Một số phương pháp trị liệu cho trẻ Tự Kỷ
09/02/2016HẠNH PHÚC NHỜ TẬP LUYỆN
13/02/2016Rối nhiễu tâm lý được hiểu là một tình trạng sang chấn về mặt tâm lý khiến trẻ em có những phản ứng bất ổn về mặt tâm lý, có thể kéo theo những khó khăn về thể chất hay thần kinh ( các bệnh Tâm thể hay tình trạng mất ngủ, bỏ ăn … ) Các sang chấn nay do những tác động từ bên ngoài gây ra cho trẻ, và có thể phòng ngừa hay can thiệp.
I. NHỮNG YẾU TỐ GÂY RỐI NHIỄU
Trẻ em sau khi sinh ra còn rất non yếu về thể chất cũng như tâm thần, vì thế nếu gặp phải những nguy cơ về sự phát triển thể chất và tinh thần có thể đưa đến tình trạng rối nhiễu tâm lý gây ra những khó khăn cho tiến trình phát triển của trẻ. Những yếu tố có nguy cơ gây ra cho trẻ tình trạng này là :
Bản thân : Thể chất yếu đuối, sinh non, có các bệnh mãn tính, có những hạn chế về khả năng trí tuệ.
Gia đình : Gặp phải các sang chấn tâm lý như : Người thân mất, bố mẹ chia tay, quan hệ với bố mẹ không ổn định, phải xa mẹ quá sớm, trong một thời gian dài.
Xã hội: Môi trường sống không thuận lợi, nghèo khổ, không ổn định về chỗ ở.
Các yếu tố này thường đan xen với nhau, có khi trẻ gặp phải cả ba yếu tố thì khả năng rối nhiễu càng dễ xảy ra. Tuy nhiên bản chất của các yếu tố này có phần khác nhau :
– Những yếu tố cục bộ và có thể tác động để cải thiện được như nằm viện, chia ly với cha mẹ, cha mẹ chết, có thêm em bé, chuyển đến một nơi xa lạ…
– Những tình huống mãn tính và kéo dài như thiếu thốn về kinh tế – xã hội, không khí gia đình không lành mạnh, sự khó khăn về tâm lý, những bất thường về phát triển (vận động, ngôn ngữ , giao tiếp ) hoặc có bệnh về cơ thể…
Tuy vậy, không thể quy kết rằng tất cả những trẻ em được sinh ra và lớn lên khi gặp phải những yếu tố này đều sẽ rối nhiễu, có khó khăn về tâm lý. Hơn nữa, với trẻ nhỏ không nên nói trước về những yếu tố không thích ứng mà trẻ có thể gặp phải .
Như vậy, cần phải nghiên cứu những yếu tố nguy cơ, nhất là yếu tố xã hội, là nguyên nhân của những đau khổ, bất thường về tâm lý. Tuy nhiên, không thể tiên lượng một cách chủ quan, tùy tiện về ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ đối với một đứa trẻ. Vì ngoài ảnh hưởng này còn phải tính đến khả năng đối mặt với hoàn cảnh, sức chịu đựng và tính dễ bị tổn thương, vị trí của trẻ trong gia đình…
Sau đây là một số yếu tố nguy cơ đến từ môi trường sống, đặc biệt là từ môi trường gần gũi nhất với trẻ là gia đình, có thể dẫn đến rối nhiễu tâm lý ở trẻ em.
1. Vị trí của trẻ em trong gia đình
Đứa trẻ ngay từ khi chưa sinh ra cho đến lúc ra đời đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhu cầu, mong muốn ..của cha mẹ. Mong muốn về đứa con mình sẽ có bị chi phối bởi nhiều yếu tố đôi khi chính họ cũng không thực sự nhận thức rõ: muốn có đối tượng để thương yêu hay chứng tỏ khả năng sinh đẻ, khẳng định vị thế của người lớn. Muốn có con trai hay con gái, muốn con cái thực hiện được khát vọng hay có khi đó lại là một biện pháp giải quyết mối bất hòa của cha mẹ, để thay thế một đứa con đã mất… Tùy vào mong muốn gì mà vị trí của trẻ trong gia đình sẽ như thế nào. Bản thân đứa trẻ, dù là vô thức hay có ý thức, sẽ phải ép mình vào các khuôn khổ này để đáp ứng những mong muốn của cha mẹ. Đứa trẻ phải tìm chỗ của mình trong tâm lý của cha, mẹ và của cả gia đình nó. Nếu đứa trẻ không giống với đứa con mong ước mà cha mẹ lại không thể điều chỉnh để thích ứng, để thừa nhận nó thì có thể trở thành một trong những nguyên nhân làm cho phát triển tâm lý của trẻ thiếu hài hòa hoặc rối loạn.
Cha mẹ sinh ra trẻ, nuôi dưỡng trẻ thành người và truyền cho trẻ những đặc trưng, bản sắc của gia đình, dòng họ, dân tộc…Ở những hoàn cảnh và nền văn hóa khác nhau, các chức năng cơ bản của cha mẹ không phải lúc nào cũng luôn đi cùng nhau. Trường hợp con nuôi thì cha mẹ không phải là người sinh ra, hay là cha mẹ đẻ nhưng lại không có điều kiện nuôi dưỡng trẻ và không thực hiện chức năng cha mẹ… những khó khăn khi thực hiện chức năng làm cha mẹ cũng là một vấn đề. Và có thể khẳng định rằng:
Gia đình giữ hai trò cơ bản đối nới sự phát triển bình thường cũng như với việc xuất hiện những yếu tố tâm bệnh lý ở trẻ.
2. Thiếu hụt tình cảm
Ngày nay, vấn đề trẻ thiếu hụt tình cảm của mẹ rất được quan tâm và giữ vị trí ưu tiên hàng đầu. Có thể nói đến ba loại sau:
– Không đủ quan hệ tương tác mẹ – con do vắng mẹ hoặc người thay thế mẹ.
– Gián đoạn quan hệ mẹ – con do nguyên nhân chia ly
– Bất thường về phía người mẹ (mẹ lẫn lộn, rối loạn, không có khả năng…).
Thiếu hụt về tình cảm đưa đến những hậu quả khác nhau tùy theo bản chất của thiếu hụt (không đủ, bất thường hoặc gián đoạn) và theo thời gian kéo dài, theo tuổi của trẻ, theo chất lượng của chức năng làm mẹ. Những khác biệt này tạo nên sự khác nhau về kiểu loại phát triển của trẻ.
Thiếu hụt do không đủ quan hệ tương tác mẹ – con: trẻ cô đơn
Spitz đã so sánh sự phát triển tâm lý – tình cảm của hai loại trẻ:
1/ Trẻ có mẹ là tội phạm bị giam giữ nhưng trẻ được mẹ chăm sóc;
2/ Trẻ ở trong trại mồ côi, được chăm sóc tốt về vệ sinh ăn uống nhưng thiếu sự tiếp xúc với người chăm sóc trong ngày.
Phản ứng quan sát được ở loại trẻ thứ hai khác hẳn ở loại trẻ thứ nhất. Phản ứng kiểu này chỉ xuất hiện ở loại trẻ thứ nhất sau khi bị chia li với mẹ.
Spitz đã mô tả ba pha phản ứng: pha khóc vô cớ; pha gào rú rên rỉ, mất trọng lượng và dừng phát triển; pha thu mình và từ chối tiếp xúc, dẫn đến những biểu hiện trầm cảm vắng mẹ.
Nghiên cứu về trẻ nhỏ khẳng định sự nguy hiểm của thiếu hụt về tình cảm với mẹ và cố gắng tạo thuận lợi cho trẻ tiếp xúc với mẹ, kể cả khi trẻ bị bệnh phải nằm viện dài ngày. Hội chứng vắng mẹ (hospitalisme) đã được giảm đi đáng kể.
Ngày nay lại có những gia đình không quan tâm đầy đủ, cẩu thả trong quan hệ với trẻ, dẫn tới trẻ cô đơn trong gia đình mà đôi khi một thời gian dài không được phát hiện.
Ngoài ra, có thể gặp ở một số bệnh viện hoặc ở gia đình những trường hợp trẻ thiếu hụt tình cảm một phần, mắc bệnh nằm viện một phần, cô đơn một phần. Trẻ nhỏ này, từ khoảng 5 – 6 tháng đến 2 – 3 tuổi, được G. Appel miêu tả năm 1982 – 1983, biểu hiện một tổng thể các triệu chứng:
– Rối loạn kiểu tâm thể và/hoặc nhiễm khuẩn: viêm tai, viêm mũi họng, cúm, nôn trớ. Đôi khi quan sát thấy chậm phát triển về chiều cao – cân nặng.
– Trương lực của trẻ đặc biệt với kiểu cơ thể chia tách, tăng trương lực ở nửa trên, giảm trương lực ở nửa dưới. Các chi trên ở tình trạng duỗi cơ, tay nắm chặt (thường là ngón cái ở phía trong nắm tay, dấu hiệu rất đặc trưng của tình trạng thiếu kích thích về cầm nắm, chơi với các đồ vật). Các chi dưới giảm trương lực, quay ra ngoài, đôi khi duỗi ra; thiếu vận động đạp, rất đặc trưng cho trẻ ở tuổi này khi chơi.
– Trẻ mút tay trong một thời gian dài.
– Nhìn chập chờn và khó khăn khi phải tập trung vào giao tiếp với người lớn.
– Dễ dàng bề ngoài trong tiếp xúc, thích được người lớn bế, ôm nhưng quan hệ lại có tính dửng dưng, không do dự ngập ngừng trước người lạ.
– Sau vẻ bề ngoài dễ dàng tiếp xúc, cho thấy có sự thụ động, chịu đựng tương tác. Ngoài vẻ cởi mở, đứa trẻ không tích cực trong trao đổi qua lại với người khác ít có hoặc không có biểu hiện khám phá khuôn mặt của người lớn như ở trẻ hài nhi bình thường. Không chịu được hẫng hụt, trẻ có thể trở nên thất thường cáu kỉnh.
– Nếu như phát triển vận động (ngồi, bò, đi) nhìn chung là bình thường thì phát triển về xã hội luôn chậm. Đặc biệt là chậm về ngôn ngữ (giữa 2 và 4 tuổi). Tương tác với những đứa trẻ cùng tuổi trong trò chơi nghèo nàn và dễ có những hành vi hung tính.
Nếu những nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt này không được khắc phục thì về sau những trẻ này có thể mất hài hòa trong phát triển nhiều hơn, thậm chí có thể có nhiễu tâm hoặc trầm cảm.
Thiếu hụt tình cảm và cô đơn trong gia đình được xem là một hình thức ngược đãi trẻ em, đòi hỏi những can thiệp y tế – xã hội thích hợp.
Gián đoạn quan hệ mẹ con do chia ly :
Chia ly mẹ – con là một sự kiện rất thường gặp trong cuộc sống hiện nay, mặc dù người ta đã biết những hậu quả đáng tiếc của nó. Bowlby đã mô tả ba giai đoạn phản ứng với chia ly ở trẻ là: – Phản kháng. – Thất vọng và sau đó là Dửng dưng.
Có thể giải nghĩa 3 giai đoạn này về mặt tâm lý như sau:
– Phản kháng: biểu hiện đau đớn và đau khổ do tình trạng chia ly.
– Thất vọng: thể hiện sự thất vọng và tang tóc.
– Dửng dưng: tâm lý tự vệ và hình dung ra một hoàn cảnh khác.
Phản ứng này đặc biệt mạnh ở trẻ từ 5 tháng đến 3 tuổi. Chia ly lặp lại cũng rất có hại bởi vì làm trẻ nhạy cảm cực độ và lo hãi thường trực, thể hiện bằng sự phụ thuộc thái quá vào môi trường. Những biểu hiện khi chia ly kéo dài, đó là:
– Dừng phát triển tình cảm và nhận thức, chỉ số phát triển và chỉ số khôn giảm.
– Các rối loạn cơ thể: tăng khả năng nhiễm trùng, dễ mắc bệnh.
– Các rối loạn tâm thể: chán ăn, đái dầm, rối loạn giấc ngủ.
– Có triệu chứng trầm cảm.
– Ở trẻ lớn hơn: khó thích ứng với trường học, thường có rối loạn hành vi.
Sự tiến triển tùy thuộc vào độ tuổi lúc có chia li và sự kéo dài của tình trạng này
Thiếu hụt do bất thường về gia đình
Ngoài hậu quả của thiếu vắng quan hệ hoặc chia ly mẹ – con, gần đây các nghiên cứu về những gia đình sống trong những điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, những gia đình mắc bệnh về thể chất và tâm trí cho thấy tình trạng bất thường của gia đình có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tâm lí của trẻ. Những trẻ được nuôi dưỡng trong tình trạng nhiều khốn khó kéo dài có nguy cơ cao về rối loạn tâm lí.
Sống trong những gia đình kiểu này trẻ hiếm khi phát triển bình thường. Thuở nhỏ thường hay có những triệu chứng của thiếu hụt một phần. Đôi khi có biểu hiện gắn bó mang tính lo âu. Thiếu chăm sóc và chậm phát triển thể chất là rõ ràng nhất.
Ở trẻ tuổi mầm non và tuổi đi học, ngôn ngữ bị rối loạn và đôi khi có những chậm trễ đáng kể: rối loạn nói rành mạch, rất nghèo nàn về vốn từ, sai ngữ pháp. Luôn có những khó khăn về trí tuệ. phần lớn trẻ trí tuệ ở mức ranh giới chậm hoặc chậm nhẹ (55 < QI < 85) trong khi phát triển ban đầu là bình thường. Theo tuổi, những rối loạn hành vi ngày càng thường xuyên hơn, có ức chế và/ hoặc thu mình hoặc có hành vi chống đối xã hội. Trẻ luôn thất bại trong học tập.
Loạn tâm trẻ em đặc biệt không xuất hiện trong số những trẻ này, trái lại bệnh về hành vi, rối loạn loại chuyển sang hành động là thường xuyên. Kiểu triệu chứng này kết hợp với mất hài hòa về nhận thức gây ra bệnh ranh giới đã trình bày ở cuối chương 2.
Tiến triển trong tương lai có nguy cơ trở thành trẻ em hư, có nhân cách bệnh hoạn, không thích ứng xã hội. Nghiên cứu hoàn cảnh sống của những thanh thiếu niên có hành vi lệch chuẩn cho thấy phần lớn có hoàn cảnh gia đình có vấn đề.
Sự bất thường về gia đình được coi là hình thức đặc biệt của ngược đãi trẻ em, cần phải can thiệp chữa trị cho trẻ em và can thiệp y tế – xã hội cho gia đình. Sự bất thường, bỏ mặc này theo nhiều tác giả có thể dẫn tới tử vong ở trẻ cao hơn các nguyên nhân khác.
3. Stress và chấn thương tâm lý
Chấn thương tâm lý là trạng thái bàng hoàng, chấn động làm tổn thương tới tâm lí – tình cảm, thường gắn với một sự kiện đặc biệt có thể dẫn đến cái chết hoặc đe dọa về cái chết đối với chủ thể hoặc người thân.
Những sự kiện gây chấn thương có thể là thảm họa thiên nhiên (động đất, cháy, lụt lội…), thảm họa con người (tai nạn máy bay, tàu hỏa, ô tô), tội phạm (khủng bố, bắt cóc, xâm hại) hoặc chiến tranh. Ở trẻ em, những sự kiện gây chấn thương là những sự kiện trong đó trẻ em chứng kiến những thảm họa đến với người thân như bị tai nạn, bị thương nặng, cháy nhà…
Chứng kiến những sự kiện này, trẻ em ngay lập tức có phản ứng, đó là tình trạng strees cao độ. Trẻ kích động, rối loạn hoặc sững sờ rất mạnh và thời gian sau đó có tình trạng lo lắng nhiều, khó ngủ, có ác mộng, thu mình hoặc kích động. Tình trạng này có thể là tạm thời (vài ngày cho đến 4 tuần là tối đa) rồi mất đi, nhưng cũng có thể tồn tại dai dẳng dưới hình thức stress sau chấn thương.
Tình trạng stress sau chấn thương được tính từ những tuần lễ sau chấn thương nặng mà trẻ là nạn nhân hoặc phải chứng kiến. Cần phải đánh giá bản chất của chấn thương, cường độ và độ dài thời gian biểu hiện, sự lặp lại tình trạng, tuổi và giới tính của trẻ (trẻ gái biểu hiện nhiều triệu chứng hơn trẻ trai), mức độ thành thục tâm lí, chất lượng của các quan hệ gia đình, tình trạng kinh tế – xã hội và văn hóa của môi trường sống, phản ứng của từng trẻ hoặc của nhóm trẻ (Như cả lớp bị chấn thương do tai nạn ô tô…).
Cũng như ở người lớn, tình trạng này có ba biểu hiện chính:
+ Hội chứng nhắc lại.
+ Những biểu hiện tránh né.
+ Những triệu chứng tăng phản ứng của thần kinh thực vật ở trẻ.
Những rối loạn này kéo dài hơn 1 tháng và bắt đầu trong vòng 3 tháng sau chấn thương, dẫn đến tình trạng đau khổ tâm lý cản trở khả năng thích ứng.
Biểu hiện của Hội chứng nhắc lại ở trẻ:
Chơi những trò chơi nhắc lại một phần hoàn cảnh diễn ra chấn thương (trò chơi ô tô bị tai nạn, trò chơi búp bê…)
+ Vẽ tranh thể hiện lại hoàn cảnh gây chấn thương.
+ Những ác mộng lặp lại hoàn cảnh gây chấn thương.
+ Có phản ứng không phù hợp khi kể chuyện lại hoàn cảnh gây chấn thương hoặc khi kể chuyện tưởng tượng.
Những biểu hiện tránh né
+ Từ chối đi một kiểu phương tiện vận tải nào đó.
+ Tránh né con đường hoặc địa điểm giống hoặc có thể dẫn tới nơi xảy ra chấn thương.
Không chịu bỏ đi những hình ảnh gắn với một lo hãi chia ly
Tăng phản ứng thần kinh thực vật
+ Khó ngủ, thức dậy giữa đêm.
+ Cáu kỉnh, dễ nổi giận.
+ Khó tập trung làm kết quả học tập kém.
+ Tăng kích động.
+ Phản ứng giật mình thái quá với tiếng ồn, với những kích thích bất ngờ.
Chấn thương tâm lý có thể đến một cách bất ngờ, do những tình huống đột xuất và ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của trẻ. Khi trẻ có chấn thương và stress cần tiến hành chữa trị sớm.
II. CÁCH PHÒNG NGỪA Ở TRẺ EM TUỔI MẦM NON
1. Phòng ngừa trong tâm bệnh học trẻ em là gì?
Phòng ngừa trong tâm bệnh học trẻ em được hiểu là những cách thức mà xã hội, người lớn dùng để ngăn ngừa, chống lại sự xuất hiện và phát triển của những bệnh, rối loạn về tâm lý ở trẻ em.
Có ba mức độ phòng ngừa
Mức thứ nhất: giáo dục, thông tin, thu xếp môi trường sống của trẻ em (gia đình nhà trường), tư vấn về dinh dưỡng, cách chăm sóc vệ sinh cơ thể và tâm trí để giảm nguy cơ gặp phải những rối nhiễu tâm lý.
Mức thứ hai: thông qua những chẩn đoán và can thiệp sớm các triệu chứng ban đầu, cố gắng tránh sự phát triển các rối nhiễu về tâm lý ở trẻ em.
Mức thứ ba: khi tâm bệnh đã phát triển thì ngăn cản không cho bệnh nặng lên bằng các cách chữa trị hiệu quả nhất có thể và không cho bệnh tái phát lại bằng cách theo dõi lâu dài với sự can thiệp của các nhà chuyên môn và của gia đình để cố gắng loại trừ những yếu tố làm cho tâm bệnh phát triển.
Như vậy, đây là công việc khá nặng nề và phức tạp đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng, cả về con người lẫn về phương tiện.
2. Cách phòng ngừa dành cho cha mẹ của trẻ
Gia đình giữ vai trò cơ bản đối với sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, phòng ngừa từ gia đình là rất quan trọng. Cha mẹ cần phải:
– Nâng cao hiểu biết về tâm bệnh trẻ em bằng cách tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến rối nhiễu tâm lí ở trẻ em qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, đài truyền hình, internet.
– Người mẹ ngay khi biết mình có thai cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để thuận lợi cho sự phát triển bình thường về mặt thể chất của thai nhi, tránh sử dụng thuốc bừa bãi, tránh dùng các chất có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
– Tránh những buồn khổ, lo âu, căng thẳng thái quá và kéo dài khi đang mang thai.
– Có thái độ sẵn sàng đón nhận trẻ ngay từ khi trẻ chưa chào đời và nhất là khi trẻ ra đời, thậm chí cả khi bé không như gia đình mong đợi về tình trạng sức khỏe cũng như về hình dáng bên ngoài.
– Khi trẻ ra đời, cha mẹ và gia đình tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể về mặt vật chất và môi trường sống cho trẻ. Đặc biệt quan trọng là người mẹ phải quan tâm đến con, yêu thương gắn bó và hết lòng vì con.
– Thiết lập quan hệ tình cảm tốt giữa cha mẹ và bé. Cả cha và mẹ cùng yêu thương, chăm sóc bé. Tính chất của quan hệ giữa cha mẹ và bé ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ đã có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí bình thường hay không bình thường của trẻ. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị hành hạ không thể có được sự phát triển bình thường.
– Tránh xung đột lâu dài giữa cha và mẹ. Tạo cho trẻ môi trường tâm lí – tình cảm hài hòa.
– Trong chăm sóc và giáo dục trẻ cha mẹ cần tránh thái độ độc đoán, chuyên quyền một cách cực đoan. Phải biết quan sát và lắng nghe các diễn biến, bộc lộ tâm lí của trẻ. Cố gắng thu xếp thời gian và công việc để chăm sóc trẻ, chơi với con, trò chuyện, chia sẻ cùng con.
– Cha mẹ cần nhận biết sớm những bất thường trong tính cách và hành vi của con mình và kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở chuyên môn để có những tư vấn và chữa trị thích hợp. Nên thường xuyên trao đổi với các giáo viên dạy trẻ để nắm bắt thêm về tình hình của con ở trường.
– Khi nhà chuyên môn xác định trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm lý, cha mẹ cần có thái độ bình tĩnh, kiên trì và kết hợp tốt với nhà chuyên môn để việc can thiệp, trị liệu cho trẻ có hiệu quả.
3. Cách phòng ngừa dành cho giáo viên
Các giáo viên mầm non là những nhà giáo dục tiếp xúc sớm nhất với trẻ sau gia đình của bé. Hiểu biết và ứng xử của giáo viên mầm non có ý nghĩa lớn đối với việc phát hiện và tư vấn cho cha mẹ cách ứng xử cần thiết khi giáo viên nhận thấy trẻ có biểu hiện bất thường về tâm lý để có thể cùng với gia đình can thiệp với những biện pháp cụ thể.. Có thể nói với giáo viên mầm non phát hiện sớm những rối loạn tâm lí ở trẻ là một cách phòng ngừa. Để làm được việc này, giáo viên mầm non cần phải có kiến thức về tâm bệnh trẻ em và thực hiện những cách sau để phát hiện rối loạn tâm lý ở trẻ:
Quan sát hành vi :
Quan sát trẻ trong các hoạt động hàng ngày ở trường mầm non, chú ý đến đặc điểm hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu thấy có những biểu hiện bất thường như trẻ không chịu biểu lộ khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hay sự linh động của cơ thể.
Đặc điểm tâm lý của trẻ được thể hiện trong các hoạt động của các em. Người giáo viên quan tâm đến hành vi của trẻ sẽ nhận ra đặc điểm biểu hiện đời sống tâm lý bình thường hay không của trẻ. Một đứa trẻ có rối nhiễu tâm lý chắc chắn có những hành vi không bình thường. Quan sát để nhận biết những hành vi này trong các hoạt động và sinh hoạt ở lớp mẫu giáo sẽ phát hiện được những bất thường của trẻ.
Đối chứng hoạt động :
-So sánh các hành vi, biểu hiện cảm xúc giữa trẻ này và trẻ khác cùng độ tuổi. Xem cách thể hiện qua trò chơi, qua giao tiếp giữa các trẻ với nhau.
Những trẻ em cùng độ tuổi có những đặc điểm chung của lứa tuổi. Những trẻ có bất thường về tâm lý sẽ có những biểu hiện bất thường, đặc biệt về nhận thức, tình cảm, giao tiếp… so với những trẻ khác cùng độ tuổi. Cần phân biệt những nét riêng của từng trẻ tạo nên bản sắc cá nhân và những cái không bình thường. Nếu có kiến thức về tâm lý học trẻ em và tâm bệnh học, người giáo viên sẽ phân biệt được những khác biệt này.
Thực hiện các bảng đánh giá năng lực:
Người giao viên cũng cần am hiểu và biết cách sử dụng một vài loại trắc nghiệm (Test tâm lý ) thông thường như Test Denver, Test vẽ hình.. để đánh gia mức độ phát triển của trẻ một cách nhanh chóng và khách quan.
III. KẾT LUẬN
Việc phát hiện kịp thời những dấu hiệu của tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em , từ đó có ứng xử thích hợp tức là giáo viên đã góp phần ngăn ngừa rối loạn tâm lý ở trẻ phát triển gây khó khăn cho các hoạt động điều trị sau này.
CVTL LÊ KHANH
( Biên soạn theo tài liệu TÂM BỆNH HỌC TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON)
NGUYỄN THỊ NHƯ MAI