Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em
27/07/2014
Dạy con phẩm chất để thành công
02/08/2014
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ em
27/07/2014
Dạy con phẩm chất để thành công
02/08/2014

PN – Không ít trẻ chỉ mới ba-năm tuổi có thói quen cấu véo, cắn, tát các bạn cùng trang lứa. Có phụ huynh nhẹ nhàng nhắc nhở, số khác thì dùng biện pháp mạnh như đánh chửi, dọa nạt để con bỏ tật xấu. Nhưng không phải trẻ nào cũng thay đổi; ngược lại, một số bé càng bắt nạt bạn bè nhiều hơn.

Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý – đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu, trẻ năng động thường mạnh dạn, nhanh nhẹn và thích chơi với nhiều bạn. Trẻ thụ động thường hiền lành, chậm chạp và không thích kết bạn hoặc chỉ thích chơi với một vài bạn thân. Trong quá trình giao tiếp, có những trẻ dễ dàng kết giao với trẻ khác qua sự năng động và vui vẻ của mình, nhưng cũng không ít bé chỉ thích gây hấn. Đây không phải là tính cách bẩm sinh mà chỉ là những hành vi tập nhiễm bởi cách ứng xử của chính người thân với bé một cách vô tình hay cố ý.

Nguyên nhân

Trẻ thích tấn công hay bắt nạt trẻ khác thường do hai nguyên nhân:

Trẻ có tình trạng khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ: do không biết cách “gây chú ý” hay “tạo mối quan hệ” bằng lời nói nên trẻ phải áp dụng kiểu làm quen “bạo lực” mà không nghĩ rằng, như vậy sẽ gây tổn thương cho người mình muốn làm quen. Ban đầu chỉ là các hành vi như kéo áo, khều bạn hoặc nắm tay nhưng lại không gây được chú ý, thậm chí lảng tránh. Sau đó, các trẻ này tăng “cường độ” bằng việc ngắt, véo, cào cấu với một thông điệp đơn giản: “Cho tớ chơi với”, thế là thành trẻ “cá biệt”.

Trẻ sinh ra và lớn lên trong tình trạng bị “bỏ rơi”: bố mẹ bận đi làm và giao bé cho người giúp việc. Chính những người này đã vô tình “huấn luyện” cho bé bằng hành vi chăm sóc bạo lực của mình. Bé nhiễm các hành vi này, dần dần biến thành một kẻ cũng thích “chăm sóc” người khác bằng bạo lực. Đôi khi vì trẻ biếng ăn, hay quấy khóc hoặc “lì lợm”, bố mẹ thường quát mắng và đánh đập để trẻ phải vâng lời. Lâu dần trẻ “học” tính nóng nảy từ bố mẹ và áp dụng lại với bạn bè. Ngoài ra, không loại trừ một số trường hợp, ban đầu trẻ cũng hiền lành và thụ động, sau đó trở thành “nạn nhân” của trẻ khác.

Cũng có những bé, khi bắt đầu có những hành vi “bạo lực” với bố mẹ và người thân trong gia đình, lại không được kiềm chế, người lớn để cho trẻ tự do thực hiện các hành vi này. Khi đã hình thành… thói quen trong nhà thì việc trẻ mang đến trường “thực hành” với các bạn là điều tất nhiên. Khi đứng trước việc con mình bị ngắt, nhéo, đấm đá… nhiều phụ huynh lại dạy con phản ứng lại theo kiểu đáp trả vì xem đó là hành vi “tự vệ chính đáng”. Trẻ học được cách phản ứng và dần dần biến nó thành hành vi tấn công.

Như vậy, dù do nguyên nhân gì, thì một bé có những phản ứng hung hăng, khó có thể cho rằng đó là một trẻ “thô bạo” hay sớm bộc lộ tính cách “anh chị” bẩm sinh, mà chỉ là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp phải những khó khăn trong giao tiếp hoặc do sự “lệch hướng” trong giáo dục con của phụ huynh. Vì thế, các phụ huynh cần kiểm tra lại, nếu trẻ có những khó khăn về giao tiếp thì cần có sự thăm khám về tâm lý xem trẻ có mắc phải các rối nhiễu về ngôn ngữ hay giao tiếp, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp sớm.


Định hướng hành vi cho trẻ

Người lớn cần kiểm soát bản thân, ngưng ngay các biện pháp “bạo lực” với trẻ để trẻ dần dần quên đi các thói quen này. Để kiềm chế trẻ “bạo lực”, cần phải dùng biện pháp cách ly, có thể cho bé ngồi yên một chỗ trong một thời gian ngắn (tính bằng phút, tương ứng với số tuổi của bé). Chẳng hạn như trẻ ba tuổi cách ly ba phút, trẻ năm tuổi cách ly năm phút. Chúng ta buộc trẻ ngồi yên trên một cái ghế và sẽ lặp lại thời gian bị phạt nếu trẻ phản ứng hay đứng dậy trước khi hết hạn. Dĩ nhiên bố mẹ không nên phạt trẻ rồi “quên”, bắt trẻ phải ngồi yên trên 15, 20 phút. Chúng ta không cần phải hù dọa, răn đe trẻ bằng các lời giảng đạo đức dài dòng vì trẻ sẽ không thể nhớ được. Ngược lại, cần phải khen ngợi khi trẻ có những hành vi ứng xử tốt để trẻ ghi nhớ và lặp lại các hành vi đó, quên dần đi các hành vi hung bạo hay tiêu cực.

Nên nhớ rằng, các thói quen “hung bạo” này không phải trong một sớm một chiều mà trẻ học được. Vì vậy, cũng không có biện pháp nào có thể dập tắt hay cải thiện một cách nhanh chóng các hành vi này. Dĩ nhiên, với thói quen ăn hiếp bạn bè như thế, nếu không có các biện pháp điều chỉnh và giải quyết kịp thời, trẻ sẽ trở nên ích kỷ, lại càng gặp khó khăn hơn trong việc giao tiếp và cũng không biết quý trọng chính bản thân mình. Khi lớn hơn, các bé này dễ trở nên vô kỷ luật, luôn tìm cách chống đối hay thống trị mọi người, mọi thứ chung quanh. Và khi trẻ gặp phải một sự phản ứng mạnh mẽ hơn, trẻ sẽ trở nên bất ổn, lo lắng và dễ bị kẻ mạnh hơn mình tác động.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh nhấn mạnh: “Tất cả những yếu tố này khiến các em sẽ gặp nhiều khó khăn và thất bại trong việc hòa nhập với bạn bè, với môi trường xung quanh, thậm chí ngay cả trong gia đình. Phụ huynh cần hết sức lưu ý, đừng để trẻ biến thành một kẻ khó khăn trong giao tiếp và thất bại trong cuộc sống vì sự vô tâm của mình”.

 Nguyễn Nga

http://phunuonline.com.vn

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý