Cách ứng xử khi thành công & lúc thất bại
27/03/2012Giáo dục Kỹ năng sống – Họ đã làm điều đó như thế nào ?
01/04/2012Chúng ta thường quan tâm đến việc bảo vệ trẻ dưới 5 tuổi, còn với trẻ trên 6 tuổi thì đôi khi chúng ta lại lơ là, vì cho rằng, các em đã biết thế nào là nguy hiểm, thế nào là sợ hãi và sẽ cẩn thận khi sử dụng công cụ cũng như biết e dè trước những người lạ.
Nhưng thực ra, thì trong độ tuổi này sự tò mò là rất lớn, vì vậy đó chính là điểm yếu và thường dẫn đến những nguy hiệm cho bản thân các em .Vì vậy, chúng ta cần hướng dẫn và tập cho các em biết cách tự bảo vệ bản thân trong các hoạt động tại nhà, tại lớp và ngoài đường.
1/ Những nguy hiểm tại gia đình
Chúng ta có thể để trẻ ở nhà một mình được không? Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà cơ bản là độ tuổi, khả năng tự chủ của trẻ và mức độ mà chúng ta có thể tin cậy vào trẻ.
Dĩ nhiên là ít khi nào chúng ta phải để trẻ đối diện với những khó khăn khi phải ở nhà một mình hay chỉ với đứa em của nó. Thế nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra, và chính vì thế mà chúng ta phải tập cho trẻ biết ứng phó với tình huống này.
Những nguy hiểm do chính trẻ gây ra :
Ngay cả người lớn, đôi khi cũng bất cẩn để tự gây ra những nguy hiểm cho bản thân mình, vì thế với một đứa trẻ thì có rất nhiều nguy hiểm do các em tự gây ra, như làm bể vỡ các đồ dùng bằng thủy tinh, gây cháy – nổ trong bếp – té ngã vì leo trèo hay vì sự trơn trợt.
Những nguy hiểm do sự thiếu an toàn trong nhà:
Gia đình là một nơi chúng ta phải tự xây dựng và bảo quản. Cùng với thời gian, sẽ có nhiều vật liệu xuống cấp, hư cũ và có thể gây ra nguy hiểm cho chính chúng ta như:
Những hệ thống điện cũ kỹ sẽ gây chập mạch, hay nghịch ngợm của trẻ. Hệ thống nước cũng có thể gây ra những sự cố – Đôi khi có những tai nạn có vẻ như là bất ngờ như các tấm trần bị sập, hay các mảng tường bị đổ…nhưng thật ra, đó là do sự lãng quên của chúng ta khi thiếu sự xem xét, kiểm tra định kỳ.
Những nguy hiểm do các yếu tố bên ngoài:
Ngày nay việc trộm cắp thậm chí là những cuộc tấn công vào gia đình của những kẻ thủ ác không phải là điều xa lạ. Ngoài ra, những gia đình cũng là đích nhằm của những kẻ lừa đảo. Và có lẽ, một căn nhà vắng mặt người lớn sẽ là mục tiêu hấp dẫn nhất của những đối tượng này.
Những biện pháp giúp trẻ được an toàn hơn:
Trước hết, chúng ta nên biết là trẻ em nhận biết các con số nhanh chóng hơn với các chữ cái – Vì vậy , bạn nên ghi ra một số điện thoại quan trọng mà trẻ có thể gọi đó là : Số điện thoại của bạn, của đội cứu hỏa quận, của công an phường và của phòng cấp cứu bệnh viện Quận . Chúng ta có thể cụ thể hơn bằng cách vẽ một cách đơn giản hình của bạn bên số điện thoại của mình, hình que diêm bên cạnh số của đội cứu hỏa, hình chú công an và hình chữ thập đỏ bên cạnh các số điện thoại có liên quan. Điều quan trọng là bạn phải dặn con mình là không được gọi điện thoại để báo động giả bằng cách kể cho trẻ nghe những chuyện không hay về việc này.
Dĩ nhiên là bạn đừng quên dạy cho con nhớ tên của bố mẹ và số nhà – tên đường để có thể cung cấp những thông tin chính xác khi cần gọi điện thoại.
Khi ra khỏi nhà, chúng ta đừng quên đóng các cửa sổ, thu dọn những vật sắc nhọn và cả những que diêm, bật lửa cho dù trẻ đã có thể biết cách dùng. Bạn cũng đừng quên khóa bếp ga, vòi nước, cúp cầu dao điện những nơi không cần thiết và khi đóng cửa, bạn cần dặn con phải cài xích cửa và chỉ tháo ra khi bạn về và lên tiếng gọi trẻ bằng tên thường gọi ở nhà.
Chúng ta cũng nên dặn trẻ phải lưu ý :
– Hạn chế việc mở cửa ra khỏi nhà dù chỉ là để đổ rác hay để nói chuyện với một ai đó ( trẻ thường dễ dàng mở cửa để gặp một ai đó )
– Nếu ra khỏi nhà, dù chỉ 5 phút cũng phải khóa cửa lại
– Khi trả lời điện thoại, nhất thiết không được xưng tên mình cũng không gọi tên người kia (Chú Tâm phải không ? vì trẻ không thể nhận rõ giọng nói) và nói về tình trạng của mình ( Cháu đang ở nhà chỉ có một mình ) cũng như cho biết địa chỉ nhà. ( khi gặp trường hợp người kia hỏi về tên, địa chỉ nhà, tình trạng của trẻ thì nhất thiết phải cúp máy ngay )
Khi đi ra ngoài, chúng ta phải cho trẻ biết rõ là đi đâu và bao giờ về ( nhưng dặn trẻ là không được nói với bất cứ ai về điều đó ) cũng như không nên hẹn hay mời bất kỳ người nào đến nhà trong thời gian mình đi vắng và phải cho trẻ biết điều này để tránh trường hợp có những kẻ giả dạng là người quen của cha mẹ, đến yêu cầu trẻ cho mình vào nhà.
Trong trường hợp bất cập, nếu kẻ gian đã tìm được cách lọt vào nhà và trẻ biết điều đó thì trẻ phải lập tức tìm cách lẩn trốn ngay ( chui xuống gầm giường, chạy vào phòng tắm khóa cửa lại ) Vì thà mất một số đồ đạc còn tốt hơn là mất mạng sống của chính mình.
2/ Những nguy hiểm trên đường phố:
Hiện nay, việc đi lại trên đường phố ngày càng trở nên khó khăn hơn, ngoài những tai nạn giao thông có thể xảy đến bất cứ lúc nào, còn có rất nhiều tai nạn kiểu “trời ơi” có thể đổ lên đầu chúng ta và con em. Vì thế, việc nhắc nhở các em cẩn thận trong giao thông và khi đi ngoài đường là điều không thừa nhưng cũng khó mà có được sự chủ động để phòng ngừa.
Thế nhưng, cũng có những nguy hiểm khác mà chủ yếu là trong các quan hệ ứng xử với người mà các em nếu biết được những quy tắc ứng xử và các kỹ năng để phản ứng thì có thể hạn chế đến mức thấp nhất những điều không may có thể xảy đến cho các em.
Không tò mò đến gần các đám đông:
Khi thấy một đám đông trên đường phố, hầu như mọi người, đặc biệt là các em nhỏ rất thích chạy đến xem và đôi khi nhận lãnh những hậu quả thật đáng tiếc. Vì thế, chúng ta phải nhắc nhở các em khi đang đi chơi với bố mẹ hay đi trên đường phố, không nên chạy đến xem chuyện gì đang xảy ra trong một đám đông . Ngay cả khi chúng ta chở các em đi chơi hay đi học, nếu đi ngang qua đám đông thì cũng nên kìm nén lòng tò mò để không rẽ vào hay dừng lại , vừa không có ích gì mà lại gây ra tình trạng kẹt xe !
Không tiếp chuyện với kẻ lạ mặt:
Trẻ thường dễ dàng phản ứng trước những kẻ hung hăng, có dáng vẻ đe dọa. Nhưng thường mất cảnh giác trước các phụ nữ, hay các người đứng tuổi hay có vẻ dễ mến và từ đó dễ bị dẫn dụ trước những lời hỏi thăm, rồi sau đó là dẫn dụ để đi đến nơi này nơi khác.
Trước bất kỳ lời hỏi thăm, dẩn dụ nào trẻ cũng nên trả lời : Bố ( hay mẹ ) cháu sắp đến, để cháu hỏi bố (mẹ) cháu cái đã. Còn nếu trẻ không mạnh dạn thì cách tốt nhất là phản ứng bằng cách lắc đầu, bỏ đi ( nếu cần thì chạy về hướng có đông người )
Không đối đầu với một tốp người :
Nếu chúng ta, hay trẻ thấy ở phía trước có một đám thanh thiếu niên đang tụ hợp một cách ồn ào, lộn xộn hay đang ăn nhậu thì tốt nhất là lảnh ra xa hay rẽ qua đường khác vì vô tình có thể trở thành một đối tượng bị chọc ghẹo hay nạn nhân của một cuộc trấn lột.
Luôn đặt trẻ trong tầm mắt của mình:
Đây là điều mà chúng ta phải luôn lưu ý khi đưa trẻ đến những nơi đông người, như Hội chợ, công viên, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà sách…Để bảo vệ trẻ, chúng ta nên có những biện pháp sau:
– Trước khi đi chơi, bạn nên có một tấm ảnh của trẻ bỏ vào trong túi hay ví của mình, để khi cần thiết lấy ra cho những người quản lý hay công an để nhận diện.
– Bỏ vào túi áo (hay túi quần) của trẻ – tên và số điện thoại của bạn (nếu trẻ không nhớ)
– Khi chen lấn trong đám đông, luôn để con ở ngay phía trước mình và không chỉ bạn nắm tay trẻ, mà còn cần dặn trẻ cũng phải nắm chặt tay bạn
– Chỉ cho con một chỗ hẹn dễ thấy (ngay cửa ra vào – tượng đài hay một cửa hàng nổi bật ) khi trẻ lạc, phải tìm cách đến ngay đó.
– Chỉ cho con biết các nhân viên bảo vệ, hay người bán hàng.. để khi cần con có thể đến nhờ những người đó giúp đỡ.
3/ Những nguy hiểm trong các mối quan hệ:
Với trẻ 6 – 10 tuổi thì việc có bạn bè trong trường, trong khu phố là điều đương nhiên. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ này để tránh cho con tiêm nhiễm những thói xấu, nhưng cũng không quá tách biệt để trở nên cô độc.
Hãy làm bạn với con:
Người bạn đầu tiên mà trẻ cần xây dựng mối quan hệ bằng hữu, chính là bố mẹ các em. Vì nếu chúng ta không trở thành bạn bè của trẻ, thì khó mà giúp cho trẻ có được một khả năng chọn bạn mà chơi.
Nếu ngay từ trong những năm tháng trẻ còn nhỏ trong lứa tuổi này, mà bạn không thể hiện sự quan tâm chân thành tới những vấn đề (có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường) và tâm sự của trẻ ( Đôi khi rất buồn cười – trẻ con mà) để giúp con tạo mối tương giao, thì trẻ cũng sẽ có thái độ ứng xử giống như thế với bạn bè của chúng và kết quả là chúng sẽ có rất ít bạn hoặc chỉ gặp những người bạn lợi dụng.
Trong việc nhà, bạn có thể giao cho con những việc đơn giản mà cháu có thể làm được, không trách mắng khi trẻ làm sai mà giúp con cách sửa sai. Khi mua một bộ đồ mới bạn nên hỏi con gái bạn xem cháu có thích không, khi có một người khách đến nhà hay đến nhà ai chơi, sau đó bạn có thể hỏi suy nghĩ của trẻ về những người này.
Điều đó sẽ giúp cho trẻ sẽ rất tự nhiên giới thiệu bạn của cháu về những người bạn của mình và hỏi ý kiến của bạn về những vấn đề của mình. Trẻ sẽ làm điều đó một cách tự nhiên, chứ không phải là do sự ép buộc.
Hãy quan tâm đến những người bạn của trẻ:
Khi trẻ cho bạn biết về những người bạn của cháu, bạn hãy lưu ý đến cách ứng xử và những điều mà trẻ nói về người bạn đó, nêu như bạn nhận thấy cháu có vẻ như đã bị tiêm nhiễm những thói xấu từ bạn bè, thì điều chúng ta cần làm không phải là cấm đoán trẻ không được chơi với những người bạn đó, không buộc trẻ ở nhà và chỉ phê phán những điều xấu về những người bạn đó. Bạn hãy trò chuyện với trẻ, để tìm ra được cả những điều tốt lẫn xấu của bạn bè, rồi từ đó cho trẻ thấy việc chơi với bạn như thế sẽ đưa đến hậu quả như thế nào.
Hãy tìm hiểu bạn của trẻ:
Nếu đó là bạn trong lớp hay trong xóm, bạn nên tìm biết những thông tin về những cháu này, từ tên tuổi cho đến những thói quen. Từ những điều tốt cho đến những điều chưa tốt và bạn cũng nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về gia đình các cháu này. Nếu được, thì nên kết bạn với bố mẹ các cháu, hay ít ra cũng là người có mối quan hệ xã giao. Nếu có dịp nào gặp gỡ những đứa trẻ, hãy hỏi thăm và tìm cách làm quen với chúng. Hãy tạo điều kiện hay mời các bạn của con về nhà chơi, qua đó sẽ có dịp nhận xét cách ứng xử cũng như có dịp giúp cho các em những ý kiến cần thiết một cách vui vẻ, thoải mái.
Hãy giải thích cho con :
Khi nhận ra trẻ có những hành động hay thái độ đáng ngờ, nên giải thích cho con những điều vi phạm về đạo đức hay pháp luật, và trong trường hợp khi thấy trẻ mang về nhà một thứ gì không chính đáng, thì phải buộc trẻ phải trả lại ngay bằng cách đích thân đem trả hay có thể đi cùng với bạn để trả, nhưng sau đó không nên đánh hay phạt trẻ về những điều này, mà chi cho trẻ biết những hậu quả sẽ xẩy ra vì hành động đó.
Ngay trong giai đoạn này, nếu bạn xây dựng được cho trẻ những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp thì khi lớn lên, trẻ sẽ là người có được những mối tương giao tốt đẹp với những người xung quanh, và đó là một trong những yếu tố thành công trên bước đường đời.
Lê Khanh