Những Điều Đầu Tiên
13/06/2020
Nói chuyện với bàn chân
07/07/2020
Những Điều Đầu Tiên
13/06/2020
Nói chuyện với bàn chân
07/07/2020
Có một nhận thức khó thay đổi trong suy nghĩ của Giáo viên hay bố mẹ, khi nói đến hoạt động can thiệp hay giáo dục trẻ em, là phải có người dạy cùng các kỹ thuật tác động lên trẻ . Người dạy giỏi thì tác động hiệu quả, dạy dở thì tác động kém hiệu quả, đôi khi phản tác dụng ! Vấn đề chỉ là dạy bằng phương pháp gì, và phương pháp đó có tốt, có tính khoa học hay không mà thôi ! Như vậy, nếu nói rằng dạy mà không cần phải tác động bằng sự ép buộc hay dẫn dụ, chỉ là cần tạo ra những cơ hội cho trẻ tự hoạt động, tự khám phá và qua đó tự nhận thức, thì nhiều người sẽ cho rằng đó không phải là can thiệp hay giáo dục ! Bởi vì Giáo dục có nghĩa là phải làm sao cho trẻ nghe theo lời mình, biết hoạt động theo sự hướng dẫn của mình , phải làm được những điều đúng và không được phép có những hành động vượt ra ngoài các khuôn khổ đã quy định.
Trong phạm vi giáo dục bình thường, thì việc “Thầy giảng – trò ghi” – “thầy dạy, trò làm theo” đó là nguyên tắc chủ đạo – mà kết quả là các em sẽ thuộc bài, làm bài được và có điểm tốt. Mục tiêu cuối cùng là được lên lớp, rồi tốt nghiệp …Nhưng ngoài những kiến thức mà các em phải nhớ, phải thuộc để đạt được điểm cao trong các kỳ thi, các em sẽ có gì trong cuộc sống khi theo đúng cái nguyên tắc chủ đạo này? Các em có được sự tự tin – linh hoạt – thích nghi – hiểu biết về chính mình để có thể tự đặt ra cho mình những mục tiêu phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân không? Có thể tự thoát ra khỏi những tình huống khó khăn bất ngờ hay có thể tự khuyến khích mình tìm tòi, giải quyết một vấn đề mới chưa từng gặp bao giờ hay không ?
Để trả lời cho câu hỏi này, thì lại phát sinh ra những hoạt động hướng dẫn khác – nào là tư vấn hướng nghiệp, nào là đánh giá năng lực bằng các Test tâm lý, đi học các khóa kỹ năng sống, hay buộc trẻ đi nghe các chuyên gia diễn thuyết để khóc hết nước mắt khi được chỉ ra các “tội lỗi” của mình ! Có khi phụ huynh lại cho làm một bản sinh trắc vân tay để khám phá tiềm năng. Nhưng sau khi đã được tư vấn các kiểu, biết ngành nào là tốt, kiếm được nhiều tiền, dễ tìm việc làm..phù hợp với sở thích của mình, sau khi soi đủ 10 đầu ngón tay, biết mình thuộc nhóm người nào, tính cách ra sao, có loại trí thông minh gì …nên học cái gì thì các em lại vẫn tiếp tục phải đi tìm thầy để ..học thêm về những cái được cho là tốt nhất cho mình, hay đã có thể tự mình bước đi trên con đường lập thân bằng khả năng tự học chưa ?
Ngoài ra, nếu để các em một mình xoay sở trong một hoàn cảnh nào đó – thì liệu các em có thể giải quyết được vấn đề, hay lại tiếp tục “túm váy mẹ” để lại phải có sự dẫn lối, cầm tay chỉ việc thậm chí là làm dùm luôn cho xong? Cuối cùng, nếu các em thành công thì có cho là mình tài năng, còn nếu thất bại thì lại cúi đầu đổ thừa cho hoàn cảnh, số phận hay không ?
Cả đến khi bị quá tải vì những vấn đề tâm lý, trở nên trầm cảm, thất vọng hoặc ẩm ương, trở nên khó chịu …thì bố mẹ lại đi tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để mong chờ một loại thuốc thần kỳ nào đó, một phương pháp hiệu quả nào đó do nhà chuyên môn ra tay trị liệu cho con mình, mà không nghĩ rằng con sẽ phải tự “bước đi” trên chính đôi chân của mình. Nhà chuyên môn chỉ là người chỉ hướng, chỉ là người đưa ra các công cụ… mà mình phải tự làm, tự đứng lên, tự thay đổi.
Nhưng, để có những cái tự đó, thì trẻ đã phải có một quá trình tập luyện, mà trong tiến trình trưởng thành, thì cái suy nghĩ và nhận thức: “Không thầy đố mày làm nên” đã trở thành nguyên tắc ứng xử không tranh cãi rồi! Điều đó khiến cho bản thân các em đã không thể tự bước đi, không thể tự làm gì vì không quen, không muốn, không dám nghĩ đến điều đó để từ đó có thể đưa vào các hoạt động trong cuộc sống đời thường. Khi đã không có được thói quen tự chủ đó, những biện pháp “trị liệu” dùng sự thay đổi của chính mình làm động lực có thể giúp được gì cho em ?
Với các trẻ đặc biệt cũng là suy nghĩ như thế ! Không có các chuyên gia giỏi để can thiệp, không có các giáo viên đặc biệt có kinh nghiệm để “uốn nắn hành vi” cho trẻ, thì phụ huynh đâu biết làm gì ? Cần phải đưa trẻ đến các trung tâm chuyên biệt, chứ ở nhà thì bố mẹ không dạy được – Đó cũng là một nhận thức không thể thay đổi. Ngay cả khi được tư vấn, hướng dẫn rằng bố mẹ phải biết dạy hay chơi với con…thì vẫn thấy rằng mình không thể dạy được, vì “nó không nghe lời” và mình cũng không biết “dạy” như thế nào ! kể cả việc dùng đòn roi hay bánh kẹo, đồ chơi …ra để cưỡng chế hay dụ dỗ cũng không xong! Thế rồi, lên mạng tìm kiếm kinh nghiệm dạy con của các phụ huynh khác, mang về áp dụng cho con mình mà không nghĩ rằng con mình khác con bạn vì mỗi đứa trẻ là một cá tính, là một vấn đề khác nhau. Nếu “may thầy phước chủ” mà con có đáp ứng, thì có khi lại mở luôn một khóa huấn luyện cho mọi người !
Thường thì sau khi trẻ được đưa đến cho một chuyên gia, một giáo viên giỏi , tâm huyết … có được những kỹ thuật tốt … thì các em sẽ có những biến chuyển và tiến bộ rõ ràng. Từ một trẻ chưa có ngôn ngữ, các em nói được…từ việc chưa biết các hoạt động cá nhân, các em bắt đầu làm được… Phụ huynh mừng như trúng số …và bắt đầu xây ..mộng ! Trẻ chưa nói, thì đặt mục tiêu là trẻ nói…bây giờ trẻ đã nói, có khi lại nói quá nhiều, thì đặt mục tiêu là phải nói đúng, phải nói lưu loát … Trẻ vừa mới tiến bộ sau một thời gian can thiệp, thì lập tức cho đi học hòa nhập, để lấy các trẻ bình thường ra làm mục tiêu phấn đấu cho con. Cứ thế cho đến một lúc nào đó, thì phụ huynh mới thấy rằng, dù đã hết sức tác động, đã cho đi can thiệp đủ loại trường, đủ loại phương pháp…các em vẫn có những hạn chế trong nhận thức, suy luận và đặc biệt là khả năng tự chủ rất thấp! Các em có thể đọc được, viết được các chữ, các câu ngắn, biết kêu bố A..ơi, mẹ B..ơi .. chỉ con gì cũng biết, nhìn hình là nói được tên… Nhưng để tự ý nói một câu ngắn, đặc biệt là những câu về cảm xúc…thì lại phải một quá trình dài… Nhưng ngay khi trẻ có thể nói được một câu dài đầy đủ, thì hình như mục tiêu vẫn còn xa lắm….
Trong quá trình can thiệp, đa phần phụ huynh thường lấy cái đích cuối làm mục tiêu, như với trẻ dưới 5 tuổi thì hầu như cái đích luôn là lớp Một ! và việc cho được trẻ đi học là một thành công, dù rất khiêm cưỡng… chứ việc các em có thể tự giải quyết một vấn đề nào đó, tự làm tốt các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mình lại không phải là mục tiêu ! Bởi vì để “đẩy” được các em vào lớp, khiến cho các em bật ra lời nói, thì đã có rất nhiều phương pháp để áp dụng và một đội ngũ các giáo viên sẵn sàng hỗ trợ. Chứ để cho các em tự thay quần áo, biết gấp quần áo cho vào tủ. Biết tự ý làm các việc “ vặt” trong nhà như quét và lau sạch một căn phòng, biết nhặt rau, vo gạo, bật bếp… nấu mì tôm .. hay rửa chén, đóng đinh, cột một sợi dây treo khăn …thì đó không phải là mục tiêu quan trọng hay cần thiết và nhất là chẳng có giáo trình, phương pháp hay thầy cô nào dạy cả! Vậy thì làm sao mà “trút cái gánh nặng” cho ai hay là dựa vào cái gì để dạy ? Thôi đi mua một chục hộp VNK về đè ra cho trẻ uống là tự nói được thôi !
Ngay cả đến việc làm sao cho trẻ tự giác ngồi vào bàn học đúng giờ, tự giải quyết các bài tập trong vở, tự chép một trang giấy, tô một cái hình…cho đến việc tự ý dọn dẹp gọn gàng bàn học của mình.. thì cũng chẳng có phương pháp nào mà không cần tới người nhắc nhở, thậm chí là phải đe nẹt, dọa dẫm với cây roi hay có khi mẹ thì quát, con thì khóc và dạy trong nước mắt thì mới xong được một giờ học.
Từ việc Tự ăn, tự ngủ, tự chơi…cho đến tự giác, tự học, tự chủ, tự tin … là một tiến trình bắt đầu từ những hoạt động tự ý trong cuộc sống đời thường, chứ không phải bắt đầu từ những cuốn giáo trình dày cộm. Không phải bắt đầu từ các giáo viên đầy kinh nghiệm, từ các chuyên gia đầy bằng cấp…mà từ chính bố mẹ, từ chính những trẻ là anh là chị hay thậm chí là con ..hàng xóm ! Những điều đó bắt đầu từ những hướng dẫn không bó buộc, không từ chương to tát mà chỉ là những điều nhỏ nhặt, được xem là các trò chơi vui vẻ, để trẻ tự làm… một cách tự nhiên với một chữ : cùng nhau! Cha mẹ sẽ cùng làm, cùng chơi, cùng vui, cùng cố gắng hòa mình với trẻ… không hề có một luật lệ nào ngoài chữ : Tôn trọng ! Không hề có một bó buộc nào ngoài chữ yêu thương. Không hề có một áp lực nào ngoài chữ vui vẻ !
Trẻ thích nhất điều gì ? Chơi ? thì ta cho chơi – ăn cũng chơi, làm cũng chơi mà học cũng là chơi ! Hãy quan sát một đứa trẻ khi chơi – chưa khi nào có một sự tập trung như thế, có một sự hào hứng như thế và cũng rất nỗ lực như thế – Hơn thế nữa, chơi là tự do, là tự nguyện là tự ý ….Có khi nào ta gặp một đứa trẻ vừa khóc vừa chơi ? có khi nào đứa trẻ chỉ có thể chơi với..cái roi bên cạnh! Có phương pháp nào được như thế không ? có giờ học nào được như thể không ? Và chỉ có những giáo viên thực sự “đẳng cấp” mới có thể giúp cho trẻ Học như Chơi !
Cũng như cái suy nghĩ – Học là phải dạy, mà dạy là phải có người dạy, phải có bài học …. Thì cái suy nghĩ chơi thì chỉ tổ mất thời gian, chỉ làm cho trẻ ..hư thôi, chẳng có gì hay ho mà trẻ có thể phát triển, tiến bộ qua chơi được …vẫn là suy nghĩ chủ đạo! Bởi vì đa phần người lớn chỉ biết dạy chứ không biết..chơi!
Học như chơi ? thế chơi có phải học không ? Phải học chứ, học thật lực nữa là đằng khác …nhưng học là phải dạy ? phải buộc trẻ tuân theo các nguyên tắc ? Chơi cũng thể, cũng là dạy, nhưng ta không nói miệng mà là bầy vẽ , là làm mẫu cho các em tự ý bắt chước theo, không hề có sự bắt buộc ở đây, và cũng không hề có sự dựa dẫm, nhờ vả hay làm thay ở đây. Nguyên tắc là phải chơi đúng – nhưng sai cũng không sao, trẻ sẽ thấy ngay là nếu làm sai sẽ không có kết quả và sẽ tự sửa chữa, điều chỉnh . Chơi có kỷ luật không ? Có chứ, nếu vi phạm thì sao ? Thì ..nghỉ chơi , mà nghỉ chơi thì ..buồn lắm , nên phải tự chấp hành kỷ luật thôi. Có chấp hành thì mới có kết quả tốt, mà có kết quả tốt thì mới vui. Vui chính là động lực và cũng là mục tiêu . Ai cũng nói là Vui chơi, chứ không ai nói là buồn chơi ! Vậy thì cứ ..chơi đi nhé …Đời cũng chỉ là một ..trò chơi thôi mà !
Lê Khanh – TT Giáo dục ĐB Diệp Quang.

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý