự “huấn luyện” ra trò !
Hiện nay, các nhà chuyên môn về tâm thần và thần kinh học nhận ra rằng những sự quan tâm chăm sóc mà trẻ được tiếp nhận ngay từ khi chào đời và trong suốt giai đoạn sơ sinh có một ảnh hưởng rất quan trọng trong sự phát triển về trí tuệ và tâm lý
Các yếu tố mà trẻ cần được cung cấp:
– Trẻ cần được cảm nhận sự quan tâm, tôn trọng để thấy được giá trị của bản thân.
– Trẻ cần được cảm thấy an toàn
– Trẻ cần được cảm thấy tự tin về những gì mà trẻ mong đợi.
– Trẻ cần có một kinh nghiệm quân bình về tự do và giới hạn.
– Trẻ cần được sống trong một môi trường đa dạng và phong phú với ngôn ngữ, trò chơi, và khám phá thế giới qua sách báo, âm nhạc và đồ chơi thích hợp.
Điều này cho thấy cách chăm sóc của cha mẹ và những tác động trong môi trường gia đình sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ, cách trẻ tương tác với người khác và cả về khả năng phát triển về thể chất của trẻ. Sự quấy khóc, biếng ăn, khóc đêm, khó ngủ … là những phản ứng của trẻ về tình trạng bất ổn mà trẻ đang phải chịu đựng.
Thế nào là một môi trường ổn định và thích hợp:
Đó là môi trường lấy trẻ làm trọng tâm và cung cấp những cơ hội và điều kiện thích hợp cho sự phát triển, sở thích và nhân cách của trẻ em. Môi trường này bao gồm:
- Được hưởng chế độ dinh dưỡng phù hợp
- Gia đình có người chăm sóc nồng ấm, đáp ứng và yêu thương
- Có thời gian vui chơi thoải mái và vui nhộn với bố mẹ
- Có những hoạt động củng cố tích cực về khả năng nhận thức
- Có sách tốt để đọc, âm nhạc phù hợp để nghe
- Tự do khám phá và học hỏi từ những người xung quanh
Qua đây, chúng ta thấy rằng một chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tối ưu thì giá trị vật chất ( từ các loại thực phẩm, sữa, thuốc bổ ) không quan trọng bằng cách chăm sóc của người mẹ – Việt Nam có câu : “của cho không bằng cách cho ” cũng là một điều mà các bà mẹ nên cân nhắc nếu muốn con có một nền tảng tốt đẹp để phát triển sau này.
CvTl. Lê Khanh