BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THÂN
18/04/2023
CAN THIỆP TRẺ ĐẶC BIỆT – DẠY TRẺ HAY HỌC TỪ TRẺ ?
10/06/2023
BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THÂN
18/04/2023
CAN THIỆP TRẺ ĐẶC BIỆT – DẠY TRẺ HAY HỌC TỪ TRẺ ?
10/06/2023

Chúng ta ai cũng biết – đứa trẻ sinh ra phải được nuôi dưỡng và chăm sóc, không chỉ là được ăn, được uống, mà còn phải được quan tâm, yêu thương và chấp nhận. Đó là những nhu cầu về tính thần hay tâm lý mà đứa trẻ cần phải được tiếp nhận một cách hiệu quả và hợp lý .  Nếu như việc dinh dưỡng đúng cách sẽ đem lại cho con người sức khỏe về thể chất, thì việc chăm sóc đúng cách cũng đem lại cho đứa trẻ sự khỏe mạnh về mặt tinh thần và được biểu lộ bằng sự tự tin, khả năng kiểm soát cảm xúc và biết tao ra những kết nối với mọi người.

Một đứa trẻ 3 tuổi sẽ mong đợi nhận được từ bố mẹ điều gì ?

Tình yêu thương: Trẻ cần cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm của người lớn. Tình yêu thương là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, yêu thương không phải là  bảo bọc, làm thay mọi thứ trong hoạt động chăm sóc và lại càng không phải là sự chiều chuộng, muốn gì cũng được đối vói trẻ . Sự yêu thương ở đây là sự hỏi han, hướng dẫn cho trẻ thực hiện các hoạt động tự phục vụ. Tạo cơ hội cho trẻ được hoạt  động và vui chơi theo sở thích và chấp nhận những yếu kém của trẻ, để khuyến khích trẻ cải thiện trong khả năng có thể của mình. Yêu thương cũng là sự tôn trọng và biết lắng nghe những mong đợi đến từ con, không áp đặt buộc trẻ phải chấp nhận những định kiến đến từ bên ngoài xã hội.

Sự kiên định: Trẻ con cần được biết lập trường hay cách ứng xử  của phụ huynh và lập trường này phải luôn vững vàng. Điều này có thể được hiểu một cách đơn giản là : Nhất quán trong cách ứng xử và chăm sóc. Cái gì cho thì sẽ được, cái gì đã không cho thì không khi nào đáp ứng, nó đi ngược lại với sự chiều chuộng, nghĩa là đáp ứng mọi đòi hỏi, dù điều đó là không phù hợp với một lý do rất tự nhiên : Trẻ nhỏ biết gì – thôi cứ chiều nó cho xong ! Mai mốt nó lớn sẽ dạy nó sau cũng được .  Đây chính là sự biện minh cho sự nhu nhược hay thiếu quyết đoán của bố mẹ.  Ngoài ra, một thái độ thiếu rõ ràng, sáng nắng chiều mưa, khi vui thì cho qua, khi bực mình lại trừng phạt cũng khiến cho trẻ hoang mang lo lắng, đồng thời cũng là mầm mống cho những cách đối phó mang tính gian dối ở trẻ ..

Giải quyết sự căng thẳng trong Gia đình: Sự căng thẳng là yếu tố tai hại nhất ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con. Chẳng có ích gì khi nuôi dạy con bằng sách vở  hay những bài học đạo đức mà gia đình như một bãi chiến trường. Những xói mòn trong quan hệ của người lớn chẳng bao giờ giấu được trẻ con. Điều tốt nhất mà bố mẹ  có thể làm cho con mình là sống tử tế với nhau. Trong trường hợp nếu có những mâu thuẫn hay xung đột thì cần tránh  sự tranh cãi hay giải quyết vấn đề trước mặt con  và cần phải có sự thống nhất trong các biện pháp giáo dục trẻ. Nếu không thể thì cần phải phân chia từng lĩnh vực khác nhau và bố mẹ sẽ có trách nhiệm và quyền hạn trong mỗi lĩnh vực cụ thể. .

Tình trạng bạo hành về thể chất lẫn tinh thần giữa bố mẹ, luôn luôn để lại những sang chấn hay vết thương về tâm lý trong tâm hồn đứa trẻ.  Hãy thận trọng việc nầy nếu mong muốn con trẻ được phát triển hài hòa .

Làm gương tốt: Trẻ con không thể cư xử tốt hơn những người mà chúng noi theo. Nói cách khác, trẻ học tập và phát triển tính cách cùng các kỹ năng qua việc bắt chước hay noi gương . Một gia đình mà bố mẹ bừa bãi, lười biếng , có nhiều thói xấu thì chắc hẳn sẽ rất khó để dạy cho trẻ sự gọn gang, chu đáo và có được sự lương thiện trong cách ứng xử sau này.

Mong đợi hợp lý: Phụ huynh cần biết khả năng của con mình đến đâu và nên mong đợi những gì hợp lý từ con mình. Những mong muốn thiếu thực tế sẽ gây ra các vấn đề tâm lý tiêu cực Bố mẹ nên nhớ, những kỳ vọng không phù hợp với tính cách và khả năng của trẻ, chỉ tạo ra những áp lực , đôi khi quá mức chịu đựng của trẻ . Chúng ta không bỏ mặc, không giao khoán việc dạy dỗ cho người ngoài, nhưng cũng không so sánh trẻ với con hàng xóm để rồi có những yêu cầu hay mong đơi quá mức cần thiết gây ra những áp lực cho con .

Vui đùa và thích thú: Trẻ con nên được nuôi dạy trong một bầu khi vui vẻ  của những ông bố bà mẹ thích vui đùa vì có chúng bên cạnh. Một số người nghiêm khắc quá sẽ làm cho việc nuôi con giống như làm thí nghiệm với những nguyên tắc chặt chẽ và cứng nhắc. Không thể có tình yêu thương đối với những đối tượng làm thí nghiệm .

Tự tin: Đây là bí quyết để làm bố mẹ một cách hiệu quả. Những ông bố bà mẹ tự tin là những người lạc quan và những ông bố bà mẹ lạc quan là những người  mạnh mẽ nhất. Không thể dễ dàng để có được sư tự tin nếu không hiểu rõ về tính cách của con, cũng như cần có khả năng tổ chức và quản lý cảm xúc một cách hiệu quả .  Sinh con nên bố mẹ,  chính việc chăm sóc con tử tế  là cách rèn luyện khả năng tự tin cho bố mẹ một cách hiệu quả .

Với trẻ từ 5 – 6 tuổi :  Ngoài các nhu cầu trên, trẻ đã dần xác định tính cách là một người có các yếu tố Hướng Nội hay Hướng Ngoại , Trẻ trầm tĩnh hay hoạt bát là do ảnh hưởng bới tính cách, dù môi trường giáo dục cũng góp phần trong đó.  Điều trẻ mong đợi vẫn luôn là sự chấp nhận tính cách và năng lực của mình. Đứa trẻ thường xuyên hoạt động và  đưa ra thắc mắc, các câu hỏi mà mục tiêu không phải là nội dung  câu trả lời nhưng đó là cách trả lời , để thể hiện sự quan tâm của người lớn .

Sự Tôn trọng :   Đây là nhu cầu gắn bó với trẻ cho đến khi trưởng thành, trẻ cần được lắng nghe và chấp nhận những suy nghĩ riêng, dù có thể là chưa xác đáng mà qua những gợi ý, trẻ có thể tự điều chỉnh . Nhưng một thái độ áp đặt, buộc trẻ phải chất nhận những quan điểm của người lớn , cho dù điều đó có đúng đi chăng nữa, chỉ làm cho trẻ trở nên tự ti hơn, thu rút và dễ phát sinh những phản ứng tiêu cực .

  Sự so sánh : Đây là một biện pháp giáo dục sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải, bố mẹ thường đưa những tấm gương về học tập, về sự lễ phép, ngoan ngoãn, siêng năng của những trẻ khác ra để so sánh với những trì trệ hay yếu kém của trẻ. Người lớn cho rằng việc dùng biện pháp này sẽ làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ hay tự ái, mà cố gắng sửa chữa  để trở nên tốt hơn … Nhưng thông thường, thì đó là những điều khó đạt được, nên trẻ thay vì nỗ lực sẽ lại thấy rõ hơn sự yếu kém của mình để càng trở nên  tiêu cực hơn, vì cho rằng dù cố gắng đến mấy cũng không  tiến bộ hơn bao nhiêu. Thậm chí còn có thể trở nên căm ghét những trẻ ngoan hơn, giỏi hơn mình và có lẽ chỉ học thêm được tính ganh tỵ mà thôi .

Sự Chấp nhận : Trẻ cần được sự chấp nhận trong tiến trình xác định tính cách và năng lực , trẻ là một cá thể riêng biệt, không giống như các trẻ xung quanh ngay cả anh em trong nhà cũng có sự khác biệt, dù được thụ hưởng sự chăm sóc và giáo dục như nhau . Vì thế, bố mẹ và cả thầy cô cũng cần biết chấp nhận tính cách, cũng như năng lực khác nhau của trẻ.   Chúng ta biết rằng có đến 8 loại trí thông minh khác nhau, vì thế trẻ có thể giỏi về mặt này nhưng sẽ kém về mặt khác . Điều quan trọng là nhận biết các năng lực của trẻ ở mặt nào, để tạo các cơ hội cho trẻ phát triển phù hợp . Thay vì buộc trẻ phải nỗ lực phát triển những năng lực mà trẻ không có, hay yếu kém chỉ vì đó là mong muốn của cha mẹ .

Như vậy, tùy theo từng giai đoạn phát triển theo độ tuổi, mà trẻ có những nhu cầu về tâm lý nổi bật khác nhau nhưng tất cả các nhu cầu này đều có trong con người của trẻ. Nếu được thấu hiểu và đáp ứng một cách hợp lý, thì trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển và tránh được những rối loạn hay sang chấn tâm lý không cần thiết.

LÊ KHANH – Phòng Tư vấn TL GĐ& TE ,

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý