hội chứng Hiếu động kém chú ý
03/05/2011
Trẻ học qua chơi đùa
04/05/2011
hội chứng Hiếu động kém chú ý
03/05/2011
Trẻ học qua chơi đùa
04/05/2011

Can thiệp sớm là việc tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục tại gia đình dành cho trẻ có vấn đề về tâm lý :Trẻ có  Hội chứng Tự Kỷ,

tình trạng chậm nói, Chậm Khôn, hiếu động.. với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý và giáo viên đặc biệt trong việc tác động cho trẻ trong một chương trình giành riêng cho mỗi trẻ .

 

CAN THIỆP SỚM LÀ GÌ

Can thiệp sớm nhằm giúp cho đứa trẻ phát triển trong các lĩnh vực:

  1. Khả năng di chuyển, vận động, nhìn và nghe.(Thể chất)
  2. Khả năng nhận thức và tiếp thu  (tri thức)
  3. Khả năng hiểu lời, nói ra và diễn tả (Ngôn ngữ)
  4. Khả năng tiếp xúc và chấp nhận người khác (Quan hệ)
  5. Khả năng tự phục vụ (ăn, uống, tắm) và tự giúp mình (Thích ứng)

Can thiệp sớm là đối kháng lại với sự chờ đợi thụ động, bằng những hoạt động từng bước một, xây dựng đường đi, định hướng phát triển cho trẻ. Đây  là những tác động giúp cho sự  tiến bộ mỗi ngày thêm một chút, là sự đấu tranh một cách khoa học, có phương pháp để đẩy lùi giới hạn của những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Nói cách khác, đó chính là sự tham gia tích cực và có kế hoạch của bạn dành cho con mình.

Chúng ta nên biết rằng Can thiệp sớm giúp cho các cháu bé từ 2 – 4 tuổi có được những tiến bộ tại gia đình, nhưng ngay cả những trẻ lớn tuổi hơn cũng vẫn có được những tiến bộ đáng kể nếu bố mẹ áp dụng một cách tích cực và đầy đủ mọi kế hoạch phát triển.

Phụ huynh có vai trò như thế nào trong chương trình Can thiệp sớm:

Bạn nên biết rằng, mặc dù xây dựng chương trình là sự tổ chức và hướng dẫn của các chuyên viên và giáo viên, nhưng vai trò của phụ huynh là trên hết. Sự can thiệp có được kết quả tích cực hay không là do sự tham gia của gia đình.

Cần phải biết rằng, theo những thống kê chính thức (của nước ngoài) một đứa trẻ được chăm sóc tại một cơ sở tập trung tiến bộ chậm hơn một đứa trẻ được chăm sóc tại môi trường trong gia đình. Nhưng sự chăm sóc ấy phải được vận dụng một cách thường xuyên, liên tục theo một kế hoạch đã định trước, và đứa trẻ phải được đối xử như một trẻ bình thường từ việc khen thưởng tới những biện pháp kỷ luật.

Với một trẻ có những khó khăn về giao tiếp và ngôn ngữ thì  việc tác động cần giúp cho trẻ phát triển nhiều khả năng về thị giác, thính giác, và cả xúc giác để giúp cho trẻ có những nhận thức đa đạng hơn về môi trường xung quanh

Trong giai đoạn đầu, chúng ta chưa đặt mục tiêu về ngôn ngữ, vì chỉ khi nào trẻ có được sự thoải mái và chấp nhận những sự tiếp xúc chng quanh cũng như có được một số “vốn liếng” về âm ngữ thì lúc đó, trẻ sẽ có nhu cầu để giao tiếp bằng ngôn ngữ.

Phụ huynh có thể làm gì cho con mình ?

Một trong những lo lắng của gia đình là tình trạng Chậm nói cũng như những khả năng kém cỏi của trẻ so với trẻ cùng lứa tuổi, và mọi nỗ lực của bố mẹ chỉ là cố gắng tập cho bé biết nói bằng những yêu cầu đại loại như :

–  Nói ba đi con , nói mẹ đi mẹ cho kẹo …hay nói theo mẹ này : Cho con bánh…nghĩa là phụ huynh đã tập cho trẻ theo kiểu học VẸT : Nói lặp lại mà trẻ không hiểu hay chưa hiểu TỪ đó là gì (Cũng có thể trẻ nhắc lại đúng từ Ba, má, ông, bà … nhưng khi bắt đầu tập nhắc lại các từ khác như ăn bánh, uống nước, đi chơi thì bắt đầu găp khó khăn )

Phụ huynh tập trung vào việc tập cho trẻ nói là điều không sai, nhưng đó là điều KHÓ NHẤT và sẽ mất thời gian nhất nếu như trẻ không có những khả năng hỗ trợ và nhu cầu giao tiếp ! Vì thế phụ huynh cần phải giúp trẻ phát triển bằng cách tập luyện và kích thích sự phát triển của nhiều giác quan khác để trẻ có đủ điều kiện và nhu cầu muốn NÓI !


KÍCH THÍCH THỊ GIÁC

Một trong những điều làm bố mẹ các trẻ Tự Kỷ, Hiếu Động Kém chú ý, cần quan tâm là khả năng nhìn của trẻ. Hầu như đứng trước mọi tác động của chúng ta, mọi sự kêu gọi, mọi sự kích thích đều được đáp trả bằng một cái nhìn thờ ơ, nhìn như không nhìn hay một cái nhìn lẩn tránh, né tránh ánh mắt, vì vậy việc tập luyện mắt ( hay tạo hướng nhìn có chủ đích) là một trong những điều mà chúng ta cần làm trước tiên.

Như vậy, để bắt tay vào việc xây dựng một chương trình chăm sóc, giáo dục tại gia đình chúng ta cần có sự chuẩn bị gia tăng tiềm lực chú ý ở mắt của trẻ – Hãy trang trí phòng bằng cách đặt trên tường và cả dưới nền nhà những hình ảnh nhiều mầu sắc gợi sự chú ý . Tranh ảnh, có những màu sắc tươi sáng và mầu sơn tường ( mầu xanh rêu là thích hợp )

Bạn nên có trong phòng một chiếc gương ( Có hai kích thước : Một cái tương tự như trong tủ áo đủ để cho trẻ nhìn thấy toàn bộ thân hình của bé , tấm gương này có thể là cánh cửa tủ hay một tấm gương gắn cố định trên tường  – Và một cái là gương để bàn, đủ để trẻ nhìn thấy trọn vẹn gương mặt của bé ). Trong phòng, bạn cũng nên có một vài cái đèn khác nhau, từ chiếc đèn bàn cho đến các loại đèn pin và cả một ống kính vạn hoa để giúp trẻ có khả năng tập trung sự chú ý hơn.

Bạn nên dùng ngay chính hình ảnh của bé ( bé đang chơi – bé đang dạo phố … ) và hình ảnh gia đình ( Bố mẹ dẫn tay bé đi chơi ) để trang trí bằng cách phóng lớn các tấm ảnh đó và treo lên tường . Trong quá trình chơi đùa với bé, bạn chỉ lên các bức tranh và đặt câu hỏi – cho dù bé có tỏ ra thờ ơ thì vẩn cứ hỏi và có thể tự trả lời – Bé đâu ? bé đây, bé làm gì ? Bé ăn cơm – bố đâu – bố đây, bố làm gì ? bố dẫn bé đi chơi .v.v.v

Trang bị những đồ chơi – đồ dùng có mầu sắc :

Bạn nên trang bị cho bé những dụng cụ có màu sắc thuần chất (trắng/ vàng/ đỏ/ xanh …) để vừa giúp trẻ nhận ra các đồ vật vừa có nhận thức về màu sắc. Bạn hạn chế dùng các vật dụng bằng thủy tinh hay bằng sứ vì có thể gây nguy hiểm nếu trẻ cầm không chắc, hoặc có những phản ứng không kiểm soát ( vì thế bạn sẽ phải cầm thay và điều này không giúp ích cho trẻ) . Thay vào đó là những cái ly , cái chén, bình nước, cái dĩa bằng nhựa cao cấp có mầu chuẩn (chỉ 1 màu duy nhất trên 1 sản phẩm ) có thể trẻ sẽ làm rơi nhưng không bị vỡ. Các bàn, ghế tủ của bé nếu có điều kiện thì cũng nên có những mầu sắc tươi sáng để giúp bé cảm thấy thoải mái trong căn phòng của bé (phòng ngủ – phòng sinh hoạt chung của gia đình )

Cần có một góc chơi

Có thể, căn nhà của bạn quá chật, quá bừa bộn và bạn cũng không có thì giờ và điều kiện tài chính để trang bị cho con mình một phòng riêng? Nhưng chắc hẳn là bạn có thể thiết kế một góc chơi nhỏ cho trẻ được chứ . Chỉ cần một cái tủ hay kệ, và một tấm thảm hay những miếng ghép bằng nhựa mềm (loại dùng làm dép xốp) và 1 diện tích khoảng 1m2 X 1m2 là đủ để chứa các đồ chơi, hình ảnh mà bạn có thể dùng để dạy cháu. Đó được xem là góc học tập của trẻ, và đó cũng là một không gian tự do của trẻ, nơi các bé có toàn quyền muốn làm gì thì làm ( kể cả chuyện xé, bẻ, bôi màu – loại chùi rửa được – lên trên vách.

Bạn nên gắn sát với sàn nhà một tấm bảng trắng bằng nhựa  cao 80 dài 1 m20. (để trẻ có thể viết vẽ, dán hình tùy thích ) bên cạch cái kệ, hay tủ đựng đồ chơi. Bạn cũng có thể mua cho cháu một cái bàn kiểu bàn uống trà Nhật với 4 chân có thể gấp lại được. và một tấm nệm dầy  hay mua cho cháu một cái ghế như hình bên, để có thể làm ghế ngôi ăn, bàn ngồi chơi…và cái thùng bên dưới để chứa đồ chơi. Bạn có thể thu xếp góc “học tập” này ở trong phòng ngủ của bố mẹ – hay phòng khách tùy theo kiến trúc của căn nhà. Bạn kết hợp các trang bị này với các bài tập giúp trẻ phát triển thị giác và hãy khuyến khích trẻ giao tiếp mắt ( nhìn vào bạn trực tiếp hay qua gương ) càng nhiều càng tốt.

KÍCH THÍCH THÍNH GIÁC

Bạn nên quan tâm đến các loại vật dụng,  đồ chơi phát ra tiếng động, bạn cũng có thể đeo cho bé một cái vòng, lục lạc – khi trẻ vận động, lục lạc sẽ kêu lên và điều đó khiến trẻ thích thú, sẽ lập lại và nó giúp ích cho sự phát triển vận động của trẻ.

Khi chơi đùa với con, bạn nên bắt chước lại các loại tiếng động, bạn cũng có thể tìm mua những món đồ chơi tạo ra các loại tiếng động. Có những trò chơi giúp trẻ chú ý hơn vào các loại âm thanh khác nhau.

Thường xuyên gọi tên trẻ:

Hãy gọi tên trẻ bằng nhiều mức độ ( cao/thấp – lớn/nhỏ ) để kích thích sự chú ý của trẻ. Chơi các trò chơi gọi tên trẻ hay giả tiếng gà gáy từ lớn đến nhỏ rồi ở mức độ thì thầm. Khi trò chuyện với trẻ, bạn nên nói một cách NGẮN GỌN, RÕ RÀNG và dùng các từ ngữ ĐƠN GIẢN – nếu trẻ tỏ ra chưa chú ý thì bạn nói to hơn, nếu trẻ đã nhận ra thì bạn nói nhỏ lại, nhưng đừng kéo dài ( ví dụ: mẹ lấy nước cho con đây – thay vì : Con uống nước không? mẹ rót nước nhé , nào thích uống nước gì nào ? …. )

Khi bạn massage (xoa bóp) cho trẻ, thì nên có những bản nhạc nhẹ kèm theo trong một bầu khí êm đềm có một chút hương thơm và những lời thì thầm bên tai bé. ( xin xem phần hướng dẫn massage cho trẻ ) Bạn cần biết thêm là thính giác hiện hữu ngay từ trong những ngày đầu tiên, chính vì ít được nghe các âm thanh cần thiết, và có khi lại phải nghe những âm thanh không thích hợp ( như tiếng nhạc và các thông tin quảng cáo trên TV) nên trẻ đã có những hạn chế về ngôn ngữ. Vì theo  Brazelton, đã cho thấy đứa trẻ ngay từ bé đã có khả năng chọn lựa âm thanh, nó hướng về phía âm thanh dễ chịu và không phản ứng hay có những phản ứng tiêu cực với loại âm thanh không ưa thích.

Một số hoạt động kích thích thính giác:

Bạn Thu thập một loạt các đồ vật phát ra âm thanh khác nhau (Các viên sỏi, cát rồi bỏ vào trong một cái hộp dán kín; chuông. Bạn cho các loại hạt ( Hạt sỏi, hạt đậu khô) vào trong 1 bình nhựa như chai nước suối, dùng giấy màu dán kín để trẻ không nhìn thấy các hạt sỏi hay đậu ở bên trong).

Chơi các trò chơi giúp trẻ nghe những âm thanh khác nhau. Giúp trẻ tự lắc các đồ vật đó. Dùng các đồ vật tạo âm thanh. Lúc này, tạo nên các âm từ các hướng khác nhau. Khuyến khích con bạn tìm nơi phát ra âm thanh. Bế con bạn lên, ghé sát mồm bạn vào tai trẻ khi bạn nói chuyện với bé. Nói bằng một giọng êm ái rõ ràng, thay đổi âm sắc khác nhau để con bạn lắng nghe. Hát các bài hát cho trẻ nghe. Bế trẻ và nhún trẻ theo điệu của bài hát.

Cho trẻ thấy cách gõ vào một cái chảo hoặc cái trống để tạo ra các âm thanh như thế nào. Giúp trẻ gõ nhẹ để tạo nên những âm thanh nhỏ và gõ mạnh để tạo nên những âm thanh to. Bé sẽ nhận ra là bé có thể tạo nên các âm thanh khi bé cử động tay.

KÍCH THÍCH XÚC GIÁC

Qua các nghiên cứu lâm sàng cho biết, một trong những nguy cơ làm gia tăng  tình trạng tự kỷ cho trẻ nhỏ là do các em bị sinh mổ. Lý do là khi sinh theo lối thông thường, làn da các em tiếp xúc một cách chặt chẽ và trong một thời gian tương đối dài với thành bên trong tử cung và đường sinh ra ( sinh đạo) từ đó, hệ thống cảm xúc trên da được kích thích, giúp trẻ dễ dàng chấp nhận việc tiếp xúc, ôm ấp vuốt ve của người mẹ sau này. Còn với những trẻ sinh mổ, các em bị “bốc”thẳng từ trong dạ con ( là môi trường nước ) ra ngoài không khí, các hệ thần kinh xúc giác trên da (Da là một hệ thần kinh cảm xúc ) không được kích thích, do đó nhiều trẻ không thích ôm ấp, hay không có cảm nhận về xúc giác ( không cảm nhận về đau, không biết nóng ) phản ứng chậm với những tác động qua da. Vì thế, một trong những biện pháp giúp trẻ lấy lại các cảm giác qua da là việc massage và việc chơi đùa, vuốt ve dưới nước cũng như qua các hoạt động Trị liệu bằng tâm vận động.

Trong các trò chơi, bạn có thể giúp trẻ khám phá ra những chất liệu khác nhau bằng việc cho trẻ sờ lên các chất liệu khác nhau :

Các chất liệu vải – Da – Nhựa simili – miếng chùi xoong – giấy nhám … Các chất liệu : Tượng đất sét – chén sành – ly nhựa – ly sứ ( cẩn thận kẻo vỡ ! )

Bạn cho trẻ đi chân trần trên nền xi măng, nền đất, nền cỏ, nền gỗ, nền gạch … và khi trẻ tiếp xúc với các chất liệu trên bạn nên giới thiệu với trẻ. ( chủ yếu thông qua các trò chơi ). Tìm nhiều đồ vật có kết cấu khác nhau như vải lụa, vải thô, len, giấy ráp, giấy, thảm, …. Cho trẻ chà xát tay vào các kết cấu đó và cảm nhận chúng. Cho trẻ cảm nhận bằng các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Trong giờ tắm hãy cho trẻ thưởng thức việc cảm nhận mọi thứ. Ví dụ, cho trẻ cảm nhận bánh xà phòng ướt, giúp trẻ vỗ nước, giúp trẻ cảm nhận nước ở các nhiệt độ khác nhau. Sau đó, khi lau khô cho bé, lấy khăn tắm lau tất cả các bộ phận trên cơ thể bé, lúc nhẹ nhàng, lúc mạnh tay. Quấn trẻ trong 1 chiếc khăn tắm và cho trẻ cảm nhận chiếc khăn đang quấn quanh người bé.

Bạn cũng nên kích thích Vị giác và vận động của lưỡi bằng cách khi đút cháo, thay vì tim cách đút thẳng vào miệng, thì bạn nên rà rà chung quanh miệng, chạm lên môi để kích thích bé phải thè lưỡi ra. Bạn cũng có thể bôi kem, chocolate xung quanh miệng của trẻ để trè liếm nhằm tác đông đến lưỡi. Tạo cơ hội cho trẻ  trải nghiệm các vị khác nhau. Bạn hãy cho trẻ nếm thử các loại thức ăn chua, ngọt, mặn, đắng. Chú ý xem phản ứng của bé đối với các vị này như thế nào. Những phản ứng đó là cách bé nói cho bạn biết bé thích và không thích vị nào. Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có cấu trúc khác nhau, giúp bé làm quen với các loại thức ăn đa dạng.

Tất cả các hoạt động kích thích giác quan bạn có thể đưa vào trong chương trình hoạt động hằng ngày. và nên tác động vào các thời điểm sau :

Buổi sáng khi trẻ vửa thức dậy ( Tác động về khả năng nghe – Thính giác ) – Lúc làm vệ sinh cho trẻ ( tác động về vận động miệng )

Lúc cho trẻ ăn sáng và ăn trưa ( tác động về Vị giác ) – Lúc chơi đùa ( Tác động về vận động  – thính và thị giác )

Lúc tắm và lúc massage cho trẻ ( tác động về xúc giác ) – Lúc chuẩn bị cho trẻ đi ngủ  ( tác động về nghe – nhìn )

Bạn hãy kiên trì, đừng nôn nóng , hãy tác động thường xuyên, liên tục và từng chút một, sau một thời gian từ  1 – 3 tháng, bạn sẽ thấy con bạn Linh hoạt hẳn lên, dù khả năng nói của trẻ vẫn còn hạn chế, nhưng điều đó sẽ đến !

Cv. Tl LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý