HÃY XÔNG KHI BỊ CÚM CORONA
31/03/2020
CẢM XÚC NƠI CON
08/04/2020
HÃY XÔNG KHI BỊ CÚM CORONA
31/03/2020
CẢM XÚC NƠI CON
08/04/2020

Hôm nay là ngày 2/4/2020 –  Ngày được thế giới chọn là  ngày Nhận Thức về Tự Kỷ . Với góc độ tâm lý, xin không nói lại những kiến thức về Tự Kỷ  – mà rất nhiều cá nhân, đơn vị, đoàn thế đã đề cập – đã nhắc lại trong ngày hôm nay.

Chỉ bàn về hai chữ “Nhận Thức”  – là sự hiểu biết có ý thức về tự kỷ ! Tự kỷ là rối loạn phát triển, là khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ , hành vi…. Ai cũng biết ! Nhưng vẫn có 2 nhóm người chưa biết đúng  – nhóm thứ nhất là các ông bố, bà mẹ của trẻ tự kỷ . Tuy rằng  có nhiều phụ huynh còn giỏi hơn các nhà chuyên môn về việc nhận ra những vấn đề hay triệu chứng của con , nhưng có nhiều người vẫn chưa thể hay chưa muốn chấp nhận điều nhận biết đó với hai tâm thế : Một là cứ nhất quyết con mình là tự kỷ khi mới chỉ căn cứ vào một vài dấu hiệu nào đó dựa vào các thông tin trong sách vở và trên mạng ! Một là cứ nhất quyết con mình không phải tự kỷ, dù ở trẻ đã có gần đủ các yếu tố cần thiết về tình trạng này.

Nhưng dù cho rằng biết hay chưa muốn biết, thì họ vẫn mơ hồ về hai điều : Liệu con mình có trở lại bình thường hay không ? và tương lai con mình như thế nào ?! Để rồi từ đó họ gần như “lao đầu vào một cuộc chiến mà không biết mình đang chống lại cái gì, bằng cách nào và với công cụ gì ! Có nhiều người quyết tâm sống chết với cái nhãn Tự kỷ – họ tự phong hay được phong là chiến binh tự kỷ , họ hô hào mọi người, họ hăm hở học tập, họ hăng hái dạy con hết phương pháp này đến kỹ thuật khác, họ hồ hởi nói lên sự tiến bộ của con hàng ngày, hàng tuần, tưởng chừng như cái đích “ thoát tự kỷ” và “hội nhập xã hội bình thường” đã gần lắm rồi.  Nhưng trên thực tế thì sao ? Câu trả lời xin để dành cho các phụ huynh tự ngẫm !

Như vậy, phải chăng là trẻ không thể trở lại trạng thái bình thường sao ? Như vậy tương lai con tôi là dấu chấm hết khi đã là một trẻ tự kỷ hay sao ? Nếu nhìn trên bình diện cuộc sống thì có vẻ là như vậy, khi mà dù có can thiệp đến mức nào đi nữa, thì trẻ cũng chỉ có thể bình thường ở một vài phương diện, thậm chí là xuất sắc , nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực – nhất là lĩnh vực giao tiếp xã hội thì vẫn còn rất yếu kém. Thế nhưng, nếu ta nhìn rộng ra một chút – thì đâu phải chỉ có trẻ Tự kỷ là yếu kém trong ngôn ngữ, trong giao tiếp xã hội, mà có rất nhiều  đứa trẻ khác, kể cả các thanh thiếu niên và người lớn, cũng rất vụng về, lúng túng trong giao tiếp, rất dở về khoa ăn nói và rất dễ làm cho người khác khó chịu về cái tật “ nói thẳng – nói thật” hay “cố chấp” của mình – Bởi vậy, nếu lấy cái chuẩn là khả năng ngôn ngữ lưu loát – thì khối người sẽ được gọi là tự kỷ !  Thế mà, những người đó hầu như lại được người xung quanh chấp nhận, dù cũng khá  phiền lòng, nhất là khi họ là người thân của các đấng “gàn bát sách” này. Nhưng họ cũng có thể thông cảm được mà ! Thế nhưng, bố mẹ của trẻ tự kỷ và cả những người xung quanh thì lại không chấp nhận một đứa trẻ ăn nói dở hơi , không chịu học hành cho nghiêm túc. Họ phải rèn bằng mọi cách – và đối xử với lòng thương hại hoặc tệ hơn là bằng sự kỳ thị . Chính vì sự kỳ thị đó nên mới có ngày dành cho trẻ tự kỷ, chứ không có ngày dành cho trẻ dở hơi !

Còn nói về tương lai cho trẻ tự kỷ, quả thật là trẻ tự kỷ và khi lớn hơn là người tự kỷ, rất khó mà có một cái gọi là tương lai sáng sủa như những người bình thường ! À, thế nhưng một đứa trẻ bình thường, học hành tử tế, liệu có được một tương lai sáng sủa hay không ? Ai dám nói chắc ? Thậm chí, có khi học giỏi, tốt nghiệp đại học ra đàng hoàng, cũng có dám nói là sẽ có nắm chắc tương lai sáng sủa trong bàn tay hay không?

Tại sao phụ huynh lại quá lo lắng cho tương lai của đứa con tự kỷ khi mà ngay chính một đứa con bình thường, chúng ta vẫ chưa dám chắc là nó sẽ có một tương lai tốt đẹp ! Chính vì cái lo lắng cho một điều không thể lo lắng ấy, mà chúng ta đang ôm vào lòng  rất nhiều sự lo lắng và cũng làm cho đứa con tự kỷ đáng yêu của mình cũng lo lắng..lây và đau khổ thay, nó lại không thể hỏi hay nói ra được!

Có một thực tế đáng buồn là bố mẹ các trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ, thường tỏ ra ngần ngại khi cho con can thiệp ở một cơ sở có các trẻ tự kỷ hay tăng động kém chú ý có mức độ nặng hơn . Họ cho rằng, con họ có thể bị lây nhiễm các hành vi phá phách, bất ổn của các trẻ này. Rõ ràng là trẻ ở mức nhẹ và nặng không thể học chung trong một nhóm, nhưng thực ra, việc phân chia mức độ nặng nhẹ, là để cho việc xây dựng mục tiêu can thiệp cho hợp lý, và để đảm bảo cho mỗi trẻ đều có được những biện pháp thích hợp, chứ không phải là e sợ  sự lây lan, bắt chước hành vi của nhau sẽ làm cho việc can thiệp khó khăn hơn, hay trẻ sẽ bị ..nặng hơn vì chuyện bắt chước đó. Đúng là trẻ có thể bị nặng hơn, căng thẳng hơn nhưng không phải vì bắt chước trẻ khác, mà là do trẻ  bị lây niễm cái bầu khí lo âu, căng thẳng, mệt mỏi của những người xung quanh, đặc biệt là với người mẹ trong gia đình và người với giáo viên trực tiếp can thiệp cho trẻ nếu họ thường xuyên dạy trẻ bằng sự thờ ơ, khó chịu, mệt mỏi và vô tâm!

Vì thế nếu  trẻ bị thay đổi môi trường chăm sóc, thay đổi người giáo viên, người bảo mẫu đã gần gũi, đã chăm sóc và thiết lập được mối tương tác yêu thương, gắn bó với trẻ. Khi đó trẻ sẽ rất khó chịu, rất căng thẳng, dễ gây hấn, bùng nổ, hoặc trẻ cũng rất khó tiến bộ nếu cứ phải chịu đựng tình trạng lo âu, mệt mỏi, thiếu sự quan tâm của bố mẹ trong gia đình . Thế nhưng, đó có phải là đặc điểm của trẻ ViP không? Hãy thử xem như chúng ta, nếu phải xa cách người yêu, nếu phải thay đổi nơi cư trú, nếu cứ phải ở bên cạnh một người vô tâm, hay lo lắng, càu nhàu khó chịu, liệu chúng ta có sốc không ? Có lo lắng, có đau khổ không ? có bực mình dể nổi nóng không?  Chỉ khác chăng, là chúng ta nhận biết được điều đó, và cũng có thể nói ra được điều đó và tìm cách xử lý  – còn trẻ tự kỷ thì chưa thể, chưa biết bộc lộ, tỏ bầy và bé lo lắng, căng thẳng vì cái điều chưa biết tỏ bầy đó thôi.

Nếu soi cho kỹ, xét cho cùng thì tình trạng rối loạn ngôn ngữ, hành vi, nhận thức và khó khăn trong giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ đúng là một vấn đề cần phải giải quyết, nhưng không thể chỉ giải quyết bằng các phương pháp “chất lượng cao” mà còn phải kèm theo đó là cách ứng xử phù hợp  – nhưng đó cũng là một tình trạng mà chúng ta phải chấp nhận, hay nói đúng hơn là biết cách ứng xử cho phù hợp.  Như vậy, có thể nói nhận biết về chứng tự kỷ không chỉ là biết về các triệu chứng, dấu hiệu mà phải là một thái độ chấp nhận và không kỳ thị về những hành vi không bình thường của trẻ tự kỷ – vì trong một chừng mực, đó là chuyện bình thường giống như phản ứng, thái độ của bất cứ đứa trẻ nào khi rơi vào các hoàn cảnh như thế.

! Chúng ta có thể chia sẻ, phổ biến cả trăm dấu hiệu về Tự kỷ để cho mọi người nhận biết, nhưng nếu chưa thuyết phục được chính các Phụ huynh, các nhà chuyên môn và các thành phần trong xã hội, qua sự trao đổi, chia sẻ, trình bầy để họ có thể xem các hành vi, các phản ứng, các cách ứng xử của trẻ tự kỷ là bình thường thì công việc truyền thông của chúng ta là vô ích. Hiểu về tự kỷ không có nghĩa là đeo lên người một logo, treo trên tường FB của mình một dấu hiệu màu xanh… mà chính là thái độ tôn trọng và chấp nhận các trẻ tự kỷ, các người có tình trạng tự kỷ, có được một chỗ đứng trong xã hội !

Các chứng trầm cảm, rối nhiễu tâm lý, hay các bệnh tâm thể ở trẻ nếu được trị liệu tâm lý đúng cách sẽ bình phục với thời gian – Nhưng với chứng tự kỷ, nó không chỉ là một tình trạng rối nhiễu tâm lý hay một căn bệnh có thể chữa khỏi dù lâu hay nhanh. Nó cũng không phải là một khuyết tật không thể điều trị, không có thuốc chữa , mà Tự kỷ cần được xem là một phong cách, một tính chất và chỉ có thể cải thiện qua mối tương giao hai chiều với sự chấp nhận, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau.  Các phương pháp can thiệp về ngôn ngữ và hành vi là điều cần thiết nhưng chưa đủ, nếu chúng ta cứ tập trung vào việc điều chỉnh và uốn nắn các triệu chứng, mà không  tạo cho các em niềm vui được sống và hoạt động trong một môi trường phù hợp với sự thấu hiểu và yêu thương ngay với các biểu hiệu, hành vi mà ta gọi là bất thường. Đó mới là giá trị đích thực nếu chúng ta đã hiểu về Tự kỷ.

Sài Gòn mùa Covid 19

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý