Xây dựng mối quan hệ gia đình
21/04/2011Dạy con làm người dễ hay khó?
21/04/2011Ngay từ bé, có lẽ một trong những điều làm cho đứa trẻ thích thú nhất là được nằm trong lòng mẹ để nghe mẹ hát những bài ca đơn giản, nhẹ nhàng ru mình vào giấc ngủ say nồng hay được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích….
. Nhưng ngoài điều đó ra thì việc được mẹ chỉ cho xem những hình ảnh sinh động, hay vừa kể chuyện vừa minh họa bằng những hình ảnh trong các cuốn truyện tranh đầy mầu sắc cũng đem lại những thú vị không kém, thậm chí còn làm cho trẻ thỏa mãn phần nào tính tò mò vốn có đồng thời cũng đem lại cho trẻ những cảm xúc thông qua việc cùng bố mẹ đọc sách.
Ban đầu, trẻ chỉ nhìn hình trong sách và kết hợp với những điều được nghe, để hình dung và ghi nhớ thành những thông tin trong “bộ nhớ” của mình. Đến khi trẻ bắt đầu biết đọc thì rõ ràng việc đọc được những con chữ trên các trang sách là một trong những khám phá mà trẻ có thể đạt được và qua đó dần dần cảm nhận được những niềm vui, tình cảm và giá trị sống đặc biệt là tính yêu thương những người xung quanh và khả năng chia sẻ, quan tâm đến người khác của bé sẽ được phát triển một cách hiệu quả từ những nội dung mà sách chuyển tải .
Chính những cảm nhận này đã giúp trẻ phát triển được những đức tính tốt một cách tự nhiên khi thông qua các hoạt động của những nhân vật trong truyện hay ý nghĩa của nội dung, và dĩ nhiên cũng sẽ có sự tiêm nhiễm các thói quen xấu nếu có. Vì thế người ta đã nhận thấy, những truyện có nội dung xấu, tiêu cực hay có nhiều sai sót về văn phong, chính tả cũng góp phần không nhỏ vào việc làm lệch lạc những hành vi, nhận thức của trẻ. Bố mẹ khi thấy con trẻ cầm trong tay một cuốn truyện thì cũng nên “liếc” qua để biết sơ về nội dung. Thậm chí có khi cũng phải đọc một cách kỹ lưỡng để biết được những gì chuyển tải trong các tập truyện kia có thích hợp với con hay không hầu có những biện pháp đáp ứng kịp thời.
Trẻ nên đọc như thế nào
Trước hết, muốn trẻ đọc thì phải tạo cho trẻ những thuận lợi về không gian và thời gian, phải có những “tấm gương” trong gia đình và có được những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, việc đọc sách cần được xem là một thú vui, một sự ham thích một cách tự nguyện chứ bố mẹ không thể ấn vào tay một đứa trẻ và bắt buộc trẻ phải đọc giống như một bài học ở nhà trường.
Chúng ta cũng nên “thoáng” một chút trong việc chọn sách cho con, điều đó có nghĩa là cứ để cho trẻ chọn sách theo hứng thú của mình rồi tìm cách điều chỉnh chứ không nên buộc hay yêu cần con phải mua loại sách này, hay loại truyện kia mà theo bố mẹ cho rằng đó là những cuốn sách có tính “giáo dục cao”, và một khi trẻ đã “ngán” đọc thì hẳn là khó mà có thể tạo được cho trẻ có thói quen đọc sách.
Việc đọc sách có thể diễn ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, thậm chí là bất cứ ở đâu. Nhưng không vì thế mà ta có thể buộc trẻ dính chặt với cuốn sách suốt ngày. Chỉ cần một số giờ trong ngày, như sau giờ ăn trưa và chiều hoặc một khoản thời gian trong các buổi đi chơi dã ngoại, du lịch thì việc đọc sách sẽ đem lại những kết quả tốt. Nhưng nếu lại lấy lý do cần đọc để vừa ăn vừa đọc thì lại là một điều không nên chút nào. Chúng ta cũng nên giúp trẻ phát triển những kỹ năng phân tích, tổng hợp và ghi nhớ. Khi trẻ đã đọc xong, chúng cũng nên hỏi qua về nội dung cuốn sách, ai là nhuân vật chính, ý nghĩa chủ yếu của cuốn sách là gì ? Dĩ nhiên là không buộc trẻ phải trình bầy như một bài tóm tắt, nhưng điều đó sẽ giúp cho trẻ tìm và nhớ được những giá trị mà cuốn sách có thể đem lại.
Trẻ cũng có thể đọc nhanh hay đọc chậm một cuốn sách, điều đó tùy thuộc vào thời gian, sự hứng thú và nội dung cuốn sách, nhưng trẻ không nên đọc với một thái độ miễn cưỡng hoặc vừa đọc vừa ăn quà, vừa đọc vừa xem TV vừa tán dóc với nhau. Điều đó không chỉ làm cho sự cảm thụ của trẻ bị giảm sút mà còn làm cho việc đọc sách trở nên tầm thường khiến trẻ không còn biết giữ gìn những cuốn sách có trong tầm tay.
Không phải là bất cứ cuốn sách nào cũng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về giá trị, mà đôi lúc chúng ta cũng phải chấp nhận có những cuốn sách đọc cho vui, vô thưởng vô phạt và đó cũng là một giá trị rồi. Ngay cả trong một số câu truyện tranh hay cổ tích mang tính bạo lực, đấm đá thì nếu mang được tính logic trong việc giải quyết tình huống cũng có những giá trị nhất định mà phụ huynh nên chỉ ra cho con cái nhận biết.
Văn hóa đọc tại gia đình
Có thể nói việc đánh giá “trình độ” hay “tính văn hóa” của một gia đình có thể dựa trên 3 yếu tố:
– Họ có những bữa cơm gia đình thân mật và vui vẻ
– Họ có những căn phòng vệ sinh sạch sẽ và gọn gàng
– Họ có những tủ sách – kệ sách phong phú và ngăn nắp
Yếu tố đầu nói lên mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh của các thành viên trong gia đình, yếu tố thứ hai nói lên khả năng quản lý của người nội trợ và sự tôn trọng giữa các thành viên với nhau, và yếu tố thứ ba nói lên trình độ nhận thức của gia đình đó.
Vì vậy, việc quan tâm để giúp trẻ có được sự hứng thú trong việc đọc sách và biết cách chọn lựa sách để đọc không chỉ là việc giúp cho sự phát triển về kiến thức của đứa trẻ, mà còn qua việc tổ chức được một “không gian đọc sách” trong gia đình sẽ giúp cho các thành viên trong nhà trở nên quan tâm, gần gũi và nâng cao được trình độ nhận thức cho chính gia đình nữa. Nói cách khác, bố mẹ và con cái thích đọc sách là một trong những yếu tố tạo nên và gìn giữ cho hạnh phúc của gia đình.
Cv. Tl Lê Khanh
Gv trường Quản Trị Cuộc Đời LIMA