Giáo dục là Dạy dỗ hay bầy Trò Chơi
23/06/2020
Càng đơn giản Càng Hay
30/07/2020
Giáo dục là Dạy dỗ hay bầy Trò Chơi
23/06/2020
Càng đơn giản Càng Hay
30/07/2020

Người ta thường nói, “thà nói chuyện với đầu gối”, vì đầu gối không hề cãi lại, cho dù không ai biết, đầu gối có lắng nghe hay không. Ở đây, thay vì nói chuyện với đầu gối, tôi không chỉ nói chuyện về đôi bàn chân, mà theo tôi, ta cần phải tâm sự với đôi bàn chân mỗi ngày, vì lẽ, đôi bàn chân là bộ phận thân thể bị lợi dụng nhiều nhất, và bị lơ là nhiều nhất.

Này nhé, trong văn chương thơ phú, khi tả về sắc đẹp của người phụ nữ, từ trên xuống dưới, từ mái tóc, đôi mắt, mũi, môi, miệng, cho đến đôi bàn tay, cánh tay, và xa hơn nữa… là cặp đùi, hay bằng tiếng lóng, “chai dần”! Nhưng, không biết vì lý do gì, văn thi nhạc sĩ lại dừng ngang đôi bàn chân, ít khi nói tới. Không phải là không có, mà nếu có thì cứ xem đôi chân là phần ô dề, xấu xí nhất của thân thể.

Đó là ở Việt Nam, còn ở Mỹ, theo nghiên cứu có thật, trên 50% người Mỹ, khi tắm, không kỳ cọ hay thoa xà phòng đôi bàn chân!

Khi nói về sức khoẻ cũng thế, người ta lo chăm sóc những bộ phận khác của cơ thể, mà không nghĩ đến vai trò quan trọng của đôi bàn chân, chịu đựng hàng trăm, hàng ngàn tấn sức nặng, qua bao năm tháng, “đội trên đầu”, chuyên chở toàn bộ cơ thể, hay giúp khuân vác những vật nặng. Ấy thế mà nhiều người đã bỏ lơ mất tầm quan trọng của 42 bắp thịt, 26 đốt xương và 33 khớp xương bé nhỏ, chưa kể những mạch máu, những sợi gân, và những dây thần kinh được kết hợp rất khéo léo. Mỗi ngày, người ta nhồi nhét đôi bàn chân ấy vào những đôi giày, đi đứng và chạy nhảy, xem như chuyện tự nhiên. Chưa kể những đôi giày thật sang, thật mỹ miều nhưng lại thật chật hẹp, gò bó không khác gì tục bó chân của người Trung Hoa ngày xưa.

Tôi đã từng bị gãy xương bàn chân, phải băng bột và ngồi xe lăn để khám bệnh hay mổ xẻ. Tuy chỉ là thời gian ngắn nhưng đủ để cảm thông cho nỗi khổ của những người bị tật nguyền không còn đôi chân, hay bị liệt.

Mỗi khi nói đến bệnh tật của đôi chân, người ta chỉ nghĩ đến chuyện gãy xương bàn chân, trẹo mắc cá khớp xương chân, hay bong gân xương chân. Và, ngoài những bệnh trực tiếp đến đôi bàn chân như thấp khớp, bệnh gout, chai da, hay nấm móng chân… thật ra, nhiều dấu hiệu bệnh tật trong trong thể lại được biểu hiệu lên đôi bàn chân.

Theo Đông Y, một số huyệt mạch trên đôi bàn chân có thể liên hệ hay ảnh hưởng đến một số cơ phận nội tạng nào đó trong cơ thể. Bằng cách xoa nắn những huyệt mạch nầy, có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các nội tạng. Chuyện ấy tôi không hiểu rõ, nhưng theo Tây Y, có nhiều sự tương quan giữa đôi bàn chân và các bệnh kinh niên khác trong thân thể.

  1. Bệnh tiểu đường

Người bị bệnh tiểu đường thường có cảm giác như bị kim chích hay lửa đốt ở đầu ngón chân. Khi lượng đường trong máu tăng, những phân tử đường sẽ bám vào chung quanh những dây thần kinh. Hiện tượng “thắng đường”, hay “ngào đường” ảnh ưởng đến các tế bào dây thần kinh, tương tự như kho cá hay làm mứt khiến cho những dây thân kinh nầy không hoạt động bình thường. Vì thế những sự đau nhức xảy ra khi các dây thần kinh bị hư.

  1. Bệnh suy tuyến giáp hay cường tuyến giáp

Tuyến giáp (thyroid), ở cần cổ, phía trước cuống họng, giúp điều hòa thân nhiệt và năng lượng trong cơ thể. Người bị suy tuyến giáp (hypothyroidism), dễ bị mệt, da khô, luôn cảm thấy lạnh, và bị trầm cảm (depression). Ngược lại người bị cường tuyến giáp (hyperthyroidism), dễ bị căng thẳng thần kinh, dễ ra mồ hôi, da mỏng, sợi tóc dễ gãy, và suy yếu bắp thịt. Những dấu hiệu tương ứng cũng hiện ra ở đôi bàn chân như làn da, và móng chân. Thí dụ, móng chân dễ bị rạn nứt, bàn chân luôn đẫm mồ hôi là dấu hiệu của cường tuyến giáp, còn khô da, chân bị nức nẻ là do suy tuyến giáp.

  1. Thiếu hụt dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng cũng biểu lộ trên đôi bàn chân. Thiếu calcium và vitamin D làm cho xương giòn dễ vỡ. Ngoài ra thiếu vitamin B-12 hay thiếu chất khoáng magnesium cũng làm cho bàn chân bị tê hay đau nhức.

  1. Các bệnh về thần kinh

Các chứng đau nhức xương cốt như đau lưng kinh niên làm cho bàn chân bị đau. Trẻ em bị đau bàn chân thường là do những bệnh về suy cơ bắp và thần kinh (neuromuscular diseases).

  1. Suy thận

Bàn chân bị sưng phù do thận bị yếu. Nước không thể thải ra khỏi cơ thể sẽ bị ứ đọng xuống chân.

  1. Bệnh về tim mạch

Suy tim hay cao huyết áp cũng làm cho bàn chân bị sưng phù. Nếu mạch máu bị nghẽn, lông trên ngón chân sẽ không mọc được.

  1. Ung thư

Những dấu lỡ loét trên da mà không bị đau thường là dấu hiệu của ung thư da. Nếu trên móng chân có những lằn đen thường là dấu hiệu ung thư của những nơi khác trong cơ thể. Rất nhiều trường hợp ung thư phổi lại có dấu hiệu lở loét thể hiện trên đôi bàn chân.

Thế đó, đôi bàn chân đã đưa loài người ra khỏi Phi Châu từ mấy chục ngàn năm trước. Cũng đôi bàn chân ấy ông cha ta đã băng Hoành Sơn, vượt Trường Sơn, Nam tiến, và, cũng những đôi chân ấy, đưa dòng máu Việt đi khắp năm châu. Làm sao lại đành quên?
Theo tôi, bàn chân đáng được nâng niu và chuyện trò hơn là đầu gối. Lần sau, mỗi khi nhìn xuống dưới… nên nhìn xa hơn một tí, bạn nhé.

BS Hồ Ngọc Minh

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý