NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TRẺ EM
10/06/2023
NHU CẦU TÂM LÝ CỦA TRẺ EM
10/06/2023

Từ trước tới giờ – ai cũng nghĩ trẻ đặc biệt cũng có thể dạy như trẻ bình thường , vấn đề chỉ là cách dạy và kỹ thuật, phương pháp khác nhau . Người ta gọi đó là Giáo dục đặc biệt .  Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ các nguyên lý để dạy trẻ , mà các nhà khoa học sư phạm và tâm lý đã đề ra , thì nguyên lý đầu tiên của hầu hết các kỹ thuật đó là NƯƠNG THEO TRẺ – hay nói một cách văn vẻ là để trẻ DẪN LỐI !

Điều này, thực ra ngay cả với  nguyên lý Giáo dục bình thường là lấy trẻ làm trọng tâm thì cũng không có gì khác biệt – Nhưng tiếc thay, với giáo dục bình thường, người ta khồng hề lấy trẻ làm trong tâm, và vì thế theo quan điểm giáo dục này, khi vận dụng những kỹ thuật của giáo dục đặc biệt , người ta cũng không hề nương theo trẻ , mà chủ yếu là dẫn dụ thậm chí là ép buộc trẻ phải đi theo mình !

Hãy cứ nhìn vào hình minh họa của các buổi can thiệp 1 – 1 của GV  với trẻ đặc biệt thì ta thấy gì ? Trẻ và cô ngồi đối diện với nhau, và cô dùng hết khả năng ( thực ra là chỉ 1 phần ) của mình để dẫn dụ, để bó buộc trẻ phải nhìn vào mình, phải làm theo mình và phải nói theo mình !  Đã có bao nhiêu giáo viên có thể Làm theo trẻ, nói theo trẻ và nương theo các hoạt động của trẻ để hòa mình với trẻ, để làm bạn với trẻ ?  Không đơn giản đâu !

Có rất nhiều chương trình, phương pháp, kỹ thuật được các chuyên gia tổ chức để huấn luyện cho bố mẹ, cho giáo viên những kỹ thuật tập cho trẻ về ngôn ngữ, uốn nắn hay dập tắt hành vi tiêu cực…nhưng để thu hút được trẻ, thì thường các phụ huynh gặp thất bại ở điểm này – đó là không đủ kiên nhẫn để nương theo trẻ để giúp trẻ ổn định và phát triển.

Như vậy, có thể hiểu cái ý nghĩa của việc nương theo trẻ chính là học theo cách của trẻ – Một đứa trẻ lăng xăng không ngớt, có rất nhiều hành vi không giống ai, hầu như không nói được từ nào, hay có chăng chỉ là những âm vô nghĩa … điều đó cho thấy trẻ RẤT ĐỘNG –  Thế rồi, chúng ta làm gì ? Chúng ta tìm đủ mọi cách lôi kéo, thu hút sự chú ý của trẻ , từ cử chỉ đến lời nói, dùng đủ các công cụ đưa ra  trước mắt trẻ…. Nghĩa là chúng cũng RẤT ĐỘNG – có khi còn động hơn cả trẻ !  Như vậy, chúng ta đã lấy ĐỘNG để chế ĐỘNG, chứ không lấy TĨNH để chế ĐỘNG !  Động chế động thì chỉ làm leo thang sự xung động ! Tương tự như hai người cãi nhau, người này tìm cách nói to để át người kia ! Ban đầu cả hai đêu nói giọng bình thường – nhưng ngày càng TO TIẾNG, để trấn áp , nhưng thay vì làm cho cuộc cãi nhau đi đến chỗ hòa giải, sẽ làm cho cuộc cãi nhau đi đến chỗ bùng nổ  hay bế tắc.

Tôi dạy trẻ chứ có cãi nhau với trẻ đâu ? dĩ nhiên, nhưng tôi đang làm gì với trẻ vậy – tác động và can thiệp ? Đúng rồi – để làm gì ? Để buộc trẻ phải làm theo tôi ! vậy có giống với trấn áp, buộc kẻ đối diện phải thuận theo ý mình không ?  Tôi dạy cho trẻ cái đúng, chứ đâu dạy cho trẻ cái sai ? Đúng rồi, và trong cuộc cãi nhau thì ai cũng thấy là MÌNH ĐÚNG ! và phải làm mọi cách cho đối phương phải chấp nhận cái đúng của mình ! Giống không ?

Như vậy, chúng ta sẽ chọn cách CÃI NHAU với trẻ hay ĐỐI THOẠI với trẻ ? Dĩ nhiên là tôi chọn cái thứ hai – vậy nguyên lý đầu tiên của đối thoại là gì ? có phải là NÓI CHO TRẺ NGHE hay phải biết LẮNG NGHE TRẺ NÓI ?  Ủa, mà nó có NÓI GÌ ĐÂU, quậy như tinh chứ nói năng gì ?  vậy là phải HỌC CÁCH LẮNG NGHE TRẺ rồi !  Không chỉ phải học cách lắng nghe tiếng nói hay đúng hơn là thông điệp từ trẻ, mà ta con phải học cách HÒA MÌNH với trẻ – học cách GỬI CÁC THÔNG ĐIỆP đến với trẻ theo cách mà trẻ có thể chấp nhận – mà muốn cho trẻ nghe được thì phải tìm ra được  tần số âm thanh và sự rung động của trẻ.

Ai đã từng dò đài bắt sóng, đi tìm những tần số phù hợp để có thể tìm ra những âm thanh từ những cái Radio thì sẽ hiểu nghĩa chữ đi dò tần số –  Phải tập trung, phải nhẫn nại, phải dò dẫm từng chút một – nếu dò đúng, thì sẽ nghe được các âm thanh rõ rang trong trẻo, nếu dò chưa đúng thì chỉ có thể nghe được những tiếng rè rè hay những âm thanh , tiếng nói không rõ rang ….

Trong phương pháp trị liệu tâm lý THÂN CHỦ TRỌNG TÂM của Card Roger – chìa khóa của nó là LẮNG NGHE – THẤU CẢM và TÔN TRỌNG ! Trong nguyên lý của phương pháp TÂM VẬN ĐỘNG của Benard Aucoutourien cũng là phải để cho trẻ tự do bộc lộ qua vận động – đó cũng là lắng nghe và tôn trọng ! Trong phương pháp giáo dục nổi tiếng của Montessori cũng là tôn trọng và chấp nhận sự hoạt động của trẻ !    Và ngay cả một kỹ thuật trị liệu cho trẻ tự kỷ là Son Rise cũng là đi theo hành vi của trẻ !

Vậy thì chúng ta sẽ học được ở trẻ điều gì ?  Điều đầu tiên là học được cách quản lý cảm xúc ! Hẳn là không ít bậc bố mẹ đã phải phát khùng lên vì đứa con lăng xăng như một con rối của mình !  Không những không được hay không thể khùng lên vì trẻ, mà còn phải giữ cho được cái TÂM tĩnh tại, không chỉ tĩnh tại, mà còn phải có sự thú vị và vui vẻ ! Chúng ta đến với trẻ  bằng sự lo lắng, căng thẳng thì làm sao giúp trẻ thoải mái và bình ổn !    Điều thứ hai là học cách LẮNG NGHE – không phải nghe bằng hai tai, mà bằng trái tim và sự cảm nhận ! Hãy xem xét các hành vi, thái độ , phản ứng của trẻ ..để nghĩ xem trẻ muốn NÓI GÌ ? hay trẻ muốn LÀM GÌ ?  đâu là ý nghĩa đích thực của những hành vi tưởng như là vô nghĩa đó ! Sự kết  nối giữa chúng ta với trẻ không phải là sự kết nối từ cái miệng đến cái tai, mà là sự kết nối từ hành vi đến tâm thức ! hãy lắng nghe trẻ bằng trái tim !

Điều thứ ba là học được cách TÔN TRONG – vì chính sự tôn trọng mới là cội nguồn của sự TÌNH YÊU – chúng ta thường nói là phải yêu thương và thấu hiểu trẻ tự kỷ – nhưng thực chất là chúng ta đang THƯƠNG HẠI và SOI MÓI thì đúng hơn . Chúng ta thường nói : Tội nghiệp các em quá, thấy thương các em quá, chúng ta thương hại các em vì các em không giống chúng ta, không cùng ngôn ngữ không cùng hành vi, không biết lễ phép, ngoai ngoãn, nghe lời bố mẹ, thầy cô ! và chúng ta ra sức RÈN LUYỆN cho các em – Ép các em vào cái KHUÔN PHÉP – của sự vâng lời – nói sao làm vậy, hỏi phải trả lời , phải biết đọc biết viết, biết tính toán – Nói 1 lần không nghe thì nói 300 lần cũng phải nghe !

Chúng ta can thiệp cho trẻ, nhưng thực ra là chúng ta đang can thiệp vào CÁI TÂM NÁO ĐỘNG của chính mình  – chúng ta dạy trẻ sự băt chước – sự vâng lời – cách nói năng – chuyện học tập và gọi đó là Giáo dục hòa nhập , nhưng thực ra chúng ta đang học ở trẻ rất nhiều giá trị sống và nguyên tắc sống cần thiết : Sự TĨNH TẠI – sự  THẤU HIỂU và TÔN TRỌNG – Điều này sẽ giúp cho  chúng ta sự HIỂU BIẾT và giúp cho đứa trẻ sự BÌNH AN !

LÊ KHANH   ( Bài học rút ra sau một buổi chơi với trẻ )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý