Con một – Tiếng vỗ của một bàn tay
23/04/2011
Dạy con về tiền bạc
23/04/2011
Con một – Tiếng vỗ của một bàn tay
23/04/2011
Dạy con về tiền bạc
23/04/2011

 

“Sống là không chờ đợi” một câu slogan của một doanh nghiệp nào đó vừa được đưa ra trên các phương tiện truyền thông và được đánh giá như một tuyên ngôn của giới trẻ. 

 

Games : Nhu cầu của thời đại ?

 

 Quả thực, trong cái xã hội “mì ăn liền” này, giới trẻ hầu như không biết chờ đợi là cái gì, phải ăn nhồm nhoàm, nói ào ào, đi ầm ầm mới được xem là “sàng điệu”. Để rồi yêu cuồng, sống vội, chen lấn xô đẩy, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép như góp phần làm cho cuộc sống không biết chờ đợi này thêm những hậu quả tai hại ! Trong giải trí cũng thế, tốc độ trở nên một tiêu chí quan trọng để chọn lựa và rời bỏ.

Tuổi trẻ cũng là tuổi của đam mê, của khát vọng chiến thắng, thế nhưng khi va đập với những thực tế đời thường, ngay từ những năm tháng bước vào cấp 1, rồi cấp 2, phải đối diện quá nhiều những cản ngại từ nhiều phía, những đam mê và khát vọng của tuổi trẻ như bị giam hãm bởi những bức tường và rồi, điều giải thoát đã đến: games vi tính. Đó là những trò chơi đáp ứng hầu như đầy đủ mọi yêu cầu của tuổi trẻ: tốc độ, mãnh liệt, đầy ngẫu hứng, bạo liệt, đáp ứng nhu cầu chinh phục và chiến thắng và cũng rất nhanh để thay đổi.

Đã xa rồi những trò chơi games xếp gạch có thể chứa trong môt dĩa mềm, mà giờ đây cũng thành đồ cổ, trẻ em và cả người lớn bây giờ chơi games online, với những màn bắn, giết, công thành, quần thảo thật sinh động mà mình dường như là một nhân vật trong đó, mình hết còn là thằng Tèo, con Mít hay anh chàng thư ký quèn, mà đã trở thành một anh hùng kiệt xuất, với những vũ khí vô địch trong tay, tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ mà chẳng cần …giấy chứng nhận tốt nghiệp. Nội nhiêu đó thôi, games đã đủ trở thành một thứ trò chơi đầy quyến rũ rồi.

Nhưng nào đã đủ cho túi tham con người, những sách báo về games thi nhau ra đời, những công ty soạn games liên tục tổ chức các hoạt động tiếp thị quảng cáo, tổ chức các hội thi, treo những giải thưởng hấp dẫn.. và cứ cố gắng làm sao cho games của mình ngày một hấp dẫn hơn. Điều này lại một lần nữa khẳng định, vì đồng tiền người ta có thể làm tất cả để có lợi cho mình, cho dù việc làm của mình có đẩy tương lai của hàng loạt những công dân trẻ rơi xuống bùn đen thì cũng mặc kệ.

Có một điều có vẻ như phi lý hay mâu thuẫn ở đây, đó là báo chí thường kêu la về việc học sinh mê games bỏ học, nhân viên mê games bỏ việc rồi hàng tá những bức thư kêu cứu của các bậc cha mẹ về cái dịch games mà con mình vướng phải, nhưng cũng chính báo chí lại là phương tiện quảng cáo tích cực cho games, thậm chí còn đưa ra những tấm gương một vài giám đốc trẻ, thành công trong việc đầu tư vào game và đưa ra những thông điệp biện minh cho ích lợi của games. Vậy thì cái gì là đúng cái gì là sai ?

 

Nhưng nếu không có games thì sao ?

 

Trước đây nhiều thập niên, khoảng những năm 60 -70 đã có phong trào say mê đọc truyện kiếm hiệp, còn gọi là truyện chưởng. Có thể nói từ một chú bé 7-8 tuổi cho đến một anh thanh niên 2-30 tuổi nếu không biết đến truyện chưởng  thì coi như là không biết gì để nói chuyện với nhau ! Truyện chưởng nếu so với games về mặt nội dung và sự kích thích thì cũng giống nhau, nó cũng làm cho người đọc quên mất mình trong giây lát, trở thành một anh hùng, nữ hiệp cứu khổn phò nguy, nó cũng kích thích óc tưởng tượng, trí tò mò và cũng đã từng làm cho học sinh bỏ học, nhịn tiền quà để có tiền thuê truyện. Rồi báo chí thời bấy giờ cũng kêu la về chuyện này, nhưng rồi cũng có những tờ báo xem truyện chưởng là cứu cánh cho doanh thu của mình, mỗi ngày phải có một bài mới của “tiếu ngạo giang hồ” thì báo mới bán chạy.

Nói như thế có nghĩa là, nếu không có games, do dựa vào sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là internet thì thiên hạ cũng phải nghĩ ra một cái trò gì đó để làm cho bọn trẻ say mê, còn ta thì thu lợi. Đó là điều tất yếu. là nhu cầu của cuộc sống.

Hoạt động phát triển games trên thế giới là một kỹ nghệ hái ra tiền, thế nhưng nếu đặt vấn đề phát triển games  tại Việt Nam trong một bối cảnh xã hội mà trẻ em, thanh thiếu nhiên không có nhiều cơ hội chọn lựa thú vui, chọn lựa sự say mê để thoả mãn khát vọng chinh phục của mình như hiện nay thì đó lại là một điều không nên nếu không muốn nói là vô đạo đức.

Con người là một sinh vật bầy đàn, không thể sống cô độc, một trong những lo âu, thất vọng lớn nhất của trẻ em là không được bố mẹ quan tâm, khi đi học không đuợc bạn bè chấp nhận, không thể kết bạn với ai… vì thế đã hình thành nên rất nhiều các băng nhóm cả tốt lẫn xấu, có những em để có thể đi chơi với bạn bè, có thể lừa dối bố mẹ trong nhiều chuyện, điều đó chứng tỏ sức mạnh của đội, nhóm và rõ ràng tác động của nó lên một thành viên là không phải nhỏ.

Trẻ em có thể thích thú tự nhóm lại với nhau thành những tập thể be bé, và nếu không may có một kẻ không tốt trong nhóm hay không có định hướng rõ ràng, thì có thể rơi vào những hành vi xấu. Nhưng khi người lớn đứng ra tổ chức những đội nhóm rất hay về tên gọi, về mục tiêu tôn chỉ, có quy định rõ ràng, bố mẹ rất an tâm thì các em lại tỏ ra chẳng có hứng thú gì khi “phải” sinh hoạt trong các tập thể này, trong khi người lớn xoa tay, đã tạo ra được những “sân chơi” bổ ích cho trẻ.

Tại sao lại như thế ? Đơn giản chỉ là vì người lớn đã “vi phạm” ba nguyên tắc trầm trọng trong việc tổ chức các hoạt động này. Thứ nhất là sự chỉ đạo từ trên xuống, chứ không phải la do các em đưa ra, thứ hai là tính áp đặt, các em phải làm việc này, phải đạt chỉ tiêu kia…chứ không xuất phát từ lòng TỰ NGUYỆN  và điều thứ ba, quan trọng hơn hết, đó là sự không TIN vào trẻ, các em không được tự quyết định cái gì, làm cái gì cũng phải xin ý kiến, phải báo cáo, phải có người giám sát … vì thế có nhiều tổ chức tuy đông về lượng, do ép buộc gia nhập nhưng kém về chất lượng và hoàn toàn không phải là một môi trường có thể đem đến cho các em sự say mê, đáp ứng lòng khao khát khám phá và chinh phục mà có khi còn tạo tác dụng ngược, làm cho các em già trước tuổi, biết được tính hình thức là gì, sự giả vờ là gì và những kỹ thuật làm thì láo, báo cáo thì hay một cách mau chóng để khi lớn lên đưa nó vào cuộc sống như một phần tất yếu !

Chính vì trẻ em không có nhiều lựa chọn,từ sân chơi cho đến bạn chơi nên chỉ biết lao đầu vào games, vì đó là một tập thể hấp dẫn mà còn được người lớn cổ vũ và tạo điều kiện thuận lợi nữa thì tội gì mà không say mê đến nghiện ngập. Một yếu tố xem ra chẳng dính dáng gì đến game là chương trình học, nhưng cũng góp phần khá tích cực trong việc xô đẩy trẻ em đến với game. Hãy thử nghĩ mà xem, có cái gì chán hơn là cứ phải nhai đi nhai lại, đọc tới đọc lui, nhồi nhét vào đầu những điều mà mình không có gì hứng thú, thậm chí biết là phi lý, thì sau khi buông cuốn sách, cây bút các em còn có thể làm gì khác hơn là nhanh chóng đi tìm cho mình những cảm giác thoải mái, say mê ? ở đâu? ở games.

Chúng ta sẽ nói, còn khá nhiều bạn trẻ học giỏi, những thủ khoa này nọ. Các em đó là những bạn trẻ đã tìm được cho mình cách học tập, cách chịu đựng và biết phát huy các năng lực do những động lực cá nhân mà không phải đứa trẻ nào cũng có. Đào tạo cho một thế hệ mà chỉ biết dựa vào một nhóm các trẻ thông minh, vươn lên bằng những tố chất riêng biệt hay được học trong các lò “trường chuyên lớp chọn” thì chỉ tạo ra những khoảng cách, những bấp bênh trong sự phát triển dân trí . Đó không phải là biện pháp cũng như mục đích của những nhà lãnh đạo thực sự quan tâm đến việc trồng người.

 

Chúng ta sẽ phải làm gì?

Trước hội chứng say mê game của giới trẻ có hai cái lẽ ra:

Lẽ ra các công ty sản xuất game thay vì cứ cố gắng chứng minh sự lành mạnh của games và tìm mọi cách phát triển ngày càng nhiều đẳng cấp hơn, để thu lợi nhiều hơn thì nên nhìn lại sự thực là mình đang góp phần làm suy đồi giới trẻ để điều chỉnh lại mức độ, giới hạn khả năng phát triển games ở một cấp độ  nào đó thôi, nếu các “games thủ” cứ tiếp tục chơi thì càng ngày càng bị xuống cấp, mất dần quyền lợi – Điều này cũng có thể làm mất đi phần nào quyền lợi cho công ty, nhưng xin đừng vì túi tham của mình mà đẩy nhiều gia đình đến chỗ tan hoang.

Lẽ ra chủ nhân của những phòng chơi game cũng đừng vì lợi nhuận mà mở cửa gần như 24/24 và chấp nhận những em chơi liên tục từ sáng đến chiều. Hãy quy định mỗi xuất chơi chỉ được chơi tối đa 4 tiếng còn với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi là 2 tiếng, sau đó là máy tự động tắt, trẻ buộc phải ra về và chỉ có thể quay lại vào buổi khác, nhưng cũng vì lòng tham không đáy, nhiều tiệm game chấp nhận những em ăn, ngủ, chơi game tại chổ từ sáng đến chiều thậm chí qua đêm và tụ điểm game trở nên một nơi quy tụ đủ thành phần phức tạp ( các kẻ giang hổ, các cô gái “cứu net”, dân đồng tính sa đọa…) không chỉ làm cho các em chết vì game mà còn có thể chết vì nhiều cái khác.

Vì thiếu hai cái lẽ ra phải có đó, mà hai cái này lẽ ra chỉ cần một cái, đó là lẽ ra nhà nước cần có những quy định thật rõ ràng cho các công ty game và các tụ điểm game phải áp dụng triệt để, ai không nghe cứ việc cuỡng chế đóng cửa luôn. Lúc đó nhà nước lại kêu lên sẽ làm thất thu ngân sách địa phương và đặc biệt là  thu nhập cho cán bộ ! vẫn chỉ vì quyền lợi của một số bộ phận để ung dung huỷ hoại tương lai giới trẻ nhưng vẫn lên mặt đạo đức, đây chính là điều làm cho giới trẻ mất niềm tin nhiều nhất và chỉ còn biết cách tìm đường vào “thế giới ảo” của games.


Đi tìm giải pháp

Điều này khiến cho việc “phòng chống sự say mê game quá mức của trẻ em” trở nên cực kỳ khó khăn, vì hầu như chỉ còn có bố mẹ phải đương đầu vì tương lai của chính con em mình. Những giải pháp đưa ra ở đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tương đối, vì đòi hỏi bố mẹ phải biết thực sự quan tâm đến trẻ :

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, hãy tìm hiểu kỹ về sở thích của trẻ và cố gắng tìm cách phát huy các sở thích đó, có thể điều đó không phù hợp với mong ước của cha mẹ, nhưng hãy vượt qua sự mong muốn áp đặt đó.

Tạo điều kiện cho con có thể học một cách thoải mái nhất trong điều kiện có thể, đừng vì áp lực học sinh xuất sắc hay  trường đào tạo thần đồng mà tạo ra những áp lực không đáng có. Hãy khuyến khích sự cố gắng trong khả năng của trẻ, đừng đòi hỏi những khả năng mà trẻ không thể vươn tới.

Tạo cơ hội cho có dịp tiếp xúc với thiên nhiên càng nhiều càng tốt, những chuyến du lịch dã ngoại, bố – con cùng nhau khám phá những bí mật nho nhỏ của thiên nhiên, gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, sau đó trong màn đêm yên tĩnh với những vì sao, trẻ sẽ cảm nhận được giá trị của bản thân, mở rộng được tầm nhìn.

Cho trẻ tiếp xúc với các thể loại game, cùng con tìm hiểu những cái hay, cái tích cực nhưng cũng giúp con khám phá ra những hạn chế của game, như vậy cha mẹ cũng nên biết choi game và giúp con hiểu rằng, gam chỉ là những trò giải trí  như những trò giải trí khác.

Cho trẻ chơi game một số thời gian nhất định trong ngày, nếu vượt qua quy định sẽ bị phạt như trừ tiền quà, không được mua thứ mà mình đang muốn… hay một quyền lợi nào khác, nếu trẻ tuân thủ đúng quy định trong một tuần thì sẽ có những phần thưởng nào đó.

Yêu cầu trẻ, muốn đi chơi đâu đều phải cho bố mẹ biết địa chỉ và phân tích những tai hại ở các phòng game để hạn chế từ từ việc trẻ lui tới các “địa chỉ đen”.

Có thể dùng một số các phần mềm để quản lý giờ chơi game của trẻ, điều này bố mẹ cần phải biết biết về kỹ thuật cài đặt và giải quyết vài rắc rối nhỏ nhỏ xảy ra khi cài đặt.

Nếu biết cách áp dụng, thì games sẽ trở thành một sự say mê nhất thời của trẻ trong một độ tuổi nào đó, khi đã  lướt qua trẻ sẽ không còn hứng thú với nó nữa nhất là khi bố mẹ đã tạo được cho trẻ một niềm hứng thú khác. Vì “ sống là phải có hứng thú nhưng phải biết chờ đợi “ đó mới là phong cách và tiêu chí của giới trẻ và của cả mọi người.

Lê Khanh ( ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2008)

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý