Liệu pháp Trò chơi trên cát
17/01/2012
Trò chơi trị liệu ( Phần I )
24/01/2012
Liệu pháp Trò chơi trên cát
17/01/2012
Trò chơi trị liệu ( Phần I )
24/01/2012

Nghệ thuật trị liệu, một phương pháp được áp dụng trong trị liệu các vấn đề về sức khỏe tinh thần, được hình thành và phát triển từ khoảng cuối thập niên 1940.

Tại Anh, Adrian Hill được biết đến như là nhà tiên phong sử dụng thuật ngữ này để nói về việc tạo hình ảnh trong ứng dụng trị liệu. Ông là người tìm thấy lợi ích trị liệu của hoạt động động sơn vẽ. Theo ông, giá trị của nghệ thuật trị liệu nằm ở chổ: nó hoàn toàn choáng hết tâm trí, giải phóng năng lực sáng tạo, và nó có thể kích hoạt bệnh nhân xây dựng hàng rào tự vệ mạnh mẽ đối với những biến cố không may.

 Cùng khoảng thời gian này, tại Mỹ, nhà tâm lý học Margaret Naumberg cũng dùng thuật ngữ này cho công việc trị liệu của mình. Bà cho rằng đây là phương pháp giải phóng vô thức thông qua sự bộc lộ nghệ thuật một cách tự phát. Gốc rễ của nó là mối quan hệ chuyển di giữa bệnh nhân và nhà trị liệu trong khung cảnh khuyến khích liên tưởng tự do. Phương pháp này gần gũi với lý thuyết phân tâm. Việc trị liệu được dựa trên sự phát triển của mối quan hệ chuyển di và hiệu quả tiếp nối của việc tự diễn giải các biểu tượng được tạo ra bởi bệnh nhân. Sản phẩm tạo ra là một dạng của giao tiếp giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, chính họ tạo nên ngôn ngữ biểu tượng.

 Đến nay, nghệ thuật trị liệu phát triển theo hai nhánh: nghệ thuật như là một phương pháp trị liệu và phương pháp tâm lý trị liệu nghệ thuật. Nhánh tiếp cận đầu nhấn mạnh tiềm năng chữa lành của nghệ thuật, trong khi đó, nhánh thứ hai nhấn mạnh vào mối quan hệ trị liệu được thiết lập giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ trong hoạt động có tính nghệ thuật. Điều quan trọng phân biệt hai nhánh quan điểm này là việc đặt trọng tâm sự thay đổi có tính trị liệu nằm ở đâu. Trong nghệ thuật trị liệu, động lực thúc đẩy tiến trình trị liệu là một bộ ba quan hệ giữa nhà trị liệu, thân chủ và hoạt động nghệ thuật. Tùy vào giai đoạn làm việc, mối quan hệ giữa hai trong ba nhân tố của bộ ba này sẽ được nhấn mạnh để đạt đến hiệu quả trị liệu.

 

CÁC ĐỊNH NGHĨA

 Theo quan điểm đương thời, nghệ thuật trị liệu được xem là một trong những phương pháp trị liệu tạo nên hình ảnh, vật thể, đóng vai trò trung tâm trong mối quan hệ giữa nhà nghệ thuật trị liệu và thân chủ.

 Hiệp hội các nhà nghệ thuật trị liệu Anh Quốc định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu là việc sử dụng chất liệu nghệ thuật cho việc tự bộc lộ và phản ánh dưới sự hiện diện của một nhà nghệ thuật trị liệu đã được huấn luyện. Thân chủ tham gia tiến trình nghệ thuật trị liệu không cần có kỹ năng hoặc trải nghiệm về nghệ thuật trước đó. Khởi đầu, nhà nghệ thuật trị liệu không chú tâm đến việc đánh giá khiếu thẩm mỹ hay chẩn đoán bệnh nhân trên sản phẩm nghệ thuật của họ. Mục tiêu chung của các nhà thực hành là phải thúc đẩy thân chủ thay đổi và trưởng thành lên mức độ mới thông qua sử dụng chất liệu nghệ thuật trong điều kiện an toàn và dễ dàng.

 Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Mỹ định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu như là hoạt động nghệ thuật được sử dụng có tính trị liệu, trong mối quan hệ chuyên nghiệp, bởi những người có trải nghiệm bệnh tật, sang chấn, đang đương đầu với những thách thức trong cuộc sống hoặc những người tìm kiếm sự phát triển nhân cách. Thông qua tiến trình sáng tạo nghệ thuật và phản ánh bản thân trên sản phẩm nghệ thuật, con người có thể tăng trưởng nhận thức về bản ngã và về người khác, đương đầu với những triệu chứng, sự căng thẳng, kinh nghiệm sang chấn, nâng cao khả năng nhận thức và trải nghiệm cuộc sống qua sự thư giãn trong hoạt động nghệ thuật.

 Hiệp hội nghệ thuật trị liệu Canada và Hiệp hội nghệ thuật trị liệu quốc gia Úc định nghĩa: Nghệ thuật trị liệu là một hình thức tâm lý trị liệu, cho phép bộc lộ và chữa lành cảm xúc thông qua những phương tiện không lời. Trẻ em thường không thể dễ dàng bộc lộ bản thân qua lời nói. Còn người lớn thường dùng lời để biến hóa và tạo khoảng cách với cảm xúc của mình. Nghệ thuật trị liệu có thể khiến cho thân chủ phá vỡ những hàng rào ngăn trở này để tự bộc lộ qua việc sử dụng chất liệu nghệ thuật.

 Bản chất của nghệ thuật trị liệu nằm ở chổ mối quan hệ có thể thiết lập giữa nghệ thuật và trị liệu. Mối quan hệ này tiềm ẩn sự xung đột giữa hai khuôn khổ. Đây không phải là “đôi bạn đồng hành dễ chịu”. Trong nghệ thuật trị liệu mối quan hệ này đặc biệt tập trung vào những thể loại nghệ thuật thị giác (sơn, vẽ, nặn tượng) và không thường bao hàm việc sử dụng các loại hình nghệ thuật khác như nhạc, kịch hoặc nhảy múa. Vì có quá nhiều sự chồng chéo giữa những khuôn khổ làm việc, tại Anh, ứng dụng trị liệu cho thể loại nghệ thuật phải được thực hiện bởi nhà trị liệu được huấn luyện đặc biệt.

 

MỤC ĐÍCH

 Trong thực hành, nghệ thuật trị liệu liên quan đến cả tiến trình và sản phẩm của việc tạo hình ảnh (một dạng diễn đạt có tính biểu tượng) và sự sắp đặt từ mối quan hệ trị liệu. Môi trường nâng đỡ được nuôi dưỡng bởi mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ có thể khiến cho cá nhân sáng tạo những hình ảnh và vật thể với mục tiêu khám phá và chia sẻ ý nghĩa của chúng một cách rõ ràng. Bằng những phương tiện này, thân chủ có thể tăng khả năng hiểu biết về bản thân, về những khó khăn, đau khổ của họ. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực tiệm tiến trong cảm nhận về bản ngã của thân chủ, trong các mối quan hệ hiện tại và cả chất lượng sống của họ.

 Mục tiêu của nghệ thuật trị liệu thường biến đổi tùy theo nhu cầu của các cá nhân tham gia công việc này. Những nhu cầu này có thể thay đổi như là một chỉ báo của sự phát triển trong mối quan hệ trị liệu. Đối với người này, tiến trình nghệ thuật trị liệu có thể được khuyến khích để chia sẻ và khám phá những khó khăn về cảm xúc thông qua sáng tạo hình ảnh và thảo luận về nó; trong khi đó, với người khác, nó có thể được hướng dẫn hướng đến việc thúc đẩy thân chủ bộc lộ những cảm nhận khó giải bày bằng lời. Vì thế, nghệ thuật trị liệu không đòi hỏi cá nhân tham gia phải thành thạo kỹ năng nghệ thuật mới có thể tìm thấy lợi ích của nó. Thật vậy, nhấn mạnh khả năng thẩm mỹ chỉ sử dụng trong mục đích có tính giáo dục, nhưng nó làm che khuất những điều mà nghệ thuật trị liệu thật sự quan tâm.

 

PHÂN BIỆT

 Nghệ thuật trị liệu và hoạt động trị liệu (occupational therapy)

 Nghệ thuật trị liệu và hoạt động trị liệu thường bị nhầm lẫn với nhau bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, lịch sử hình thành và phát triển của hai liệu pháp này liên kết hòa lẫn với nhau. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, các nhà nghệ thuật trị liệu vẫn làm việc trong ngành hoạt động trị liệu và sử dụng nghệ thuật trị liệu như là một phần cung cấp các hoạt động có ích cho thân chủ. Thứ hai, trong một khoảng thời gian dài lịch sử, các nhà hoạt động trị liệu dùng nghệ thuật như một mô thức trị liệu trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm sử dụng các kỹ năng phóng chiếu để chẩn đoán, sử dụng nghệ thuật để nâng đỡ khả năng nhận thức và giao tiếp.

 Cho đến khi nghệ thuật trị liệu được phát triển trở thành chuyên môn riêng thì việc phân biệt với hoạt động trị liệu được xác định qua bốn lĩnh vực hoạt động như sau:

  – Giáo dục và huấn luyện: Nghệ thuật trị liệu được đào tạo ở cấp độ sau đại học, dành cho nhà trị liệu đã có bằng cấp có liên quan, thường là điểm khá tốt về nghệ thuật. Còn hoạt động trị liệu thì được đào tạo cơ bản trong quá trình học tại đại học.

– Việc sử dụng bộ môn nghệ thuật làm trung gian: Nghệ thuật trị liệu chủ yếu quan tâm đến việc ứng dụng có tính trị liệu của những bộ môn nghệ thuật cho các sản phẩm có tính thị hiện như sơn, vẽ, điêu khắc. Còn nhà hoạt động trị liệu lại thường sử dụng các bộ môn nghệ thuật có tính truyền thông như kịch, viết sáng tạo, nhạc…

– Tầm quan trọng của việc liên kết với công việc nghệ thuật: Nhà trị liệu hoạt động ít nhấn mạnh công việc nghệ thuật hơn nhà nghệ thuật trị liệu. Tiến trình trị liệu và tạo tác sản phẩm của nghệ thuật trị liệu thống nhất với nhau, trong khi đó, trị liệu hoạt động cho rằng việc thân chủ hoàn tất sản phẩm sáng tạo của mình chỉ là yếu tố phụ, mục đích chính của việc để cho thân chủ hoạt động nghệ thuật là nhà trị liệu có thêm thông tin về thân chủ nhờ quan sát quá trình sáng tạo đó.

 – Mức độ hướng dẫn trong mỗi tiếp cận trị liệu: Mặc dù nhà nghệ thuật trị liệu đề nghị chủ đề cho thân chủ làm việc, nhưng hầu hết đều không có sự hướng dẫn cụ thể nào cho việc thân chủ phải chọn chất liệu nghệ thuật gì để thể hiện bản thân. Còn nhà trị liệu hoạt động thì gắn kết việc cân nhắc sử dụng bộ môn nghệ thuật cụ thể vào trong quá trình trị liệu, họ thích nhìn thấy cách thân chủ lựa chọn chất liệu.

 

Nghệ thuật trị liệu và các dạng trị liệu có ứng dụng nghệ thuật

 Một trong những khó khăn trong việc phân biệt nghệ thuật trị liệu với những dạng khác có dựa trên yếu tố nghệ thuật để làm công tác can thiệp có tính trị liệu đó là có khá nhiều tên gọi trong lĩnh vực này do các nhà trị liệu thực hành đặt ra. Trong lịch sử, có rất nhiều hoạt động nghệ thuật không có yếu tố lâm sàng được thực hiện trong nhà tù hoặc các dịch vụ xã hội. Vào thập niên 1990, các nhà trị liệu đã muốn thay đổi danh xưng nhà nghệ thuật trị liệu bằng danh xưng nhà tâm lý nghệ thuật. Một số nhà trị liệu cho rằng việc thay đổi là kết quả của sự mất đi bản chất đặc trưng ban đầu của nghệ thuật trị liệu và sự liên kết của nó với những liệu pháp tâm lý dùng lời nói. Điều này có thể sẽ làm mất đi thế mạnh của tiến trình sáng tạo trong nghệ thuật trị liệu.

 Mặc dù các thành viên của hiệp hội các nhà nghệ thuật trị liệu Anh Quốc vẫn đồng ý duy trì tên gọi nhà nghệ thuật trị liệu, nhưng có một sự phong phú trong cách tiếp cận nghệ thuật trị liệu được phản ánh qua các tên gọi khác nhau do chính các thành viên của hội sử dụng khi thực hành nghệ thuật trị liệu. Ngoài tên gọi nhà nghệ thuật trị liệu và nhà tâm lý nghệ thuật, còn có nhà phân tâm nghệ thuật, nhà nghệ thuật trị liệu thân chủ trọng tâm.

 Tại Mỹ, khá nhiều tên gọi trong cộng đồng các nhà nghệ thuật trị liệu dựa trên các cách tiếp cận  nhận thức, gestalt, y dược, hiện tượng học liên kết với nghệ thuật trị liệu. Sự khác biệt giữa các cách tiếp cận được phân biệt bởi khá nhiều yếu tố, bao gồm bối cảnh mà nghệ thuật trị liệu tiến hành, nhóm thân chủ và định hướng lý thuyết của nhà trị liệu. Kết quả là nghệ thuật trị liệu mang ý nghĩa khác nhau đối vời từng trường hợp khác nhau.

 

TẠI SAO DÙNG NGHỆ THUẬT TRỊ LIỆU?

 Mặc dù giao tiếp của con người có nhiều dạng khác nhau, nhưng giao tiếp dùng ngôn từ có xu hướng thống lĩnh hơn cả. Ngôn từ không chỉ là phương tiện chính để chúng ta trao đổi thông tin về thế giới xung quanh, mà đối với hầu hết mọi người, ngôn từ còn là phương tiện chính có sẵn để diễn tả và giao tiếp với thế giới đó. Thông qua ngôn từ, hầu hết chúng ta đều cố gắng để định hình và gán ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, trải nghiệm của con người lại không thể chuyển tải hết qua ngôn từ. Một số trải nghiệm và tâm trạng cảm xúc vượt ra ngoài khả năng diễn đạt bằng ngôn từ. Cảm nhận về tình yêu và sự thù hận, về nỗi tuyệt vọng và các sang chấn tâm lý khó có thể dùng ngôn từ để diễn đạt một cách chính xác. Điều này đặc biệt liên quan đến những khó khăn có nguồn gốc thời thơ ấu. Tại điểm này, nghệ thuật trị liệu cung cấp một phương thức để vượt qua những cảm nhận khó chịu như nản lòng, khủng hoảng và cô độc, bằng cách chọn lựa một cách thức trung gian để giao tiếp và diễn đạt mà ở đó cảm giác có thể được bày tỏ và được người khác hiểu.

 Trong bối cảnh một mối quan hệ có tính nâng đỡ, thông qua việc tạo dựng những hình ảnh do thân chủ sử dụng trí tưởng tượng của mình để thể hiện tư duy và cảm xúc, cùng với sự lãnh nhận những thách thức, có thể giúp thân chủ trở nên trưởng thành hơn về mặt cảm xúc, gia tăng lòng tự trọng, thống hợp các đặc trưng tâm lý và xã hội của bản thân mình.

 CN.TL Nguyễn Thị Thu Trúc

Nguồn : www.tamlytrilieu.com

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý