Trò chơi Trong thế giới Trẻ em
07/11/2016
Để thành công trong việc đồng hành cùng con .
21/12/2016
Trò chơi Trong thế giới Trẻ em
07/11/2016
Để thành công trong việc đồng hành cùng con .
21/12/2016

Người ta hiếm khi thành công

nếu không làm điều mình thấy vui thích.

Dale Carnegie

Thế nào là sở thích?

Khi trẻ bắt đầu biết cầm nắm, biết khám phá thế giới qua các món đồ chơi thì cũng là lúc mà bố mẹ lại có những phác thảo về nghề nghiệp qua việc trẻ thích chơi món gì. Nhìn chung thì trẻ thường thích chơi những món đồ sặc sỡ, mềm mại, phát ra tiếng kêu, có thể cầm nắm dễ dàng. Các món đồ chơi cũng dần dần thay đổi theo sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ. Với trẻ, đó là những “bài học” để trẻ phát triển vốn từ, nhận biết ra các sự vật xung quanh, hình thành tư duy logic và xây dựng các mối quan hệ xã hội.  Nhưng cũng có một số trẻ tỏ ra gắn bó với một số món đồ chơi hơn hẳn những món khác. Trẻ đã có sự chọn lựa theo sở thích, và với những món này thì trẻ có thể chơi hàng giờ không chán, nhưng cũng có những món trẻ chỉ chơi một lúc khi còn mới, rồi sẽ bỏ sang một bên không quan tâm đến nữa..

Việc chọn lựa món đồ chơi là một trong những hoạt động bộc lộ điều mà ta gọi là sở thích của trẻ em, và các bà mẹ thường dễ dàng nhận ra sở thích của con mình, nhưng để cắt nghĩa tại sao trẻ thích cái này mà không thích cái kia lại là một điều không dễ, vì có những lý do khá đơn giản như về mầu sắc, tiếng kêu vui tai có thể thu hút trẻ, nhưng cũng có những nguyên nhân sâu xa, đôi khi nằm trong vô thức, nhất là đối với những vật khiến trẻ sợ hãi hay có ác cảm. Có thể đó là vật mà trẻ nhận biết ngay và gây ra cho trẻ những tác động từ lúc còn sơ sinh, nhưng chỉ đến khi lớn hơn trẻ mới có khả năng bầy tỏ phản ứng với vật đó qua sự hứng thú hay ghét bỏ.  Chính việc trẻ thích chơi với món đồ chơi này, thích ăn món này, thích mặc cái áo này mà không thích món đồ chơi kia, món ăn kia dù cũng ngon lành không kém… cũng là một yếu tố tạo ra những sở thích khác nhau ở mỗi đứa trẻ.

Nhìn một đứa trẻ thích chơi ô tô, hay các trò chơi xây dựng bố mẹ có thể nghĩ rằng đó là một kỹ sư tương lai, nhưng biết đâu trẻ chỉ có thể trở thành một thợ máy hay thợ xây dựng ? Cũng vì thế, nên nhiều người lại suy nghĩ  hơi “ngược chiều” là khi đã trưởng thành, nếu đứa trẻ lúc đó trở thành một kỹ sư thật, thì họ cho rằng tại hồi nhỏ, trẻ hay chơi trò xây dựng hay thích chơi với ô tô mà !

B08-AI-048

Việc trẻ thích chơi món này hay món kia cũng bộc lộ xu thế về phái tính, đó là trẻ trai thì thường chơi những trò chơi mạnh bạo, leo trèo, đa số thích chơi xe hơi, rô bốt hay những trò chơi đấm đá theo kiểu các hiệp sĩ, siêu nhân …với dao kiếm, súng ống. Còn trẻ gái thì thường thích chơi với búp bê, hay thích chơi trò nấu ăn, bán hàng … và nếu như một bé trai mà lại thích chơi với búp bê, một bé gái thích trở thành siêu nhân thì sẽ gây ra sự lo ngại không ít vì cái sở thích trái ngược “truyền thống phái tính” của mình ! Thậm chí đó có thể là dấu hiệu ban đầu của một giới tính thứ ba, thuộc loại “xăng pha nhớt” mà bậc cha mẹ nào cũng “hãi hùng” nếu con mình chẳng  may lại trở thành một kẻ đồng tính khi lớn lên! Tuy nhiên, đôi khi vấn đề lại đơn giản hơn vì có khi đó lại là ảnh hưởng của môi trường gia đình.

 

Sở thích đem lại những giá trị gì ?

Người ta có thể dựa trên sở thích để đánh giá khả năng phát triển hay những rối nhiễu về tâm lý của trẻ. Việc một đứa trẻ không thích bất cứ một món đồ chơi nào, không thích chơi với các loại đồ chơi mà lại chỉ tỏ ra quan tâm đến những món đồ thật, nhất là những vật có những  nút bấm như điện thoại di động, máy tính hay những vật bất kỳ như những cái hộp, cuốn băng video, thậm chí là trẻ có thể chỉ thích xếp những chiếc dép, giầy theo một trật tự nhất định, hoặc lại chỉ quan tâm đến những con số, có thể chỉ ra và đếm một cách dễ dàng từ 1 đến 100 hay hơn nữa… lại cho thấy, đó là những dấu hiệu của tình trạng Tự Kỷ, một hội chứng rối nhiễu tâm lý khiến cho trẻ không có khả năng quan hệ giao tiếp, không thể học tập và phát triển các kỹ năng như một đứa trẻ bình thường mà cho đến nay vẫn chưa có những liệu pháp trị liệu hiệu quả.

Sở thích là yếu tố đánh giá Tài năng

Sở thích không hẳn chỉ là những thứ hay những điều mà mình ưa thích mà nó còn là một yếu tố để đánh giá khả năng phát triển hay năng lực của một đứa trẻ. Sở thích cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được những thành công trong các hoạt động của mình.

Một nhà giáo dục Nhật Bản đã phát biểu: “Thiên tài chính là sự say mê một cách kiên trì với lòng ham thích” ông cũng nói: “Cách tạo ra một người tầm thường vô cùng đơn giản, đó là đừng để cho trẻ ưa thích một điều gì cả, chỉ cần thế thôi cũng đủ rồi !” Như vậy, chúng ta thấy chính sở thích được biểu lộ qua các trò chơi với những món đồ chơi, tuy không phải là một dự báo chính xác về thiên hướng nghề nghiệp sau này, nhưng nó lại là tiền đề cho một quá trình hình thành nhân cách và kỹ năng của một đứa trẻ.

Nói cách khác là những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, chúng ta phải tìm kiếm và khơi gợi ở đứa trẻ lòng ham thích, trẻ có thể thích món này, thích món kia và dần dần sẽ tiến đến việc ưa thích vận động chơi đùa và tham gia những hoạt động trong gia đình, từ đó sẽ phát triển thành sự ham thích tìm hiểu, học tập. Ở đây, điều thúc đẩy và hình thành lòng ham thích của trẻ không gì khác hơn chính là sự ham thích của cha mẹ. Chính tấm gương qua sự bầy tỏ sự ham thích của người lớn, của các bậc cha mẹ là một yếu tố quan trọng hình thành sở thích nơi đứa trẻ. Như vậy, ngoài các yếu tố bẩm sinh thì sở thích cũng có thể được hình thành và phát triển qua sự bắt chước, qua việc tạo dựng cho trẻ những môi trường và điều kiện thích hợp và nhất là để cho trẻ có thể chọn lựa một cách tuỳ ý.

Sở thích sẽ đem đến hạnh phúc

Sở thích là bước đầu cho sự say mê, có thể trẻ thích nhiều thứ bởi vì hầu như tất cả đều mới mẻ với sự khám phá dần dần của trẻ. Nhưng qua sự sàng lọc, chỉ còn lại một vài hoạt động gây cho trẻ sự hứng thú thật sự, và dần dà phát triển lên thành mối đam mê, nhờ đó trẻ đạt được những kết quả khả quan nhất trong việc tập luyện cho mình những kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu do sở thích đem lại, cho dù có phải vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta đã thấy biết bao nhiều người nhờ có sự hứng thú đặc biệt với một vật dụng hay một kỹ năng nào đó để dần dà hình thành những bộ sưu tập, đôi khi rất có giá trị và đem lại cho người sở hữu chúng những lợi ích từ tinh thần đến vật chất.

Có thể nói, sở thích hay sự ham thích là người thày tốt nhất để đào tạo một con người, đi từ chỗ không biết cho đến chỗ thành thục, đi từ những điều tầm thường đến sự tinh xảo. Không những thế, sở thích cũng là một sự dẫn dắt có hiệu quả nhất trong sự hình thành một nghề nghiệp trong tương lai. Một đứa bé ham mê cây cỏ có thể trở thành một nhà khoa học về thực vật học, nhưng cũng có thể trở thành một người trồng hoa, ươm giống cây hay trồng cây cảnh và đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực mà mình ưa thích. Một trẻ ham mê nấu ăn có thể trở thành một nhà buôn bán thực phẩm nhưng cũng có thể trở thành một đầu bếp nổi tiếng. Chúng ta đã biết có nhiều thanh niên chấp nhận bỏ ngang việc học ở các đại học danh tiếng, trong những ngành học đầy tương lai để đi theo tiếng gọi của lòng say mê và đã đạt được những kết quả trong các công việc mà ngay cả những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu cũng mong muốn. Nhưng, nếu chỉ với lòng say mê thì chưa đủ, mà còn phải có ý chí  kiên định, phải có những kỹ năng vững vàng và cả sự may mắn nữa.

b08-ai-043

Nếu nói sở thích hay sự say mê có tính bẩm sinh và nhờ những tấm gương của bố mẹ, hay có những môi trường thuận lợi để phát triển thì phải chăng bất cứ trẻ nào cũng có thể thành công với sự khởi đầu là các sở thích? ngược lại, nếu trẻ chẳng có một sở thích gì,chẳng có sự say mê hứng thú với bất cứ điều gì, thì phải chăng đó sẽ là con người triền miên thất bại khi lớn lên?  … Chúng ta thấy, trừ trẻ có những rối nhiễu về tâm lý hay chậm phát triển thì  trẻ nào cũng thích thú với trò chơi và đồ chơi, nhưng khi lớn hơn hầu hết vẫn là những học sinh bình thường, bởi vì từ sở thích muốn muốn nâng lên thành sự say mê thì không phải trẻ nào cũng đạt được và cũng chỉ có một tỷ lệ nào đó thành công với sự say mê duy trì được từ thủa còn thơ.  Thậm chí ngay cả với những trẻ có những sự ham thích và say mê rõ rệt về một lĩnh vực nào đó, thì cũng đâu phải ai  cũng có thể bước vào môi trường mà mình ưa thích mà có khi chính vì sự say mê không được đáp ứng đó, sẽ khiến cho trẻ trở thành một người bất đắc chí, luôn có sự chán nản với công việc và hoàn cảnh sống hiện tại của mình và không những không thể thành công, mà còn gặp phải những thất bại có thể “sờ thấy được” cho dù cũng có một sự say mê.

Như vậy, chúng ta thấy sở thích là bước đầu cho sự say mê, sự say mê là bước đầu cho khuynh hướng nghề nghiệp và những bước tiếp theo là phải có sự góp sức của những yếu tố và năng lực khác. Nhưng nếu không có sở thích và sự say mê, thì đứa trẻ tuy cũng có thể đạt được những thành công khi có được những yếu tố khác, có khi chỉ nhờ may mắn hay “ gia đình có điều kiện!” Nhưng chắc chắn rằng đối với con người, nếu đạt được sự thành công trong cuộc sống nhờ vào yếu tố say mê, đó mới là niềm vui lớn nhất. Hay nói rõ hơn, nếu chúng ta làm được công việc mà mình say mê và  được sống trong môi trường mà mình ưa thích thì đó chính là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

Yếu tố hình thành nên sở thích

Chúng ta biết rằng, ngay từ khi sinh ra trẻ đã có sự tò mò, muốn tìm biết khám phá thế giới quanh mình. Khi còn nằm trong nôi trẻ đã biết đưa mắt nhìn theo những vật lóng lánh, những thứ phát ra ánh sáng và âm thanh. Và trẻ khám phá thế giới bằng cái miệng, bất cứ vật gì trong tầm tay, nếu cầm nắm được, trẻ đều cho lên miệng để thử, vì thế giai đoạn từ sơ sinh đến 1 tuổi, người ta còn gọi đó là giai đoạn “môi miệng”.

Khi lớn hơn, trẻ sẽ tỏ ra hết sức tò mò với những vật chung quanh, khi đã có thể đứng được trên hai chân, trẻ sẽ dùng tay để nhặt và ném các vật chung quanh, rồi lại đi kiếm, nhặt rồi lại ném…chúng ta đừng nghĩ đó là những hành vi vô ích hay ngẫu nhiên, mà đó là nhằm giải quyết câu hỏi bên trong của cái cơ thể nhỏ bé kia, nó là cái gì vậy? Với những vật cứng, trẻ sẽ ném ra xa xem nó có vỡ ra không, với nhũng cái hộp, cái lọ trẻ sẽ tìm cách mở ra xem thử bên trong có gì, nếu vật có nút bấm, trẻ sẽ bấm thử, và nếu vật có chỗ trống, trẻ sẽ tìm cách nhét vào một cái gì đó, trẻ cũng thử xếp chồng các vật lên nhau để rồi bật cười khi những vật ấy đổ xuống…. Đó là những bước cơ bản nhất để khám phá tính chất của một vật và trẻ cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm từ những sự thay đổi đó.

Có thể nói, những đồ chơi là những vật đáp ứng tốt nhất nhu cầu tò mò của trẻ, vì nó không gây nguy hiểm cho trẻ, đó là yêu cầu đầu tiên của một món đồ chơi. Sau đó, nếu có hư hỏng do sự khám phá “quá tay” thì cũng không gây tốn kém nhiều cho gia đình, vì thế không nên mua những món đồ chơi đắt tiền cho trẻ để rồi lại cấm không cho trẻ chơi, hay lại lấy làm tiếc khi trẻ làm hỏng, để rồi có khi lại bị đòn oan vì cái tính tò mò và tinh thần khám phá !

Nếu chúng ta muốn trẻ có sự ưa thích đối với các sự vật và sự kiện xung quanh, tiền đề cho sự ham mê và là khởi điểm cho việc hướng nghiệp sau này, hãy tìm cách kích thích tính tò mò của trẻ, tạo những cơ hội để trẻ khám phá, dù đôi khi cũng có những sự đáng tiếc như bể, vỡ, rách hay hư hỏng trong quá trình tìm kiếm và sử dụng. Thậm chí có thể làm cho trẻ bị tổn thương và chúng ta thì vừa bực mình vì những cái trò “nghịch ngợm” đó lại vừa xót con! Nhưng chính nhiều khi, những kinh nghiệm đau thương đó lại là những bài học có giá trị, để trẻ vừa tăng thêm kỹ năng, sự hiểu biết và cũng giảm đi phần nào tính kiêu ngạo ở trẻ.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta cứ thả lỏng đứa trẻ, mặc cho nó tự do tìm tòi, khám phá, thử nghiệm vì đôi khi ngay cả trong những việc bình thường nhất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không lường trước được. Vì thế, trước khi để con tự do khám phá chúng ta cũng cần xem xét những yếu tố an toàn một cách tương đối trong các phòng của gia đình, lưu ý đến những nguy cơ có thể gây ra té ngã, cháy nổ hay điện giật … Nhưng điều quan trọng vẫn là phải tạo điều kiện và khuyến khích sự tìm tòi của trẻ.

Ngoài đồ chơi thì các hoạt động trong nhà và các hoạt động ngoài thiên nhiên cũng là những yếu tố giúp cho phụ huynh xác định được sở thích của trẻ. Trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc dinh dưỡng, cho con đi học và cung cấp cho trẻ những tiện nghi tốt nhất trong gia đình, điều đó nói lên tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Tuy nhiên, việc rèn tập cho con biết làm những việc đơn giản trong gia đình phù hợp với độ tuổi và năng lực của trẻ mới là một yếu tố để giúp con phát triển và hoàn thiện nhân cách. Chính khả năng tháo vát, biết nấu cơm, rửa chén, lau nhà, sắp xếp nhà cửa và tham gia vào những hoạt động chung của gia đình từ việc đi chợ, đi siêu thị cho đến chuẩn bị các buổi lễ, tết, kỷ niệm trong gia đình là những biện pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ một cách tốt nhất, dễ nhất và có hiệu quả lâu dài nhất. Không những thế, đó cũng là một cách giúp trẻ nhận ra những mặt mạnh, yếu của mình để từ đó giúp bố mẹ dễ có sự định hướng cho quá trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

 Yếu tố tác hại đến sở thích

Trong mấy năm nay, có một xu thế trang trí trong các lễ hội, đặc biệt là những ngày lễ Tết cổ truyền là đưa những mô hình, những yếu tố thiên nhiên, dân dã vào trong các khu vực được sắp xếp, quy hoạch một cách gọn gàng, đẹp mắt…trong không gian đô thị. Điều đó nếu xét về mặt mỹ quan, thì có thể đáp ứng phần nào nhu cầu của những người thích …chụp hình. Nhưng nếu xét về phương diện giáo dục trẻ em, thì đó là một biện pháp bóp méo những yếu tố kích thích sự khám phá và niềm vui của các em khi được đến với thiên nhiên một cách nhanh chóng nhất. Một vài vạt ruộng lúa be bé, một cái ao nước xinh xinh với chiếc cầu tre vắt ngang có thể là một hậu cảnh dễ thương cho một tấm ảnh kỷ niệm, nhưng lại làm cho những đứa trẻ ở thành thị, nhất là những em chưa bao giờ có dịp tung tăng bên ruộng lúa, mất dần đi cảm nhận về niềm vui của một con người khi đến với cỏ cây, hoa trái trong môi trường tự nhiên của nó với khoản không gian thoáng đãng, với mây trời, gió mát và tất cả sự bình dị. Trẻ sẽ không còn hứng thú với việc khám phá những bí ẩn của cánh đồng, của mùi thơm rơm rạ, của những hạt thóc “nạ đòng” vừa xanh “chanh cốm” …để hình thành những niềm vui thật sự đưa đến lòng yêu mến quê hương.

Qua các lễ hội dàn dựng và trình diễn mang nặng tính giả tạo, nhà tổ chức thì thu được những khoản lợi nhuận. Người tham dự thì có được những tấm ảnh đẹp, có chỗ đi chơi. Nhưng nếu nói giá trị về văn hoá và tác động đến giáo dục nhận thức cho trẻ thì cách tổ chức như vậy lại làm mất đi những giá trị về tinh thần, không khơi gợi cho các em lòng yêu mến quê hương cũng như làm phai mờ  nhận thức đúng đắn về tính chân thực, một điều vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Cũng chính vì thế mà sở thích hay niềm đam mê của trẻ em tại các thành phố công nghiệp, đã không có được sự phong phú đa dạng về lĩnh vực lại nghèo nàn về hiểu biết do thiên nhiên đem lại. Các em chỉ còn biết say mê những trò chơi và đồ chơi điện tử, do bàn tay con người tạo ra và quanh quẩn trong bốn bức tường của các căn phòng, để rồi dần dà phải tự giải thoát bằng việc đắm mình vào trong cái thế giới ảo của chiếc máy vi tính. Các bậc phụ huynh thường than phiền hay lấy làm đau khổ vì những sở thích hay sự đam mê “máy móc, các thiết bị và các hình thức giải trí nhân tạo” của trẻ mà không biết rằng, qua việc đưa đến cho các em những điều không có thật, cũng như các phương tiện truyền thông nếu chỉ giới thiệu cho trẻ những “mô hình” mang tính mô phỏng hay làm mẫu, sẽ  góp phần đắc lực vào việc huỷ hoại nhu cầu hình thành những niềm vui qua những sở thích thật sự, để đem lại cho các em những động lực hiệu quả trong việc phát triển các kỹ năng nghề nghiệp sau này. Vì thế, việc đầu tư cho con, không phải là ép con học, hay định hướng con theo những mong muốn của mình, mà cần phải biết khơi gợi trong con những sở thích qua các hoạt động vui chơi, qua trò chơi, qua đồ chơi.

Hãy để trẻ sống trong niềm vui của tuổi thơ qua hoạt động vui chơi, đó mới là nền tảng phát triển về nhân cách và năng lực thông qua các sở thích mà trẻ bộc lộ. Đó sẽ là khởi điểm của thành công .

CvTl LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý