Nguyên Tắc Can Thiệp Giáo dục Trẻ đặc biệt tại gia đình
21/10/2016Vui chơi tạo sở thích – Sở thích tạo tài năng
14/12/2016Đối với phần lớn cha mẹ, nhiệm vụ chủ yếu của trẻ là phải học, nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất lại là được chơi. Sự mâu thuẫn đó nếu biết dung hòa hay phối hợp sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho khả năng phát triển của trẻ. Thế nhưng, đa phần thì sẽ dẫn đến những hậu quả mà cả cha mẹ lẫn con cái đều là nạn nhân. Bởi vì ít ai nhận ra chính việc trẻ chơi đùa một cách thích thú, sẽ là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực.
Một đứa trẻ biết phát huy những sáng kiến trong khi chơi, biết chủ động tạo ra những tình huống, vận dụng một cách linh hoạt các công cụ khi chơi, tưởng tượng ra nhiều nhân vật, phương cách … để trò chơi tăng thêm phần hấp dẫn. Đó sẽ là một học sinh thành công trong việc học, miễn là cháu được giáo dục trong một môi trường tích cực, có nhiều hoạt động thúc đẩy sự chủ động và sáng tạo.
Vì vậy, trong môi trường gia đình, việc tạo điều kiện cho trẻ vui chơi và biết cách chơi đùa với con sẽ là những điều kiện cần thiết giúp cho trẻ phát triển cả về trí lực lẫn thể lực. Thông qua các đồ chơi và trò chơi, trẻ sẽ nhận thức được những mối tương quan giữa mình và môi trường bên ngoài cũng như phát triển được những kỹ năng mà sau này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiếp thu các bài học.
Việc cùng trẻ chơi đùa, dù chỉ trong một thời gian ngắn một cách vui vẻ sẽ có giá trị hơn nhiều giờ đưa con đến những khu vui chơi, hay vào siêu thị, mua cho con vài thẻ trò chơi còn mình thì đi mua sắm hoặc đứng ngó. Cha mẹ có thể nghĩ rằng, trẻ chỉ cần giải trí với những món đề chơi là đủ, nhưng thực ra ngoài việc giải trí thì trò chơi sẽ giúp cho việc phát triển mối “tương tác” giữa cha mẹ và con một cách tích cực. Đây mới là điều cần thiết cho sự hòa nhập của trẻ sau này, mà những biện pháp giáo dục qua sách vở không thể đem lại được.
Giá trị của trò chơi
Chơi là một hoạt động thiết yếu trong sự phát triển của mọi trẻ. Thông qua việc chơi các trò chơi và chơi với đồ chơi, trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết và quan trọng như khả năng giao tiếp, tư duy trừu tượng, tương tác xã hội, phát triển sự tự trọng và cá tính, khả năng sáng tạo .
Chơi là gì?
Chơi là những hoạt động trong một thời gian mà qua đó trẻ được tự do khám phá mọi thứ theo cách riêng và theo những bước riêng của mình với sự vui thích và thoải mái. Các hoạt động do trẻ chủ động chọn lựa để chơi cái gì và chơi như thế nào. Trẻ có thể chơi một mình, chơi với cha mẹ hay với những bạn bè cùng trang lứa.
Trò chơi có vai trò quan trọng vì nó đặt nền móng cho những kỹ năng mà trẻ dùng để áp dụng trong việc học của mình. Qua việc chơi đi chơi lại, trẻ có thể thực hành những kỹ năng cũ và phát triển những kỹ năng mới. Các hoạt động này giúp trẻ dần dầ tạo dựng sự hiểu biết về con người và mọi thứ xung quanh trẻ. Đó là nền tảng của sự giao tiếp. Chơi cho phép trẻ thử nghiệm các kỹ năng mà không có nguy cơ bị thất bại, bởi vì thua trong trò chơi không để lại một hậu quả nào, mà đó chính là cơ hội để trẻ biết điều chỉnh và hoàn thiện về tính cách của mình. Trẻ sẽ có sự quyết tâm, có tinh thần kiên trì hơn, biết điều chỉnh các động tác, phối hợp khả năng vận động và nâng cao những phản ứng một cách nhanh nhẹn hơn trong các lượt chơi sau.
Trong trò chơi, việc thắng – thua chỉ là một khái niệm rất tương đối. Điều này cũng phản ánh tính cách của trẻ, có nhiều cháu có máu “ăn thua” trong trò chơi chỉ muốn mình luôn luôn thắng, và khi thua là giận dỗi, “nghỉ chơi” Có những cháu khác thì biết chấp nhận “thua để làm lại” một cách vui vẻ. Đây cũng chính là những phản ứng mà bố mẹ cần giúp cho con có được, để sau này trong việc học, cũng như các hoạt động khác trong cuộc đời, biết xem đó là một “trò chơi” việc thắng thua, chỉ là một yếu tố kích thích trẻ cần có những cố gắng nhiều hơn, chứ không phải đó là những tổn thương khó hàn gắn.
Hoạt động chơi bắt đầu từ khi nào ?
Hoạt động chơi của trẻ bắt đầu từ sự tương tác giữa mẹ/bố với con ngay từ khi trẻ còn nằm trong nôi, thông qua ánh mắt nhìn, trẻ nhận ra khuôn mặt của mẹ, tập phân biệt với khuôn mắt của bố, và có thể đùa nghịch với các ngón tay khi bú mẹ. Sau đó trẻ sẽ mở rộng mối tương tác với những người khác và những đồ vật xung quanh trẻ bằng các vận động với hai bàn tay. Một trong những cách khám phá của trẻ là trò chơi cho vào miệng cắn hay mút tất cả những gì có trong tầm tay. Đây là một hoạt động mang tính khám phá, trẻ muốn biết về các vật chung quanh. Vì thế cha mẹ không nên ngăn cấm con bằng việc đeo găng cho bé, khiến cho việc cầm nắm trở nên khó khăn hơn. Điều cần làm là hãy chọn lọc những vật trong tầm tay của bé, không để những vật quá cứng hay dễ vỡ và lau chùi thật sạch sẽ. Sau một vài tháng thì bé sẽ chuyển qua cách tìm hiểu khác khi biết bò và nhất là khi biết đi thì hoạt động chơi của bé sẽ được mở rộng “phạm vi hoạt động” trẻ sẽ lon ton đi khắp nơi và nếu không biết cách vừa giới hạn, vừa kích thích sự phát triển vận động đúng cách, thì chuyện trở thành siêu quậy là ở trong tầm tay!
Qua trò chơi, trẻ sẽ phát triển được năng lực và kỹ năng gì ?
Chúng ta cần đảm bảo là trẻ được trải nghiệm mọi kiểu chơi. Bởi vì các hoạt động chơi có nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Các trò chơi giúp trẻ phát triển về 3 lĩnh vực cần thiết nhất đó là : Vận động, ngôn ngữ và trí nhớ. Đây là ba lĩnh vực cần thiết giúp cho trẻ có khả năng tiếp thu tốt hơn những kiến thức và tạo cho trẻ khả năng hòa nhập với môi trường xung quanh. Khi cho trẻ chơi, chúng ta phải lưu ý đến những nguyên tắc quan trọng:
- Trò chơi là một hoạt động giúp cho trẻ vui vẻ và thoải mái, đó không phải là bài tập mà trẻ phải hoàn thành, cũng không phải cuộc thi mà trẻ phải chiến thắng. Không có kẻ thắng và người thua trong những trò chơi, việc đạt haykhông đạt đều có giá trị như nhau nếu nó là kết quả của một cố gắng, tham gia tích cực.
- Trò chơi là cơ hội cho cha mẹ, con cái gần gũi nhau với tinh thần hoà đồng. Khi chơi thì tất cả đều bình đẳng và phải tôn trọng luật chơi, không ” lợi dụng” danh nghĩa hay quyền hạn làm cha mẹ để “ép” hay “nhường” con, mặc dù ta có thể tự đặt ra cho mình những “yêu cầu” cao hay khó hơn, nhưng tốt nhất, hãy là một đứa trẻ khi chơi cùng con trẻ.
- Trò chơi mang tính sáng tạo và linh hoạt, nó có thể thay đổi kéo dài, thu ngắn, có thể làm cho dễ hơn hay khó hơn, nhưng nó vẫn có những nguyên tắc và luật lệ mà người chơi phải chấp hành. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng, vì sự chấp hành các nguyên tắc trong trò chơi là tự nguyện, nhưng một đứa trẻ biết chấp hành tốt các nguyên tắc của một cuộc chơi, sẽ là một đứa trẻ biết tôn trọng những giá trị của cuộc sống và giá trị của bản thân sau này.
Trẻ em tiếp thu những kiến thức, kỹ năng rất tốt khi chơi. Cha mẹ thường sốt ruột khi thấy có vẻ như các cháu chơi nhiều hơn học trong giai đoạn mẫu giáo. Đừng lo lắng, chơi là một phương pháp học rất hiệu quả. Tất cả các hoạt động vui chơi mà trẻ tham dự đều xây dựng cho trẻ khả năng nhận thức, tình cảm. Giúp trẻ phát triển thể lực, kỹ năng để làm nền tảng cho việc học tập sau này.
Những vật hình khối giúp trẻ nhận thức đưọc không gian ba chiều. Trẻ có thể tưởng tượng rất nhiều hình ảnh, nhân vật thông qua các khối gỗ đơn giản ấy. Việc trẻ sử dụng các loại màu sáp, màu nước để nguyệc ngoạc những hình thù vô nghĩa hay những hình con người thật kỳ lạ chính là cơ sở để giúp trẻ vừa phát huy nhận thức, vừa giải tỏa các ức chế về tâm lý. Không những thế, những hình vẽ về con người còn nói lên được mức độ phát triển trí tuệ của trẻ.
Khi chơi các trò chơi ráp hình, trẻ sẽ phát triển khả năng suy luận về không gian, biết cách quan sát những kiểu mẫu và chi tiết, thực tập sự phối hợp tay và mắt. Các trò chơi nắn đất sét lại giúp cho trẻ phát huy trí tưỡng tượng cũng như kỹ năng khéo léo của bàn tay. Còn với các trò chơi vận động, điều này giúp trẻ phát triển thể lực, biết phối hợp sự vận động, tăng cường khả năng phản xạ, sự nhanh nhẹn…
Trò chơi sẽ giúp cho trí tưởng tượng của các em bay bổng, các em có thể hình dung ra rất nhiều hoạt động trong xã hội thông qua trò chơi. Với trí tưởng tượng phong phú các em có thể biến cây gậy thành con ngựa, biến các ghế ngồi thành xe lửa hay xe …tăng.. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi thơ và đó cũng là tiền đề cho khả năng sáng tạo sau nay khi các em khôn lớn.
Trò chơi cũng giúp cho các em nâng cao tính kỷ luật tự giác, thông qua việc ý thức được các vai trò trong cuộc chơi, chấp hành các quy định của trò chơi một cách tự nguyện. Dần dần điều đó sẽ hình thành ở trẻ một thói quen tốt là tự đặt ra cho mình những nguyên tắc về kỷ luật, làm nền tảng cho các hoạt động sau này.
Tại gia đình, nếu phụ huynh biết cách chơi với con, không những giúp cho trẻ phát triển, để có thể thích nghi nhanh với các hoạt động tại nhà trường, mà còn giúp trẻ tự tin hơn trong việc giao tiếp với các bạn cùng lứa tuổi.
Chắc chúng ta sẽ đồng ý rằng, ít khi nào trẻ chơi một mình? Trừ khi lúc trẻ gắn mình với chiếc máy vi tính qua những trò chơi chuyển động trên màn hình. Điều đó thường góp phần tạo nên tính thụ động và ích kỷ nơi trẻ. Còn trong hầu hết các trò chơi, trẻ đều cần có bạn chơi, có thể là một, hai hay nhiều trẻ cùng chơi đùa với nhau. Điều này sẽ giúp trẻ phát huy được tính tương tác xã hội, đồng thời cũng giúp cho bé trở nên độc lập hơn, trẻ sẽ có khả năng giải quyết vấn đề, phát huy tính tập trung và trí tưởng tượng. Trò chơi còn giúp cho con bạn phát triển các kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc sống và cho quá trình học tập ở nhà trường.
Khi chơi trẻ sẽ dần dần ý thức được giá trị bản thân, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp trẻ hình thành nhân cách. Bạn có để ý các trẻ em có các hội chứng rối nhiễu về tâm lý không ? Các trẻ chậm khôn, hiếu động hay tự kỷ thường không biết chơi, cùng lắm là các em chỉ có thể chơi với một số đồ vật, không phải là đồ chơi và không thể chơi với bạn hay chơi cùng các trẻ khác. Các nhà khoa học đã kết luận rằng, di truyền chỉ có thể quyết định các tiềm năng, nhưng chính môi trường và sự nuôi dưỡng mới có những tác động quan trọng đến trí thông minh của trẻ. Sự kích thích trí tuệ của trẻ trong những năm đầu đời – đặc biệt qua việc cho trẻ vui chơi đúng cách – là hết sức quan trọng hơn bất kỳ một giai đoạn nào khác. Trước đây, người ta thường cho rằng di truyền là yếu tố duy nhất quyết định sự thông minh của trẻ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà khoa học qua những nghiên cứu đã nhận thấy rằng nếu trẻ nhận được những kích thích tích cực của môi trường trong giai đoạn từ 0 -3 tuổi thông qua các hoạt động vui chơi, sẽ giúp cho trẻ phát triển trí thông minh, hình thành những cảm xúc tích cực, tạo cho trẻ từ những khả năng phân tích cho đến các kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi trẻ chơi đùa sẽ có sự thay đổi của sóng thần kinh trong não, các cơ quan thần kinh của trẻ sẽ được kích thích để tiếp nhận, xử lí và gửi đi cáctín hiệu. Các hoạt động này sẽ giúp cho hình thành và cố định nhiều hơn các kết nối thần kinh, giúp gia tăng việc dẫn truyền các tín hiẹu thần kinh. Do đó, khi trẻ chơi các đồ chơi thì đó không đơn thuần chỉ là sự giải trí mà còn giúp cho việc gia tắng trí thông minh và sức khỏe cho trẻ, trẻ sẽ có khả năng học hỏi từ những tác động của môi trường xung quanh. Những trẻ không được vui chơi, chăm sóc thường xuyên sẽ bị hạn chế về khả năng phát triển trí nẵo.
Chuyên gia tâm lý trường Đại học Yale – tiến sĩ Dorothy G. Singer cho rằng các yếu tố môi trường có những tác động nhất định lên trẻ. Việc trẻ tương tác với người lớn thông qua các trò chơi, cũng như viêc chơi với các bạn cùng trang lứa là rất quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ, bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian tiếp xúc, trò chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt, cần phải phối hợp giữa sự an uỉ vỗ về và tính nghiêm khắc trong việc chăm sóc các em.
Vì thế, bố mẹ cần có một thái độ tích cực đối với các hoạt động tương giao với trẻ mà trong đó thì việc vui chơi của trẻ và với trẻ là một trong những hoạt động có giá trị tích cực nhất. Chúng ta phải dành cho trẻ thời gian để chơi cũng như phải có những giờ phút vui chơi cùng con trẻ. Đó mới là tình yêu thương đích thực của cha mẹ đối với con cái.
Nhiều trẻ sau khi đã mệt nhoài vì việc học ở trường, lại bị tiếp tục nhồi nhét trong những giờ học thêm, nên trẻ không còn thời gian để chơi, tiếp xúc với các đồ chơi, trò chơi khiến trẻ không phát huy được trí tưởng tượng. Không những thế, thông qua các trò chơi, trẻ còn xây dựng được những nhận thức về mặt xã hội, thực hành được những bài học về từ ngữ, văn phạm, có những suy nghĩ tích cực, đa chiều và phân biệt được thực tại và tưởng tượng.
Một số những kỹ năng cần thiết được phát triển qua các trò chơi :
- Biết lắng nghe : Thông qua các câu chuyện cổ tích, các trò chơi âm nhạc, các bài ca dao, đồng dao, trò chơi gọi tên …Trẻ sẽ nghe và sau đó nhắc lại, kể lại …
- Biết tập trung : Các trò chơi xếp gạch, xếp logo, nắn đất sét … sẽ giúp trẻ phát triển kỹ năng này.Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng tập trung vào việc học sau này.
- Biết quan sát và phân biệt : Những trò chơi quan sát các điểm giống/khác nhau qua hai hình vẽ tương tự. Hay trò chơi xếp theo thứ tự một cái cây từ lúc mới mọc cho đến khi ra hoa, cách phân biệt hai cái lá tươi và lá khô…
- Phát triển sự phối hợp giữa mắt và bàn tay : Bạn có thể vạch hai đường song song, uốn lượn hay zíc zắc và yêu cầu trẻ kẻ một đường vào giữa hai con đường đó… Những trò chơi phát triển vận động, gia tăng sự phối hợp giữa mắt và tay là hết sức cần thiết cho trẻ trong việc tập viết.
- Biết nguyên tắc từ trái sang phải : Điều này có vẻ đơn giản, nhưng tập cho trẻ khả năng nhìn từ trái sang phải, rồi nhanh chóng trở lại điểm ban đầu là điều phải được tập luyện : Cầm viết gạch từ trái sang phải, tập đếm các đồ vật từ trái sang phải, chơi các trò chơi chuyền banh hay một món đồ từ trái sang phải… Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong việc đọc từ trái sang phải.
CvTl LÊ KHANH