LÀM CHỦ CẢM XÚC – PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG.
06/06/2020
Giáo dục là Dạy dỗ hay bầy Trò Chơi
23/06/2020
LÀM CHỦ CẢM XÚC – PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG.
06/06/2020
Giáo dục là Dạy dỗ hay bầy Trò Chơi
23/06/2020

Chiều CN 07/6, đi dự buổi họp mặt cựu sinh viên của khoa Phụ Nữ Học ( sau 2 năm đổi tên là khoa Xã Hội học còn nay là khoa Xã hội học – Công tác Xã hội – Đông Nam Á học ) của trường Đại học Mở – Bán Công TPHCM. Ngồi nhìn các bạn cũ, thầy cô xưa … chợt nghĩ đến những điều đầu tiên trong cuộc đời  và nhận ra là mình có lắm cái đầu tiên.

Cái việc đầu tiên là sau khi học xong lớp 12, đã dự thi kỳ thi tú tài theo hình thức trắc nghiệm, đầu tiên và cũng là cuối cùng của chế độ VNCH. Đến năm 1974, cũng lại trở thành sinh viên của trường ĐH Nhân văn & Nghệ Thuật ( của Viện Đại học Minh Đức ) cũng là khóa đầu tiên và cuối cùng vì kết thúc nửa chừng do biến cố 1975..

Từ 1975 – 1985 sau gần 10 năm lận đận trong dòng đời – Bắt đầu việc làm tại Trung tâm Sức Khỏe Tâm Thần TPHCM ( Sau lại đổi tên là Bệnh viện Tâm Thần )  Lại là người đầu tiên mở một ngôi trường cho trẻ Chậm phát triển dưới tên Trường Tương Lai Q,1  theo mô hình “ Phụ huynh tự nguyện đóng góp “ và cùng với chính quyền địa phương quản lý trường, khác với cách tổ chức của hệ thống trường Tương Lai của các quận khác..

Đến 1992 khoa Phụ nữ học ( thực chất là ngành Công Tác Xã Hội ) mở lớp về CTXH đầu tiên – tớ cũng là sinh viên của khóa đầu tiên và cũng là cuối cùng của danh xưng Phụ Nữ học ( 2 năm sau đổi thành khoa Xã hội học ).

Với cái tính thích đi đây đó – Tớ cũng là nhân viên được cử lên Đà Lạt cùng với hội Phụ Nữ tỉnh Lâm Đồng và các Soeur dòng Vinh Sơn – mở ra ngôi trường “ Hoa Phong Lan” là trường đầu tiên dạy trẻ Chậm phát triển tại TP Đà Lạt ( 1987) .  Hoạt động này cũng là động lực thúc đầy cho một số địa phương mở ra các trường chuyên biệt cho trẻ Chậm phát triển sau này ( lúc đó chưa có khái niệm về trẻ Tự kỷ ) dưới cái tên chung là trường chuyên biệt Tương Lai .

Hệ thống các trường dạy trẻ Khiếm Thính có tên Hy Vọng, cũng là xuất phát từ một lớp học tại khoa tâm thần trẻ em 197 Phan Đăng Lưu – nơi tớ công tác , sau đó chuyển sang trường Tương Lai Quận 1, rồi tách riêng ra thành 2 đơn vị là trường chuyên biệt Hy Vọng Bình Thạnh và trường chuyên biệt Hy Vọng 1 tại Nhà Thờ Đức Bà – Q.1 .

Đến năm 1991 – một bước ngoặc lớn trong cuộc đời đến với tớ khi  tham dự hội thảo “ Nghiên cứu về tâm lý Lâm sàng Trẻ em Việt Nam” do trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em của BS Nguyễn Khắc Viện ( ra đời năm 1989 ) lần đầu tổ chức tại Hà Nội.  Trung tâm NT ( Nghiên cứu Tâm Lý Trẻ em ) cũng là một NGO đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng trẻ em – một lĩnh vực mới mẻ của VN

Sau hội thảo, quay về Sài Gòn, từ giã Trung tâm Sức Khỏe Tâm thần , nơi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ (buồn nhiều hơn vui ) ,cũng là người tham gia tổ chức văn phòng NT2 ( chi nhánh của NT Hà Nội ) lần đầu tiên mở ra và hoạt động như 1 phòng khám tâm lý tự chủ về tài chính tại TP HCM từ 1993 cho đến năm 2001  . ( Tớ du học bên Pháp năm 2000 )

Trong vai trò một chuyên viên Tâm lý , tớ cũng hoạt động trong ngành công tác xã hội với dự an Tương Lai – nơi tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trẻ đường phố ( một trong nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ) cũng là 1 hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực này. Sau đó là vai trò của chuyên viên tham vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Y Tế Quận 7 .trước khi lên đường qua Mỹ năm 2007 ( lần đầu và chắc cũng là lần cuối ).

Đến năm 2010, lại được mời tham gia hoạt động trong vai trò chuyên viên tâm lý – giáo dục tại trường LiMa  , một đơn vị trực thuộc hệ thống PACE ( Một đơn vị đào tạo doanh nghiệp ) – Lima cũng được xem là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống cho các Phụ huynh và trẻ em từ Mẫu Giáo – Tiểu học và Trung Học. Dù chỉ hoạt động được 1 năm, nhưng Lima được xem là nguồn thúc đầy cho các đơn vị khác trong hoạt động huấn luyện Kỹ Năng sống phát triển ồ ạt trong thập niên 2010 – 2020.

Sau Lima – lại do một cơ duyên đẩy đưa để đến với thành Phố Vũng Tàu , cùng với một số “ bạn hữu” mở ra trung tâm “ Rồng Việt Vũng Tàu” cũng là đơn vị đầu tiên tại TP Biển trong hoạt động giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh và tư vấn tâm lý cho trẻ đặc biệt.  Sở dĩ có cái tên Rồng Việt Vũng Tàu là do khi khời xướng, tớ có hợp tác với Cty cổ phần Rồng Việt tại Sài Gòn , và cũng là người đưa ra  các hoạt động can thiệp cho trẻ đặc biệt tại đây, để từ hạt giống này, Cty Rồng Việt với chiến thuật phát triển qua việc hợp tác với các cơ sở địa phương để mở ra hàng loạt các Trung Tâm Rồng Việt ở các quận nội thành và ở các tỉnh. ( 24 chi nhánh TPHCM và 26 chi nhánh các tỉnh ).

Sau hơn 3 năm với quá nhiều sóng gió, xung đột và cảm xúc tại Vũng Tàu ( vẫn là buồn nhiều hơn vui ) … Lại cũng do “ cơ duyên” mà về Sai Gòn mở ra các khóa huấn luyện cho Giáo viên và phụ huynh trẻ Đặc Biệt năm 2015.  Ban đầu, chỉ nghĩ là mở ra cho GV tại Sài Gòn, nhưng sau khi giới thiệu lên Face book – thì các phụ huynh ở Hà Nội đã có đề nghị tổ chức . Thế là bắt đầu cho một chuỗi hành trình tập huấn và hội thảo được thực hiện tại hầu hết các tỉnh thành khu vực phía Bắc, từ Móng Cái, Lào Cai, Thái Nguyên , Lạng Sơn…cho đến Hải Phòng,  Thanh Hóa, Vinh  và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng – Nha Trang  rồi Pleiku , Buôn Mê Thuột  Tây Ninh và các tỉnh Miền Tây  như Cần Thơ, Cà Mau …

Hành trình rong duổi, vừa tập huấn vừa đi chơi của một anh chuyên viên tâm lý “ độc hành đại đạo” với các khóa tập huấn có lẽ cũng hấp dẫn , khiến các “chuyên gia” động lòng, để rồi sau đó rất nhiều các “cao thủ võ lâm” của các đơn vị Nhà nước cũng như tư nhân, nhảy vào hoạt động  “huấn luyện tập huấn” trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt – mở ra phong trào huấn luyện rất sôi nổi cho đến tận ngày nay.

Cũng trong thời gian “ chìm đắm” trong các hoạt động đó , lại có 2 hoạt động “nhớ đời” là tham gia với Công ty Giáo Dục Kidstime ( Hà Nội ) với vai trò phó chủ tịch hội đồng chuyên môn – để mở ra chi nhánh Kidstime Bình Thạnh tại TP.HCM. Hoạt động thứ 2 đáng nhớ hơn và sau một buổi nói chuyện “cho vui” lại đưa đẩy đôi chân đến với ngôi trường Bình Minh ở Từ Sơn – Bắc Ninh với vai trò chuyên viên – được làm quen với 1 cô giáo đặc biệt để có những buổi chém gió say sưa hơn 3 giờ và những buổi hội thảo từ 9h sáng đến tận 17h chiều mà người dự vẫn còn chưa muốn chấm dứt. Cũng có thể gọi là những chuyện đầu tiên… với nguồn cảm hứng này, sau cuốn sách đầu tiên viết về Trẻ đặc biệt là cuốn “ Trẻ Tự kỷ – những thiên thần Bất Hạnh năm 2004 – sau đó là hơn 10 đầu sách về giáo dục và giáo dục đặc biệt ( 2004 – 2012)  , thì mãi đến 2019 tớ mới tiếp tục cầm viết để có tập sách : Cùng con vượt qua hàng rào Giao Tiếp.

Đến hôm nay, khi quá tuổi về hưu, lại lặn lội xuống huyện Chợ Mới tỉnh An Giang – để phụ trách vai trò GĐ Chuyên Môn cho một trung tâm lần đầu tiên mở ra ở một thị trấn miền Tây Nam bộ với diện tích 3000 m2 và đầy đủ cả 3 lĩnh vực : Y Tế – Tâm Lý – Giáo dục với các khu vực sân Chơi ngoài trời, Phòng Tâm vận động ,phòng can thiệp giáo dục cá nhân và khu Phục hồi chức năng cùng các công trình phụ trợ như hồ bơi, vườn cây ăn trái vườn rau xanh và vườn hoa.  Đây thực sự là một điều mơ ước của tớ trong suốt hành trình gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực này để lại có thể bắt đầu “nghĩ ra” những cái “đầu tiên” trong các kế hoạch can thiệp – giáo dục – hướng nghiệp cho trẻ đăc biệt và sau này là trẻ em nghèo tại địa phương.

Nhìn lại quãng đời đã qua, gắn bó với ngành tâm lý và giáo dục đặc biệt – với những sáng kiến và đóng góp trong những hoạt động đầu tiên – và dĩ nhiên là không thể gọi là hoàn thiện nếu so với những người tổ chức những hoạt động sau này trong lĩnh vực GDĐB . Một lĩnh vực thực sự phức tạp, đa dạng và khó khăn…Đòi hòi sự tham gia và phối hợp của nhiều tổ chức, nhiều chuyên viên đa ngành, ( Y tế – Giáo dục – Tâm lý ) cho đến nay vẫn chưa thể nói là ổn định, dù đã có những bước tiến vượt bực, mà những người tiên phong như tớ không thể hình dung được trong những năm của các thập niên trước đây.

Dẫu sao thì cho đến một ngày nào đó nếu có thể “rửa tay – gác kiếm” tớ vẫn cảm thấy hài lòng về những điều đầu tiên mà mình đã làm được – và cũng thỏa lòng với con đường lận đận gian nan mà tớ đã trải qua trên đất khổ, để không phải nuối tiếc con đường mà mình đã chọn vào năm 1990 – con đường của một chuyên viên tâm lý lâm sàng trẻ em.

Lê Khanh – Nhớ hoài niệm để xây ước mơ.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý