Làm sao để vượt qua sự bất an?
13/05/2020Những Điều Đầu Tiên
13/06/2020Trong hoạt động can thiệp trẻ tự kỷ – ngoài mục tiêu tác động để trẻ biết nói, đa phần phụ huynh thường ưu tiên về những kỹ năng mà trẻ cần phải đạt được về mặt kiến thức – Để có thể đi đến mục đích quan trọng nhất mà con cần phải đạt được : Mái trường hòa nhập. Phần lớn, khi đã nỗ lực can thiệp cho con có ngôn ngữ, nói được, biết trả lời đúng ngữ cảnh , ai cũng đặt ra câu hỏi : Con tôi đã hòa nhập được chưa ? Nếu như có trung tâm hay giáo viên nào “dám” nhận định : Cháu tuy có ngôn ngữ, biết trả lời, có khi còn biết hỏi nữa – dù câu hỏi và trả lời vẫn còn thô sơ, mà đưa ra lời khuyên : Cháu cần phải biết thêm nhiều kỹ năng nữa, nhất là các kỹ năng cá nhân – Là có khả năng, Phụ huynh sẽ “say goobye” để đi tìm nơi dám nói “chắc nịch”: Cháu đi học hòa nhập được mà – Chị cứ cho cháu đến trường, rồi cháu chơi với bạn, thì cháu dần dần sẽ khá hơn, biết phát triển các kỹ năng giao tiếp. Điều này có thể đạt được nếu không phải là trẻ rối loạn phát triển, mà chỉ là chậm nói đơn thuần ở mức độ nhẹ.
Nhưng đó là ước mơ tốt đẹp nhất của Phụ huynh trẻ RLPT mà ít ai dám hay nỡ phá vỡ, chỉ có thể để cho phụ huynh tự rút ra bài học sau khi trẻ lên 10 – lên 12 … dù đã nhập đủ loại trường, ngồi đủ loại lớp nhưng vẫn không thể hòa được với chúng bạn, thậm chí có khi còn thoái lùi trong các hoạt động tương tác và có khi còn bộc lộ ra những phản ứng rất khó lường về hành vi và cảm xúc. Thì đến lúc đó, PH mới rút kinh nghiệm khá muộn màng trong việc định hướng cho con.
Có một vài phụ huynh đã tâm sự – Giá như khi cháu còn nhỏ, tôi biết tập trung cho cháu những kỹ năng cá nhân thiết yếu, biết tự phục vụ bản thân, biết cùng làm việc nhà với mẹ, thì đến bây giờ cho dù cháu còn kém cỏi về văn hóa, nhưng cũng không khiến cho bố mẹ vẫn cứ phải phục vụ một cậu thiếu niên khôi ngô đĩnh đạc nhưng vụng về trong các các hoạt động cá nhân như một đứa trẻ lên ..ba ! Thế nhưng, nếu như có phép màu kéo lui lại thời gian – thì có lẽ Phụ huynh vẫn cứ tiếp tục xây ước mơ con mình có thể bước vào một ngôi trường, ngồi chung với các bạn …. Hơn là xắn tay lên để huấn luyện con những chuyện lặt vặt trong gia đình , vì đối với PH thì đó không phải là điều quan trọng càng không phải là mục tiêu của “chương trình can thiệp” cho trẻ hòa nhập!
Những chuyện tự biết ăn uống, tắm rửa, quét dọn nhà cửa .. đâu phải là mục tiêu được đặt lên hàng ưu tiên ? Đã có bố mẹ và ô sin hay chính bố mẹ cũng là ô sin, phục vụ con tận răng, chỉ yêu cầu là con phải biết học, biết đọc, viết, làm toán ..mà mục tiêu là phải vào tiểu học cho bằng được, rồi sau đó lên trung học ….Tuy không mong con vào Harvard nhưng ít ra thì cũng phải hết cấp Ba, vào cao đẳng mới may ra có thể sống được trong xã hội này – Trong khi ngoài xã hội hiện nay, không thiếu các bạn trẻ cũng chỉ vì giấc mơ Đại học mà đã trở thành cử nhân xe ôm – được mặc áo xanh, áo đỏ làm việc cho tập đoàn nước ngoài và đi đây đi đó suốt ngày trong thành phố !
Đó là chưa nói đến những trường hợp đau lòng, khi đứa trẻ phải “cách ly xã hội bắt buộc” không phải trong 14 ngày – mà đằng đẵng từ năm này qua năm khác – không phải vì sợ dịch Covid – mà sợ nếu cho trẻ bước ra ngoài, đến trung tâm can thiệp thì mang tiếng mình là người thế nào mới có một đứa con như vậy ! Còn cho con đến trường bình thường thì ba bảy 21 ngày là đưa con về, vì bạn bè không chịu chơi, không chịu nhường nhịn nó, và cô giáo cũng không ưu tiên chăm sóc nó, và cũng không chiu đựng được những hành vi bất thường của con, dù đã có gủi gắm ? – Mình đủ điều kiện nuôi con ở nhà, thuê hai ba cô giáo đến dạy con, trang bị cho con đủ loại đồ chơi hàng hiệu, có cả osin riêng để phục vụ, thì cần gì phải cho nó đi can thiệp cho vất vả ? – Đứa trẻ ở nhà, như một con chim trong cái lồng son , cho dù chưa có khả năng tự giao tiếp, nhưng nếu được hướng dẫn bằng thực hành trong môi trường xã hội thì có thể đạt được những giao tiếp cơ bản. Đã không được tương tác với các cảm xúc tích cực trong các hoạt động vui chơi với GV, với các trẻ khác , trẻ sẽ như một miếng bọt biển, hút tất cả những cảm xúc tiêu cực chung quanh trong cái “ lồng son vĩ đại” đó – Bữa nào bố mẹ vui vẻ, thoải mái thì con cũng bớt lo lắng, căng thẳng. Thế nhưng, cuộc sống gia đình thì làm sao tránh khỏi những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” hay có khi , bố mẹ mang những áp lực, căng thẳng và phiền muộn từ cơ quan, công ty về nhà với một tinh thần mệt mỏi, khó chịu… Thì các cảm xúc đó sẽ lan tỏa trong gia đình, và đứa trẻ lãnh đủ mà bố mẹ không hề biết !
Đã có những trường hợp, một bạn VIP đi học vui vẻ, nhưng một hôm đến trường thì khóc la , cô giáo không thể dỗ dành. Khi hỏi ra thì hôm trước, bố mẹ cãi nhau làm cho trẻ hoảng sợ, nhưng trẻ không phản ứng ngay, mà đến hôm sau khi đến trường trẻ mới bộc lộ ra . Cũng có trường hợp, trẻ đang vui vẻ học ở nhà , thế rồi vào một ngày đẹp trời, khi cô giáo đến can thiệp như thường lệ, thì trẻ bùng nổ những hành vi tiêu cực, có khi la hét không sao kiểm soát được, mặc dù bình thường tre rất nghe lời cô. Đó chính là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị “nhiễm” sự lo lắng căng thẳng ngay tại gia đình minh, và chỉ có những hoạt động bên ngoài môi trường gia đình , trong một thời gian mới có khả năng “điều trị”, chứ không phải một vài buổi đi chơi, du lịch với gia đình là đã giải quyết được vấn đề.
Có thể nói, một bạn nhỏ có tình trạng tự kỷ nếu có được bố mẹ chấp nhận tình trạng của con, thống nhất với nhau trong việc can thiệp, coi trọng những phát triển về cảm xúc, đầu tư cho con nhận biết những kỹ năng cá nhân thiết yếu và thực tế trong cuộc sống hàng ngày, trước khi đặt ra mục tiêu biết đọc biết viết để đi học lớp một. Thì đó là một niềm vui cho các bạn ấy , chính niềm vui được là chính mình đó sẽ tạo niềm vui cho bố mẹ khi trẻ đã lớn lên, cho dù khả năng văn hóa có hạn chế, nhưng các kỹ năng cá nhân và khả năng tương tác xã hội đạt được những kết quả tốt, thì nó có thể giúp cho trẻ không phải là “hòa nhập” mà là biết “thích nghi “ với môi trường xung quanh, để từ đó – có một cuộc sống ổn định với tình trạng tự kỷ của mình.
Tại sao lại với tình trạng tự kỷ ? bởi vì cho đế nay, người ta vẫn phải chấp nhận là tình trạng rối loạn Phát triển lan tỏa – một tên gọi khác của chứng Tự kỷ , là một rối loạn không thể chữa lành ! Hãy thử hỏi phu huynh của các trẻ lớn – dù có can thiệp tốt đến đâu, thì khả năng thích nghi, linh hoạt với cuộc sống vẫn còn những hạn chế – các em không thể cư xử một cách hoàn toàn như một người bình thường – vì thể, trẻ tự kỷ khi lớn lên sẽ là người tự kỷ ! Chỉ có điều khác biệt là nếu được đầu tư về mặt cảm xúc – thì đó sẽ là một đứa trẻ tự kỷ thoải mái, vui vẻ và khi lớn lên sẽ là một người tự kỷ hạnh phúc . Đó không phải là mục đích của giáo dục hay sao ? Ngay cả một người bình thường, nếu thiếu kỹ năng sống cho dù có được giáo dục đầy đủ, thậm chí bằng cấp đầy người, cũng vẫn có những căng thẳng không thích nghi được với cuộc sống – có thể đi đến trầm cảm hay suy nhược thần kinh – rối loạn cảm xúc hưng trầm cảm – mà nhiều người gọi đó là “tự kỷ” – Trong khi đó, chính các trẻ Tự kỷ “chính hiệu” thì lại bị ép vào một cái khuôn – để phải bước chân vào ngưỡng cửa nhà trường đánh vật với chữ và nghĩa, với một “hy vọng hão huyền” của bố mẹ là biết đâu – nhờ môi trường bình thường xung quanh trẻ, các em sẽ “dần dần hồi phục” các em sẽ chơi với trẻ bình thường để trở nên bình thường – Điều đó có thể đúng với các trẻ không phải là tự kỷ nhưng bị “dán cho cái nhãn Tự kỷ” – điều đó có thể đạt đươc trong một số lĩnh vực nào đó. Nhưng có thể nói rằng, dù như thế nào thì trẻ Đặc biệt ( bao gồm Tự kỷ – tăng động kém chú ý và Chậm phát Triển ) vẫn không thể có khả năng “ quản lý cuộc đời” – Các em có thể không còn các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi … Thậm chí các em có thể là HS giỏi toán, giỏi tin học . Nhưng các em vẫn khó có thể có khả năng đối phó với những “ tráo trở” hay sự phức tạp về ứng xử trong cuộc sống đời thường – Các em luôn là những người “ thật như đếm” không hề biết nói dối mà không chớp mắt – không bao giơ là những kẻ “nói vậy mà không phải vậy” hay nói một đằng làm một nẻo ! Nhưng cũng chính vì điều đó, mà các em rất kém cỏi trong khả năng thích nghi với cuộc sống trong xã hội của những người “bình thường” .
Là bố mẹ, ai cũng mong con có cuộc sống hạnh phúc, an lành và có khả năng tự lo cho bản thân, vì vậy thay vì cứ mải miết chạy theo hy vọng “ hòa nhập” mà đem con đi “ chữa trị” với đủ kiểu can thiệp trên đời để mong con “trở lại bình thường” hay có khi lại xây cho mình cái ảo tưởng là con đang trở nên bình thường với những tiến bộ trong việc học, mà không để ý đến những cảm xúc tiêu cực của con trước áp lực của các phương pháp can thiệp nghiêm nhặt, mà phụ huynh quyết tâm đạt cho bằng được!
Phụ huynh cần thấy rằng, niềm vui mà con mong muốn, không ở đâu xa, đó chính là những cảm xúc tích cực mà mình dành cho đứa con yêu dấu ! Tuy nhiên điều nguy hiểm ở đây là đừng bao giờ phụ huynh “áp đặt và chiều chuộng” đứa con đặc biệt của mình ! Chiều chuộng là sự bao bọc, làm thay, đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ kể cả các yêu cầu có phần quá đáng, vì nó là một đứa trẻ đáng thương ! nên “thôi kệ” , nhưng còn áp đặt thì sao? Chính các hình thức kỷ luật cứng nhắc trong kỹ thuật can thiệp cho trẻ là sự áp đặt, chính việc bắt trẻ bằng mọi cách phải quy phục mình, dù là để tập cho tre nói hay dạy cho trẻ học cũng là sự áp đặt. Thậm chí, nếu như trẻ không thể hay chưa thể bước vào ngôi trường, mà mình cứ nhất quyết phải “nhét” cho bằng được đứa con của mình vào vì nó đã nói được, đã viết được, làm toán được, biết trả lời, biết đặt câu hỏi … như một trẻ bình thường thì tại sao không cho nó đi hòa nhập ? Thậm chí là buổi sáng đi hòa nhập, buổi chiều đi can thiệp ! Buổi tối về mẹ “rèn con” ! Đó cũng là sự áp đặt – và một sự áp đặt tệ hại, chứ đừng cho rằng đó là một biện pháp hiệu quả.
Phải chăng chỉ có con đường hòa nhập, chỉ có con đường đến trường, khoác cho bằng được bộ đồng phục tiểu học, trung học với phù hiệu của trường ABC nào đó mới mục đích của đời con ? Không cho đi học, không có cái chữ lận lưng, làm sao con có thể tự sống được sau này ? Thực ra, không phải là con chữ mà là những kỹ năng cá nhân, sự khéo léo trong một lĩnh vực nào đó mới sẽ là điều giúp con và quan trọng là niềm vui , sự thoải mái trong cuộc sống, khả năng quản lý cảm xúc của con mới là mục đích mà bố mẹ cần vạch ra và cùng con đạt đến . Chắc chắn là cho đến khi lớn, trẻ vẫn cần có người hỗ trợ trong việc quản lý và tổ chức cuộc sống ! Vì vậy, đừng để trẻ phải quá căng thẳng, lo lắng , khủng hoảng vì chính sự lo lắng, mệt mỏi của chúng ta. Những người lớn, những bậc cha mẹ của trẻ Đặc Biệt, đừng nên cố gắng “Dạy con trong hoang mang” mà hãy với con “ sống vui cùng tự kỷ” !
CVTL Lê Khanh – TT GDĐB Diệp Quang An Giang.