Càng đơn giản Càng Hay
30/07/2020NGHĨ VỀ MONTESSORI
10/08/2020Trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, người giáo viên không phải người quan trọng nhất, mặc dù đó lại là vai trò được “đầu tư” nhiều nhất. Có rất nhiều phương pháp, kỹ thuật và cả quan điểm về sư phạm đòi hỏi giáo viên phải học tập và biết vận dụng một cách hiệu quả – Tuy nhiên, yếu tố thành bại trong việc giúp cho trẻ phát triển lại không do “nhân vật tài năng” này quyết định mà lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau :
Về bản thân, thì có lẽ nghề nào cũng đòi hỏi một tấm lòng yêu nghề cao độ, mới làm tốt được nhiệm vụ của mình. Trở thành một người có tay nghề cao. Nghề giáo cũng thế, nhưng nếu yêu cầu một giáo viên đặc biệt chỉ có lòng yêu nghề thôi thì chưa đủ mà còn phải yêu luôn cái đối tượng mà mình đang ra sức uốn nắn là một đứa trẻ “dở hơi” – không biết chào hỏi, thưa gởi, đã không tương tác tốt lại còn luôn làm cho mình bầm mình bầm mẩy, muốn nổi điên về những thái độ, phản ứng không giống ai ! Đã thế, còn phải luôn có tinh thần nỗ lực học hỏi, từ bạn bè, các nhà chuyên môn cho đến sách vở tài liệu và phải luôn biết rút ra những kinh nghiệm khác nhau cho từng đứa trẻ khác nhau !
Về môi trường xung quanh, thì ngoài một số cơ sở trang bị tương đối đúng chuẩn, có phòng, có sân rộng rãi và các học cụ đa đạng… Thì hầu hết là những phòng ốc không phải là trường, mà chỉ là những căn nhà phố được cải tạo phần nào với những căn phòng sử dụng không đúng công năng và các công cụ không phù hợp với đối tượng là các trẻ đặc biệt. Không phải là người tổ chức hay chủ cơ sở không chịu đầu tư, mà có khi họ cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để trang bị, nhưng lại “trật bản lề” – Có một dạo, phong trào “Tâm vận động” bùng nổ, các cơ sở đua nhau lắp đặt các căn phòng chơi sặc sỡ, các khối tròn, khối vuông, quả cầu gai, nhà banh, thảm nhựa,cầu thang dốc, thang leo núi … tốn kém hàng chục thậm chí hàng trăm triệu – nhưng nó cũng giống như phòng chơi cho trẻ em trong siêu thị chứ không phải là nơi mà trẻ có thể giải tỏa những khó khăn tâm lý thông qua vận động, bởi vì đa phần đều nghĩ rằng, tâm vận động là phát triển kỹ năng vận động tinh và thô cho trẻ, thậm chí là cả các biện pháp điều hòa cảm giác cũng có mặt với các quả bóng gai và các lối đi rải sỏi có kích thước khác nhau.
Thế rồi, sau đó lại là những phòng Montessori, khi nhiều người cho rằng Montessori là một phương pháp tiến bộ trong giáo dục trẻ bình thường, thì chắc cũng hiệu quả cho trẻ đặc biệt, thế là lại bỏ ra hàng chục triệu để trang bị một phòng mon đúng chuẩn với các thiết bị tinh tế, sang trọng và có khi là bí mật – Bởi vì, nếu không phải là một giáo viên đươc đào tạo đúng chuẩn của phương pháp này thì có khi cũng không biết các công cụ xinh xắn, đa dạng kia sẽ giúp cho trẻ phát triển cái gì và ai có thể làm điều đó với trẻ. Dạy trẻ theo phương pháp Mon cũng giống như can thiệp cho trẻ trong phòng tâm vận động, không hề đơn giản như một buổi học – hay một buổi chơi bình thường ! Không phải chỉ cần có công cụ là được mà yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Nhất là không phải tre đặc biệt nào cũng có thể áp dụng phương pháp Mon hay Tâm vận động một cách tùy tiện.
Ngoài các cơ sở “sang chảnh” có những trang bị tiền triệu kia thì còn lại những Nơi gọi là “Trung Tâm” dưới đủ loại tên gọi khác nhau – đều là những căn nhà phố và những trang thiết bị tương tự như một nhà trẻ, mẫu giáo hay tệ hơn là những đồ chơi mua ngoài nhà sách hay các tiệm đồ chơi ngoài chợ mà mục tiêu chỉ là để cho các em có cái để nghịch cho hết ..giờ, hết ngày. Cũng có những nơi, có trang bị cho các giáo viên một số công cụ khác nhau, nhưng lại không tập cho Gv cách chơi với trẻ qua các dụng cụ đó như thế nào ! thế là “món sở trường” của các cô chỉ là các tấm thẻ tranh, giơ ra cho trẻ xem và tập cho trẻ nói theo mình, lập lại những câu trả lời : Cái này là cái gì, con này là con gì, màu này là màu gì ! cao hơn chút là cùng tập với trẻ một số thao tác vận động thô và tinh cho ..vui, bởi vì mục tiêu cấp bách nhất là làm sao cho con nói được !
Một người Giáo viên không được hướng dẫn bài bản, không có sự nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ lại không được trang bị những công cụ có tác dụng cụ thể và được tập luyện với trẻ trong một không gian phù hợp thì không khác nào đem một chiến sĩ tung ra mặt trận mà chưa qua huấn luyện nơi thao trường và cũng không có đủ vũ khí cần thiết, mà lại mong chiến thắng . Nếu có chăng thì chỉ là “may thầy phước chủ” hoặc chỉ đạt được một vài sự thay đổi và nhà trường sẽ thuyết phục phụ huynh chấp nhận sự thay đổi đó như một tiến bộ , khi trẻ nói được dù chỉ là để trả lời các câu hỏi về đồ vật, con vật là coi như có thể cho “ tốt nghiệp” ra trường.
Một yếu tố khác được xem là “nhân vật phụ” nhưng lại đóng vai trò then chốt trong việc Dạy trẻ, đó chính là phụ huynh các em – Một chuyện ngược đời ! Muốn trẻ tiến bộ thì phải cho đến cơ sở can thiệp, nhưng bố mẹ lại phải biết “dạy con” ! Nhưng có thể nói là – dạy trẻ khó một thì thuyết phục phụ huynh tham gia hoạt động can thiệp cho con khó mười ! Đủ các lý do chính đáng để phụ huynh có thể “trút gánh nặng” cho giáo viên, mà lý do đơn giản nhất : Nếu tôi biết dạy con, thì cần gì tốn tiền, tốn thời gian đưa con đi can thiệp ! Như vậy thì làm sao thuyết phục ? Thôi thì cứ tới đâu hay tới đó, khi nào chánthì cho con nghỉ, mang qua cơ sở khác , sẽ ưu tiên cho nơi nào gần nhà và không đòi hỏi bố mẹ phải xắn tay áo lên !
Nhưng vấn đề không chỉ là phụ huynh cần phải biết phối hợp, hay đúng hơn là nắm vai trò then chốt trong việc can thiệp cho trẻ, mà là phải biết can thiệp cái gì và như thế nào ? Cũng có nhiều bậc cha mẹ có thiện chí, muốn cùng với giáo viên can thiệp hay thậm chí là tự mình dạy con – Nhưng dạy cái gì trước cái gì sau và dạy như thế nào lại là một thách thức không nhỏ ! Khi có những khóa huấn luyện mở ra, có nhiều người háo hức đi nghe , ôm một đống tài liệu về tham khảo, rồi lên mạng tìm kiếm thông tin, các “tuyệt chiêu” mì ăn liền để chuẩn bị một chương trình can thiệp “ Đẽo cầy giữa đường” để áp dụng đủ kiểu dạy của những trẻ khác cho con mình. Các phương pháp rất khoa học, các bài giảng rất thu hút, các kỹ thuật rất hấp dẫn nhưng để áp dụng cho con mình thì lại không phù hợp! Chỉ cần mới sửa soạn ngồi xuống dạy là nó đã chạy mất tiêu ! Đó là chưa nói đến nhiều áp lực và kỳ vọng được đặt ra mà mục tiêu là Làm sao con PHẢI NGHE TÔI , chứ ít khi nghĩ đến việc Tôi cần biết CHẤP NHẬN TRẺ như thế nào!
Người Giáo viên hay người chuyên viên thực sự là cần thiết để cung cấp và giám sát các biện pháp, các kỹ thuật cho bố mẹ biết cần phải làm gì với con và cũng nên biết – Chính môi trường gia đình, nếu biết cách thay đổi từ bầu khí đến cách tương tác, mới là nơi đứa trẻ biến chuyển và tiến bộ, còn việc trẻ đến trường, đến trung tâm,tập luyện và vui chơi chỉ là nơi trẻ phô bầy hay áp dụng những những tác động tại gia đình. Nói cách khác, người chuyên viên sẽ định hướng và đưa ra những giới hạn, người giáo viên sẽ tác động thông qua các kỹ thuật và hoạt động , Nhưng gia đình mới là nơi trẻ tiến bộ với những biện pháp thực hành do bố mẹ áp dụng, không phải là trong những giờ can thiệp khô khan, mà thông qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vui chơi và học tập tại gia đình kéo dài từ tháng này qua tháng khác . Có thể nói, Nếu trẻ chưa thực sự hòa nhập với gia đình thì cái mục tiêu hòa nhập với xã hội chỉ là cái bánh vẽ !
Lê Khanh – TT GDĐB Diệp Quang – An Giang.