Khái niệm về Nghệ thuật Trị Liệu
24/01/2012
Trò chơi trị liệu ( Phần II )
24/01/2012
Khái niệm về Nghệ thuật Trị Liệu
24/01/2012
Trò chơi trị liệu ( Phần II )
24/01/2012

Liệu pháp chơi không hướng dẫn là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và ít gây xâm phạm (non-intrusive) trong làm việc với trẻ em có vấn đề tâm lý. Liệu pháp này có thể được sử dụng với những trẻ em có vấn đề tâm lý .


 Liệu pháp chơi không hướng dẫn là việc thiết lập một mối quan hệ đặc biệt một-một: giữa nhà trị liệu và một đứa trẻ; trong đó nhà trị liệu tạo nên một bầu khí an toàn và đáng tin cậy qua đó đứa trẻ có thể cảm thấy tự do để giải bày và khám phá những cảm xúc và ý nghĩ của chính bản thân trẻ. Đứa trẻ có thể giao tiếp trực tiếp thông qua lời nói (cả cách nói cụ thể lẫn ẩn ý) hoặc gián tiếp thông qua hành vi và nội dung chơi.

 Công việc của nhà trị liệu là lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng lại với trẻ sao cho có thể giúp trẻ hiểu được nhiều hơn những cảm xúc của chính mình. Những khía cạnh tiêu cực về cảm xúc sẽ mất đi sự chi phối của chúng khi trẻ được giải bày và trải nghiệm những cảm xúc ấy trong một mối quan hệ có tính chấp nhận giữa trẻ với nhà trị liệu. Điều này giúp trẻ chuyển từ tình trạng phó mặc bản thân cho những cảm xúc giấu kín kia sang trạng thái làm chủ hơn đối với những cảm xúc ấy.

 Liệu pháp này dựa trên nguyên lý của tâm lý trị liệu không hướng dẫn (non-directive psychotherapy) được phát triển bởi Carl Rogers tại Hoa Kỳ và được điều chỉnh bởi Virginia Axline để áp dụng vào trị liệu tâm lý cho trẻ em (được biết nhiều thông qua hai tác phẩm Dibs in Search of Self năm 1946 và Play Therapy năm 1947). Triết lý nền tảng là điều hiện hữu trong tất cả mọi con người, đó chính là khuynh hướng tự hiện thực hóa bản thân (self-actualization) cả ở người lớn lẫn ở trẻ em. Giả định được đặt ra là khi trẻ có cơ hội tự do giải bày các cảm xúc của chính mình, trẻ sẽ tìm thấy các giải pháp để giải quyết các khó khăn về cảm xúc của bản thân và trẻ sẽ sử dụng nhà trị liệu cùng các trải nghiệm trong khi chơi để thực hiện điều đó.

 Điều rất quan trọng khi tiến hành là cần phải hết sức lưu tâm đến nhu cầu cần được giúp đỡ của chính đứa trẻ thay vì chỉ tập trung vào những việc như khảo sát hoặc đánh giá .

Có nhiều phuơng pháp tiếp cận trong lĩnh vực trị liệu trẻ em. Schaefer và O’Conner (1983) và Schaefer (1993) đã điều chỉnh liệu pháp chơi cho từng loại rối nhiễu chuyên biệt ở trẻ em, như Chơi trị liệu theo kiểu “kê đơn” (“prescriptive” play therapy). Tương tự, Redgrave (2000) cũng tổ chức can thiệp dựa trên những yêu cầu chính của việc trị liệu. Carroll (1998) còn khẳng định rằng tất cả cách thức tiếp cận khác nhau đều có giá trị như nhau. Tuy nhiên, kiểu cách chiết trung như thế cũng tạo nên một số trở ngại: nó mơ hồ và dễ dãi phát triển những phương thức trị liệu theo những khuôn khổ lý thuyết có tính rập khuôn và thô thiển. Trong huấn luyện cũng như trong thực hành, đã có sự nhầm lẫn lớn giữa chơi trị liệu (play therapy) với các cách can thiệp có sử dụng chơi (play related intervention) như những phương pháp để đánh giá đứa trẻ hoặc giúp trẻ thực hiện những thay đổi trong đời sống. Các chuyên viên thực hành (practitioners) cũng thường sử dụng chơi như một phương tiện hỗ trợ cho việc giao tiếp với trẻ em, điều này khi được thực hiện kỹ lưỡng cũng có giá trị về mặt trị liệu; tuy nhiên mục tiêu và phương pháp là rất khác biệt và phải được phân biệt rõ.

 

I. CÁC TIẾP CẬN CHÍNH ĐỐI VỚI CHƠI TRỊ LIỆU

 Chơi trị liệu là cách thức để tạo nên những trải nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa nhà trị liệu với những trẻ em (hoặc người trẻ tuổi), trong đó chơi là một môi trường giao tiếp chủ yếu (Wilson, 2000). Thông thường trong trị liệu ở người lớn, mục đích của những trải nghiệm là dẫn đến các thay đổi trong mối quan hệ cơ bản của thân chủ, những mối quan hệ mà trước đó đã có những tổn thương và bị lệch lạc trong quá trình phát triển. Còn trong trị liệu trẻ em, mục đích là để đưa chức năng cảm xúc và chức năng xã hội của trẻ trở lại ngang tầm với giai đoạn phát triển của lứa tuổi sao cho trẻ có thể lấy lại tiến trình phát triển bình thường (O’Conner & Schaefer, 1994; Ryan & Wilson, 1995). Trái với cách tiếp cận chủ yếu sử dụng lời nói khi làm việc với người lớn, chơi là cách được sử dụng ở trẻ em bởi vì chơi là hoạt động mà trẻ có khả năng thích nghi tốt và chơi cũng là hoạt động có chức năng tổ chức (organizing function) trong phát triển ở trẻ em.

 Chơi sử dụng chủ yếu các biểu tượng không lời (non-verbal symbols) và là một trong số những cách thức chính để trẻ phát triển các hiểu biết, khám phá các xung đột, cũng như “ôn lại” các kỹ năng về cảm xúc và xã hội. Sau các công trình của Anna Freud và Melanie Klein đã hợp nhất hoạt động chơi với các buổi phân tâm cho trẻ em kể từ thập niên 1930, chơi trị liệu được phát triển thành nhiều phương pháp tiếp cận chủ yếu như sau: liệu pháp chơi theo kiểu phân tâm (psychoanalytic play therapy), liệu pháp chơi nhận thức-hành vi (cognitive behavioral play therapy), liệu pháp chơi có cấu trúc (structural play therapy) và liệu pháp chơi không hướng dẫn hay còn gọi là liệu pháp chơi lấy đứa trẻ làm trọng tâm (child-centered play therapy). Ngoài ra còn một số các liệu pháp chơi khác được gọi tên theo trường phái lý thuyết như ở người lớn như Jungian, Adlerian, Gestalt…

 

LIỆU PHÁP CHƠI THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÂM

 Mặc dù Freud làm việc chủ yếu với người lớn, quá trình phân tích của ông đối với bé Hans (có cha là một nhà trị liệu) cùng với các quan sát của ông về ý nghĩa của chơi ở trẻ em đã mở đường cho Anna Freud và Melanie Klein về sau phát triển nên phân tâm học trẻ em. Freud viết:

 Công việc yêu thích nhất và thu hút nhất đối với trẻ em là chơi. Chúng ta có thể nói rằng một đứa trẻ khi chơi sẽ hành xử như một nhà văn với đầy trí tưởng tượng, thông qua đó trẻ sáng tạo nên một thế giới của chính mình, hay nói đúng hơn, trẻ sắp đặt lại các sự vật trong thế giới của mình, bố trí chúng theo một cách thức mới sao cho trẻ có thể cảm thấy thoải mái hơn. Sẽ không đúng nếu nói rằng trẻ không nắm bắt thế giới của trẻ một cách nghiêm túc; trái lại, trẻ đã sử dụng việc chơi một cách rất nghiêm túc và đã đầu tư rất nhiều tình cảm của mình vào trong đó. Điều đối ngược với chơi không phải là làm việc, mà là thực tế. Tuy đã đầu tư năng lượng cảm xúc rất nhiều vào thế giới vui chơi của mình, trẻ vẫn hoàn toàn phân biệt rõ chúng với thực tế đời sống; trẻ chỉ vay mượn các đối tượng và tình huống mà trẻ có thể tưởng tượng nên từ thế giới thực tế hữu hình mà thôi. Chỉ duy với điều liên hệ này – giữa chơi và thực tế đời sống – mới giúp phân biệt sự khác nhau giữa chơi ở trẻ em với trạng thái mơ mộng…

Freud, 1974; 173-174.

 Klein và Anna Freud, làm việc ở Vienna và Luân Đôn vào các thập niên 1920 và 1930, đã có những đóng góp cho việc phát triển chơi trị liệu. Cả hai đều tin rằng nhiều rối loạn tâm lý ở trẻ em là kết quả của các xung đột vô thức. Cả hai cũng cho rằng các rối loạn có thể được giải quyết và cái tôi của trẻ có thể được tăng cường bằng cách mang các thành phần vô thức này vào tầng ý thức thông qua quá trình diễn giải của nhà trị liệu về các nội dung chơi và giấc mơ của trẻ em. Cả hai đều xem nội thị (insight) là phần thiết yếu cho giải pháp và khả năng này không thể xảy ra nếu không có tiến trình “khơi thông” (working through).

 Trong phân tâm trẻ em, chơi được xem là cách thay thế cho liên tưởng tự do ở người lớn; cả hai đều thoát khỏi sự kiểm duyệt của đời sống thực tế. Công việc chính của một nhà phân tâm trẻ em là tìm cách hiểu và diễn giải các nội dung chơi mang tính biểu tượng của trẻ. Klein đã trang bị trong phòng chơi nhiều loại chất liệu chơi, các hình mẫu tượng trưng và những đồ chơi không tự vận hành (non-mechanical) để kích thích trẻ chơi một cách tưởng tượng.

 Có sự khác nhau giữa Klein và Anna Freud về bản chất mối quan hệ giữa trẻ với nhà trị liệu và mức độ diễn giải các giao tiếp bằng lời cũng như không lời của trẻ, tuy vậy cả hai tác giả đều đã góp phần quan trọng giúp cho việc hiểu và làm việc với trẻ em. Tuy nhiên, phân tâm trẻ em cũng giống như phân tâm người lớn, đều là những quá trình chuyên môn hóa cao và rất tốn thời gian. Ở Châu Âu và Hoa Kỳ, cách tiếp cận này dần chuyển thành tâm lý trị liệu theo định hướng phân tâm (analytically oriented psychotherapy), nghĩa là cách tiếp cận với cùng những nguyên lý và kỹ thuật nhưng ít đi sâu hơn, ngắn hạn hơn và mục tiêu giới hạn hơn. Ngoài ra, các lý thuyết về phát triển trẻ em của phân tâm học vẫn có thể giúp ích cho các trường phái khác (ví dụ cách tiếp cận chơi trị liệu không hướng dẫn) ngay cả khi các kỹ thuật phân tâm không được sử dụng.

 

LIỆU PHÁP QUAN HỆ ĐỐI TƯỢNG (OBJECT RELATIONS THERAPY)

 Winnicott, mặc dù đưọc huấn luyện theo trường phái của Klein, nhưng lại làm việc theo liệu pháp quan hệ đối tượng theo kiểu Anh, cùng với Fairbairn, Dicks và Bowlby. Ông cũng đã phát triển riêng cho mình một kiểu tiếp cận có tính thuyết phục cao trong làm việc với trẻ em. Ông xem chơi là trung tâm của những trải nghiệm có tính trị liệu và có sự liên hệ trực tiếp với điều mà ông gọi là “khu vực trung gian” (intermediate area). Vì thế, theo quan điểm của ông, chơi là phương tiện để đứa trẻ quản lý sự chuyển tiếp giữa thế giới nội tâm bên trong và thực tại bên ngoài, vì thế nó luôn ở trên lằn ranh giữa cái chủ quan và những gì mà trẻ nhận thức được một cách khách quan (Winnicott, 1988).

Cách tiếp cận của Winnicott có thể được xếp vào loại liệu pháp có hướng dẫn và có tính diễn giải cao (directive and interpretive). Có tính hướng dẫn là vì nhà trị liệu đôi lúc chọn lựa một hình thức chơi đặc biệt nào đó như một phương tiện giao tiếp chính, chẳng hạn trò chơi “vẽ tiếp nét” (squiggle game) rất nổi tiếng của Winnicott trong đó nhà trị liệu và thực hiện luân phiên thực hiện những nét vẽ cho đến khi hoàn tất một bức tranh và cho những lời bình về những gì mà mình đã vẽ. Có tính diễn giải là vì khi đáp ứng lại với những nội dung chơi hoặc giấc mơ của trẻ nhà trị liệu sẽ phát biểu thành lời những liên hệ giữa những hành vi được biểu hiện nơi đứa trẻ với những cảm xúc có thể còn ẩn giấu bên trong vô thức. Trọng tâm chính của liệu pháp là nhằm bộc lộ một cách có hệ thống những tư liệu bên trong vô thức, nhưng các tư liệu được bộc lộ này phải giới hạn lại bên trong thời hạn cho phép của phiên trị liệu.

 Winnicott cũng thừa nhận một số cách thức tiếp cận khác trong làm việc với trẻ em. Đôi khi ông xem hoạt động chơi ở trẻ em như sự phản ánh lại các trải nghiệm được mô tả lại bởi những người chăm sóc trẻ, thường là người mẹ; đôi khi ông diễn giải điều này cho trẻ, đôi khi lại không; có lúc ông đáp ứng lại các giao tiếp của trẻ bằng chính những ngôn từ và ẩn dụ của trẻ mà không khám phá các ý nghĩa biểu tượng chứa đựng bên trong chúng, có lúc ông lại diễn giải và liên hệ chúng với những tư liệu trong lịch sử của trẻ. Cách tiếp cận của Winnicott đôi lúc lại khá giống với liệu pháp chơi không hướng dẫn; và thực vậy khi thừa nhận rằng “tâm lý trị liệu chiều sâu có thể được thực hiện mà không cần sử dụng cách diễn giải”, Winnicott đã trích dẫn và chấp nhận Axline (Winnicott, 1988). Hơn nữa, ý kiến của ông về vai trò của chơi trong việc giúp trẻ giao tiếp và làm chủ những thực tại bên ngoài cũng như bên trong nội tâm trẻ đã giúp người ta thấu hiểu hơn về tiến trình trị liệu.

 

TIẾP CẬN NHẬN THỨC – HÀNH VI (CBT)

 Cách thức tiếp cận này bắt nguồn từ quan điểm cho rằng tất cả những hành vi của con người đều có mục đích và đều do học tập mà có. Liệu pháp này có tính hướng dẫn và được dựa trên những hiểu biết về nhận thức và hành vi của con người. Trong liệu pháp này, nhà trị liệu cùng với thân chủ nhất trí với nhau về mục tiêu can thiệp và thiết kế các hoạt động và đáp ứng sao cho những tác nhân củng cố tích cực có thể thúc đẩy hình thành những hành vi mong muốn; và loại bỏ đi những hành vi được xem là không mong muốn. Trong các can thiệp hành vi theo truyền thống, các hoạt động chơi ít khi được sử dụng; các kỹ thuật chủ yếu được thực hiện bởi cha mẹ hoặc giáo viên và chú trọng đến những tương tác của trẻ với môi trường xung quanh.

 CBT là liệu pháp được áp dụng rộng rãi trong các nhóm làm việc về sức khỏe tâm thần cho trẻ em và vị thành niên và có nhiều hiệu quả. Mặc dù trọng tâm và phong cách có sự khác biệt, các nhà trị liệu CBT cũng có chung quan điểm với các trường phái tâm động học và thân chủ trọng tâm về những trải nghiệm trong trị liệu. Truax và Carrkhuff (1967) khi viết về mối quan hệ trị liệu từ quan điểm của Rogers đã cho rằng ít nhất có một số khía cạnh trong các tương tác giữa thân chủ và nhà trị liệu có thể được quan niệm theo cách nhìn của lý thuyết học tập (learning theory). Họ cho rằng các kế hoạch trị liệu được thiết kế chủ yếu là nhằm:

(1)    Củng cố những khía cạnh tích cực trong ý niệm về bản ngã của thân chủ;

(2)    Củng cố những hành vi tự khám phá bản thân;

(3)    Loại bỏ các đáp ứng lo âu hoặc sợ hãi liên quan đến các tình huống đặc hiệu;

(4)    Củng cố các mối quan hệ, tương tác giữa người với người; giảm khả năng học tập những đáp ứng sợ hãi hoặc né tránh khi quan hệ với con người (Sutton, 1979).

Từ quan điểm của trường phái nhận thức, Sutton còn đưa thêm một chức năng khác:

(5)    Chúng cho phép làm sáng tỏ những mâu thuẫn giữa cảm xúc, thái độ và hành vi, cho phép sự thống họp xảy ra đầy đủ hơn.

 

 LIỆU PHÁP LÀM GIẢM NHẸ (RELEASE THERAPY) VÀ KỸ THUẬT HIỂN THỊ THẾ GIỚI (WORLD TECHNIQUE)

 Đây là hình thức giúp cho đứa trẻ có những trải nghiệm đau thương và sang chấn có thể khơi thông những cảm xúc gây ra bởi sang chấn và vượt lên làm chủ những cảm xúc ấy. Liệu pháp này dựa trên ý tưởng theo quan điểm tâm động học về một sự thúc ép lập đi lập lại bằng cách tái diễn và trải nghiệm lại một sự kiện đặc biệt nào đó sẽ giúp cho những cảm xúc bị dồn nén, bị tắc nghẽn có thể được vơi đi và dần dần được loại bỏ. Mặc dù trẻ được tự do lựa chọn cách thức chơi, các chất liệu chơi tự chúng là có giới hạn và được lựa chọn để khuyến khích trẻ thể hiện các sang chấn thông qua chơi (play out their traumas).

 Cách tiếp cận này được phát triển bởi Levy tại Hoa Kỳ (1938), tuy nhiên lại mang nhiều tính chất tương đồng với kỹ thuật của Lowensfeld trong việc chọn lựa một cách cẩn thận những vật liệu chơi chuyên biệt. Kỹ thuật của Lowensfeld là World Technique nghĩa là kỹ thuật thị hiện lại thế giới mà trẻ đang sống.  Kỹ thuật này được Lowensfeld giới thiệu tại Viện Tâm lý học Trẻ em Luân Đôn trong thập niên 1920, và vẫn được sử dụng cho đến nay với nhiều cải biên bởi các nhà thực hành ở Châu Âu, Bắc Mỹ và trên thế giới. Trẻ được chơi với một khay cát cùng với nhiều vật liệu thu nhỏ có hình người, thú vật, nhà cửa, xe cộ… Trẻ được khuyến khích tạo nên một bức tranh ba chiều – một “thế giới” ở trên cát. Trong cách mà trẻ chơi có những ý nghĩa mà cả hai sẽ cùng tìm hiểu và khám phá. Bà cho rằng những “thế giới” mà trẻ tạo nên thường phản ánh các khía cạnh của vấn đề mà trẻ gặp phải, với những lời bình về nội dung chơi, đứa trẻ có thể nhận biết và làm rõ được những tình cảm, trải nghiệm và những cảm giác hỗn độn của mình. Bà gọi đó là quá trình “suy nghĩ không lời” (non-verbal thinking). Khi đứa trẻ đã hoàn tất việc tạo dựng “thế giới trên cát”, nhà trị liệu cần phải khám phá những ý nghĩa (đối với trẻ) của những gì đã được tạo lập. Sự diễn giải không được nói ra cho đến khi đứa trẻ đạt đến sự “sẵn sàng về mặt cảm xúc” (emotional readiness) – vào chính thời điểm đó, cùng với kỹ năng diễn giải đúng của nhà trị liệu, trò chơi của trẻ sẽ thay đổi và một chủ đề mới sẽ xuất hiện (Lowensfeld, 1979). Tóm lại, Lowensfeld tin rằng khả năng suy nghĩ và nhu cầu cảm nhận những trải nghiệm đã có sẵn ngay từ khi trẻ được sinh ra, nhưng do ngôn ngữ không có đủ như một công cụ suy nghĩ nên trẻ phải tư duy bằng các hình ảnh.

 Đặc trưng của tư duy tiền ngôn ngữ là cách thức mà nó tập hợp các thành tố lại với nhau… Trong tư duy tiền ngôn ngữ, các nhóm thành tố được tạo lập trên cơ sở một sản phẩm được chia sẻ duy nhất (only one shared property) thường dưới thức cảm giác, cảm xúc hoặc tri giác khi chúng được trải nghiệm một cách chủ quan… Cơ sở cho việc tập hợp các thành tố là “Làm thế nào mà các thứ này khiến tôi cảm thấy”

Lowensfeld, 1979

 Có những yếu tố trong công việc của Lowensfeld tương đồng với cách tiếp cận không hướng dẫn, chẳng hạn như trong phần lớn thời gian chơi trên cát, các chú giải của nhà trị liệu là những lời có tính mô tả chứ không phải là diễn giải. Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu dựa trên các nguyên lý phân tâm học. Cấu trúc rõ rệt của phiên trị liệu và sự khuyến khích trẻ chơi theo một cách thức chuyên biệt tương tự như liệu pháp của Levy, đồng thời sự diễn giải các nội dung mang tính biểu tượng là kỹ thuật mang đậm tính chất của Jung, từ đó cho thấy liệu pháp của Lowensfeld xuất phát từ truyền thống phân tâm hơn là từ Rogers.

 

LIỆU PHÁP CHƠI KỂ CHUYỆN (NARRATIVE PLAY THERAPY)

 Cách tiếp cận này được cải biên từ cách tiếp cận kể chuyện của David Epston và Michael White (1992); nó được áp dụng trong trị liệu cá nhân với một trẻ hoặc như một phần trong trị liệu hệ thống gia đình. Nguyên lý nền tảng là: cuộc sống con người được góp phần bởi những “câu chuyện” mà họ tự kể với chính mình và những câu chuyện ấy tạo nên một khung tham chiếu mà từ đó người ta diễn giải về đời sống của mình.

Ở những cá nhân có vấn đề, nhiều câu chuyện đa dạng khác nhau sẽ trở nên một chuyện, hoặc tạo nên một thứ bản sắc (identity), từ đó trở nên nổi trội trong quan điểm của người đó khi xem xét chính mình, cũng như sẽ ảnh hưởng lên trên cách người khác xem xét họ, đến nỗi bản thân họ và vấn đề của họ trở nên một. Mục đích là giúp tách bạch giữa thân chủ và vấn đề của họ, ngoại hiện nó sao cho thân chủ có thể kiểm soát được nó thay vì bị hòa lẫn vào nó.

 Marner (2000) đã trình bày nhiều ví dụ minh họa cách thức mà những trẻ ỉa đùn hoặc sợ bóng đêm đã được khuyến khích xem các vấn đề này như những thứ ở bên ngoài con người của trẻ, chẳng hạn như là những con quái vật hoặc những người khổng lồ, đang cố kiểm soát đứa trẻ. Bằng cách trục xuất chúng (nhốt con quái vật vào hộp rồi ném đi), hoặc đánh lừa chúng, đứa trẻ có thể giảm bớt sự phó mặc của trẻ với vấn đề của mình, rồi có thể bắt đầu kiến tạo lại những câu chuyện kể cá nhân hoặc những cách sống khác thú vị hơn.

 Một phương pháp tiếp cận cũng sử dụng cách kể chuyện, nhưng với một cách thức và nền tảng lý thuyết hơi khác, đó là sử dụng những câu chuyện kể để giúp trẻ xử lý các cảm xúc của mình với sự thấu cảm. Một câu chuyện kể có tính trị liệu thường sử dụng trí tưởng tượng và thuật ẩn dụ nhiều hơn là những lời lẽ có tính tư duy với ý nghĩa thông tục. Chuyện kể giúp giao tiếp với trẻ sâu sắc hơn, còn lời nói thường ngày thì khô khan hoặc quá giản lược khiến những trải nghiệm của trẻ như thể bị “dát mỏng” đi và vì thế sẽ không giao tiếp với trẻ một cách hiệu quả.

 Ann Cattanach và cộng sự ở Anh phát triển cách tiếp cận chơi trị liệu cũng rút ra từ liệu pháp kể chuyện nhằm giúp trẻ em trải qua những sự kiện phức tạp trong đời sống. Bà viết:

 Trẻ chơi, kể những câu chuyện về nội dung chơi và nhà trị liệu lắng nghe, hoặc cũng có thể đặt ra những câu hỏi để làm rõ ý nghĩa, và “bối cảnh hóa” câu chuyện xoay quanh những hoàn cảnh xã hội đang hiện diện trong đời sống đứa trẻ… Một số trẻ em và người trẻ cần đến những giải thích của nhà trị liệu về hoàn cảnh xã hội và những giải thích ấy được lồng vào trong chuyện kể và nội dung chơi… Chuyện kể thường không phải là những mô tả về những sự kiện thật trong đời sống mà là những câu chuyện liên quan đến đời sống tưởng tượng…

Ann Cattanach, 2002.

 


LIỆU PHÁP CHƠI CÓ CẤU TRÚC (STRUCTURED PLAY THERAPY)

 Đây là cách tiếp cận được phát triển bởi Oaklander (1978) trong khuôn khổ trị liệu theo kiẻu Gestalt. Nhà trị liệu sử dụng kỹ thuật hướng dẫn trẻ đi vào lãnh địa trò chơi thông qua đó nhà trị liệu cùng với trẻ làm việc trên các trải nghiệm. Các trải nghiệm này thường bị xem là “có vấn đề”; những nhà trị liệu khi khảo sát trẻ cũng có thể có nhận định như vậy. Kỹ thuật chơi cũng như vật liệu chơi có thể thay đổi tùy theo cách đánh giá vấn đề ở trẻ; có thể bao gồm việc sử dụng chiếc ghế trống, những huyễn tưởng có hướng dẫn (guided fantasy), hoặc kể chuyện qua lại – trong đó nhà trị liệu nghe đứa trẻ kể một câu chuyện, rồi đáp ứng lại bằng một câu chuyện cùng những nhân vật và sự kiện như thế nhưng bao gồm thêm những điều chỉnh lành mạnh hơn và có thêm giải pháp cho các xung đột. Công trình của Oaklander rõ ràng có tính chất tưởng tượng và đầy tính sáng tạo. Những ý tưởng của bà sau đó cũng đã được sử dụng và cải biên bởi các tác giả khác ở Hoa Kỳ như Aldgate và Simmonds (1988).

 Ở Anh, Redgrave cũng đã phát triển một cách tiếp cận mà ông gọi là “chăm – chữa” (care-therapy), trong đó có sử dụng những kỹ thuật có hướng dẫn (directive) và ông phân biệt nó với những liệu pháp chơi tự do (free- or non-focused play) (Redgrave, 1987). Dữ liệu hiện có cho thấy những liệu pháp chơi ở Anh đã chia sẻ nhiều tính chất đặc trưng của cách tiếp cận chơi trị liệu có cấu trúc và có trọng tâm của Redgrave. Redgrave cũng đã mô tả cách thức ông giúp trẻ em kềm chế những cơn giận, để trẻ có thể xem xét những “cách thức giải bày cơn giận hữu hiệu lẫn không hữu hiệu”, thông qua sử dụng cách vẽ tranh, các hoạt động, hoặc dùng cách minh họa một sơ đồ chiếc máy hơi nước để kiểm soát cơn giận.

 

CÁC CAN THIỆP LIÊN QUAN ĐẾN CHƠI (PLAY RELATED INTERVENTIONS)

 Một số các hoạt động chơi cũng có thể được sử dụng để giúp trẻ và nhà trị liệu giao tiếp vói nhau hiệu quả hơn khi nói về những sự kiện khó khăn. Mục đích của cán thiệp này là nhằm để đánh giá đứa trẻ, hoặc để chuẩn bị cho trẻ đương đầu với những sự kiện khó khăn trong đời sống, chẳng hạn như chuẩn bị vào ở trong một cơ sở chăm sóc. Những can thiệp này cần phải được phân biệt với các liệu pháp chơi (play therapies). Trong liệu pháp chơi, các can thiệp được duy trì dài hạn và mục đích nhằm giúp trẻ đạt đến những thay đổi sâu hơn những chức năng về cảm xúc và xã hội.

Còn tiếp

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý