Vui chơi để phát triển
27/02/2013Phát triển giá trị bản thân qua hoạt động trong nhà
07/03/2013Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh đã bắt đầu nhận ra những dấu hiệu rối nhiễu về hành vi và nhận thức của con em mình ngày càng sớm hơn. Dấu hiệu đầu tiên là tình trạng chậm nói, vì sau giai đoạn phát triển về giác quan và vận động trong năm đầu, cùng với những bước chân chập chững, ngôn ngữ cũng dần dần được hình thành nơi trẻ.
Vì thế, khi trẻ trên 18 tháng mà vẫn chưa nói được những từ rõ ràng, có ý thức để giao tiếp hay bộc lộ một nhu cầu nào đó thì phụ huynh sẽ nhận ra ngay để đưa trẻ đến các bệnh viện, trung tâm mong có một chẩn đoán rõ ràng về tình trạng con em mình cùng với việc tìm kiếm các thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, chậm nói chỉ là một trong nhiều biểu hiện mà trẻ bộc lộ, cũng giống như những hành vi lăng xăng, hiếu động đến mức khó kiểm soát, hay việc không quan tâm đến đồ chơi cùng với những dấu hiệu không bình thường khác. Những biểu hiện này đều có trong nhiều tinh trạng rối nhiễu khác nhau, tiêu biểu nhất là tình trạng Tự kỷ, hội chứng hiếu động kém chú ý và tình trạng Chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, điều lo lắng lớn nhất là sợ cho con mình có tình trạng Tự kỷ.
Điều này không có gì lạ, bởi vì cho đến nay Tự kỷ là một tình trạng tuy có nhiều thông tin nhất, nhưng cũng có những biểu hiện phức tạp và mơ hồ nhất từ nguyên nhân cho đến các biện pháp can thiệp và trị liệu. Trong khi đó có 2 tình trạng khác là hội chứng Hiếu động kém chú ý (AHDH) và Chậm khôn (Chậm phát triển trí tuệ), cũng là những rối loạn về tâm lý đáng ngại không kém gì tình trạng Tự kỷ, nhưng lại không làm cho phụ huynh e ngại bằng. Thực ra, thì bất kỳ rối nhiễu nào cũng đều phức tạp khó khăn trong can thiệp. Điều quan trọng không phải là nhận diện hay chẩn đoán, mà là phải nhận biết một cách chính xác đó là rối nhiễu gì với từng tình trạng và từng mức dộ nặng nhẹ khác nhau, để từ đó mới có thể đưa ra những biện pháp can thiệp sớm phù hợp .
Tại sao phải có sự chẩn đoán chính xác ? bởi vì đây là những rối nhiễu có những biểu hiện tương tự nhau, đều gây khó khăn cho trẻ trong quá trình phát triển về nhận thức và giao tiếp mà cụ thể là những khó khăn về ngôn ngữ, những hành vi khó kiểm soát và tình trạng thiếu ý thức. Các rối nhiễu này cũng đã gây ra nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà chuyên môn, tùy theo góc nhìn của mình cùng với các nhận định mơ hồ từ nguyên nhân, xếp loại, phân biệt, gọi tên cho đến việc đưa ra các biện pháp trị liệu, can thiệp hay giáo dục.
Điều gây khó khăn cho các nhà chuyên môn là khác với những tình trạng hay triệu chứng khác mà họ có thể xếp chúng vào phạm vi y học một cách dễ dàng, thì Tự kỷ hay hiếu động kém chú ý dù đã được đưa vào các bảng phân loại bệnh quốc tế như DSM IV hay ICD 10, trong nhóm các bệnh về tâm thần nhưng vẫn không thể gọi nó một cách đơn giản là một chứng bệnh. Chúng ta cần xem Tự kỷ, hay gọi đầy đủ hơn là “Các dạng rối loạn trong hiện tượng tự kỷ” bao gồm 5 loại khác nhau: Rối loạn tự kỷ sớm; Hội chứng Aperger; Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu; Hội chứng Rett và Rối loạn nhân cách tuổi ấu nhi.
Điều cần thiết là nên xem đây là một “hội chứng” thì chính xác hơn là “bệnh lý” vì 5 dạng của tự kỷ có biểu hiện và phương pháp trị liệu hay can thiệp khác nhau. Đáng tiếc là dù ngay trong tên gọi của Tự kỷ là Autistic Spectrum Disorder –ASD hay Hiếu động kém chú ý là Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder– ADHD, đều có chữ Disorder là Hội chứng, là một tình trạng rối loạn kéo dài, khác với biểu hiện bệnh (Disease) về thể chất hay hành vi. Nhưng nhiều y bác sĩ vẫn cứ thích gọi đó là Bệnh tự kỷ hay bệnh tăng động giảm chú ý trong khi trên thực tế, đến nay vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị hay một kỹ thuật trị liệu chuyên biệt nào cho hai hội chứng này. Họ quan niệm rằng, Quốc tế đã xếp nó vào nhóm bệnh về tâm thần thì phải gọi đó là bệnh ! Điều họ không nhận ra, tuy cách gọi đó không sai, nhưng sẽ tạo cho gia đình, cha mẹ của trẻ Tự kỷ hay hiếu động kém chú ý có sự liên tưởng giữa bệnh và thuốc chữa – phương pháp điều trị, và làm cho họ cứ hy vọng trước sau gì cũng tìm được một vài cách chữa “thần kỳ” nào đó, nơi một trung tâm, bệnh viện hay một bác sĩ nào đó, để “chữa” hay trị liệu cho con em mình có thể trở lại trạng thái bình thường ! Nếu ở Việt Nam không có thì sẽ cho con ra nước ngoài …Trong khi đó, nếu gọi đây là một tình trạng thì chúng ta sẽ dễ dàng hướng gia đình vào các biện pháp can thiệp bằng hoạt động giáo dục, mà rõ ràng trên thực tế là cho đến nay, các biện pháp gọi là trị liệu thực chất vẫn chỉ là các phương pháp can thiệp về tâm lý và giáo dục nhằm tác động vào hành vi, nhận thức của trẻ trong suốt thời gian dài và điều này chỉ có thể diễn ra chủ yếu trong môi trường gia đình.
Vì thế, khi đứng trước tình trạng chậm nói cũng như những khó khăn trong giao tiếp và hành vi của trẻ, thì các phụ huynh nên đưa con em đến các trung tâm tư vấn tâm lý càng sớm càng tốt, để qua đó các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm sẽ chẩn đoán, đánh giá mức độ, phát hiện một cách chính xác căn nguyên rối nhiễu của con em mình, đó là trẻ Chậm nói có yếu tố Tự kỷ, hay chậm nói do hiếu động kém chú ý, do chậm phát triển trí tuệ hay có khi chỉ là Chậm nói đơn thuần. Điều quan trọng nhất là xác định được mức độ nặng nhẹ và đưa ra được một chương trình Can thiệp sớm tại gia đình cho các trẻ chậm nói này.
Cv.Tl Lê Khanh