Hội Thảo Kỷ Luật Không nước mắt
10/04/2015Hội Thảo Kỷ luật Không Nước Mắt Lần II
23/04/2015Khi đứng trước một đứa trẻ tự kỷ, thoạt tiên chúng ta không có một ấn tượng nào vì vẻ bề ngoài hết sức bình thường của bé. Khác với các trẻ khuyết tật về giác quan và vận động hay các em có hội chứng Down… trẻ tự kỷ thường trông hết sức đáng yêu với vẻ ngoài linh hoạt. Thế nhưng chỉ cần cất tiếng chào hỏi, hay bước lại gần để tìm cách tiếp cận
… Chúng ta sẽ đụng ngay một “bức tượng” vô cảm với một cái nhìn thờ ơ, không có câu trả lời nào và cũng không một dấu hiệu nào cho biết là em đang “thấy” ta, không một cử chỉ nào cho thấy em đang có sự nhận biết về một con người trước mặt. Ngược lại, điều làm bé quan tâm, thu hút cái nhìn của em lại là một món đồ, thường là những vật có thể chuyển động như những chiếc xe hơi, xe lửa đồ chơi, bánh xe đạp hay cánh quạt, chiếc đồng hồ với những con số nhấp nháy.. Những chiếc điện thoại di động, màn hình máy vi tính hay TV là những điều hấp dẫn các em nhiều hơn là gương mặt “nghiêm nghị hay vui vẻ” hoặc “dễ thương” của một giáo viên, chuyên viên hay bác sĩ trước mặt em.
Có trường hợp, một trẻ khi đưa đến phòng khám tâm lý, sau giai đoạn thờ ơ ban đầu, trẻ thấy một chiếc ô tô gỗ nhỏ, và lập tức cầm lên để chơi.. Chuyên viên đưa cho bé những món đồ chơi khác, bé cầm lấy, liếc qua rồi bỏ xuống, quay về với cái ô tô “của mình” và chỉ mân mê chơi với cái vật nhỏ bé ấy trong suốt quá trình chẩn đoán. Đến khi ra về, được yêu cầu trả lại chiếc ô tô, thì ngay lập tức từ một chú bé đang vui vẻ, tự nhiên …bé trở nên hung dữ, phản ứng một cách quyết liệt… thậm chí khi được đưa cho một chiếc ô tô đồ chơi khác, bé cũng không chấp nhận mà phải đòi cho bằng được chiếc ô tô mình đã cầm lên đầu tiên và đang chơi với nó.
Điều đó cho thấy, bé không có nhận thức một cách khái quát về những món đồ chơi, cho dù cùng loại hay cùng chức năng…mà bé chỉ biết có một vật tạo cho mình cảm giác ổn định và an toàn để bám lấy vật đó.
Không phải trẻ Tự Kỷ nào cũng bám lấy các món đồ chơi, vì đa phần các em không biết chơi đồ chơi, mà chỉ cầm nắm và sử dụng theo cách riêng của mình với những vật dụng thực sự… Bé có thể quan tâm đến một vật nào đó, chứ không chơi đồ chơi giống các trẻ khác, nghĩa là chơi với trí tưởng tượng và hình dung. Bởi vì khi một đứa trẻ đang chơi, là em đang để cho trí tưởng tượng, khả năng hình dung của mình hoạt động một cách tích cực, chính vì vậy mà những món đồ chơi lắp ráp như Lego hay các hình dáng cách điệu đơn giản của các món đồ chơi gỗ lại có sức thu hút các em nhiều hơn là những món đồ chơi định hình rõ ràng. Một cháu bé trước một số khối gỗ, bé có thể sắp xếp, chồng chất thành những hình dạng khác nhau, với bé thì những khối gổ đơn giản ấy có thể là một tòa lâu đài, một xe tải, một cái cầu..thậm chí là một con robot nếu bé nghĩ nó là như thế. Nhưng trẻ tự kỷ thì không, trẻ chỉ có thể tiếp cận với những gì mà bé không phải sử dụng đến các kỹ năng nhận thức cơ bản là hình dung, liên tưởng, phân tích và tổng hợp.
Chúng ta thường nói đến một kỹ năng vượt trội của trẻ tự kỷ, là trí nhớ hình ảnh hay trí nhớ chụp ảnh, trẻ nhớ nhanh và lâu những gì mà mình thấy và quan tâm, đó là ưu điểm nhưng cũng là một khuyết điểm lớn ở trẻ, bởi vì cũng như một tấm ảnh đã chụp và in ra sẽ không thể sửa được… Những gì đã được lưu vào “trí nhớ” của các em sẽ khó thay đổi. “Hình ảnh” ở đây không chỉ là một vật, mà còn có thể là một hành động, một phản ứng, một từ ngữ hay một câu nói được lập đi lập lại trở thành thói quen. Chính các hành vi rập khuôn hay các từ ngữ lập đi lập lại là một biểu hiện của chứng Tự kỷ.
Một bé chỉ uống sữa đựng trong một cái ly thì sẽ rất khó khăn khi phải uống sữa trong hộp giấy, thậm chí là một cái ly mầu khác… Một bé khi đi về nhà, hay đi đến trường sẽ theo một lộ trình nhất định, bé sẽ phản ứng và lo lắng thậm chí là hoảng loạn nếu không đi đúng theo con đường đó ….Ngay cả việc lập lại các câu nói của người khác một cách máy móc, nhớ và thuộc các bài hát nhưng không hiểu nội dung cũng là một đặc điểm của trẻ tự kỷ mà nhiều phụ huynh lại cho rằng đó là một năng lực thông minh.
KHÁC BIỆT VỀ KHẢ NĂNG NHẬN THỨC :
Với một trẻ bình thường thì bé sẽ trải qua những giai đoạn phát triển như sau :
– Phát triển về giác quan từ 0 – 3 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ phát triển nhận thức qua sự tiếp xúc, tác động từ bên ngoài thông qua các giác quan như nhìn, nghe, nếm và chạm (hay vuốt ve). Chính sự tác động từ bên ngoài mà ta gọi là ngoại cảm (extérocetif) cùng với những cảm nhận xuất phát từ cơ khớp và tiền đình về những vận động của cơ thể của chính đứa trẻ, ta gọi là tự cảm (proprioceptif ) đã tạo nên những nhận thức ban đầu giúp trẻ có sự chủ động trong các mối quan hệ với bên ngoài, đặc biệt là với người mẹ. Các cảm giác này còn mơ hồ, lẫn lộn và gắn bó với người mẹ mà việc ôm ấp, bú mớm sẽ giúp cho trẻ có được sự ổn định và phát triển.
– Phát triển về vận động từ 3 tháng – 12 tháng : Trẻ bắt đầu có những nhận thức về sơ đồ cơ thể (Shéma coporel/body scheme) Trẻ sẽ dần dần ý thức được sự vận động qua việc phối hợp giữa các bộ phận như đầu, cổ, tay, chân, các khớp gối và thân mình. Trong quá trình phát triển vận động thì khả năng biết bò trong phạm vi từ tháng thứ 6 – 8 là rất quan trọng. Tình trạng chậm phát triển về vận động hay phát triển không quân bình là dấu hiệu báo động cho sự yếu kém về mặt trí tuệ.
– Phát triển về ngôn ngữ từ 1 – 3 tuổi : Đây là một giai đoạn phát triển hết sức quan trọng, trẻ tiếp nhận được nhiều thông tin và bắt đầu có sự nhận biết, hiểu các yêu cầu bằng lời nói của người lớn, và trẻ bắt đầu tập nói qua sự bắt chước, ban đầu là những từ ngữ rời rạc nhưng dần dần sẽ tạo thành những câu nói ngắn. Chính trong giai đoạn này mà những khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ bộc lộ ra, qua đó khi được chẩn đoán các nhà chuyên môn sẽ phát hiện những hạn chế hay rối loạn về giao tiếp để có thể nhận biết và đánh giá chứng tự kỷ nơi trẻ.
Từ ba giai đoạn phát triển hết sức quan trọng này, trẻ sẽ hình thành khả năng nhận thức về môi trường, về thế giới bên ngoài và hình thành khả năng giao tiếp xã hội. Nếu so sánh với trẻ Tự Kỷ, thì ngay từ khi sinh ra, nếu có sự hiểu biết và quan sát các khả năng cảm nhận thông qua giác quan của trẻ, phụ huynh mà đặc biệt là người mẹ sẽ nhận thấy những điều bất thường nơi con mình. Hai đặc điểm cần lưu ý trong giai đoạn này là tiếng khóc và nụ cười.
Tiếng Khóc: Có thể nói tiếng khóc trong giai đoạn đầu đời là một loại ngôn ngữ giao tiếp mà trẻ có thể gửi đến người mẹ để báo cho mẹ biết các nhu cầu của mình. Bé sẽ khóc khi đói, khi bị ướt, khi bị lạnh và cũng có thể khóc để đòi bế, hay bị làm phiền và khi trẻ bị nóng sốt hay bị đau. Một người mẹ thực sự quan tâm và gắn bó với con có thể hiểu ý nghĩa của từng loại tiếng khóc khác nhau nơi con mình. Thậm chí khi đang ngủ, tiếng xe cộ chạy ngoài đường không làm bà tỉnh thức, nhưng chỉ một tiếng khóc nhỏ của đứa con cũng có thể đánh thức bà.
Nụ cười : Một loại ngôn ngữ giao tiếp thứ hai là nụ cười. Trong tháng đầu tiên khi ngủ trẻ thường cười mỉm , ta gọi đó là nụ cười “bà mụ dạy” , đó là một nụ cười vô thức không có lý do. Cho đến tháng thứ hai trẻ mới có phản ứng cười trước khuôn mặt người, đánh dấu mốc tổ chức thứ nhất ( theo nhà tâm lý Spitz ). Đó là một tín hiệu giao tiếp tích cực cho thấy khả năng nhận thức của trẻ. Trong trường hợp bé thiếu vắng sự giao tiếp, hay không được chăm sóc bởi người mẹ ruột, thì nụ cười của bé sẽ có nguy cơ là không được đáp trả và trẻ sẽ thôi không muốn giao tiếp nữa. Đó là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thiết lập quan hệ với thế giới bên ngoài.
Ở trẻ Tự kỷ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bất thường trong hai đặc điểm này, người ta nhận thấy trẻ tự kỷ thường có tiếng khóc cao lanh lảnh và cũng ít khi bé khóc, mặc dù có thể bé cũng bị tác động vì đói, vì lạnh, vì đau …nhưng chính khả năng nhận thức không đồng đều của chứng tự kỷ khiến bé không có những phản ứng bằng tiếng khóc một cách phù hợp với tình huống như ở trẻ bình thường.
Về nụ cười cũng thế, trẻ tự kỷ thường không có phản ứng trước khuôn mặt vui vẻ hay nhăn nhó, giận dữ của người mẹ, bé tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm hoặc có thể cười mà không cần một lý do nào. Thái độ này thường được xem là sự hiền lành, dễ nuôi hay là một đứa trẻ vui vẻ…!
Hiện nay, việc nhận biết các dấu hiệu của trẻ Tự kỷ đã khá phổ biến nhưng việc phát hiện sớm vẫn chưa phải là một điều đơn giản. Do các tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng tự kỷ vẫn chưa có được sự thống nhất bởi tính chất phức tạp của nó.Vì thế trẻ thường chỉ được phát hiện sau 2 hay 3 tuổi, là giai đoạn trẻ bắt đâu đi học nhà trẻ, mẫu giáo và bộc lộ những khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi. Như vậy, việc cha mẹ có sự am hiểu về những khác biệt của trẻ tự kỷ trong giai đoạn sơ sinh thông qua sự biểu lộ không bình thường qua hai công cụ giao tiếp là tiếng khóc và nụ cười, có thể giúp cho các bà mẹ nhận ra những dấu hiệu nguy cơ để có những hành động cần thiết và phù hợp, giảm thiểu phần nào những nguy cơ của con mình.
Ở đây chúng ta cũng cần xác nhận là những hạn chế trong việc chăm sóc con, không quan tâm đến việc giao tiếp với con trong giai đoạn này cũng như trong các giai đoạn sau trong quá trình hình thành ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp xã hội không phải là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ, mà nhiều người gọi là “ bệnh Tự kỷ”. Sự vô tình của bà mẹ trong thời điểm này chỉ là một tác nhân khiến cho chứng Tự kỷ của trẻ bộc lộ ra rõ hơn và cũng trở nên khó khăn hơn trong tiến trình can thiệp mà thôi.
KHÁC BIỆT VỀ KỸ NĂNG GIAO TIẾP XÃ HỘI :
Có thể nói là phần lớn trẻ tự kỷ được phát hiện sau khi bố mẹ đưa cháu đến nhà trẻ, mẫu giáo. Chính thái độ kém thích nghi, hạn chế trong việc giao tiếp chơi đùa với các trẻ khác là dấu hiệu khiến cho các em bị xem là có tình trạng tự kỷ, mặc dù những rối nhiễu tâm lý khác như chứng Hiếu động kém chú ý ( Attention Deficit Hyperactivity Disorder = ADHD) hay chậm phát triển về trí tuệ cũng là một hàng rào ngăn cản khả năng giao tiếp, ứng xử với các trẻ khác trong khuôn khổ nhà trường hay khu xóm.
Chúng ta thấy rằng, trong môi trường xã hội, trẻ tự kỷ thường không hiểu được ý nghĩa những hoạt động chung quanh mình, không biết suy luận hay rút kinh nghiệm, không có khả năng đặt mình vào vị trí thích hợp trong không gia và thời gian. Nhà tâm lý Uta Frith cho là trẻ đã thiếu mất một khả năng gọi là “ Xung năng đạt đến sự mạch lạc chung” đó chính là khả năng thích nghi hay khả năng tổng hợp các thông tin về hình dạng, âm thanh, vị trí .. để đạt đến sự nhận thức với môi trường bên ngoài. Khi các thông tin càng phức tạp thì trẻ càng khó hiểu hơn.
Hơn nữa, dù ở mức độ nào thì tình trạng Tự kỷ cũng khiến cho trẻ khó có thể phân biệt giữa cái không quan trọng và quan trọng, ngay cả trong việc ăn uống. Đa số trẻ thường có thái độ dửng dưng với mọi người và kèm theo đó là sự ham thích, quan tâm đặc biệt đến một số đồ vật hay những hành vi đặc thù mà mọi người đều thấy là không cần thiết hay không có ý nghĩa nào !
Trong quá trình giao tiếp, thì khả năng hiểu biết thái độ, hành vi hay sự quan tâm của người khác với bản thân là điều cần thiết và quan trọng. Khi đi học và thông qua các hoạt động tại lớp, tại trường… Trẻ mẫu giáo thường có thái độ chỉ biết có mình, chúng ta gọi là trạng thái ái kỷ (Narcissism ) là một giai đoạn phát triển cảm xúc ở trẻ em, khi bé chưa phân biệt giữa cái Tôi và người khác hay vật khác, khác với tính cách ích kỷ (Egoism) là một thái độ luôn mưu cầu những lợi ích cho bản thân, điều này thường xuất hiện ở trẻ lớn hay người trưởng thành. Còn ở trẻ nhỏ, thì bé chỉ biết có mình cùng những vật mà bé sở hữu. Thậm chí là chỉ cần bé cầm một vật trong tay thì sẽ coi vật đó là của mình ! Tuy nhiên, sau một số trải nghiệm trong môi trường xã hội cùng với sự lớn lên, thì từ 3 tuổi trở lên, trẻ sẽ nhận biết về cái Tôi, phân biệt được cái gì của mình và của người khác. Bé có thể đưa trả một món đồ mà mình đang cầm hay đang chơi khi được biết rằng đó không phải là của mình. Thế nhưng với trẻ Tự kỷ thì không, trẻ có thể sẽ hết sức gắn bó với một vật nào đó chỉ là một vật dụng bình thường hay hoàn toàn thờ ơ với những vật xung quanh, kể cả những món đồ chơi mà hầu như trẻ em nào cũng quan tâm.
Trong sự khác biệt về khả năng giao tiếp xã hội thì trẻ tự kỷ thường thể hiện ra với những biểu hiện theo từng nhóm như sau :
– Nhóm có thái độ xa lánh mọi người : Trẻ hầu như không quan tâm đến ai, không nhận ra sự hiện diện của những người xung quanh. Khi có ai gọi, trẻ không phản ứng, có ai nói với mình trẻ cũng không trả lời, trên khuôn mặt hầu như không biểu lộ một cảm xúc nào. Trẻ có thể rất soi mói nhưng cũng có thể lờ đi, nếu ta chạm vào trẻ thì bé sẽ co người lại.. vì vậy có nhiều phụ huynh lầm tưởng là con mình bị điếc hay lãng tai.
– Nhóm có thái độ thụ động: Trẻ có thể không tách biệt với mọi người, nhưng không chủ động trong giao tiếp, trẻ chỉ có thể chơi các trò chơi mà bé là người thi hành, được chăn sóc như mẹ, con hay bác sĩ khám bệnh. Còn với các trò chơi mà trẻ phải chủ động thì hầu như trẻ không muốn hay không thể tham gia.
– Nhóm có những hoạt động kỳ quặc : Trái với tình trạng trên, các trẻ trong nhóm này lại tỏ ra có vẻ quá tích cực tiếp cận những người chăm sóc mình. Trẻ luôn luôn đòi hỏi phải làm theo yêu cầu của mình mà không hế chú ý đến thái độ hay phản ứng của người khác. Khi tiếp cận, trẻ thường nhìn chằm chằm vào người đối diện hay có khi lại ôm thật chặt. Khi không được chú ý như đòi hỏi, trẻ trở nên cáu gắt hay có thái độ hung hãn.
– Nhóm có những hành vi hình thức hay khoa trương : Kiểu hành vi này thường chỉ xuất hiện ở tuổi thanh niên, thường phát triển ở những đối tượng có khả năng cao và có khi nói năng rất lưu loát. Các em này có cách ứng xử lễ độ có phần thái quá mang tính hình thức, thường bám lấy một cách cứng nhắc các nguyên tắc giao tiếp mà thực ra họ không hiểu ý nghĩa của các nguyên tắc này. Vì thế trong các tình huống cần biến đổi đi chút ít thì các em dễ phạm phải những sai lầm, nhiều khi rất sơ đẳng.
Khả năng hiểu biết tâm tư của người khác :
Trong tiến trình phát triển tâm lý và tiếp xúc với người khác, thì khả năng thấu hiểu tâm tư của những người xung quanh là hết sức cần thiết và quan trọng. Ở trẻ 3 – 4 tuổi, khi đã có sự phân biệt bản thân và người chung quanh, thì các em có thể dựa trên sự quan sát nét mặt tươi cười hay nghiêm khắc, giọng nói nhẹ nhàng hay gay gắt để có thể nhận ra cảm xúc của bố mẹ, hay thầy cô… để từ đó có những phản ứng thích hợp. Với những em có khả năng trí tuệ cao hay trẻ trên 5 tuổi, bé còn có khả năng hiểu được những hành vi hay lời nói nước đôi hay mang tính nghịch lý hoặc có nghĩa bóng . Trong giao tiếp, người lớn thường hay sử dụng các hình thức này như một cách đo lường khả năng và phản ứng của trẻ . Khi trẻ bầy tỏ ý muốn đi chơi, thì có khi sẽ nhận được câu trả lời : Con muốn đi chơi hay ở nhà cũng được, điều đó có thể là cho trẻ tùy ý quyết định, nhưng thường khi ấy trẻ phải đoán biết được cảm xúc của bố mẹ để có một quyết định hợp ý . Khi trẻ muốn ăn bánh, bố mẹ sẽ trả lời theo kiểu nghịch lý : Muốn ăn thì cứ ăn đi, hay thích thì cứ ăn…nhưng có thể nếu trẻ không tinh ý đoán biết qua khuôn mặt hay cách nói thì sẽ bị phạt vì làm theo sự đồng ý mà không đồng tình của bố mẹ.
Đối với trẻ tự kỷ, thì với các hình thức trả lời như thế này, trẻ hoàn toàn không thể hiểu được, và sẽ làm theo sự suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Vì thế, khi trao đổi với trẻ tự kỷ thì một câu nói rõ ràng, trắng là trắng, đen là đen là điều cần thiết nếu muốn trẻ có thể hiểu và thi hành theo yêu cầu của mình.
Khả năng nhận thức về truyền thông trong giao tiếp xã hội :
Bên cạnh những khó khăn trong việc nhận biết tâm tư của người khác, trẻ tự kỷ thực sự gặp những trở ngại lớn trong việc giao tiếp. Chúng ta biết rằng trong cuộc sống hằng ngày, mọi người thường giao tiếp với nhau dưới hai hình thức :
– Giao tiếp bằng ngôn ngữ ( Communication Digitale )
– Giao tiếp bằng phi ngôn ngữ ( Communication Annalogique )
Trong giao tiếp phi ngôn ngữ, người ta dùng điệu bộ, vẻ mặt, động tác của bàn tay và cơ thể để diễn tả, thông thường thì đó là một cách để làm cho rõ nghĩa hơn cho lời nói. Trẻ em hay người bình thường đều có thể hiểu các ý nghĩa này, nếu đã được biết qua. Thậm chí là có thể hiểu được những sự thật mà người nói có thể che dấu qua ngôn ngữ. Thế nhưng, trẻ tự kỷ hầu như bất lực trước các dấu hiệu này và chính vì vậy, trẻ tự kỷ không thể tham gia các trò chơi sắm vai hay giả vờ với các hoạt động cần đến óc tưởng tượng và sự am hiểu ý nghĩa của các hành động, dấu hiệu mang tính tượng trưng của cơ thể.
Với các công cụ mang ý nghĩa tượng trưng, trẻ tự kỷ không thể nắm bắt được. trẻ cầm các món đồ chơi hay bất kỳ một món đồ nào khác, chủ yếu chỉ là để có cảm giác về sự đụng chạm. Một số trẻ khác thì có thể sử dụng các món đồ chơi có hình dạng công cụ rõ ràng như đồ làm bếp, xe hơi hay xe lửa chạy trên đường ray, nhưng cũng rất đơn giản với một số thao tác mang tính lập đi lập lại.
Một số trẻ khá hơn có thể chơi giống như sắm vai hay tưởng tượng, các em sẽ thực hiện một loạt các hoạt động do các em nghĩ ra, nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ, thì sẽ thấy đó cũng là những hành vi rập khuôn, lập đi lập lại theo một trình tự nhất định. Trẻ tự kỷ không thể chơi các trò chơi với những thao tác khác nhau. Trẻ có thể đóng vai một nhân vật nào đó theo truyền hình hay truyện kể, có thể là một con thú hay con chịm, thậm chí là một đầu máy xe lửa. Nhưng một điều lạ lùng là các em này hầu như không phải giả vờ mà coi mình chính là nhân vật hay đồ vật đó ( Tương tự cảm giác bất phân ở trẻ dưới 2 tuổi ). Có trẻ tỏ ra thích nghe một câu chuyện hay xem đi xem lại một loại phim ca nhạc hay hoạt hình, và nếu có thiếu hay sai một đoạn nào, trẻ có thể nhận ra ngay nhưng trẻ vẫn không có khả năng nhận biết ý nghĩa của câu chuyện mặc dù trẻ có thể đọc lại đúng từng câu.
Chính điều này đã khiến cho trẻ rất khó khăn trong hoạt động giao tiếp, truyền thông qua việc am hiểu cảm xúc của người khác và cũng không biết vận dụng những trải nghiệm đã qua một cách linh hoạt để thích nghi với những biến đổi của môi trường xung quanh.
KHÁC BIỆT VỀ CẢM XÚC:
Khả nhận biết về cảm xúc và quản lý cảm xúc là một năng lực cần thiết cho cuộc sống. thậm chí là còn quan trọng hơn cả trí thông minh, vì đó là điều giúp cho sự nối kết, phối hợp trong các hoạt động với những người xung quanh của một cá thể. Con người là một sinh vật của xã hội, không ai có thể sống một cách cô độc, hoàn toàn không chịu sự tác động của môi trường xung quanh. Chính vì vậy, tình trạng tự cô lập mình của chứng Tự kỷ là một khiếm khuyết nặng nề, mặc dù có vẻ như đứa trẻ tự kỷ không đáng thương bằng một bé bị tình trạng bại liệt hay một tổn thương về giác quan, nhưng thực sự trẻ không có được một kết nối nào, không hình thành được những mối tương giao lành mạnh để phát triển những cảm xúc đem lại niềm vui, sự an toàn và ổn định mà bất kỳ một đứa trẻ nào, một con người nào cũng đều có quyền thụ hưởng, đó có thể xem là điều bất hạnh lớn lao mà một trẻ tự kỷ và cả gia đình em phải hứng chịu.
Chính vì trẻ không có khả năng nhận biết về cảm xúc của bản thân và của người khác, nên trẻ không thể vận dụng các kinh nghiệm đã tích lũy, không dám “thử nghiệm” một hành vi, một thái độ nào mà trẻ chưa từng làm. Vì thế, bé chỉ còn biết lặp đi lặp lại những lời nói, đôi khi vô nghĩa và những hành động rập khuôn mà trẻ nghĩ rằng là an toàn.
Các hoạt động lặp lại đơn giản :
Việc nếm, ngửi, sờ mó, gõ, cào vào các đồ vật, nghe một loại tiếng động, nhìn vào nguồn ánh sáng hay các vật lấp lánh , là những hành vi tạo cho trẻ có những cảm xúc nhất định. Trẻ cũng có thể vặn vẹo, xoay lật chính bàn tay của mình hay các đồ vật trong tầm tay. Trẻ có thể nhìn chằm chằm vào một vật ở các góc độ khác nhau, bật đèn rồi lại tắt đi, ngắm nhìn các vật xoay tròn hay xoay tròn chính mình… tất cả điều đó đều đem lại cho trẻ một cảm xúc ổn định. Còn ngược lại, các hành vi bùng nổ như tự cắn mình đập đầu vào tường, tự vấp ngã, kéo đổ bàn ghế, đồ đạc với vẻ đau khổ hay hung hăng, thì đôi khi đó chỉ là một thái độ để cho thấy một cảm xúc lo lắng, hoang mang mà trẻ không biết diễn tả như thế nào.
Các hoạt động lặp lại tinh vi:
Một số trẻ có những hành vi lặp lại do em tự nghĩ ra như cụng đầu vào ghế trước khi ngồi. Đứng lên và xoay vòng trước khi ăn. Việc bầy các đồ vật thành một dãy dài một cách khá trật tự và không chấp nhận sự thay đổi là một hành vi thường thấy ở các bé tự kỷ. Ở các trẻ lớn hơn là việc sắp xếp cố định các vật dụng trong nhà, không cho ai chuyển dịch dù cho có bị bụi bặm hay hư hỏng. Các em này có thể rất gắn bó với một món đồ nào đó và không thể rời ra ra được, có thể đó là một món đồ chơi nhưng cũng có khi chỉ là một món đồ hết sức bình thường….Ngay cả trong việc ăn uống, trẻ cũng có sự gắn bó với một loại thức ăn hay đồ uống nào đó, mặc dù điều đó vừa gây phiền toài cho người khác và có thể không cung cấp đủ chất cho cơ thể, nhưng trẻ sẽ tỏ ra rất thoải mái khi được ăn đi ăn lại thức ăn này và có thể từ chối một cách quyết liệt khi không được đáp ứng những thức ăn quen thuộc.
Các động tác rập khuôn :
Các động tác thường gọi là rập khuôn ( stéréotype) thường có ở phần lớn trẻ Tự kỷ, bao gồm những kiểu búng ngón tay, vỗ vào bàn tay, cánh tay, nhẩy lên nhẩy xuống, lắc lư đầu, xoay tròn người, đi nhón gót với dáng đi nhún nhảy… Các động tác này thường xẩy ra khi trẻ có những cảm xúc tiêu cực, hay lo lắng hoặc giận dữ. Cũng có khi do trẻ đang cố tập trung vào một vật nào đó. Còn khi trẻ đang làm một điều gì thì sẽ không thấy xuất hiện các hành vi này.
Nhiều phụ huynh rất lo lắng khi thấy con mình có những hành vi này, và thường tìm cách ngăn cấm, nhưng điều đó không giúp gì cho việc giáo dục bé mà còn làm cho bé bối rối, khó chịu và dễ có những cơn bùng nổ về cảm xúc nhiều hơn.
Sự lo lắng và khả năng tập trung :
Một điều khác biệt lớn ở trẻ tự kỷ là sự lo lắng và những khả năng tập trung vào những điều mà một đứa trẻ bình thường không hề có. Trẻ tự kỷ có thể tỏ ra lo lắng một cách thường xuyên, bởi vì xung quanh em luôn có những vấn đề hay tình huống, những câu nói mà trẻ không thể hiểu được, mà đây lại là một điều hay xảy ra. Điều này khiến trẻ cảm thấy lo lắng và bối rối.
Ngược lại, trong những tình huống nguy hiểm thực sự thì trẻ tự kỷ cũng không cảm nhận được, bé dửng dưng trước những điều có thể làm cho mọi người xung quanh “đứng tim” nhưng trẻ lại tỏ ra hết sức sợ hãi trước nhửng đồ vật hết sức bình thường như những quả bóng bay, một con vịt nhựa kêu chíp chíp hay có bé lại tỏ ra rất sợ chó, dù con chó không làm em gì cả . trẻ cũng có thể sợ đi tắm, sợ đi xe buýt, hay tỏ ra sợ một loại màu sắc hay hình dáng nào đó. Những kiểu sợ này có thể tồn tại nhiều năm và gây ra những khó khăn cho gia đình vì nhiều khi đó là điều rất bình thường, phải tiếp xúc hằng ngày. Trong một số trường hợp trẻ có thể tập trung hay chú ý một cách tinh tế với một số hoạt động hay đồ vật mà trẻ quan tâm. Nhiều khi sự tập trung kéo dài một cách đáng ngạc nhiên và đó cũng là một sự khác biệt về cảm xúc ở trẻ.
Các năng lực đặc biệt :
Một điều thường thấy là trẻ tự kỷ thường thực hiện tốt các kỹ năng về thị giác – không gian như sắp xếp tranh ghép, ghi nhớ và xếp đặt các hình ảnh. Trẻ nhớ rất nhanh và rất lâu các đường nét, hình ảnh mà trẻ đã được quan sát và có thế tái hiện một cách hoàn hảo. Trẻ cũng có thể chơi một cách xuất sắc một nhạc cụ nào đó, mà không cần có sự luyện tập bài bản, thậm chí là có thể soạn nhạc. Trẻ có thể giải những bài toán phức tạp theo một kiểu tính toán riêng, hay cho biết ngay kết quả của một phép tính cộng, hay ngày 25 tháng 7 năm 2020 là ngày Thứ mấy. Trẻ có thể vẽ một bức tranh về một vật hay một phong cảnh đã nhìn qua một cách hoàn hảo bằng bút bi, nhưng nếu yêu cầu trẻ vẽ bằng bút chì hay bằng cọ thì đó chỉ là những nét nguyệch ngoạc ! Thường thì trẻ chi có khả năng vẽ đi vẽ lại một đề tài hay chơi đi chơi lại một bản nhạc.
Khó khăn trong việc nhận biết các cảm xúc tổng quát :
Như vậy, thông qua các khác biệt về cảm xúc ở trẻ tự kỷ, chúng ta thấy rằng các em có một sự hạn chế, khó khăn trong việc nhận biết các cảm xúc mang tính tổng quát hay khả năng nhận ra một vấn đề mang tính tổng hợp.
Nói cách khác, trẻ có thể nhớ thuộc lòng một bài văn dài, nhưng không có khả năng đúc kết hay tìm ra được đâu là ý chính của bài văn, không có khả năng tóm tắt bài văn ấy còn lại năm ba dòng mà vẫn đầy đủ ý nghĩa. Theo hai nhà nghiên cứu tâm lý là Happé và Frith, thì tình trạng yếu kém về khả năng nhận thức tổng quát của trẻ tự kỷ cũng là điều giải thích cho những sự khác biệt về nhận thức, về giao tiếp xã hội và về cảm xúc ở trẻ và đó cũng là một trọng tâm trong việc xây dựng những biện pháp can thiệp với các em.
VẬN DỤNG SỰ KHÁC BIỆT TRONG KẾ HOẠCH CAN THIỆP
Với những khác biệt về nhận thức, về giao tiếp xã hội và nhất và về cảm xúc thì việc tìm ra biện pháp can thiệp phù hợp cho trẻ tự kỷ không phải là điều đơn giản, nếu không nói là bất khả. Chính vì thể mà cho đến nay hàng chục biện pháp từ điêu trị bằng thuốc, bằng các chế phẩm sinh học cho đến những phương pháp giáo dục hết sức khoa học hay thậm chí là mơ hồ và phản khoa học vẫn được lưu truyền mà hầu như biện pháp nào cũng có đôi chút tác dụng ! Nhưng nếu chúng ta biết quan tâm đến những khác biệt ở trẻ để từ đó có thể đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp với các điểm mạnh và yếu của trẻ tự kỷ và nên xem đó là điểm mấu chốt trong bất kỳ chương trình can thiệp nào.
Bằng một hay nhiều biện pháp nào đó có thể giúp cho các em biết chấp nhận những thay đổi một cách tự nhiên trong lịch trình hay nếp sinh hoạt, biết từng bước lên kế hoạch cho các hoạt động của mình, nhận biết được thời gian để có thể hoàn thành. Trẻ cũng có thể dùng một hình thức ngôn ngữ phù hợp để kể lại các câu chuyện theo đúng trình tự và trật tự , biết lưu trữ vào ký ức những thông tin và nhất là có thể tự chủ trong các hoạt động hay công việc. Nói cách khác, một chương trình giáo dục hiệu quả sẽ giúp cho trẻ đạt được một số năng lực về khả năng điều hành hoạt động của bản thân sao phù hợp với môi trường bên ngoài.
Trẻ tự kỷ có nhiều hạn chế về nhận thức, giao tiếp xã hội và tình cảm, đó là điêu hiển nhiên. Nhưng không phải là các em không có những điểm mạnh. Những năng lực sau đây nếu biết khai thác dựa trên sự khác biệt thì có thể giúp cho trẻ phát triển , đó là khả năng tiếp nhận bằng những hình ảnh trực quan, có trí nhớ vẹt tốt. Trẻ cũng có khả năng tập trung lâu dài nếu đó là những điều mà em quan tâm. Trẻ có khả năng để ý đến các chi tiết và trí nhớ dài hạn rất tốt. Đặc biệt là khả năng tư duy có thể có những đột phá bất ngờ trong việc sử dụng những từ ngữ ‘sáng tạo” theo cách riêng của mình.Vì thế một chương trình hiệu quả sẽ là một chương trình biết lưu tâm đến những điểm mạnh này.
KẾT LUẬN
Với những sự khác biệt vừa nêu cũng như những khó khăn về ngôn ngữ, những cử chỉ lập lại một các kỳ cục ở trẻ Tự kỷ, không khó hiểu cho lắm khi trong thời xa xưa, người ta cho rằng trẻ tự kỷ là những đứa trẻ ở “cõi trên” do các bà tiên đem lại . Đó là những thiên thần với khuôn mặt xinh xắn nhưng lại có những hành vi lạ lùng khác hẳn những đứa trẻ bình thường. Nếu đó là những thiên thần, thì đó có thể xem là những thiên thần bất hạnh mà gia đình và xã hội có trách nhiệm vượt qua những sự khác biệt để đến với các em, đón nhận các em vào cộng đồng với sự yêu thương và tôn trọng. Chúng ta tôn trọng nhân vị nơi các em, chúng ta chấp nhận những khác biệt của các em để từ đó tìm ra được những biện pháp không phải để thay đổi hành vi nhận thức của trẻ tự kỷ mà là của chúng ta. Hãy giúp cho trẻ hiểu ta và ta hiểu trẻ vì dù gì đi nữa thì từ một trẻ tự kỷ, các em sẽ lớn lên để trở thành một người tự kỷ ở trong xã hội và bên cạnh chúng ta..
Lê Khanh
Phó Giám đốc Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu