NHÌN LẠI DÒNG ĐỜI

Trong dòng chảy của lịch sử, cuộc đời tôi cũng như những người cùng trang lứa cái tuổi 65, biến cố 1975 như một bước ngoặc tàn nhẫn đã làm thay đổi biết bao số phận. Với tôi đó củng là một biến cố thay đổi cuộc đời. Điều may mắn là trong 20 năm đầu cuộc sống, tôi được hấp thu hai nền tảng giáo dục tuyệt vời :

  • Nền tảng giáo dục nhà trường từ tiểu học, trung học đến một năm đầu của ngưỡng cửa đại học, của VNCH. Dù chưa hoàn thiện như những bậc đàn anh, nhưng cũng giúp cho tôi những kiến thức cơ bản về nhận thức để có thể trôi trên dòng đời mà không bị những dòng xoáy của sự vô cảm và vong thân rồi mất định hướng như rất nhiều những bạn trẻ sau này.
  • Nền tảng giáo dục ngoài trời của phong trào Hướng Đạo, dù chỉ hơn 10 năm tham gia ( từ 1968 – 1975 và 2 năm sau đó từ 1991 – 1993 ) Chính những kỹ năng sống của phong trào HĐ đã giúp tôi từ một cậu bé nhút nhát, thụ động, hướng nội và không có tài cán gì, đã trở thành một thanh niên khéo tay có thể thích nghi với những xáo trộn trong cuộc đời một cách tự tin.

Nhờ hai nền tảng đó mà sau này dù có nhiếu biến cố xáo trộn trong cuộc sống cũng không làm tôi mất đi những giá trị sống cơ bản của con người. Cho đến nay, nhìn lại những gì mình đã trải qua các giai đoạn trong cuộc sống, thì mỗi một giai đoạn dù khác biệt, nhưng cũng tạo ra những vốn liếng cho các giai đoạn sau .

Sau gần 10 trôi nổi với đủ thứ nghề tạm bợ thì  những năm tháng làm việc ở Bệnh Viện Tâm Thần ( lúc đó là Trung tâm sức khỏe Tâm thần ) đã tạo cho tôi nền tảng và những hiểu biết dù rất hạn chế, nhưng cũng đủ làm cơ sở để bước vào một lĩnh vực cực kỳ thú vị : Ngành tâm lý lâm sàng trẻ em với một người thầy mà tôi luôn kính trọng : Cố BS Nguyễn Khắc Viện, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

Lần dầu tiên được đặt chân ra Hà Nội vào những năm 1991 – 1993, rồi 1995 cho đến 2000 để học tập và có được một học bổng ở Pháp trong Lĩnh vực Tâm lý Lâm sàng trẻ em, đã giúp tôi xác định được hướng đi của cuộc đời. Có thể nói, so với bây giờ thì những kiến thức và thông tin về tâm bệnh lý trẻ em, những rối nhiễu tâm lý và nhất là những hiểu biết về một dạng trẻ đặc biệt là trẻ Tự kỷ hay rối loạn phát triển là rất  sơ khai , nhưng đó là những giá trị nền tảng , mà cho đến nay , sau gần 30 phát triển, ngành tâm bệnh lý trẻ em, ngoài trừ những bước tiến do nhu cầu của xã hội về trẻ tự kỷ hay trẻ Chậm phát triển Trí Tuệ, về cách đánh giá, các phương pháp can thiệp . Thì những kiến thức về tâm lý trẻ em hay các rối nhiễu tâm lý vẫn không khác mấy so với với những năm 90 và đầu thập niên 2000.

Bước tiếp theo là tôi theo học ngành Công Tác Xã Hội khóa đầu tiên năm 1992 – dù chỉ một thời gian ngắn hơn 3 năm cũng giúp tôi có được những kiến thức nền về ngành CTXH, một lĩnh vực cũng non trẻ không kém gì so với ngành Tâm lý lâm sàng Trẻ em . Nhưng nhờ có sự thúc đẩy của các NGO nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động mạnh mẽ trong giai đoạn đó mà ngành CTXH phát triển vượt bậc, vươn tầm ra khắp đất nước và đào tạo ra nhiều nhân tố tích cực với trình độ kiến thức sâu rộng cũng như tạo ra được những biến chuyển tích cực trong xã hội.

Với những kiến thức về Công Tác Xã hội, tôi tham gia vào trong lĩnh vực Giáo dục kỹ năng sống để sau đó, theo nhu cầu xã hội đã tạo thành một trào lưu phát triển các hoạt động Giáo dục kỹ năng sống rầm rộ tại các thành phố lớn, tạo ra những khóa huấn luyện như Học Kỳ Quân Đội , các chương trình đào tạo “thần đồng” như Tôi tài giỏi, tôi khác biệt …dường như đã thổi một luồng gió mới vào các giá trị sống, các kỹ năng mềm cho thanh thiếu niên từ những năm 2010. Nhưng đến nay tiếc thay hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường cũng như ngoài xã hội lại đi vào những lối mòn của cách dạy hàn lâm, lý thuyết nhiều hơn thực hành và gần như là những “phong trào mì ăn liền” . Điều này không góp phần được bao nhiêu cho sự phát triển một nhu cầu thiết yếu của trẻ em ngày nay : Đó là việc hình thành nhân cách để trở nên một học sinh tự tin và chủ động trong cuộc sống. Giúp trẻ thoát ra được hai hội chứng tai hại : Hội chứng con cưng và hội chứng Gà công nghiệp.  Cũng như  một vấn nạn chưa có lời giải : Nạn nghiện Games online khi mà mạng lưới Internet phát triển như vũ bão và thế giới kỹ thuật số ngày càng xâm nhập vào cuộc sống tại mỗi gia đình, đem lại những tiện ích nhưng đồng thời có những tác hại không hề nhỏ.

Có một điều cũng gọi là may mắn, dù chưa được công nhận nhưng phong trào Hướng Đạo, từ những hoạt động dè đặt trong buổi đầu phục hoạt những năm 1993 – 94. Đến nay cũng phát triển mạnh mẽ ở các thành phố lớn, chủ yếu trong Miền Nam từ Huế trở vào. Hà Nội cũng có được một vài đơn vị, đã góp phần vào việc hướng dẫn kỹ năng sống với các hoạt động ngoài trời cho một số các bạn trẻ. Cho dù so với trước 1975 chưa có được một hệ thống đào tạo bài bản từ lứa tuổi trẻ em cho đến thanh thiếu niên, thì Hướng đạo trong giai đoạn này cũng góp phần giúp cho các bạn trẻ có được những giá trị sống tích cực.

Một trong những giai đoạn hoạt động nhiều cảm xúc nhất, khiến tôi đầu tư nhiều năng lực nhất, nhưng lại gặp phải những thất bại cay đắng nhất là giai đoạn tổ chức một đơn vị Giáo dục Kỹ năng Sống và tư vấn tâm lý tại TP Vũng Tàu. Có thể nói, đây là một nỗ lực với nhiều mơ mộng nhất, và những cách tổ chức “tài tử” nhất ! Nhưng đã giúp tôi rút ra một bài học sâu sắc là không nên làm gì những điều quá tầm, không nên ôm đồm quá nhiều việc trong cùng một lúc.

Người ta thường nói : Có đam mê là có tất cả, nhưng thực ra đam mê chỉ là một động lực khiến ta có thể dám bước đi, nhưng nếu không có đủ kiến thức và vốn liếng cả tinh thần lẫn vật chất thì chắc chắn sẽ đưa đến những thất bại. Đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm mà tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, không biết, không thể và có khi không muốn vận dụng. Chính điều này khiến cho hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực Tâm lý, Giáo dục đặc biệt cũng như Giáo dục Kỹ năng sống đều manh mún, mạnh ai nấy làm, không hình thành nổi những hệ thống mạng lưới có thể hỗ trợ và làm việc cùng nhau.

Điều này không thể trách bất cứ một thế hệ nào, vì cho đến tận bây giờ, từ các tập thể nhỏ cho đến các công ty lớn, các tổ chức đơn giản của trẻ em trong lớp học cho đến các tập thể lớn ngoài xã hội, thì khả năng làm việc nhóm ở mỗi tập thể là điều hiếm có ! Sự thành công ở một đơn vị nào đó, phần lớn là dựa vào tài năng của những người tổ chức cộng với sự may mắn của thời cuộc, hơn là do kết quả làm việc của một Team đoàn kết, găn bó.  Điều này cho thấy đó chính là tâm lý  của người Việt : tinh thần gia đình vượt lên trên tinh thần tập thể ! Những tổ chức hay công ty gia đình, hoặc vận hành theo tinh thần gia đình  dễ điều hành và ổn định  hơn các công ty tập thể hoạt động theo tinh thần đồng đội!

Sau giai đoan “nép mình” trong thành phố Biển thì cũng một bước ngoặc khác tạo cho tôi cơ hội bước ra ngoài xã hội, một mình một kiếm để “vuốt râu hùm” đi đào tạo, huấn luyện ở các thành phố chủ yếu là ngoài Bắc từ năm 2014.  Hoạt động này đã cho phép tôi được rong chơi nhiều địa danh, thắng cảnh và thưởng thức những món đặc sản khắp nơi, biết thêm nhiều người, nhiều tấm gương về học tập và lập nghiệp của các bạn trẻ. Cũng học được nhiều bài học về tình người…Đồng thời là dịp bước vào một tập thể thật dễ thương và gắn kết : Trung Tâm Giáo dục Kidstime với những hoạt động và những kỷ niệm khó quên.

Cũng giống như phong trào giáo dục kỹ năng sống, những hoạt động của tôi cùng các lớp tập huấn về tâm lý và giáo dục đặc biệt, đã tạo nên một làn sóng tập huấn của các “cao thủ võ lâm” vốn dĩ xưa nay “đóng cửa luyện công” nhưng nhờ cú huých của một chuyên viên tâm lý ham chơi, mà các anh hùng hảo hán đã bung ra với rất nhiều các buổi huấn luyện, đào tạo .. hội thảo, tọa đàm… đủ loại. Nhờ đó đã giúp cho rất nhiều các bạn sinh viên có cơ hội biến thành giáo viên giáo dục đặc biệt, chỉ sau vài khóa huấn luyện, cũng như giúp cho nhiều phụ huynh mở rộng kiến thức, không chỉ để mang về dạy con, mà còn có thể mở lớp, mở trường, mở ra các khóa đào tạo tại địa phương với tinh thần : Điếc không sợ súng ! Nhưng cũng là một trào lưu khiến cho hoạt động giáo dục trẻ đặc biệt trăm hoa đua nở, với những điều tiêu cực bên cạnh những giá trị tích cực, giúp ích cho nhiều gia đình cải thiện được tình trạng con em,  và cũng khiến cho không ít gia đình “tiền mất, hy vọng tan” tiếp tục hành trình “vái tứ phương” với những phương pháp thần kỳ chưa kiểm chứng ngày càng nở rộ, nhờ một cái chợ trời cực kỳ rộng lớn : Mạng xã hội Face book!

Tôi là người không thích cách hoạt động “theo phong trào” nhưng lại vô tình là một thành viên trong giai đoạn đầu của những hoạt động tạo ra các phong trào : Đầu tiên là phong trào thành lập một loạt các trường Tương Lai  ( Dạy trẻ Chậm phát triển ) rồi các trường Hy Vọng ( dạy trẻ Khiếm Thính ) của thập niên 1990 – 2000 của BV Tâm Thần TPHCM. Sau đó là các trung tâm dạy kỹ năng sống của thập niên 2010 cho đến nay. Rồi cũng là một tác nhân tạo ra hàng loạt các khóa huấn luyện trong lĩnh vực can thiệp, giáo dục trẻ đặc biệt .

Từ khi làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em và giáo dục đặc biệt,  tôi chưa hề thành công ở bất kỳ cơ sở  nào ! Nhưng cũng có thể nói mình như một kẻ khai phá với những bước chân đầu tiên, để rồi trong các cơ sở đó, những người kế tiếp với tài năng và kinh nghiệm hơn hẳn, đã đem lại thành công cho nhiều hoạt động khác nhau trong phạm vi tâm lý lâm sàng và Giáo dục đặc biệt. Điều này cũng có thể nói là nỗi buồn, nhưng “tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc ! Nhìn những nơi mình đã từng ngồi xuống đứng lên, nhỏ những giọt mồ hôi cho đến vắt kiệt chất xám để tạo ra những giá trị, mà nay vẫn hoạt động một cách tốt đẹp, thì cũng cảm thấy vui và hài lòng vì đó cũng gọi là cống hiến !

Cho đến nay, đầu đã hai thứ tóc, đã vấp ngã nhiều phen, đã có nhiều giấc mơ không thành, nhưng cái nết đánh chết không chừa , lại tiếp tục đưa tôi đến một vùng đất xa lạ, nhưng ngày càng gắn bó – Vùng Chợ Mới An Giang với những người dân hiền lành chất phác cởi mở , lại tạo cho tôi những ước mơ không hề nhỏ : Có một cộng đồng phát triển cho các trẻ đặc biệt.  Đây là một quan điểm có nhiều khác biệt với cái nhìn chung về trẻ Tự kỷ hay trẻ đặc biệt. Hầu hết các gia đình cũng như các tổ chức giáo dục, đều mong muốn đưa trẻ tự kỷ vào hội nhập trong cuộc sống bình thường, với những trẻ có mức độ nhẹ thì điều đó là không khó. Nhưng từ mức độ trung bình cho đến nặng, thì việc cố gắng can thiệp hay trị liệu để “thoát khỏi tự kỷ” là một hành trình viễn tưởng. Sau giai đoạn can thiệp sớm khi bước vào lứa tuổi thiếu niên, thì cho dù có được một khả năng và kiến thức nhiều hay ít, thì các em vẫn không thể tự mình quản lý cuộc đời qua những mối quan hệ giao tiếp xã hội, mà vẫn phải lệ thuộc vào gia đình.  Cũng có người nghĩ đến mô hình “Làng Tự kỷ” để giúp đỡ các em có những hoạt động đời thường một cách an toàn trong một không gian tách biệt. Nhưng trong xã hội Việt Nam, thì kỹ năng làm việc nhóm vẫn là một hạn chế muôn đời, cho nên đó cũng sẽ là những kế hoạch chỉ khả thi trên …lý thuyết !

Một năm gắn bó với vùng Chợ Mới – An Giang, trong ngôi nhà Diệp Quang, chưa phải là nhiều , nhưng với những người xung quanh, tuy vẫn chưa phải là một Team hoàn hảo, nhưng với lòng tôn trọng, sự cần cù, tinh thần yêu thương các trẻ đặc biệt như con cháu trong nhà , và nhất là với những định hướng phát triển : Biết người, biết ta của ban giám đốc và tinh thần cầu thị, học hòi của đội ngũ nhân sự ở đây, thì lại một lần nữa, giấc mơ chưa mòn lại tiếp tục hình thành từng bước một.

Còn sống là còn hy vọng – Nỗ lực rồi cậy trông – Không đặt tất cả quả trứng vào một cái rổ và biết người – biết ta . luôn là những giá trị giúp tôi bước đi trong cuộc sống hôm nay và ngày mai.

Lê Khanh .Viết cho một ngày vui –